PHÂN BIỆT PHI TINH VÀ TỨ HÓA
Với những người mới bắt đầu học và nghiên cứu tử vi bắc phái (đặc biệt là những người đã học tử vi nam phái lâu năm), hầu hết sẽ có cảm giác rất chới với, không biết phải bắt đầu từ đâu vì khi đọc các sách về tứ hóa, chúng ta sẽ thấy các sao phi hóa bay loạn xạ trong mệnh bàn, hết sức phức tạp, hết sức khó luận. Tuy nhiên, để tăng được độ chính xác khi xem vận hạn thì tứ hóa phi tinh lại là một công cụ rất mạnh, rất đáng để quan tâm nghiên cứu. Vì thế, trong phạm vi bài viết này, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân mà tôi cho rằng sẽ hữu dụng với những người mới bắt đầu muốn tìm hiểu về tứ hóa phi tinh.
1. Phân nội ngoại:
Chúng ta hãy hình dung con người sống giữa trời và đất, chịu tác động của ngoại cảnh đến từ thiên và địa. Do đó, những yếu tố thuộc về bản thân chúng ta, thuộc về tâm tư tình cảm của chúng ta sẽ là yếu tố thuộc nội và ngược lại những yếu tố thuộc về môi trường bên ngoài, chúng ta không thể kiểm soát, chi phối được (thiên và địa) sẽ là yếu tố thuộc ngoại.
2. Phân biệt tam tài:
Chúng ta để ý rằng: trước khi lập lá số, trên tờ giấy của chúng ta đã mặc định phải có 12 ô vuông, và luôn luôn chúng ta xếp địa chi dần ở vị trí đó, địa chi mão ở kế tiếp….Điều này nghĩa là chúng ta đang đánh dấu có thứ tự 12 ô vuông hay nói cách khác là chúng ta đang phân bổ 12 địa chi vào 12 cung một cách có thứ tự, thứ tự này là cố định, không thay đổi, đây được gọi là tài địa. Thái tuế năm sinh sẽ được an vào cung có địa chi tương ứng, do đó địa chi năm sinh thuộc về tài địa. Thiên can năm sinh là tài thiên và ngày, giờ, tháng sinh sẽ thuộc tài nhân. Cung mệnh được an theo tháng và giờ sinh, do đó các cung chức sẽ thuộc tài nhân, biểu thị các mối quan hệ xã hội của đương số.
3. Phân biệt hệ thống can, tứ hóa và phi tinh:
Sau khi nạp địa chi cho 12 cung, chúng ta sẽ dùng can năm sinh theo quy tắc ngũ hổ độn để nạp thiên can cho 12 cung, đây gọi là hệ thống can cung nguyên thủy (hay can cung tiên thiên). Điều này cho thấy rằng: với mỗi thiên can năm sinh khác nhau, thì 12 cung sẽ nắm giữ 12 can nguyên thủy khác nhau (chú ý: tuổi giáp tuổi kỷ sẽ giống nhau về hệ thống can cung nguyên thủy do quy tắc ngũ hổ độn). Do đó, hệ thống can cung nguyên thủy thuộc về yếu tố nội (là thiên can mà bản cung đó nắm giữ) còn thiên can năm sinh sẽ thuộc về yếu tố ngoại (là thiên can độc lập bên ngoài lá số, không chịu sự chi phối của bất kỳ cung nào, tuổi nào).
Tứ hóa năm sinh (hay tứ hóa tiên thiên) được an vào lá số dựa theo can năm sinh. Điều này có thể được ví như trong tự nhiên, con người phải chịu những cơn mưa lũ hay những đợt nắng hạn từ trên trời (thiên can) giáng xuống. Từ đó, chúng ta dễ hình dung được Lộc, Quyền, Khoa, Kỵ được giáng xuống lá số từ thiên can năm sinh chính là TỨ HÓA thực sự mà chúng ta vẫn thường hay nói, đây có thể gọi là thực hóa.
Trong tứ hóa phái tập 1 (dịch giả Nguyễn Anh Vũ) có nói đến vấn đề giao dịch giữa các cung. Đại ý nói rằng khi các cung A phi hóa nhập vào cung B thì 2 cung đó có giao dịch với nhau. Chúng ta có thể đơn giản hóa như thế này: mỗi cung chức trong lá số nắm giữ 1 thiên can (can nguyên thủy), những thiên can này sẽ là công cụ để biểu thị tình cảm, nội tâm của cung chức đó đối với các cung khác (cung A phi hóa nhập B tức là cung A có tình cảm gì đó (yêu, ghét, giận hờn) với cung B). Do đó, cũng vẫn là danh từ Lộc, Quyền, Khoa, Kỵ, nhưng loại hóa trong ví dụ chúng ta xét, được sinh ra do thiên can của cung, nó thuộc về yếu tố nội tại của cung, nên loại hóa này gọi là PHI HÓA, nó ko có thật, nó chỉ biểu đạt tâm thái của cung A dành cho cung B, hướng đến cung B là như thế nào mà thôi.
Như tôi đã nói, điều làm chúng ta cảm thấy bắc phái khó chính là vì sự xuất hiện của quá nhiều tứ hóa trên mệnh bàn, nếu không có sự phân định rõ ràng thì thật khó để luận đoán. Một vài kinh nghiệm cá nhân xin chia sẻ tới đồng đạo, chúc các bạn mau chóng tiến bộ!
(Sưu Tầm)