Quẻ Tùy
Tùy: nguyên hanh, lợi trinh, vô cữu.
Quẻ Tùy tượng trưng cho sự theo: hết sức hanh thông, lợi về giữ vững chính bền, nhờ vậy thì tất không “cữu hại”.
Chú thích: tùy – tên quẻ, Án lệ chữ tùy theo Thuyết văn “là theo”, dưới là quẻ Chấn, trên là quẻ Đoài, hàm nghĩa ‘trong động ngoài vui’, mọi người tình nguyện đi theo”; Quảng Nhã – Thích hỗ giải thích “tùy” là “thuận” với nghĩa ‘phục tùng theo mệnh’.
Xét theo biến hào, thì hào Sáu của quẻ Càn xuống dưới ứng với ngôi Đầu quẻ Khôn, hào Đầu quẻ Khôn lên ở trên ứng với ngôi thứ Sáu quẻ Càn; dương xuống ở dưới âm thì âm ắt vui theo mà làm nên nghĩa tùy.
Quân vương thực thi chính sách làm cho dân chúng vui lòng mãn nguyện. Quan hệ giữa thần dân và thiên tử là quan hệ hô ứng, liên kết với nhau như bóng với hình, đó là lý do tại sao tên quẻ là ‘tùy’
Trịnh Huyền nói “Chấn là động, Đoài là vui. Bên trong động bởi đức, bên ngoài vui bởi lời, thì mọi người trong thiên hạ đều hâm mộ bởi việc làm mà theo nó, cho nên gọi là tùy”.
Nếu ở thời có mọi người đi theo, phản ánh sự hanh thông, thì cốt yếu là lợi về giữ chính, mất chính thì mắc vào tội lỗi sao được hanh. Đó là ý nghĩa của nguyên hanh, lợi trinh. Lý Long Sơn nói “Hai quẻ Hàm và Tùy đều trai ở dưới gái. Hàm thì thiếu nam và thiếu nữ, khí âm dương bằng nhau mà tương ứng, cho nên gọi là Hàm. Qủe Tùy thì trưởng nam và thiếu nữ, dương mạnh hơn âm, có thể áp chế nhau mà âm tự phải theo, nên gọi là Tùy. Người ở trong cảnh có đức dương cương mà đứng trên đời, thì ta nên chuyển vận cho các vật để cho vật theo ta; chẳng nên để cho vật chuyển vận của ta, mà ta phải theo vật. Đó là ra mà ứng tiếp với đời, dẫu không có lòng giúp người, thì cũng tự được một đời vui theo”.
Khổng Dĩnh Đạt giảng “Nguyên hanh là ở đời theo nhau, tất phải là rất hanh thông, nếu không rất hanh thông thì không có ai đi theo, mà như vậy là thời nghịch; Lợi trinh, đây là một dạng theo nhau có lợi nếu được ‘chính’, theo mà không chính thì là con đường tà, do đó tất phải lợi trinh; vô cữu, là nếu có được đủ cả bốn đức trên thì sẽ vô cữu, nếu theo nhau không hợp chính nghĩa, thì kết quả là thành bè đảng với nhau, cho nên phải hội đủ bốn đức mới ‘vô cữu’ được vậy”.
Trình Di phân tích ba nét nghĩa trong quẻ Tùy: 1. Là “đạo của người quân tử được mọi người theo”; 2. Là “mình theo người”; 3. Là “gặp việc mà chọn con đường nên theo”. Đồng thời nêu rằng “Phàm là bậc nhân quân theo điều thiện, phận bề tôi vâng mệnh, bậc học giả theo điều nghĩa, lâm sự mà tuân theo bậc trưởng thượng, như vậy đều là ‘tùy’ cả”.
Hồ Vân Phong giảng “Truân, Lâm, Vô vọng và quẻ Cách đều nói nguyên hanh, lợi trinh mà không nói ‘vô cữu’, duy quẻ Tùy là có nói vô cữu là vì: ta theo người hay làm cho người theo ta, thì việc dẫu đại hanh mà chẳng chính thì việc dễ có tội lỗi (vô cữu), hơn nữa đông người mà theo thì càng dễ mất chính, làm sao được vô cữu. Lấy bất chính mà theo thì việc bên trong nội bộ sinh loạn vậy”. Xuân Thu truyện – Mục Khương nói “Có đủ bốn đức nguyên hanh lợi trinh thì quẻ Tùy mới vô cữu ta đều không có, há theo được vậy thay?”; Cương đến làm chủ động là hanh, Ngũ trung chính đáng ngôi là lợi trinh.
