Ai tinh pháp – huyền không lục pháp
NHỊ THẬP TỨ SƠN AI TINH PHÁP
Ai tinh – là một trong 6 pháp của Huyền Không Lục Pháp. Sở dĩ nói “Lục Pháp” là vì phái này sử dụng 6 cương lĩnh chính, đó là : Huyền Không, Ai Tinh, Thư Hùng, Kim Long, Thành Môn, Thái Tuế.
Ai Tinh là gì? Theo nghĩa đen, thì “Ai” nghĩa là lần lượt theo tứ tự, “Tinh” nghĩa là Cửu tinh. “Ai Tinh” là cách thức lần lượt sắp xếp các sao theo thứ tự trên đồ hình. Đại khái hiểu rằng Ai tinh là phép bày bố 9 sao Tham lang, Cự môn, Lộc tồn, Văn khúc, Liêm trinh, Vũ khúc, Phá quân, Tả phụ, Hữu bật trên Cửu cung Lạc thư, rồi từ đó phát sinh các quan điểm để luận đoán Cát-Hung trong phong thủy.
Vì vậy, muốn luận đoán được Cát-Hung thông qua hệ thống Cửu tinh thì buộc phải biết nguyên lý bày bố. Tuy các sách viết về Huyền Không Lục Pháp cũng đều nói đến tường tận, nhưng nguyên lý thì cũng khá dài dòng, nên tôi giới thiệu qua mấy nét chính yếu để mọi người có cảm hứng bàn luận.
Phép Ai tinh của các thư tịch cũng có đôi chút khác biệt. Cụ thể như Ai tinh đồ trong Nguyên Không Pháp Giám so với Ai tinh đồ của Đàm thị huyền không lục pháp cũng có chỗ khác nhau, dần dần rồi sẽ bàn luận.
===============================================
1. Hệ thống con số của Bát quái và Cửu tinh
Tiên – Hậu thiên bát quái, sau khi Trừu hào hoán tượng, được 24 quẻ, bày bố trên 24 sơn. Vì vậy mà mỗi sơn sẽ tương ứng có một quẻ. Từ các quẻ này, chúng ta đem đổi nó sang con số. Nói đến con số, tại Kinh Dịch, Kham dư hay trong các loại huyền học thuật số thì quan trọng nhất là hệ thống con số của Cửu Cung Lạc Thư. Bây giờ, chúng ta có thể đem số Lạc thư phối với Bát quái, sẽ được các quẻ ứng với con số.
Bát quái phối số có 2 phương thức :
– Tiên thiên bát quái phối Lạc thư số
– Hậu thiên bát quái phối Lạc thư số
+ Hậu thiên quái phối Lạc thư :
– Khảm = 1
– Khôn = 2
– Chấn = 3
– Tốn = 4
– Càn = 6
– Đoài = 7
– Cần = 8
– Ly = 9
– Số 5 tại trung cung nên không phối quái.
Đem các quẻ chuyển hoán thành Lạc thư số rồi phối với 24 sơn theo đồ hình Trừu hào hoán tượng, đây chính là hệ thống số thứ nhất.
+ Tiên thiên bát quái phối lạc thư :
– Càn = 9
– Đoài = 4
– Ly = 3
– Chấn = 8
– Tốn = 2
– Khảm = 7
– Cấn = 5
– Khôn = 1
– Số 5 tại trung cung nên không phối quái
Cũng như trên, đem các quẻ chuyển hoán thành số lạc thư rồi phối với 24 sơn theo đồ hình Trừu hào hoán tượng, đây chính là hệ thống số thứ 2. (xem hình vẽ)
Chú : Phép “Trừu hào hoán tượng” hay “Trừu hào hoán hướng” là cách thức để biến đổi 1 quẻ thông qua quá trình thay đổi các hào Âm-Dương trong quẻ. “Trừu” nghĩa là rút ra, “trừu hào hoán tượng” nghĩa đen là “rút hào trong quẻ ra để thay đổi tượng quẻ” – Chi tiết cách thức sẽ trình bày sau.
(HÌNH VẼ – XEM BÊN DƯỚI)
2. Cửu tinh :
Gọi là Cửu tinh, tức là tên của các sao trên trời : Tham Lang, Cự Môn, Lộc Tồn, Văn Khúc, Liêm Trinh, Vũ Khúc, Phá Quân, Tả Phù, Hữu Bật. 9 sao này cấu thành hệ Bắc đẩu thất tinh. Thực ra, Bắc đẩu thất tinh tương truyền từ xưa đến nay có số lượng không thống nhất. Tham Lang cửu tinh chỉ là một trường hợp. Tên của các sao trong Bắc đẩu thất tinh là Thiên Khu, Thiên Tuyền, Thiên Cơ, Thiên quyền… tất cả gồm 7 ngôi, nó cùng với các sao Tham lang quan hệ như sau :
Thiên khu = tham lang
Thiên tuyền = cự môn
Thiên cơ = lộc tồn
Thiên quyền = văn khúc
Ngọc hoành = liêm trinh
Khai dương = vũ khúc
Dao quang = phá quân
7 sao này tạo thành sơ đồ hình “cán gáo”, ngoài ra còn có 2 sao Tả Phù, Hữu Bật khi ẩn khi hiện hộ vệ cho Bắc Đẩu Thất tinh, chính vì thế nên nó cũng rất quan trọng. 9 sao này bày bố theo 1 thứ tự nhất định, bắt đầu từ vị trí đầu tiên của “đẩu” (Cái gáo), theo thứ tự sắp xếp đến cuối của “cán gáo”. Xem trong hình vẽ có thể thấy, thứ tự thuận là :
1- Tham Lang, 2- Cự Môn, 3- Lộc Tồn, 4- Văn Khúc, 5- Liêm Trinh, 6- Vũ Khúc, 7- Phá Quân, 8- Tả Phù, 9- Hữu Bật.
Sau đó lại đem thứ tự này của cửu tinh sắp xếp vào sơ đồ Lạc thư cửu cung, sẽ được hệ thống Cửu tinh phối Lạc thư.
Đem hệ thống số Cửu tinh phối lạc thư này kết hợp với hệ thống thứ nhất ở phần trên (Hậu thiên phối lạc thư) sẽ được “Nhị thập tứ sơn ai tinh đồ”. Đây cũng chính là “Diệu hợp cấu tinh đồ” trong “Huyền Không Bản Nghĩa” của Đàm Dưỡng Ngô. Các loại quyết về Ai tinh quyết, cũng như các bí mật giấu kín không tiết lộ, hay phép tắc cát hung đều ẩn chứa trong sơ đồ này.
(HÌNH VẼ – XEM BÊN DƯỚI)
(HÌNH VẼ – XEM BÊN DƯỚI)
Đây chính là Ai tinh đồ của Huyền Không Lục Pháp. Trong này chứa nhiều điều bí mật, nhiều quyết pháp của Huyền Không nói chung và Huyền Không Lục Pháp nói riêng.
(Chương 2 : QUAN HỆ AI TINH VỚI LINH – CHÍNH, SƠN – THỦY, NGUYÊN VẬN)
(Tác giả: Nguyễn Trọng Tuệ)