Cách Làm Quan và những sao Qúy
THẢO LUẬN VỀ CÁCH LÀM QUAN VÀ NHỮNG SAO QÚY TRONG KHOA TỬ VI:
1.Các chính tinh có nghĩaquan lộc trực tiếp:
Tử Vi: Tử Vi đắc địa ở cung Quan có nghĩa quyền quý. Tử Vi chỉ người có dịp chỉ huy, điều khiển, giữ những chức vụ quan trọng trong công quyền, có nhiều thuộc hạ cao cấpl có tài lãnh đạo, có bản lãnh chế phục người khác. Ngôi thứ quan lộc cao thấp tùy thuộc vị trí miếu địa hay đắc địa: càng đắc địa thì ngạch trật càng cao. Nếu Tử Vi được nhiều quyền tinh, dũng tinh đi kèm thì chức quyền càng lớn, có nhiều thuộc hạ đông đảo trợ lực. Nếu thiếu trợ tinh, Tử Vi chỉ loại viên chức hay sĩ quan cao cấp làm việc tham mưu, phục vụ trong ngành chuyên môn, ít có dịp cầm quyền, cầm quân, hoặc nếu có, thì chỉ điều khiển một số thuộc hạ giới hạn và thời gian chỉ huy không lâu.
Thái Dương: Nam số có Thái Dương sáng sủa ở Quan lộc đều quý hiển, cụ thể là có phẩm trật cao, có chức vụ lớn, thành công trong sự nghiệp nhờ sự thông minh, tài năng và đạo đức của mình. Thông thường, Thái Dương chỉ ngành văn hơn là ngành võ.
Liêm Trinh: đắc địa trở lên chủ về quan lộc, giống như Thái Dương, cho nên tọa thủ ở Quan lộc rất hợp vị. Liêm Trinh chủ yếu chỉ về võ nghiệp nhưng cũng có khi kiêm nhiệm cả chính trị nếu đóng ở hai cung Dần và Thân. Cái hay của Liêm về quan lộc bắt nguồn trước hết từ khả năng toàn diện đó. Trong cả hai ngành đều sáng chói, hiển đạt trong thời bình lẫn thời chiến, nhờ ở tài thao lược, khả năng thích ứng với nhiều hoàn cảnh. Ngoài ra, Liêm Trinh đắc địa ở Dần và Thân còn ban cho san này những điều kiện tốt đẹp để thành công: sự liêm khiết, thẳng thắn, mực thước, rất trong sạch, có đạo đức, không chịu làm điều trái phép, trái lương tâm chức nghiệp. Nếu Liêm Trinh đi với Thiên Tướng thì sự chính trực càng nổi bật. Liêm Trinh hãm địa ở Quan báo hiệu chức vụ nhỏ, thấp, thường gặp hung sự trong công vụ, đặc biệt là hình tù.
Thiên Tướng: sao này là quyền tinh, dũng tinh, thích hợp với ngành võ. Càng đắc địa (ở Thìn, Tuất, Tý, Ngọ, Dần, Thân Sửu, Mùi, Tỵ và Hợi), công danh càng sáng chói. Thiên Tướng là người đảm đang, tháo vát, có chí khí lớn, nhất là có ý thức công bằng, bình đẳng rất cao, có hoài bão mang trật tự xã hội. Nếu Thiên Tướng đi kèm với Tử Vi ở cung Quan đó là người có tài lãnh đạo, có tài thừa hành, dám làm dám quyết, có khí phách hơn người, có hoài bão cao xa. Tuy nhiên, cặp sao này nói lên tính tự phụ và khuynh hướng á quyền (do sao Tử Vi). Tử Tướng đồng cung có tài và có tham vọng lãnh đạo chỉ huy. Nếu Thiên Tướng được Tướng Quân xung chiếu hay ngược lại thì rất hiển đạt trong võ nghiệp.
Thất Sát: ở Quan là quân nhân, đặc biệt thích hợp với quân nhân cầm binh xuất trận đi tiên phong, nghênh địch ở vùng hỏa tuyến. Sao này không thích hợp với trách nhiệm phòng thủ hậu phương và không đắc dụng ở ngành tham mưu, nhất là hành chính, chính trị. Đi với Hóa Quyền, là loại sĩ quan có binh lính dưới trướng, có khả năng tác chiến cao, lập được nhiều chiến công trên trận địa.
Thiên Phủ: là quyền tinh, chỉ cách làm quan văn đồng thời là nghề liên hệ đến tài chính. Nếu Phủ ở miếu và vượng địa, chức vụ tài chính sẽ cao hơn ở đắc địa. Nếu có thêm phụ tinh tốt, nhất là trợ tinh và tài tinh, đương số có thể là người đứng đầu cơ quan tài chính. Bằng không, sẽ có nghĩa là tiền bạc, giàu có hơn các đồng nghiệp khác.