Chiết trung cho là: nếu các tượng trên dưới và các hào ở ngôi này ngôi kia trong quẻ, đều phản ảnh nghĩa cứng xuống với mềm (đây là nói theo lẽ quẻ biến hào dương cứng xuống với hào âm mềm), ví như từ tôn quý xuống với tiện hạ, từ nhiều hỏi ít, thì được gọi là ‘tùy’; đồng thời nói “Tuy nhiên nghĩa quẻ chủ về ý mình theo người; còn về ý người theo mình thì chỉ là ý phụ mà thôi, nếu nghĩa gốc của tên quẻ là ở ý người theo mình thì sai.” Hai thuyết này đều có thể tham khảo.
Thoán viết: Tùy, cương lai nhi hạ nhu, động nhi duyệt. Tùy, đại hanh, trinh vô cữu, nhi thiên hạ thời tùy. Tùy thời chi nghĩa đại hỹ tai.
Thoán truyện nói: Theo, ví như dương cứng đến mà khiêm tốn ở dưới âm mềm, có hành động đó tất nhiên khiến người vui mà mọi vật theo. Theo, hết sức hanh thông, giữ vững chính bền tất sẽ không cữu hại, từ đó muôn vật trong thiên hạ sẽ theo vào lúc thích hợp. Ý nghĩa của sự theo vào lúc thích hợp lớn vậy thay.
Chú thích: cương, động chỉ quẻ Chấn dưới, nhu, duyệt chỉ quẻ Đoài trên, lấy tượng trên và dưới giải thích nghĩa của tên quẻ. Khổng Dĩnh Đạt giảng “Chấn động mà Đoài vui, đã có thể ở dưới người mà động thì vui mừng, như vậy thì mọi vật đều theo cả. Đặc biệt nói là ‘tùy thời’, có nghĩa là lúc này thích hợp với nguyên hanh, lợi trinh. Có thể theo được thì theo, tùy từng thời mà ứng dụng, sự lợi thì lớn, cho nên nói ‘tùy thời chi nghĩa đại hỹ tai’ vậy”.
Thiên hạ mà theo chỉ ở “tùy thời”, đạo người tùy thời mà động, tùy nghi mà biến, chẳng nên làm lệ thường, phải tri cơ mà quyền biến, chữ thời của quẻ Tùy có khác với chữ thời của quẻ Dự, đó là: thời và nghĩa là hai sự việc phải cân nhắc, còn quẻ Tùy chỉ xét thiên hạ theo một chữ ‘thời’ làm trọng, còn lý và tình là cái thứ yếu vậy. Muôn vật trong thiên hạ đều theo vào lúc thịnh hợp
Vương Phùng nói “Trên có thể xuống dưới, dưới thì lại theo lên, tôn quý có thể xuống hạ tiện, hạ tiện thì lại theo tôn quý, nghĩa của chữ tùy là cứng xuống dưới mềm vậy”.
Thái Tiết Trai nói “Thiên hạ mà theo đó là thời của Thánh nhân, mà thánh nhân chế tác cái gì cũng phải theo thời của thiên hạ, ví như Lễ, Nhạc, Pháp độ bắt đầu ở Phục Hy mà cho đến Chu Công mới thành, trí lự của thánh nhân há chẳng bằng ư ? đó cũng là nghĩa tùy thời lớn vậy”.
Tượng viết: Trạch trung hữu lôi, tùy ; quân tử dĩ hưởng hối nhập yến tức.
Tượng truyện nói: Sấm vang trong đầm (đầm theo sấm động), tượng trưng cho sự “theo”, người quân tử do vậy tùy theo quy luật làm việc, nghỉ ngơi của mình, biết đường tiến thoái, xuất xử mà vào phòng nghỉ khi trời sắp tối.
Chú thích: Trình Di giảng trạch trung hữu lôi, là sấm nổi trong đầm, đầm theo sấm mà động, là tượng tùy thời mà động, tùy thời mà nên, muôn việc đều như vậy”. hưởng hối cũng như nói ‘trời sắp tối’; yến là an, ‘yến tức’ là nghỉ ngời.
Trình Di nói “Người quân tử thì ban ngày gắng sức không nghỉ, tới khi gần tối thì vào nhà nghỉ ngơi để yên thân mình; làm nghỉ tùy thời sao cho thích hợp. Kinh Lễ nói “Quân tử trú bất cư nội, dạ bất cư ngoại” (Người quân tử ban ngày không ở trong, ban đêm không ở ngoài), cũng là đạo tùy thời vậy” – ý nói biết việc làm thì cũng phải biết nghỉ ngơi.
