Thái Tuế
THÁI TUẾ
Thái tuế – còn gọi là Tuế âm, là biểu thị sao Mộc (mộc tinh) của thiên văn cổ trung quốc, đi vào thuật chiêm tinh cổ đại mà về sau phát triển thành 1 loại thần sát trong các môn thuật số.
NGUỒN GỐC
Vào thời Chiến quốc, đã tồn tại một loại cổ lịch gọi là “Tuế tinh kỷ niên pháp”, dùng để ghi chép thời gian dựa vào vị trí của sao Mộc tinh. Cứ 1 năm đi 1 cung, 12 năm đi hết 1 vòng.
Ban đầu, do khi người cổ đại quan sát thiên văn, công cụ thường sử dụng để định vị vị trí các “sao” là cột tiêu, vì thế mà phương vị nhiều khi lẫn lộn, không được chính xác.
Tuế tinh (tức mộc tinh) mỗi năm đi 31 độ xấp xỉ 1 cung (chu kỳ hồi quy của Mộc tinh là 398.88 ngày). Cứ 4332.59 ngày (11.8618 năm) thì đi hết 1 vòng quỹ đạo. Vậy nếu lấy 12 năm làm đơn vị chẵn, thì cứ 86 năm thì Tuế tinh sẽ sai số 1 cung, trong “Tuế tinh kỷ niên pháp” gọi là “Tuê tinh siêu thần”. Sai số này là một vấn đề phức tạp đối với thiên văn học cổ đại.
Để tránh né sai số trên, vào cuối thời chiến quốc, các nhà thiên văn đã sáng tác ra một sao Thái tuế tưởng tượng hoàn mỹ với chu kỳ đúng 12 năm 1 vòng quỹ đạo. Quỹ đạo của Thái tuế được ấn định là quay tròn cùng với Ngũ đại hành tinh. Kể từ đó, việc sử dụng “Tuế tinh kỷ niên pháp” trở nên thống nhất hơn cả về phương hướng và mốc thời gian. Ngoài ra, việc quy định Thái tuế mỗi năm đi 30 độ, 12 năm vừa vặn đi hết 1 vòng, cho nên có thể dùng để ghi chép biên niên thời gian khá chuẩn xác. Về sau, diễn biến thành “Can Chi kỷ niên pháp” – là phép ghi chép lịch pháp theo Can Chi, và duy trì cho tới ngày nay.
Trong “Văn Hiến thông bảo” viết “Thái Tuế, là Thần của 12 cung, Mộc tinh mỗi năm đi một THỨ, đi qua hết 12 cung thì hết 1 vòng, tứ Tý đến Tỵ là Dương, từ Ngọ đến Hợi là Âm, vì thế mà gọi là THÁI TUẾ THẬP NHỊ THẦN”. Người xưa đem 1 vòng Hoàng đạo chia làm 12 đoạn, mỗi đoạn ứng với 1 Địa chi gọi là 1 THỨ.
TÍN NGƯỠNG
Xưa coi Thái tuế là Quân vương, Hiệp Kỷ biện phương thư viết “Thái tuế, tượng của vua, là phương tối cát, người thường không thể dùng”. Thái tuế là quý thần, phương của nó đóng rất là tôn quý và cát lợi, nhưng chính vì phương của nó quá tôn quý như vậy, nên người thường mà dùng thì ngược lại, khó tránh được điều bất trắc, vì không phù hợp với thân phận. Thực ra, đây là câu chuyện đề cao “Quân Chủ” của thời phong kiến, vua đã dùng thì thường dân tuyệt không được xâm phạm.
Thái tuế không phải hung thần, mà là “thủ hộ thần”, tức là thẩn bảo trợ. Tam Mệnh thông hội viết :”Thái tuế, còn gọi là “chuyển chỉ sát”, quan trọng ở chỗ Đại vận, Nhật chủ cùng với Thái tuế cùng hòa thuận thì năm đó được tốt. Nếu mà gặp hình xung phá hại.. tương chiến cùng thái tuế, ắt là năm đó hung họa”. Viên Thụ San (Thanh mạt) viết :”Thái tuế – chí tôn, không phải là sát tinh”
Hiệp kỷ biện phương thư nói : “Tuế phá – là chỗ xung với Thái tuế, là chỗ không thể xây cất, di chuyển, giá thú, xuất hành… nếu phạm phải chủ tổn thất tài vật, hại đến gia trưởng. Chỉ có dùng làm hướng chiến phạt thì được tốt. Cho nên, Tuế phá là tối vi hung thần vậy. Nói như vậy, nghĩa là phương vị mà Tọa Thái Tuế – Hướng Tuế phá là phương vị tối lợi cho chinh phạt, mang nhiều sát khí.
Như vậy, trong Chiêm tinh thuật, xét các cung vị mà thấy :
“Hữu bối hình, Tả tiền đức” (sau lưng và bên phải là Tuế phá, đằng trước bên trái là Thái tuế) thì có thể chuyển CÁT thành HUNG, rất là bất lợi. Nếu lại Nghênh đức – Bối hình (ngồi phương thái tuế mà nhìn tuế phá) thì là phương vị Tối hung.
(Dẫn theo trang kilotuvi.blogspot.com/)