2.Những chính tinh có nghĩa quan lộc gián tiếp:
Vũ Khúc: Đắc quý cách ở Thìn Tuất Sửu Mùi (miếu địa), Dần Thân Tỵ Ngọ (vượng địa) và Mão Dậu (đắc địa). Trong trường hợp này, Vũ chỉ võ nghiệp đặc biệt nếu đi cùng với các sao võ như Tướng, Sát, Phá, Tham. Đi với Văn Khúc thì có tài về cả văn lẫn võ. Vũ là người có chí lớn, có tài thao lược, tính toán giỏi, dám mưu đại sự, lại can đảm, quả cảm. Đây là ngôi sao tham mưu, đánh giặc bằng mưu lược nhiều hơn là bằng binh đao và hỏa lực. Nếu Vũ đi cùng với Tướng hay Sát thì sĩ quan đó kiêm cả tham mưu lẫn tác chiến, và có dũng vừa có mưu. Nếu hãm địa, năng tài của Vũ Khúc bị phai mờ, hoặc kém cỏi, hoặc không có chỗ dụng, hoặc thất bại. Trong trường hợp đơn thủ hoặc đồng cung với Phủ, Vũ Khúc làm quan văn, coi về ngành kinh tế rất đắc dụng. Đó là người có tài kinh doanh mang lợi lộc cho quốc gia, vận dụng tiền bạc giỏi, biết bắt mạch và khai thác cơ hội. Trong bất cứ trường hợp đắc địa nào, Vũ cũng là người có tiền bạc dư dả.
Tham Lang: Trừ phi miếu địa ở Thìn Tuất, Tham Lang tầm thường, có thể nói là bất tài, hám lợi. Ngay trong trường hợp đắc dụng, sĩ quan có Tham Lang ở Quan có nhiều nét xấu: từ hiếu thắng, tự phụ cho đến tính hình thức, ham vui, bê trễ và nhất là lòng tham dưới nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, nếu Tham miếu địa đi với Linh hay Hỏa miếu địa thì lại rất hay cho võ nghiệp.
Phá Quân: Quan có Phá miếu (ở Tý, Ngọ), vượng (ở Sửu Mùi), đắc địa (ở Thìn, Tuất) thì can đảm, hoạt động nhưng hiếu thắng, tự kiêu, mưu cơ, gian trá và nhất là bất nhân. Bản chất của Phá Quân ở Quan là không được trung tín, hay lấn lướt người trên. Trong trường hợp hãm địa, quan cách của Phá Quân rất tầm thường, hay gặp tai nạn khó thoát, hay hại người và bị người hại.
Thái Âm: là phú tinh, chỉ điền trạch. Nếu sáng sủa, cũng có quan cách nhưng không rực rỡ bằng Thái Dương. Tuy nhiên, người tuổi Âm, sinh ban đêm, lúc trăng lên có Thái Âm sáng sủa ở Quan thì quý cách rực rỡ hơn người tuổi Dương, sinh ban ngày. Nếu có thêm trợ tinh thì càng sáng lạng: đó là trường hợp người sớm phát đạt, toại ý, vừa có danh, vừa có lợi. Nếu là tuổi Dương, sinh ban ngày thì công danh có ít, lợi lộc nhiều hơn. Thái Âm chỉ cách làm quan văn. Nếu hãm địa, quan cách tầm thường, chậm phát, thường gặp những hoàn cảnh không toại ý, thiếu cơ hội thi thố tài năng. Nếu Âm Dương đồng cung ở Sửu Mùi thì có lộc nhưng không quý hiển. Muốn đắc quý, phải có Tuần, Triệt án ngữ hay Hóa Kỵ đồng cung.
Thiên Đồng: chỉ có ý nghĩa quan lộc nếu đắc địa trở lên. Thông thường, sao này chỉ quan cách nhưng riêng ở Mão thì văn võ kiêm toàn. Đồng chỉ thực sự quý hiển nếu ở cung Tý, cung Dần và cung Thân. Trong mọi trường hợp, Đồng chỉ loại viên chức làm việc lưu động, thường hay đổi công việc, cụ thể như thanh tra, đại sứ, liên lạc viên, giao liên hoặc gặp hoàn cảnh phải đổi nghề, đổi chỗ làm tương đối mau chóng. Nếu đồng cung với Thiên Lương, Đồng rất xuất sắc trong các ngành chính trị, y khoa, sư phạm. Đồng cung với Nguyệt ở Tý, Đồng cũng lỗi lạc. Nếu hãm địa, quan cách nhỏ thấp, thăng giáng thất thường và bất đắc chí trong nghề nghiệp.
Thiên Lương: là cách quan văn. Đắc địa trở lên, Lương là người có tài mưu sĩ, cố vấn, khuyến cáo đường lối chiến lược, chính sách, đặc biệt khi đóng ở Thìn Tuất (đồng cung với Thiên Cơ) hay ở Mão (đồng cung với Thái Dương). Tại những vị trí này, Lương là người hay tìm tòi, hiếu học, có khả năng nghiên cứu và thiết kế các chương trình lớn, rất thích hợp với công việc tham mưu. Nếu có thêm các sao khoa bảng thì công danh rất sáng chói, được ở cạnh chức quyền cao cấp. Nếu Lương ở Sửu Mùi thì quan cách tầm thường còn hãm địa ở Tỵ Hợi thì chức vị càng thấp, tính tình phóng đãng, hay thay đổi chí hướng, ưa phiêu lưu, không toại chí, phải bôn ba lưu lạc, tha phương cầu thực. Trường hợp đồng cung với Nhật ở Dậu cũng có ý nghĩa tương tự.
