NGUYÊN LÝ ĐẰNG SAU CÁCH AN MỆNH THÂN
Dịch thì có Khí, Khí sinh Tượng, Tượng có Số, Số có Lý.
Mỗi một năm Trái Đất di chuyển trên Hoàng Đạo được 365+1/4 ngày, đi qua hết 12 Cung, mỗi Cung 30 độ. Trái Đất di chuyển trên Hoàng Đạo tạo ra 4 mùa do sự tự quay và trục Bắc Nam bị lệch. 4 mùa thực chất là Nhiệt, Mùa Xuân thì ấm áp, mùa Hạ thì nóng bức, mùa Thu thì mát mẻ, mùa Đông thì lạnh lẽo. Cũng do sự thay đổi nhiệt độ trong năm nên ta thấy mùa Xuân ứng với Mộc và mùa Hạ ứng với Hỏa thuộc Dương, mùa Thu ứng với Kim và mùa Đông ứng với Thủy thuộc Âm, Khí Thổ có lúc Âm lúc Dương, vào mùa Xuân và Hạ thì Khí Thổ thuộc Dương, mùa Thu và Mùa Đông khí Thổ thuộc Âm. Do vậy tiền đề của Ngũ hành vốn là Âm Dương.
Khí Trái Đất di chuyển trên Hoàng Đạo thì trung bình mỗi tháng sẽ có 2 tiết khí làm chủ, tùy vào tháng Sinh mà con người được hấp thụ cái khí Âm hay khí Dương mạnh nhất, hay là Khí Ngũ hành nào vượng nhất và suy nhất. Cái khí này vốn là Khí Thiên.
Song song với quá trình trên là sự tư quay của Trái Đất từ Tây sang Đông mà sinh ra ngày và đêm, nhìn từ mặt đất sẽ thấy mặt trời di chuyển từ Đông sang Tây do sự chuyển động tương đối của Trái đất so với không gian Thiên Cầu. Vì vậy người xưa có câu “thiên hữu chuyển, địa tả hoàn” , tùy vào người Sinh vào ngày hay đêm mà bẩm thụ khí Âm hay khí Dương mạnh của ngày đó, như sinh vào sáng sớm thì khí Âm Dương điều hòa hơn, sinh vào buổi trưa thì khí Dương thịnh Âm suy, sinh vào buổi chiều và tối thì ngược lại Âm thịnh Dương suy. Kết hợp với Tháng sinh sẽ cho ta biết con người bẩm thụ Khí Âm Dương Ngũ Hành thịnh suy như thế nào. Đó là tiền đề trong cách an Mệnh.
Đồng thời Mặt Trăng di chuyển trên Bạch đạo và hợp góc với Thiên Cầu và Hoàng đạo sẽ cho ta biết người sinh vào ngày trong tháng có đặc điểm gì. Tứ dư trong môn Thất Chính Tứ Dư kỳ thực chỉ là giao điểm của Bạch Đạo Hoàng Đạo và khoảng cách của Mặt Trăng so với Trái Đất, từ chuyển động biểu kiến của Chúng mà Khí Âm Dương Ngũ Hành sẽ thay đổi tạo nên những số mệnh khác nhau. Kết hợp với Năm sinh vốn mang ảnh hưởng mạnh của Ngũ tinh sẽ có số mệnh theo Năm, Tháng, Ngày, Giờ.
Mệnh thuận tháng nghịch giờ chẳng qua là sự quay quanh Mặt Trời trên Hoàng đạo và sự tự quay của nó từ Tây sang Đông, tiền đề trong cách an Thân chính là Trời thì quay về bên phải theo lý Thiên hữu chuyển, địa tả hoàn. Do Mệnh ứng với Địa di chuyển về bên Trái nên thuộc Âm, Thân ứng với Thiên nên thuộc Dương. Từ đây ta xác định được tiên đề tiếp theo Mệnh Thân là một cặp Âm Dương. Do sự chuyển động từ Tây sang Đông của Trái đất vốn là chuyển động thực nên Cung mệnh làm chủ để an 11 cung còn lại, còn Cung Thân vốn là sự chuyển động tương đối của Thiên Cầu từ Đông sang Tây nên không được dùng để an 11 Cung và Chính tinh. Cung Thân chỉ cho ta thấy sự bổ khuyết cho cung Mệnh.
