Lịch sử chọn ngày giờ
Nước ta ở cạnh Trung Quốc, lại trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc. Trung Quốc là một trong những trung tâm văn hoá cổ đại của thế giới, cố nhiên thuuật chiêm tinh Trung Quốc qua các triều đại phong kiến lần lượt lan truyền sang ta và các nước phương Đông nói chung.
Một câu hỏi được đặt ra: Vậy trước thời bắc thuộc, dân tộc ta có thuật chọn ngày, chọn giờ chưa ?
“…Nhân dân Việt Thường đã biết xét nghiệm sự vật theo hiện tượng thiên nhiên mà làm lịch để áp dụng vào nông nghiệp khá sớm. Sách thông chí của Trịnh Tiều TQ chép rằng: Đời Đào Đường (Nghiêu) năm 2253 trước công nguyên, phương Nam có họ Việt Thường cử sứ bộ, qua hai lần phiên dịch sang chầu, dâng con rùa thần có lẽ sống một nghìn năm, mình dài hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu, ghi việc khi trời đất mở mang. Vua Nghiêu sao chép lấy, gọi là “Quy lịch” (tức lịch rùa). Vậy đây chưa rõ khoa văn đẩu 9 chữ hình con nòng nọc trên lưng con rùa là văn sẵn trên mai nó, mà các nhà làm lịch nước Việt- thường nghiên cứu theo sự tiến triển của nó hàng nghìn năm để rút ra quy luật về sự tuần hoàn của thời tiết, hay đó là một thứ ký hiệu ta gọi là chữ Khoa- đẩu mà các nhà làm lịch nước ta vạch lên mai rùa.
Dù sao “Quy lịch” lúc đó là phát hiện riêng của các nhà thiên văn nước Việt Thường. Các nhà thiên văn Trung Quốc cũng làm ra lịch của họ nhưng người Việt thường không theo lịch của Trung Quốc. Mãi đến đời nhà Hán, dưới triệu Văn Vương (con trai của Trọng Thuỷ, cháu của Triệu Đà), người nước ta vẫn dùng lịch truyền thống của mình. Khi làm lịch, tổ tiên ta đã biết dựa vào những mốc tiêu chuẩn của thời gian theo chu kỳ của mặt trời, mặt trăng. Tín hiệu còn thể hiện qua hoa văn trống đồng Ngọc Lũ. Thí dụ: Trung Tâm mặt trống là hình ảnh mặt trời, vòng trong là hạ chí, vòng giữa là vòng xuân phân, thu phân vòng ngoài là Đông chí…”.
(Trích “Vài nét về Văn hóa thời Hùng Vương” trong bài của GS. Bùi Văn Nguyên đăng trong tạp chí Văn học số ra tháng 9,10/1973)
Như vậy từ lich sử xa xưa, ta đã có lịch và qua đó suy luận ra ta cũng đã có thuật chọn ngày. Kể cả khi tiếp thu thuật chiêm tinh trung quốc, ta cũng không tiếp thu toàn bộ, nhất là trong dân gian các tục kiêng cữ có nhiều chỗ khác nhau.
Ở nước ta hồi đầu thế kỷ 20, nhất là trong phong trào “Duy Tân”, nhiều nhà tri thức tân tiến đã lên tiếng công kích các thói hư tật xấu, đã loại bỏ được nhiều hủ tục lỗi thời, trong đó tục chọn ngày cũng đã giảm nhẹ và có phần cải tiến, không nhất mọi việc đều chọn ngày, chọn hướng như thời xưa.