Cự Môn: Miếu, vượng và đắc địa, sao này chỉ quan văn, đặc biệt là chính trị gia hay luật gia hoặc nhà ngoại giao. Sao này rất thích hợp cho quan tòa, trạng sư, giáo sư, dân biểu, nghị sĩ, những người có học lực uyên bác, năng khiếu hùng biện, thiên về chính trị. Viên chức có Cự Môn sáng sủa thường có hoài bão cải tạo xã hội, có ý chí muốn làm việc lớn, có xu hướng chính trị cấp tiến, muốn thay đổi hoàn cảnh chứ không bảo thủ, chấp nê hiện trạng. Do đó, Cự Môn đắc địa thường là người bất mãn hiện tại, nhưng lại không chịu thúc thủ chờ thời, trái lại muốn đóng góp để tạo thời thế. Chỉ khi nào hãm địa, Cự Môn mới là người bất đắc chí, bất mãn mà bất lực, thường bị tụng ngục, kìm hãm không hoạt động được. Đi chung với Thiên Cơ ở Mão Dậu, đi chung với Thái Dương ở Dần Thân thì quan chức cao, có cả phú lẫn quý cách. Nếu hãm địa ở Tỵ thì quan chức nhỏ, ở Hợi thì có cao vọng, thường bất mãn; ở Thìn Tuất tuy có tài và có chức phận trong hậu vận nhưng thường gặp thị phi, đố kỵ, cạnh tranh, gièm xiểm.
Thiên Cơ: là kỹ năng, kỹ thuật, sự tinh xảo trong ngành chuyên môn, đặc biệt là máy móc. Nghề của Thiên Cơ có thể là kỹ sư, kỹ nghệ. Ngoài ra, Cơ trong bộ Cơ Nguyệt Đồng Lương chỉ nghề công chức, quan lại, cụ thể là ngành y khoa hay dược khoa. Đồng cung với Cự Môn ở Mão Dậu, đồng cung với Thiên Lương ở Thìn Tuất, Thiên Cơ là viên chức tham mưu, giỏi về kế hoạch, chính sách, chiến lược. Tại bất cứ vị trí đắc địa nào, Cơ cũng là viên chức khéo léo, tinh xảo, tinh thục, có lương tâm chức nghiệp cao.
3.Những phụ tinh có ý nghĩa quan lộc:
a. Phụ tinh chỉ quyền uy, chức phận:
Hóa Quyền: biểu tượng cho quyền hành và thế lực, đặc biệt nếu đắc địa ở Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Nếu bình thường hoặc hãm địa (ở Tý, Ngọ, Thân, Dậu, Hợi) thì quyền không cao, không nhiều, không quan trọng, hoặc chỉ có hư quyền hoặc quyền chỉ có trong bóng tối hoặc có thế lực mà không có quyền hoặc quyền tước hàm. Hóa Quyền có nhiều địa hạt: võ quyền, văn quyền, giáo quyền tùy theo cách làm quan nhưng cách nào có Quyền cũng đều hiển hách. Nếu đi với Hóa Kỵ trong bối cảnh cung Quan tốt đẹp thì hai sao này chỉ người có quyền và có mưu, hết sức quyền biến, không ngoan nhưng do có Kỵ nên thường bị người ta e ngại. Nếu đi với Kiếp Không ở Tỵ Hợi, Quyền càng phát nhanh và phát lớn do sự đưa đẩy của thời thế để tạo ra anh hùng nhưng vì có Kiếp Không nên có thể không lâu bền. Thông thường, người có Hóa Quyền hay tự đắc, tự tôn, kiêu căng, lấn lướt, hiếu thắng cho nên sao này tuy có lợi cho công danh nhưng không mấy hay về tính nết. Phải có thêm các sao đức hạnh thì Quyền mới hướng thiện. Nếu gặp hung tinh, vận xấu, Hóa Quyền tác họa cấp kỳ cho đương số. Hóa Quyền ở Quan tượng trưng cho sự tham chính, cho cách làm quan hiển đạt, đặc biệt là khi đi với Khoa và Lộc.
Quốc ấn: chỉ người có chính chức và có quyền vị. ý nghĩa của ấn giống như Quyền nhưng không mạnh bằng. Nếu ấn đi chung với Binh, Hình, Tướng thì võ nghiệp rất vinh hiển: đó là quân nhân có binh, có quyền, có uy. Người có ấn ở Quan là viên chức có công, được thưởng công bằng sự thăng chức, thăng trật, hoặc bằng sắc phong huy chương, tưởng lục. Nếu ấn ở vị trí các cung ban đêm, có thể là sự khen ngợi thông thường, cũng có thể là sự truy tặng (sau khi chết). Dù sao, Quốc ấn ở Quan, Mệnh, Thân là người dễ tiến đạt, được trọng vọng, được ghi công trên đường hoan lộ.
Long, Phượng, Hổ, Cái (tứ linh): là quý cách khá cao, do những biểu tượng đi kèm.
Thanh Long, Long Đức ởThìn: tượng trưng cho quyền tước, tài năng được dùng đúng chỗ.
Phong Cáo, Thai Phụ, ĐườngPhù: chỉ bằng sắc, công trạng, huy chương, quyền hành nhưng không mạnh bằng Quyền hay ấn. Đường Phù có nghĩa kém nhất.
Tiền Cái hậu Mã: cung Quan trước giáp Hoa Cái sau giáp Thiên Mã là một biểu tượng của quyền uy, có lọng (Cái), có ngựa (Mã) theo chầu. Duy cách này nên đóng ở cung ban ngày mới rạng.
Quan Đới: biểu tượng cho chức vị, quyền hành (là cái đai). Chức quyền có thể cao.
