Định nghĩa tổng quát cung: Cung Phúc Đức
Có 12 chỉ danh cho 12 cung. Đó là: Mệnh, Phụ, Phúc, Điền, Quan, Di, Nô, Tật, Tài, Tử, Phu (Thê) và Bào, được an theo thứ tự kể trên theo chiều kim đồng hồ.
Ngoài ra, còn có cung Thân, sẽ được an chung với các cung sau: Mệnh, Phúc, Quan, Di, Tài, Phu Thê.
Ý nghĩa mỗi cung được tạm giải thích như sau: mỗi cung, tùy theo danh hiệu, nói lên 1 lãnh vực của đời sống con người: như cung Quan nói về nghề nghiệp, cung Tật nói về sức khỏe, cung Tài nói về kinh tế.
Nhưng, thật sự, mỗi cung đều có ý nghĩa liên đới với các cung khác: như cung mệnh phải liên đới với các cung Di, Quan, Tài, Phúc.
Riêng cung Phúc hầu như có ý nghĩa liên đới với bất cứ cung nào và ban cho các cung khác cái hay, cái dở của cung Phúc. Vì vậy, người đoán tử vi không nên thu hẹp địa hạt một cung trong các sao tọa thủ mà phải xét tất cả bối cảnh các cung hay một số cung, mà phải tìm sự liên đới với các cung có quan hệ khác. Ví dụ như khảo sát cung Phu không chỉ xem thêm cung Phúc, Di, Quan mà phải xem thêm Nô, Mệnh, Thân.
Không nên giới hạn việc giải đoán trong một lãnh vực, người xem tử vi cũng không nên giới hạn việc giải đoán trong thời gian. Ví dụ khi xem cung Tật, không phải các việc liên hệ đến sức khỏe, bệnh tật, họa đều chất chứa trong các cung chiếu Tật. Trái lại, mỗi năm có 2 cung Hạn, 1 cung Hạn của 10 năm và 1 cung Hạn một năm, cả hai cùng ám chỉ tình trạng bệnh tật, sức khỏe của thời gian một năm. Thành thử, phải lồng khung sự giải đoán trong thời gian ngắn và dài của tiểu đại hạn để xem bất cứ việc gì.
Nếu thiếu ý niệm linh động trong lãnh vực và trong thời gian, người xem tử vi chắc chắn sẽ rơi vào phiến diện, khẳng định thiếu sót, nghèo nàn, ít chính xác. Ngược lại, nếu biết linh động, sự giải đoán sẽ toàn diện, phong phú, chính xác hơn.
Sau khi đã thông ý niệm tiên quyết đó, cần bước sang định nghĩa từ cung.
1) Cung Phúc Đức
Khoa tử vi vốn chịu ảnh hưởng của lý thuyết Phật học, nên xem cung phúc đức như quan trọng nhất trong số các cung và có hiệu lực chi phối rất mạnh mẽ đến sự hay dở của 11 cung khác.
Khoa tử vi vốn duy thần, duy linh, nên đặt căn bản suy luận tiên khởi trên các ý niệm nhân quả, luân hồi, di truyền, nghiệp (karma) của mỗi người trong bối cảnh sinh hoạt của một gia tộc, của một giòng họ, trong bối cảnh địa lý của âm phần tổ tiên. Được xem như có hậu quả di truyền cho đến những đời con cháu. Các ý niệm trên được gói ghém trong những danh từ tổng hợp là “phúc đức”. Vì tính cách huyền bí và rộng rãi của ý niệm đó, nên danh từ Phúc đức rất khó hiểu.
Theo thiển ý, danh từ Phúc đức có thể hiểu trên hai khía cạnh: phạm vi và nội dung.
a) Phạm vi của Phúc đức
Sự tranh chấp liên quan rất nhiều đến phạm vi của danh từ phúc đức.
– Có người cho Phúc đức bao hàm tình trạng của cả một giòng họ. Quan niệm tổng quát này tuy có khả chấp, nhưng, chưa ai qui định rõ ràng hơn khởi nguyên của giòng họ bắt đầu kể từ đời nào (có người cho rằng phát nguyên từ đời ông nội) và sẽ kéo dài ảnh hưởng cho đến đời nào (có người cho rằng sẽ kéo dài đến đời cháu). Nếu theo quan điểm này thì phúc đức liên hệ đến 5 đời: ông, cha, mình, con, cháu.