Sau cách mạng tháng 8-1945, tiếp đến 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Hiệp kỷ lịch ban hành dưới triều nguyễn mất dần, số người biết chữ Hán thưa thớt dần, trước cao trào diệt thù cứu nước, chẳng mấy ai quan tâm đến việc chọn ngày, chọn giờ: nhận lệnh thì chiến đấu, công tác; ban ngày máy bay địch bắn phá thì hoạt động ban đêm, nhà dột thì lợp lại trai gái yêu nhau, hai gia đình bằng lòng, thấy ngày nào thuận tiện, thì hẹn nhau cưới ngày ấy, cưới hỏi muốn đông người dự thì chọn ngày chủ nhật, muốn biết ngày nắng, ngày mưa thì nghe dự báo thời tiết, chết thì chôn không để quá 24 giờ. Mọi việc như xuất hành, tu tạo, hôn nhân, tang tế kể gì ngày giờ Hoàng đạo, Hắc đạo, trùng phục, Trùng tang, trực khai, trực bế. vả lại trong không khí mọi người bận rộn vật lộn với cuốc sống hàng ngày, tranh chấp giữa cái sống, cái chết, cái đói, cái no, không còn điều kiện để chọn ngày tốt, tránh giờ xấu, nghỉ phép được ít ngày, cố lo xong công việc để kịp trả phép, thôi thì “vô sư, ô sách, quỷ thần bất trách”.
Tuy rằng không mở sách, không mời thầy, nhưng tục chọn ngày chọn giờ vẫn âm ỉ lan truyền trong dân gian. Mặc dầu quần chúng nhân dân mấy ai biết: ngày nào là ngày “Thiên ân”, ngày nào là ngày “sát chủ”, nhưng những câu nói cửa miệng vẫn có thế dùng làm cơ sở lý luận chọn ngày chọn giờ. Thí dụ: Tâm lý chung thích chọn ngày chẵn, tránh ngày lẻ, tránh tam nương, nguyệt kỵ, tránh ngày sóc (mồng 1), ngày nguyệt tận (cuối tháng)…
-
Mồng năm, mười bốn, hai ba
Đi chơi còn nhỡ nữa là đi buôn
-
Một, ba, sáu, tám tuổi Kim lâu
Cưới vợ làm nhà chẳng được đâu (lấy tuổi mụ của người chủ sự, trừ bội số của số 9, số dư cuối cùng là 1, 3,6 ,8 tức là tuổi Kim lâu)
-
Dù ai buôn bán trăm nghề
Gặp ngày con nước cũng về tay không.
-
Làm ruộng tháng năm, trông trưng rằm tháng 8.
-
Cưới vợ xem tuổi đàn bà_
Làm nhà xem tuổi đàn ông.
-
Kính thưa hai họ, hôm nay ngày lành tháng tốt (!)
Mừng cho hai cháu đẹp duyên…
-
Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba…
-
Ngày đoan dương (5 tháng 5) được nhân dân ta xem như ngày đẹp nhất cả năm, vì thế có tục giết sâu bọ (người lớn thì uống rượu nếp, đeo chỉ ngũ sắc, xâu tai cho con gái đến tuổi dậy thì, tục hái thuốc vào giờ ngọ: 12:00 loài cỏ quanh vườn gọi là bách dược để chữa các bệnh trong năm,
-
Mồng 8 tháng 4 (tức ngày Phật đản cũ) là ngày cá chép vượt suối Vũ môn hoá rồng, lên đường đi học, đi thi vào ngày đó dễ đỗ đạt.
-
Những ngày đầu năm, đầu tháng (tức ngày sóc) phải kiêng cự nhiều điều, tránh tranh chấp cãi cọ, tránh va chạm đổ vỡ, tránh xuất tiền, xuất kho, sợ dông cho cả năm.
-
Ổ gà mới nở, muốn gà con dễ nuôi, phải chọn giờ con nước: khi nào nước thuỷ triều bắt đầu xuống, mới hạ ổ gà xuống.
Trên đây toàn là những câu truyền miệng trong dân gian nhưng khá phổ biến.
Sau khi hoà bình lập lại nhất là trong những năm gần đây, tập quán chọn ngày, chọn giờ lại rộ lên. Ngoài những tư liệu thời xưa còn rải rác lưu truyền ở các địa phương, còn nhiều sách vở từ Thái Lan, từ Đài Loan, Hồng Kông và các nước Đông Nam á khác tràn vào. thầy cũ cộng thêm thầy mới, tự nhiên hình thành tầng lớp thuật sĩ chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp đủ các dạng.
(Dẫn theo trang tuviglobal.com)