Bạch Hổ, Tấu Thư: hai sao này họp thành cách hổi đội hòm sắt, cũng khá tốt cho công danh. Ngụ ý được tín nhiệm, trọng dụng, nhất là đồng cung và ở cung Dần (hổ cư hổ vị).
Bạch Hổ, Phi Liêm ở Dần: chỉ công danh thăng tiến dễ dàng, nhất là ngành võ.
Tướng Quân: chỉ cách làm quan võ có cầm quân nhưng thuộc loại thấp, chỉ huy đơn vị nhỏ. Nếu đi cùng với Thiên Tướng là võ quan cao cấp và có nắm quyền chỉ huy. Cách quan của Tướng Quân tuy có can đảm, hiên ngang nhưng táo bạo, có tinh thần sứ quân, tự tôn, tự phụ, sử dụng binh quyền đôi khi sai mục đích nên Tướng Quân gặp sao xấu dễ bị nguy kịch. Đi với cát tinh, Tướng Quân rất đắc dụng: đó là viên chức hay quân nhân rất tháo vát, có tinh thần xung phong, tình nguyện làm việc khó, có sáng kiến, đôi khi có quá nhiều sáng kiến nên đi sai lệch đường lối ở trên. Đi với Thiên Tướng, nhất là ở thế xung chiếu thì rất hiển hách trong binh nghiệp.
b. Phụ tinh chỉ tài năng tổng quát:
Thiên Mã: ngụ ý tháo vát, may mắn, đa năng, thao lược, xông pha. Người có Thiên Mã ở Quan hay Mệnh thường nhậm lẹ, lanh lợi, lăn lóc, từng trải nên đa hiệu, đa nhiệm. Đây là bộ sao rất cần cho công danh, rất lợi và rất hợp với các công việc có tính lưu động. Vì đa hiệu, Mã là sao có rất nhiều phối cách rất hay với một số phụ tinh khác để làm cho năng tài đắc dụng hơn. Ví dụ như cách Mã Tử Phủ, Mã Nhật Nguyệt, Mã Lộc Tồn, Mã Hỏa hay Linh, Mã Tướng, Mã Khốc Khách. Mặt khác, cách hay trên còn tùy vị trí của Thiên Mã. Nếu ở Dần (Mộc) và Tỵ (Hỏa) thì tốt đẹp thêm, ở Thân (Kim) thì vất vả, còn ở Hợi (Thủy) thì lu mờ. Tốt khi Mã ở Dần (Mộc) mà Bản Mệnh thuộc Mộc, Mã ở Tỵ (Hỏa) với Hỏa Mệnh, Mã ở Thân (Kim) với Kim Mệnh, Mã ở Hợi với (Thủy Mệnh). Bao giờ gặp nghịch khắc giữa hai hành thì kém hoặc xấu: tài năng sút kém, trở ngại gia tăng, công danh không rạng.
Lộc Tồn: chỉ tài năng, đặc biệt là tài tổ chức, tài thích ứng với hoàn cảnh. Lộc Tồn có nhiều sáng kiến, biết tùy theo nhu cầu mà quyền biến, xử sự tùy hoàn cảnh, lúc cương lúc nhu, một cách chừng mực. Đi với Thiên Mã, Lộc Tồn là người khai sơn phá thạch, mở đường cho kẻ khác đi theo, rất đắc dụng trong các trách nhiệm tiền phong, khai quang an vị, tổ chức cơ sở. Đặc biệt, sao này chỉ về tiền bạc nên rất lợi cho nhà kinh doanh khai thác tài nguyên kinh tế, tổ chức nền móng sản xuất. Đi với Hóa Lộc, Lộc Tồn chuyên đoán, có óc lãnh tụ, độc quyền và tập quyền. Gặp Tuần, Triệt hay sát tinh đồng cung, Lộc Tồn mất nhiều cơ hội hoạt động, bị khiếm dụng, bị dùng phí phạm, bị dùng không đúng chỗ, tài năng bị tiêu mòn hoặc bị dùng vào việc sái đạo đức. Trong lãnh vực tài chính, sao này chỉ sự tiết kiệm, xài kỹ, xài có quy tắc, sự chắt mót, giữ của, có lợi cho các chức vụ quản trị ngân sách.
Thiên Khôi, Thiên Việt: Miễn là đừng gặp Tuần, Triệt hay Hóa Kỵ, Khôi Việt chỉ năng tài xuất chúng, uy tín và hậu thuẫn, phần lớn nhờ ở tài văn học, mô phạm, tính tình cao thượng, thanh khiết, tinh thần cạnh tranh và thi đua.
Bạch Hổ, Tang Môn đắc địa ở Dần: chỉ sự tài giỏi, quyền biến, thao lược, ứng phó được nhiều nghịch cảnh, đồng thời cũng có khả năng xét đoán, lý luận, hùng biện phù hợp với các chức vị chính trị, ngoại giao, tư pháp, sư phạm. Ngoài ra Tang Hổ đắc địa còn có khả năng về võ, có khí phách lãnh đạo, chỉ huy nhất là khi được sao võ đi kèm. Do đó, Tang Hổ đặc biệt là Hổ có nhiều phối cách rất hay với Tấu Thư, với Phi Liêm, với Long Phượng Cái, với Kình Hình. Với Tấu Thư, Bạch Hổ chỉ năng tài hùng biện rất khích động, xuất sắc về tâm lý chiến, vận động quần chúng. Với Phi Liêm, Bạch Hổ rất tháo vát, lanh lợi như Thiên Mã lại được thời cơ thuận lợi. Với Kình hay Hình, Bạch Hổ có chí khí, mưu lược cả văn lẫn võ. Với Long Phượng Cái, Bạch Hổ chỉ sự hiển đạt về uy danh, sự nghiệp, khoa giáp.
