Vai trò của hàng Can & và bố cục các sao
Vai trò của hàng Can trong các câu phú Tử-vi * Cách bố-cục của các sao: thấy sao này biết ngay sao khác và đóan tức khắc
PHONG-NGUYÊN
1. Vai trò của các hàng Can trong câu phú
Chắc quý bạn ai cũng đều biết câu phú: “Tử Vi cư Ngọ vô Hình Kỵ, Giáp Đinh Kỷ vị chí công khanh”, và ai cũng hiểu nghĩa câu phú này đồng thời thấy dễ áp dụng. nhưng nếu ai hỏi quý bạn tại sao chỉ có các tuổi Giáp, Đinh, Kỷ mới được hưởng cách này thì chắc quý bạn sẽ lung túng. Thực ra các vị uyên thâm tử vi đều giải thích được cả vì trong các sách tử vi của người Tàu cũng có đề cập tới. Điểm này tuy khó nhưng nếu được nghe giải thích quý bạn sẽ thấy giản dị vô cùng. Có nhiều người đóan mò cứ cho rằng nêu ra hàng Can tức liên quan đến ngũ hành sinh khắc chế hóa, nhưng thực ra hàng can được nêu ra chỉ nằm mục đích nói tới cách bố cục của một số sao, nhất là Khoa, Quyền, Lộc và Lộc Tồn vì các sao này được xem là nhóm sao bổ túc tối cần thiết cho cách đã nêu ra trong câu phú (trong trường hợp này là Tử Vi cư Ngọ).
Bây giờ hẳn quý bạn đã hiểu sơ qua về lý do tại sao có hàng Can trong câu phú, và tôi xin bàn trực tiếp đến câu phú trên cho quý bạn hiểu rõ rang. Điều cần nhất là quý bạn phải nhớ cách bố cục của các chính tinh. Nghĩa là khi Mệnh có Tử Vi cư Ngọ thì phải nhớ Liêm Trinh, Thiên Phủ đồng cung tại cung Tuất (tức là cung Quan Lộc), Vũ Khúc, Thiên Tướng tại Dần (tức là cung Tài Bạch), Tham Lang cư Tý (tức là cung Thiên Di), và sau hết là Phá Quân cư Thân (tức là cung Phúc Đức). Quý bạn chỉ cần nhớ các chính tinh tại những cung chiếu về Mệnh và tại cung Phúc là đủ, nếu nhớ thêm các cung khác thì hơi mệt óc một chút mà lại không liên hệ gì đến cách đóan. Có nhớ được như vậy thì mới hiểu được mau lẹ cách bố cục của các nhóm sao bổ túc kể trên vì các sao này luôn an theo các chính tinh. Như tuổi Giáp an Hóa Lộc đồng cung với Liêm Trinh (cung Quan), Hóa Khoa đồng cung với Vũ Khúc (cung Tài), Hóa Quyền đồng cung với Phá Quân (cung Phúc); riêng Lộc Tồn tuy không an theo chính tinh nhưng vì ảnh huởng của sao này rất quan trọng nên phải chú ý, và trong trường hợp tuổi Giáp thì Lộc Tồn an tại Dần, đồng cung với Vũ Tướng và Hóa Khoa. Qua cách bố cục trên quý bạn thấy rằng Tử Vi đã hội đủ Tam Hóa và Lộc Tồn như vậy có đáng làm “công khanh” hay chưa? Nhất là không được gặp Hình Kỵ lại càng chắc ăn nữa, như trong câu phú đã ấn định. Về sao Hóa Quyền đồng cung với Phá Quân tại cung Phúc Đức quý bạn phải hiểu rằng cũng thuộc về mình vì cung Phúc Đức rất quan trọng cho mình. Ngòai ra, ta còn phải kể tới các sao Tướng Quân, Quốc Ấn nữa vì khi Lộc Tồn an tại Dần thời đối với tuổi Giáp đương nhiên Tướng Quân phải đồng cung với Tử Vi ở Ngọ và Quốc Ân sẽ tọa thủ tại Tuất (cung Quan), và khi Tướng Quân ở Ngọ, Phục Binh ắt phải ở cung xung chiếu, tức là được cách “nội tướng ngọai binh” là cách chỉ huy. Các bạn nên ghi nhớ thêm là tất cả các tuổi Giáp (như Giáp Tý, Giáp Ngọ, Giáp Dần, Giáp Thân…) nếu áp dụng cho đàn ông thời đương nhiên là Dương Nam và do đó Tướng Quân phải cư Ngọ trong trường hợp trên. Nếu là Dương Nữ chăng nữa thì Tướng Quân lại lọt vào cung Quan, như thế vẫn trực tiếp “phục vụ” cho Tử Vi cư Ngọ. Nói tóm lại, quý bạn hẳn nhận thấy cách trên đã hội đủ gần hết những yếu tố cần thiết cho Tử Vi cư Ngọ trong khi các tuổi khác không thể nào được như vậy. Tỷ dụ như tuổi Ất chẳng hạn chỉ được mỗi Hóa Khoa đồng cung với Tử Vi, còn Quyền Lộc chạy sang các cung khác, hơn nữa còn có khuyết điểm nặng nề là có Triệt án ngữ tại Ngọ-Mùi vì Tử Vi sợ nhất Triệt và nguy hại hơn nữa là Tướng Quân ngộ Triệt (mà Triệt lại lại chặn đầu nữa!) (Đối với các tuổi khác, quý bạn cứ việc suy luận theo như trên là hiểu ngay).