Từ Cung mệnh ta xác định được Cục Số, vậy Ngũ hành Cục là gì? Ngũ hành Cục chính là Khí mà con người lúc sinh ra được bẩm thụ, tùy vào mỗi thời điểm mà con người bị ảnh hưởng mạnh nhất của một hành so với các hành khác nên người đó sẽ được bẩm thụ Khí ngũ hành đó nhiều nhất lúc sinh ra. Khí ở đây được hiểu theo lý của Chu Hy “trong khoảng Trời Đất chỉ có một thứ duy nhất là Khí” Khí thì có Lý, hay nói cách khác Khí ngũ hành mà ta thụ hưởng lúc sinh ra là Khí Thiên Địa hợp nhất và Khí ngũ hành tạo nên hình hài của ta vậy ( Nhân ).
Số của Cục là gì? Số chính là để diễn giải cụ thể Ngũ hành Cục, hay nói cách khác Số chính là Số hóa ngũ hành Cục, giúp cho việc phân định Hành Cục này so với Hành Cục khác, vì mỗi hành Cục đều có tính lý riêng biệt so với các ngũ hành Cục khác. Nên mỗi ngũ hành khác nhau sẽ có Số khác nhau. Ngũ hành Cục ở trên được nói đến như là Khí Thiên Địa hợp nhất tạo nên hình hài của con người lúc sinh ra, Số chính là những thông tin về ta lúc sinh ra. Những thông tin này giúp cho mỗi người có cái chung và riêng. Từ số ta có thể định vị Chính tinh, Chính tinh vốn là sự lưu chuyển từ Khí sang Hình thông qua Số hóa của Khí Ngũ hành Cục và ngày sinh. Cho nên Số vốn tự nhiên mà có song song với Ngũ hành Cục.
Khí Ngũ hành Cục đại diện cho Nhân, vốn là Khí Trời Đất thụ bẩm lúc sinh ra, mà con người thì có Âm Dương Nam nữ, Âm Nam Dương Nữ đi nghịch, Dương Nam Âm Nữ đi thuận đó vốn là hợp với cái Đạo của Trời Đất vậy. Cho nên Khí Ngũ Hành Cục cũng thuận theo lẽ tự nhiên của Đạo mà đi thuận hoặc đi nghịch. Khí ngũ hành Cục có Vượng có Suy theo thời gian mà tạo nên 12 Thời ( trạng thái ) của Vòng Trường Sinh, con người thì có Sinh Lão Bệnh Tử theo sự Thinh Suy của Ngũ hành Cục.
Trong thực tế Lý Học Phương Đông ta phải chấp nhận 1 điều rằng, người xưa dùng Thiên Văn để lập Tượng mà hình thành nên các môn như ngày nay.
Ví dụ như 2 sao Nhật Nguyệt trong Tử vi vốn là mượn Tượng của mặt trăng, mặt trời chứ nói Nhật là Mặt trời, Nguyệt là Mặt trăng thì vừa đúng lại vừa không đúng, chúng ta có thể quan sát thấy rằng với người sinh ban ngày thì có thể Nhật ở các cung ban đêm trên lá số Tử vi, nhưng thực tế làm gì có chuyện đó được. Ta thấy ngay rằng người sinh ban ngày thì Mặt trời cũng phải ở các Cung ban ngày chứ, sao lại nằm ở ban đêm. Như mệnh lập ở Ngọ sinh vào giờ Ngọ mà Thái Dương lại nằm ở Cung Tý, không thấy “khoa học” ở đâu cả?
cho nên Lý Học Phương Đông không thể dùng Duy Lý của Phương Tây để giải thích được, Phương Tây chỉ chấp nhận “tập rõ” như các con số, các định luật…rõ ràng chứ không chấp nhận được “tập mờ” như nguyên lý Phản Phục trong kinh dịch. theo cùng cực tắc biến thì “đi xa tất quay trở lại”, nghe rất vô lý, Phương Tây chẳng bao giờ chấp nhận thực tế này. Hay có nhiều người làm khoa học muốn khoa học hóa Lý Học Phương Đông bằng cách Số hóa toàn bộ Kinh Dịch, ta thấy các con số chỉ là cái xác, còn phần hồn thì chẳng thấy đâu.