Thiên Khốc, Thiên Hư đắcđịa ở Tý, Ngọ: chỉ người có chí lớn, có văn tài hùng biện cùng năng khiếu hoạt động chính trị, đặc biệt là về hậu vận. Khốc Hình Mã thì hiển đạt võ nghiệp, nhất là ở Dần và Tỵ. Khốc Hư Sát hay Phá đắc địa thì có quyền cao chức trọng, uy danh lừng lẫy, được thiên hạ nể phục.
c. Phụ tinh chỉ thờithế, hoàn cảnh:
Ân Quang, Thiên Quý: Đóng ở Mệnh, Quan, Thân, Di viên chức được tín nhiệm, trong dụng nâng đỡ, che chở của người trên. Ngoài ra, Quang Quý có nghĩa là viên chức đó trung tín, hết lòng, có lương tâm chức nghiệp, xứng đáng với sự tín nhiệm của thượng cấp dành cho. Quang Quý có nghĩa gặp nhiều dịp may trong hoạn lộ, cụ thể như được thời thế thích hợp, được sử dụng đúng năng khiếu, làm việc vừa ý, được hạnh phúc trong nghề nghiệp.
Thanh Long, Lưu Hà hayHóa Kỵ đồng cung: có vận may tốt, cơ may lớn để ra làm quan, không cần cầu cạnh và lúc ra làm quan thì đắc dụng, đắc thời theo ba ý nghĩa nêu trên của Quang Quý. Ngoài ra, Thanh Long gặp Long Đức ở Thìn cũng rất tốt đẹp vì rồng đóng ở cung Thìn chỉ đắc danh, đắc lộc mà không cần cầu cạnh, được nhiều may mắn trên hoạn lộ.
Tràng Sinh, Đế Vượng: chỉ sự phong phú; áp dụng vào quan trường, công danh sẽ dồi dào, năng tài đa diện trong nhiều lĩnh vực, chức quyền tương đối cao. Người có Sinh, Vượng ở Quan có nhiều sáng kiến trong công vụ, được giao phó nhiều trách nhiệm, dễ thăng tiến.
Thiên Mã, Tràng Sinh: gặp vận hội tốt, có ý nghĩa giống như hai bộ sao Thanh Long Hóa Kỵ và Thanh Long Lưu Hà. Cách này có ý nghĩa tiền bạc, cụ thể là đắc lợi trong quan trường. Nếu ở cung Hợi thì kém hay.
Phi Liêm, Bạch Hổ: gọi là hổ mọc cánh, rất tốt ở cung Dần, tượng trưng cho thời vận đang lên, sự may mắn đặc biệt, sự thăng chức, thăng cấp dễ dàng.
Đào Hoa, Hồng Loan: ở Quan, Đào Hoa và Hồng Loan rất hợp cách: chỉ làm quan lúc tuổi trẻ, tuổi trẻ tài cao, công danh tảo đạt, nhẹ bước thang mây, không phải bôn ba cầu cạnh.
d. Phụ tinh chỉ nhâ sự trợ giúp:
Tả Phù, Hữu Bật: chủ sự giúp đỡ của người đời, đặc biệt là đồng sự, đồng song. Người có Tả Hữu ở Quan có tài giao tế nhân sự, có đức tính khéo léo thu được thiện cảm của người trên, có sự mềm mỏng cần thiết để được người ngang hàng cộng lực. Ngoài ra, cũng có nghĩa là quyền tước hiển vinh, nhờ có nhiều người phục tùng. Tả thuộc văn tinh nên hợp với Tử Phủ, Hữu chiếu vào Tử Phủ thì tốt hơn đồng cung. Trong cả hai trường hợp, Tả Hữu không nên đi chung với sát tinh. Tả Hữu còn có nghĩa là đa nghệ, là hệ số của tài năng, của quyền hành.
Thiên Quan, Thiên Phúc: chỉ sự giúp đỡ của ân nhân, bạn bè, cảm tình viên, cổ động viên …
Tướng Quân, Phá Quân, Phục Binh: nếu cung Quan có Thiên Tướng mà được thêm ba sao này hội tụ thì sẽ tăng thêm uy quyền cho Thiên Tướng có có nghĩa như tướng có quân, cầm quân.
Thiên Mã, Tràng Sinh, Đế Vượng: là bộ sao phụ tùy cho quan cách.
Binh, Hình, Tướng, ấn: chỉ cộng sự đắc lực và có quyền, trợ uy cho võ cách.
Ân Quang, Thiên Quý: chỉ ân sủng của thượng cấp và sự hậu thuẫn trung kiên và lâu bền của thuộc hạ.