Qua thí dụ trên đây, quý bạn thấy rõ là các câu phú thật là súc tích và do đó các nhà tử vi điêu luyện nhiều khi chỉ bấm sơ trên tay là đóan được liền. Đối với những người có óc thực tế họ chẳng nhớ câu phú mà cứ nhắm vào các sao bổ túc kể trên để phối hợp với các chính tinh, nhưng như thế cần phải có sẵn lá số trước mặt chứ không thể bấm trên tay mau lẹ được.
2. Cách bố cục của các sao
Trong mục này tôi không chỉ dẫn về cách an sao mà trong các sách tử vi đều có. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến vấn đề phải nhớ đến hệ thống cố định của các sao, nhất là của các chính tinh, nghĩa là khi thấy các sao này ở cung Mệnh là đương nhiên sao nọ ở cung Quan, cung Thê v.v… Mục này khác với mục trên ở điểm là không phải chú trọng đến các nhóm sao bổ túc mà phải lưu ý đến các chính tinh cùng những sao an theo hệ thống cố định (tỷ dụ như có Hoa Cái ở Mùi thì đương nhiên Thiên Mã ở Tỵ, có Tang Môn ở Mệnh là đương nhiên có Thái Tuế ở cung Thê hoặc Phu v.v…). Có nhớ được như thế quý bạn mới hiểu được dễ dàng những điều tôi sẽ trình bày sau đây.
Tôi còn nhớ Cụ Song An Đỗ Văn Lưu (tác giả cuốn Tử Vi Chỉ Nam) khi còn sinh tiền có kể cho tôi nghe là Cụ thường thi đua với các nhà tử vi lành nghề về phương diện an sao cho nhanh và chính xác, và tất cả những nhà tử vi dự cuộc thi đặt điều kiện là phải an từng cung cho xong mới được qua các cung khác, chứ an theo cách đếm thường lệ thì rất dễ dàng. Tôi nêu ra chuyện này không phải đề cao Cụ Đỗ Văn Lưu vì thực ra Cụ đóan tử vi cũng chẳng giỏi gì, mà chỉ muốn nói rằng việc an sao như vậy rất có lợi cho cách đóan tử vi, nhất là khi muốn bấm bằng tay. Thực thế, khi quý bạn vừa nói với thầy tử vi là mạng quý bạn có Liêm Sát chẳng hạn, nếu thấy ông thầy đóan ngay lập tức là người vợ quý bạn đàng hòang, trung hậu, đảm đang thì bạn có phục và ngạc nhiên hay không? Nhưng nếu bạn nhớ cách bố cục cố định thì quý bạn cẳhng cho là lạ chút nào, vì khi cung Mệnh có Liêm Sát thời đương nhiên cung Thê có Thiên Tướng là sao có những đặc tính nêu trên, dù cho có gặp những sao khác chế hóa đi, cũng chỉ sai lệnh chút ít mà thôi.
Tôi xin nếu thêm một ví dụ khác nữa nếu biết cung mạng của quý bạn có Tang Môn ở bất cứ vị trí nào là tôi có ngay một khái niệm hạnh phúc lứa đôi của bạn, nghĩa là tôi đã biết sơ sơ là vợ chồng bạn (trường hợp có gia đình rồi) nương tựa lẫn nhau trên đường đời tuy hơi khắc khẩu.
Tại sao vậy? Cũng suy luận như trên khi mạng có Tang Môn thì cung Phối pảhi có Thái Tuế là sao hay cãi cọ, khẩu thiệt, nhưng cũng nói lên là sao nương tựa lẫn nhau vì tuổi mình ẩn trong sao đó (Thái Tuế an theo tuổi) và như vậy cung Thê phải đóng tại cung tuổi mình, tức là cách truyền cung mà tôi đã khen trong bài “Hạnh phúc vợ chồng qua cung Phối” đã đang trên KHHB. Nếu ngược lại, quý bạn cho tôi biết là cung Thê của quý bạn có Thái Tuế là tôi biết ngay quý bạn có tính đa nghi, hay hờn dỗi, ưa nghiên cứu kín đáo, có óc tế nhị, học hành dễ bị gián đọan hoặc chậm trễ; đó cũng chỉ vì tôi biết cung Mệnh của quý bạn đương nhiên có Tang Môn tượng trưng cho các tính chất trên.
Để chấm dứt mục này, tôi xin nêu ra một câu phú thong thường để nêu rõ sự cần thíêt về việc ghi nhớ cách bố cục cố định của các chính tinh. Đó là câu “Cự Nhật Dần Thân, quan tam đại”. Tại sao chỉ có cách Cự Nhật này mới được “quan phong tam đại”? Lại cũng suy luận theo cách bố cục của các chính tinh, ta thấy khi Mệnh của mình có Cự Nhật thì đương nhiên cung Ph1uc có Cơ Lương (ở Thìn hoặc Tuất) và cung Tử Tức có Thiên Phủ. Như thế phải 3 đời làm quan không? Cung Phúc có Cơ Lương ở Thìn Tuất thì ông cha của ta phải có chức phận trong chính quyền; cung Mệnh của ta có Cự Nhật thì chính ta phải làm quan, rồi đến cung Tử Tức có Thiên Phủ thì con cái ta cũng phải là người có công danh trong xã hội, lớn hay nhỏ còn tùy theo các sao khác, nhưng dù sao ta cũng mường tượng được dòng dõi của Cự Nhật rồi.
(Dẫn theo trang vuihoctuvi.blogspot.com)