Lẽ dĩ nhiên, trong ánh sáng khoa học hiện đại, và qua những thăng trầm lịch sử của các quốc gia, của các gia tộc ta khó lòng chấp nhận rằng 5 đời trong 1 giòng họ lại có phúc đức truyền kiếp giống nhau, mà thời gian có thể phủ trùm gần 100 năm.
Nhưng, vì khoa Tử – Vi chấp nhận ý niệm nhân quả của Phật giáo, nên mới quan niệm phạm vi Phúc đức quá rộng lớn như vậy.
Chính vì thế, nên có người cho rằng chỉ nên giới hạn phạm vi đến tiểu gia đình tức là cha, mình và con (3 đời).
– Phúc đức còn là hậu quả của âm phần tổ tiên đối với mình và gia đình nhỏ của mình. Về điểm này, khoa Tử – Vi chịu ảnh hưởng của khoa địa lý Trung Hoa, cho rằng mồ mả tổ tiên tùy theo vị trí, hình sắc và thế đất sẽ có ảnh hưởng xa, gần, ít, nhiều đến sinh kế của con cháu.
Và riêng về âm phần, phạm vi của Phúc đức có khi được các sách chú giải đến 4, 5 đời trước và đôi khi cả 6, 7 đời, liên hệ cả đến bàn hệ chứ không riêng gì trực hệ.
Một quan niệm Phúc đức truyền kiếp mơ hồ như thế chưa được tác giả nào giải thích rõ ràng. Hiện nay, thiên hạ ít còn tin vào Phúc đức ông bà, thành thử vấn đề đặt ra là có nên vì sự thay đổi niềm tin đó mà ta phải linh động đánh giá cung Phúc trong bối cảnh tín ngưỡng nghèo nàn hiện thời?
b) Nội dung danh từ của Phúc đức
Tổng các ý nghĩa suy diễn từ các sao của cung Phúc của tác giả, có thể ấn định nội dung đầy đủ nhất của Phúc đức như sau:
1) Được mồ mả tổ tiên, nhất là trực hệ. Mồ mả ngày phải ở lợi địa, thì con cháu mới phát đạt: đây có thể gọi là phúc mộ.
2) Giòng họ phong túc: đó là quan niệm đại gia tộc của nho học. Gia đình ít con được xem như kém phúc tộc.
3) Giòng họ phải ở gần nhau trong một làng càng hay. Sự ly tông để tha phương cầu thực cũng bị xem như bất lợi cho phúc đức: đó là quan niệm phúc tụ.
4) Giòng họ phải hưng vượng mãi về số lượng nhân khẩu lẫn tài lộc, về con trai lẫn con gái, và mỗi người cũng phải hưng vượng suốt đời mới tốt: đó là quan niệm phúc thịnh.
5) Sự hưng thịnh phải hướng thiện mới gieo được nhân tốt, tạo được quả tốt cho các đời sau: đó là quan niệm phúc thiện.
Như trên đã trình bày, ảnh hưởng của cung Phúc rất rộng lớn, có thể chế giảm hay tăng trưởng hiệu lực của 2 cung số khác. Một cung Phúc tốt chẳng hạn như có thể giúp tránh được nhiều tai họa, bệnh tật, giảm được nhiều tật xấu, chế được bất lợi của cung Tài, Quan, Di, Điền… nếu các cung này xấu. Ngoài ra Phúc đức cũng ảnh hưởng đến Đại Hạn và Tiểu Hạn rất nhiều.
Cần phân biệt thêm rằng có 2 phúc đức đối với 1 người một phúc đức từ lá số mà có, một phúc đức thực tại mà đương sự đang thụ hưởng. Có trường hợp 2 phúc đức đó không mấy tương hợp. Chính phúc đức thực tại mới là ẩn sổ của vấn đề giải đoán. Người luận đoán hay bao giờ cũng phải suy diễn từ cung Phúc của lá số ra cái phúc đức thực tại, càng chính xác càng tốt. Cũng cần lưu ý rằng cái tốt xấu của Phúc đức nhiều khi không phải là tốt hay xấu toàn diện mà chỉ liên quan đến 1, 2 phương diện mà thôi, không thể tổng quát hóa.
Lược trích cuốn “Tử vi tổng hợp” của Nguyễn Phát Lộc
Hiện sách E-book có bán tại TuviGLOBAL.