4.Sát, hung tinh trong quan cách:
a. Những loại võ cách:
Hung sát tinh đắc địa gặp Sát Phá Liêm Tham đắc địa hay Vũ Tướng đắc địa:báo hiệu sự hiển đạt của võ nghiệp trong thời loạn, nhờ đức tính táo bạo, mạo hiểm, bất khuất trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bộ sao này có cả phú lẫn quý, tức là vừa có danh vừa có lợi. Nhưng công danh không được lâu bền, phát nhanh nhưng cũng tàn lẹ. Gặp bộ Vũ Tướng đắc địa thì toàn mỹ về cả công danh lẫn tiền bạc trong suốt thời gian sinh tiền, không bị ảnh hưởng của sự thăng trầm, hoạch phá. Nếu hai bộ này hãm địa, sát tinh dù có đắc địa cũng không quân bình được bất lợi: công danh nhỏ, chức vụ thấp, thăng giáng thất thường.
Hung sát tinh hãm gặp Sát Phá Liêm Tham hãm hoặc Vũ Tướng hãm:giảm chế công danh khiến quân nhân khó thăng tiến, trở thành bất đắc chí, càng tung hoành càng gặp hung họa lớn lao. Nếu bốn sao chính mà sáng sủa thì quan cách tương đối cao hơn, nhưng thiếu thuộc hạ đắc lực vì hung sát tinh hãm địa, thậm chí còn gây họa cho chính mình. Gặp Vũ Tướng hãm địa thì cũng dưới mức trung bình và gặp nhiều hung họa. Trái lại nếu Vũ Tướng đắc địa thì rất hay: chẳng những có uy danh mà còn khắc phục được trở ngại và những âm mưu bất chính của đối thủ.
b. Hung sát tinh với Tử Phủ Cự Nhật và Cơ Nguyệt Đồng Lương (văn cách):văn cách trong mỗi bộ sao này phải né tránh sát tinh thì mới hiển đạt. Gặp sát tinh, quan trường phải cạnh tranh, đối chọi, đấu trí, gian nan, chưa kể những hung họa hiểm nghèo khả hữu. Để thắng những sát tinh đó thì mỗi sao trong bộ phải đắc địa trở lên. Nếu chính tinh trong mỗi bộ sao mà hãm địa nốt thì quan cách chẳng những không ra gì mà còn gặp nhiều hiểm nguy đến bổn mạng.
c. Đặc điểm của hung sát tinh trong võ cách:
Địa Không, Địa Kiếp: chỉ khi nào đắc địa mới lợi cho công danh trong khuôn khổ võ cách. Không Kiếp giúp bộc phát rất nhanh, đặc biệt là trong thời loạn. Dù sao, võ nghiệp của Không Kiếp hết sức cực nhọc, khó khăn và nguy hiểm, phải đương đầu với nhiều địch thủ lợi hại trong môi trường đầy nguy hiểm. Tuy nhiên, Kiếp Không dù đắc địa cũng thăng trầm, chỉ giúp võ nghiệp hiển đạt một thời mà thôi. Trong giai đoạn hiển đạt, nếu Kiếp Không đắc địa được trợ lực bởi các sao khác, cụ thể như Tướng Quân, Thiên Mã hay Binh, Hình, Tướng, ấn thì quan cách thêm hiển hách. Thiếu những trợ tinh này, Kiếp Không đắc địa chỉ một tài năng cô độc. Mặc dù Kiếp Không đắc địa tương hợp với cách Sát Phá Liêm Tham đắc địa nhưng sự hoạnh phát không tránh được cảnh hoạnh tán: con người tuy có võ chức cao, có thành công lớn nhưng vẫn dễ bị phá sản trong một giai đoạn nào đó. Chỉ trừ phi đi chung với Vũ Tướng đắc địa thì quan toàn mỹ (rất hiếm). Nếu hãm địa, Kiếp Không chẳng những vất vả gian truân mà còn bất đắc chí và thường gặp hung sự hiểm nghèo, có hại đến tính mệnh hoặc bị bệnh tật nặng nề, tai họa về binh lửa. Có ba biệt lệ tốt đẹp cho trường hợp hãm địa: i) Không Kiếp hãm đi chung với Vũ Tướng đắc địa: trở lực nhiều nhưng con người khắc phục được, có công danh sự nghiệp lớn; ii) Không Kiếp hãm gặp Tử Phủ sáng sủa, Cự Nhật hay Cơ Nguyệt Đồng Lương đắc địa: tài quan tuy lớn lao nhưng có nhiều bất trắc, vất vả, gian truân, chỉ được sự hậu thuẫn của người trên mà ít được sự trợ giúp của kẻ dưới; iii) Không Kiếp hãm gặp Sát Phá Liêm Tham đắc địa: công danh cao nhưng người còn bất đắc chí, được người trên giúp đỡ nhưng thiếu nhân sự ở dưới trợ lực, phần lớn hạ cấp đều bất tài, tham nhũng, sát chủ.