Khâu Kiến An giảng “Sấm là dương thanh, phát thanh ở Xuân Hạ, ấy là động; thu thanh ở Thu Đông, ấy là tĩnh. Trong đầm có sấm đấy là thời Thu Đông ư ? Người quân tử thể theo Trời mà làm việc, cho nên động cùng với sấm đều là ra, mà tĩnh cùng với sấm đều là vào, ví như sấm ra đất chuyển vậy. Quẻ Dự lấy đó mà tác nhạc sùng đức. Sấm ở trên trời là Đại tráng lấy đó làm phi lễ phất lý. Dưới trời sấm đi là Vô vọng, lấy đó làm đối thời dục vật, đều là phép sấm động. Ví như sấm ở trong đất là quẻ Phục, lấy đó làm quan tức lữ hậu bất tỉnh phương. Trong đầm có sấm là quẻ Tùy, lấy đó để hưởng hối yến tức, đều là phép sấm yên. Hỏi rằng Chu Công ngồi đợi sáng, Khổng Tử thâu đêm chẳng ngủ, có phải là nghĩa hướng hối nhập yến tức chăng ? Hướng hối nhập yến tức là nghĩa quân tử tùy thời đợi sáng chẳng ngủ mà chí ở cứu thời thế đó vậy”.
Đại tượng truyện lấy câu “vào phòng nghỉ ngơi khi trời sắp tối” để trình bầy ý nghĩa quẻ Tùy, tức là cái lẽ Thoán truyện nói “thiên hạ tùy thời”. Trình Di nói “Lấy cái rõ nhất và gần nhất mà nói”.
Wilhelm bình luận “Để muốn người khác đi theo mình cần phải biết cách ứng xử phù hợp. Nếu muốn cai trị trước hết phải học cách phục vụ, vì chỉ bằng cách này, người lãnh đạo mới được sự vui vẻ tự nguyện đi theo mình từ phía các thuộc hạ, một điều kiện cần thiết khi họ đi theo phục vụ mình. Còn nếu dùng vũ lực hay cưỡng bức, âm mưu hay tạo phe đảng, thì chỉ tạo ra sự đối kháng, khiến không ai vui vẻ đi theo. Vào mùa thu, sấm (điện) rút vào trong đất nghỉ ngơi, đó là hình tượng sấm trong đầm: thể hiện sự nghỉ ngơi. Sấm trong hồ cho biết rằng trời đã tối và thời nghỉ ngơi đã đến. Tương tự như vậy với con người, không có tình huống nào có thể trở thành thuận tiện, cho đến khi chúng ta có thể thích ứng với nó, và không làm cho bản thân kiệt quệ vì những đề kháng sai lầm”.
Sơ Cửu, quan hữu du, trinh cát; xuất môn giao hữu công.
Hào Chín Đầu, có quan điểm tư tưởng giữ vững chính bền thì sẽ được tốt lành ; ra cửa kết bạn với người tất sẽ thành công.
Chú thích: quan theo Khổng Dĩnh Đạt giảng “là một chức vụ nắm quyền, do tâm hay lòng người đóng vai trò chủ giữ nắm quyền, kể cả với sinh hoạt tinh thần cũng được gọi là ‘quan’, cho nên lòng người làm chủ cũng như việc điều khiển mọi sinh hoạt trong tâm đều gọi là quan”. Trinh Dy giải thích ‘quan’ là ‘chủ giữ’, như ngày nay nói ‘quan niệm tư tưởng’. du là biến ở đây có nghĩa là thay đổi – ‘hữu du’ có nghĩa là ‘cải thiện’, biến đổi cho tốt hơn, phù hợp thích nghi với điều kiện mới. công theo Nhĩ nhã – Thích hỗ là ‘thành công’, ‘thắng lợi’. Mặc Tử trong Kinh Thượng giải thích “công là làm lợi cho dân”.
Hào Chín Đầu ở thời Tùy, là cứng mà ở dưới mềm, đó là chất dương cứng của thể Chấn ở dưới hai hào âm mềm, không có hào ứng là có tượng có thể thay đổi lòng dạ, tùy thời theo chính, cho nên ‘trinh’ mà được ‘cát’. Quan niệm tư tưởng đã có chỗ tựa mới, niềm tin mới, định hướng mới nên có biến khác, vấn đề là chiều hướng biến đổi có tích cực hay không ?