Vậy thì ở đây chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng chúng ta học Tử vi là học Tượng chứ không phải là đang học Thiên Văn, Thiên Văn cổ chỉ dùng để diễn Tượng, mượn Tượng của các vì sao trên bầu trời để thiết lập Lý Học Phương Đông.
Mệnh Thân chỉ dùng ( mượn ) Thiên văn để diễn Tượng cho Mệnh Thân trên lá số Tử vi, ở đây Thuận tháng đến Cung có tháng sinh, mà tháng sinh chính là tiết khí, theo mỗi tháng mà có những tiết khí khác nhau làm chủ, và cái khí này có được là do sự chuyển động của Trái Đất quanh mặt Trời và do sự lệch tâm của Trục Trái Đất, nên ta mượn tạm nó gọi là Khí Thiên vậy.
Cần phải nhắc lại là tiết khí hay đề cương lệnh tháng vốn vận dụng Khí Âm Dương Ngũ Hành cho nên không thể dùng Duy Lý Phương Tây vào giải thích được. tiếp theo là sự tự quay của Trái Đất theo nguyên lý “Thiên Tả Hoàn, Địa hữu Chuyển” thì lại được một lý nữa, đó là Trái Đất chuyển động từ Tây sang Đông mà có ngày đêm, thì cái Khí theo giờ ta có thể gọi nó là Khí Địa, kỳ thực ngày đêm cũng chẳng qua là bản đồ Nhiệt của Mặt Trời cả thôi, nhưng khi ta xét cái Khí Địa thì ta đặt vào nó cái Lý Học Phương Đông là Âm Dương Ngũ Hành chứ không phải là một bản đồ nhiệt.
Đến đây thì sẽ thấy Cung Mệnh vốn là sự hợp thành của Khí Thiên Địa hợp…mà thực tế theo quan điểm của Phương Tây ta chỉ thấy một bản đồ nhiệt của ngày đêm và tháng sinh. Chứ làm gì có cái Khí nào đâu, vậy Chu Hy nói “trong khoảng trời đất chỉ có một thứ duy nhất là Khí” Nếu ta tinh ý thì thấy Khí ở đây như giống như năng lượng trong công thức nổi tiếng của Einstien, năng lượng bằng khối lượng * bình phương tốc độ ánh sáng. Nhưng đó chỉ là mượn lý Phương Tây giải thích cho dễ hiểu, chứ năng lượng không phải là Khí theo quan điểm của Chu Hy. vì khi sinh ra thì có khối lượng giống nhau ( sơ sinh ) làm gì có năng lượng khác nhau, mà thực tế theo Tử vi hay Tử bình thì rõ ràng cái Khí Âm Dương Ngũ hành là khác nhau, Tử bình sẽ thấy tứ trụ này Thân Vượng, Tứ trụ kia thân nhược…
Rồi lại sang Cung Thân, thì Cung thân ta ví nó là sự chuyển động tương đối ngoài Trái đất ( Thiên Cầu ) từ đông sang Tây, vậy ta ” mượn” cái lý của nó để Thiết lập cung Thân vốn tượng trưng cho Thiên. Từ Cung Mệnh ta lại có Cục Số, rồi đến Chính tinh, tất cả chỉ là cái Khí Tượng vốn mượn từ Thiên văn, có nhiều người cho rằng Chiêm Tinh Học Phương Tây chỉ là Chiêm Tinh giả, Tây cũng Giống như Ta chỉ mượn Tượng diễn ý từ Thiên văn chứ làm sao lấy sao này sao kia trên bầu trời để xem mệnh được, cái đó là phi thực tế. Khổng Minh thấy ngôi sao trên trời rơi xuống và mờ dần là ý Khổng Minh sắp chết vì ngôi sao đó chủ mệnh, rồi lại ngậm mấy hạt gạo để giữ mạng sống. Đó chỉ là cái phóng đại thôi.
(Tác giả: Kim Ca)