Kình Dương, Đà La: chỉ hay khi hai sao này miếu địa: Kình ở Thìn Tuất Sửu Mùi, Đà thì đắc địa thêm ở Tý và Hợi. Kình Đà nếu đắc địa thì cương nghị, quả cảm, khí phách, cơ mưu, thủ đoạn, có tinh thần bất khuất, có tài và đắc dụng. Nếu được thêm Hỏa, Linh đắc địa hội tụ thì rất khét tiếng trong binh nghiệp, có khả năng chế phục địch quân. Được Tướng Quân, Thiên Mã, Khoa, Quyền, Lộc thì quan cách hết sức lẫy lừng, thường bách chiến bách thắng. Nếu gặp hung tinh như Không, Kiếp, Hình, Kỵ thì cũng tài giỏi nhưng phải gặp nhiều thăng trầm, hung họa lớn lao, chết thảm. Nếu hãm địa, Kình Đà là người rất bướng bỉnh, ngoan cố, ngỗ ngược, liều lĩnh và gian trá do đó tai họa dễ xảy đến từ hình tù cho đến thương phế và chết thảm. Kình Đà hãm ở Quan tượng trưng cho trở lực, khó khăn gặp phải, sự gian nan cơ cực và hiểm nghèo của công tác, có làm mà không được hưởng, chung quy dễ gặp nạn. Riêng sao Kình ở Ngọ thì rất hung hiểm, dễ chết bất đắc, trừ phi được cát tinh như Tướng, Mã, Khoa, Quyền, Lộc hội tụ mới hiển đạt. Nếu Kình (đắc hay hãm địa) đi chung với Lực Sỹ thì người đó khó tiến đạt, bị bỏ quên, bị đè nén. Đắc địa thì có tài mà không được biết hoặc biết mà không được dùng hoặc được dùng mà bị kiềm tỏa. Hãm địa thì là hạng vô dụng, bị bỏ xó, ngồi chơi xơi nước. Riêng Đà La ở Dần Thân, vô chính diệu thì đắc cách quý hiển cả về văn lẫn võ. Nếu bị Tuần Triệt án ngữ thì sẽ mất hết cái hay. Trong mọi trường hợp Kình Đà hãm địa mà bị thêm sát tinh khác hãm địa đi kèm thì hung họa, cơ cực không sao kể xiết: nghèo thì trộm cướp, hình tù, khá thì bất nhân bất nghĩa, thông thường thì yểu vong và chết không toàn thây.
Hỏa Tinh, Linh Tinh: Tính tình Hỏa Linh giống như Kình Đà. Nếu đắc địa (ở những cung ban ngày), nhất là hội với Tham miếu địa, đều có tài năng, có chí khí, có uy danh và thường hiển đạt trong binh nghiệp. Nếu hãm địa thì công danh trắc trở, chậm lụt nhất là hay gặp tai nạn, thường phải bôn ba đâu đó. Có hai biệt lệ của Hỏa Linh hãm địa sau: ở Sửu Mùi có Tham Vũ Việt đồng cung t hì võ cách hết sức hiển hách nhất là về hậu vận nhưng kỵ hai sao Không Kiếp sẽ làm phá tán hết cái hay; ở Hợi, đồng cung với Tuyệt có Tham Hình hội chiếu cũng rất vang danh trong binh nghiệp.
Kiếp Sát: chỉ sự đa sát, chém giết, gieo họa, hay xuống tay mạnh, thường dùng biện pháp cứng rắn, cực đoan lúc xử thế, nóng tính, không chịu nổi những sự bất bằng, hay tầm thù. Kiếp Sát là người lợi hại và nguy hiểm, có thể ví như hung đồ nên nếu ở Quan dễ gặp ha và có nhiều kẻ thù. Đi với các sao hung khác rất dễ thành phiến loạn, cướp của giết người, bất lương, vô loại.
Thiên Không: rất kỵ cung Quan lộc vì tượng trưng cho sự cản trở. Có Thiên không, khó thăng tiến, chậm thăng, thăng chật vật, thăng không cao, bị đè nén, kìm chế trong hoạn lộ. Thiên Không ở Quan là người bất mãn, hay làm hỏng việc, giữ chức vụ gì lớn không bền vững, lên thì chậm, xuống thì nhanh, quan trường hay bị đó kỵ, ganh ghét và chính đương số cũng có bụng tiểu nhân, ganh hiềm, đâm thọt, xuyên tạc, phá phách, gây chia rẽ, ly gián.
Phục Binh: ở Quan, sao này chỉ sự đố kỵ, hãm hại bằng thủ đoạn ngầm, có khi đi đến chỗ phục kích, ám sát để loại trừ địch thủ. Phục Binh có thể hoặc là nạn nhân của bọn tiểu nhân, hoặc chính mình là tiểu nhân, hoặc vừa là nạn nhân vừa là tiểu nhân, do sự trả đũa qua lại.
Hóa Kỵ: trước hết có nghĩa đố kỵ, ganh tỵ, thấy người hơn mình thì không thích. Thủ đoạn của Hóa Kỵ cũng bí mật, lén lút, thường là dùng miệng lưỡi để gièm pha, chỉ trích xuyên tạc, vu khống. Do đó, Hóa Kỵ ở Quan tượng trưng cho thị phi, khẩu thiệt, vạ miệng. Mặt khác, Hóa Kỵ hãm địa có nghĩa là nông nổi, xu thời, thiếu lập trường, ai mạnh thì theo, dễ bỏ bạn bè để theo danh lợi. Trong trường hợp đắc địa (ở Thìn, Tuất, Sửu và Mùi) thì là người có khuynh hướng cách mạng, muốn thay cũ đổi mới, ý nghĩa tương đối hướng thượng, quan cách dễ thành công nếu được cát tinh hỗ trợ.
Thiên Hình: đắc địa ở Dần, Thân, Mão, Dậu. Thiên Hình chuyên về quân sự, có dũng khí, có uy phong, có tài cầm binh, thiên về sát phạt. Nếu là quan văn thường là thẩm phán, trạng sư, có năng khiếu luật pháp, xét xử công minh. Nếu thêm Thiên Y đi kèm, có thể là bác sĩ giải phẫu, châm cứu. Thiên Hình là người nóng tính, khắt khe, cương nghị, làm việc theo nguyên tắc, không chấp nhận trái lệ, trái luật, có tinh thần liêm chính, công bình, có tinh thần chu đáo, tinh vi, kỹ lưỡng, hay chú ý đến chi tiết. Quân nhân có Thiên Hình đắc địa ở Quan thường rất mực thước, vô tư, ngay thẳng, có lương tâm chức nghiệp, có bản lĩnh hành xử trách nhiệm một cách khả quan. Đi với Binh, Tướng, ấn thì là võ cách tham mưu, có uy dũng và mưu lược, thường được giao phó trọng trách. Nếu Hình hãm địa thì quan cách hay gặp hung sự, tụng ngục, bị điều tra, bị tố cáo. Gặp Tuần, Triệt án ngữ thì có thể bị giáng chức, cách chức, ở tù, bị kiện.
5.Tuần, Triệt ở cung Quan:
Thông thường, Tuần Triệt là sao phá, đóng ở cung nào thì gây trở ngại cho cung đó: ở Mệnh, thì thiếu thời lận đận, ở Thân thì trắc trở, gian truân; ở Phu Thê thì hỏng một duyên nợ; ở Tử thì hao con; ở Tài thì kém tiền bạc. Chỉ có Tật, Tuần Triệt phá tán bệnh tật, họa, tạo sức khỏe cho đương số.
Vì vậy, Tuần Triệt đóng ở Quan tiên quyết gây trục trặc cho quan trường, thể hiện dưới nhiều hình thái: hoặc chậm công danh; hoặc công danh phải lận đận, chật vật; hoặc công danh không mấy cao, thăng giáng thất thường; hoặc không bền vững. Nếu gặp Triệt, cong danh chậm phát lúc thiếu thời, chỉ về già mới hanh thông. Nếu gặp Tuần, sự trục trặc có tính cách triền miên, tuy không nặng như Triệt nhưng kéo dài suốt đời.
a. Trường hợp cung Quan có chính tinh:
Nếu chính tinh sáng sủa, Tuần Triệt làm cho bớt sáng, có thể trở thành tối. Do đó, công danh có thể bị trở ngại, hoặc chậm phát hoặc trục trặc, hoặc không lâu bền, hoặc có nhiều hung sự xảy ra, có thể là mất chức, mất quyền, bị thay đổi, bằng không thì cũng bất toại, hay gặp những sự bực mình, bất mãn, tài năng không thi thố được. Nếu tại Quan mà có Thiên Tướng hay Tướng Quân thì càng bất lợi: vào công quyền ắt phải có lần mất chức, bị cách chức. Tuy nhiên, có hai chế giảm cho cung Quan bị Triệt, Tuần: i) cung Quan có Sát Phá Liêm Tham hay bại tinh sáng sủa gặp Tuần Triệt thì tương đối bền vững, chức vụ tương đối cao, không đến nỗi phải lụn bại, thăng trầm. Những sao Tử Phủ, Cự Nhật, Cơ Nguyệt-Đồng Lương đi với sao sáng sủa khác gặp Tuần Triệt thì công danh thất thường, không bền, gặp hung sự; ii) cung Quan ở Sửu, Mùi có Âm Dương tọa thủ đồng cung: quan lộc được rực rỡ, đặc biệt là về sau vì tại Sửu Mùi, Âm Dương tương đối xấu, gặp Tuần, Triệt thì sáng lại và tại Sửu Mùi vốn là âm cung nên tốt cho hậu vận.
Nếu chính tinh ở Quan mà hãm địa, Tuần Triệt phục hồi sức sáng cho chính tinh, công danh sẽ quý hiển nhưng không tránh khỏi trắc trở: quan trường chỉ phát lúc hậu vận. Đặc biệt nếu Sát Phá Liêm Tham hay bại tinh hãm địa gặp Tuần Triệt đồng cung thì lại phát nhanh và mạnh hơn những bộ sao khác hãm địa. Duy đối với Thiên Tướng, dù đắc hay hãm địa, Tuần Triệt bao giờ cũng gây thảm tử, như quân nhân chết trận, viên chức bị cách, giáng.
b. Trường hợp cung Quan vô chính diệu:
Cung Quan vô chính diệu, dù được chính tinh đối diện sáng sủa chiếu vào, quan lộc cũng không toàn mỹ (công danh tầm thường, chức vị không mấy cao) huống hồ gặp chính tinh đối diện hãm địa. Duy có hai biệt lệ quan trọng làm khởi sắc cho cung Quan vô chính diệu:
Cung Quan có Tuần hoặc Triệt án ngữ: cách này nói chung không hoàn hảo nhưng cũng đỡ xấu. Quan trường tuy nhiều trở ngại nhưng vẫn có thể hiển đạt trong vãn vận. Nếu tảo đạt và phát nhanh thì lại sớm tàn và hoạnh tán.
Cung Quan được Nhật Nguyệt cùng sáng sủa hợp chiếu hay xung chiếu: cách này trở thành đắc lợi nhờ ánh sáng phối hợp của hai nguồn năng lực Nhật Nguyệt: công danh sáng lạn, chức vụ lớn, quyền hành cao, có triển vọng đắc phú, tóm lại vừa giàu vừa sang. Nếu cung Quan có Tuần hay Triệt trấn thủ tại đó thì phú quý sẽ tăng tiến nhiều hơn nữa.
(Dẫn theo trang kilotuvi.blogspot.com/)