Khổng Dĩnh Đạt giảng “Hào Đầu đã không có hào ứng với nó, không có sự quan hệ thiên lệch, có thể theo được thì theo, nghĩa là chí có thể thay đổi, duy chỉ có theo chính mà thôi, cho nên ‘trinh cát’ vậy. xuất môn giao hữu công, đi theo không do lòng dục riêng tư, cho nên thấy điều gì là tốt đẹp thì hưởng ứng mà đến theo, với lòng đó mà ra cửa kết bạn thì thành công”.
Thường tình, con người ta hễ yêu thì cho là phải, hễ ghét thì cho là dở, cho nên lời nói của vợ con dẫu có lỗi mà vẫn theo; nếu đã ghét thì dẫu có thiện cũng cho làm ác. Nếu lấy thân ái mà theo là tư tình không hợp chính lý, ra khỏi cửa là theo đến với công mà rời bỏ cái tư tình vậy.
Hồ Vân Phong giảng “Quẻ Vô vọng thể Chấn ở trong (tiên thiên 4-9, Càn-Đoài), nên nói là chủ hay quan, Sơ làm chủ động tức là quan thủ, dương thì cương nên hay làm thủ quan. Quan vốn ở trên nay đến ở Sơ là quan có thay đổi. Thủ quan chẳng nên thay đổi, nhưng được ngôi nên thay đổi mà chính nên tốt. Nhưng phải ra khỏi cửa kết giao mới là có công, nếu không thì vẫn theo tư, dẫu có công vẫn có lỗi, đó là răn vậy.” Đây là giải pháp thực thi: phải đến tận nơi, nhìn tận mắt.
Wilhelm bình giải “Cũng có những trường hợp đặc biệt khi mối quan hệ giữa lãnh đạo và thuộc hạ thay đổi. Hàm ý của quẻ Tùy chính là nếu muốn lãnh đạo người khác, chúng ta cần luôn luôn quan tâm đáp ứng quan điểm của họ. Tuy nhiên, người lãnh đạo cũng cần phải có những nguyên tắc kiên định, để cho khi chỉ cần một ý kiến thông thường ông không bị chao đảo, rung động. Nếu đã biết lắng nghe quan điểm mọi người, thì không nhất thiết cứ phải khép cửa ở trong nhà, và chỉ quan hệ với những người có đồng quan điểm với mình hay cùng phe phái với mình. Thay vì làm như vậy, chúng ta phải hòa nhập vào đời và giao tiếp với nhiều hạng người kể cả bạn hay thù. Đây là phương pháp để thành công.”
Tượng viết: “Quan hữu du”, tòng chính cát dã; “xuất môn giao hữu công”, bất thất dã.
Tượng truyện nói: “Quan niệm tư tưởng đổi theo thời”, nói lên hào Đầu theo chính đạo sẽ được tốt lành; “ra cửa kết bạn với người tất sẽ thành công”, nói lên hành vi này không mắc sai lầm (ra cửa kết giao có công thì không lỗi).
Thuyết minh: kết giao mà không mắc vào tư tình, không bị thiên lệch mà đạt được chính thì không lỗi. Cái mà Tượng truyện nói là ‘tòng chính’, tức là chỉ phương hướng của ‘quan hữu du’ của hào Đầu. Là thời để ‘theo’, là một dương ở ngôi đầu, nếu như mất ‘chính’, tất sẽ lạc vào con đường lầm lỗi, cho nên nghĩa của lời hào lại có ý răn “thận thủy” – cái khởi đầu vậy.
Lục Nhị, hệ tiểu tử, thất thượng phu.
Hào Sáu Hai, quấn quýt theo kẻ tiểu nhân, mất đáng trượng phu dương cứng.
Chú thích: hệ là hệ thuộc như nói ‘quấn quýt đi theo’; Quách Dương căn cứ theo Thuyết Văn giải tự giảng là ‘trói buộc’; Cao Hanh giảng: ‘hệ là ràng buộc’; Trương Thiện Văn và Hoàng Kỳ Thọ chú giải: “Hệ là đổi lòng đi theo”. theo Nghê Thái Nhất giảng là ‘người trẻ tuổi’; Tiểu tửtrượng phu theo Cốc Lương truyện có câu ‘Nam đến tuổi 20 phải làm lễ gia quan, đội mũ, nghi lễ, để trở thành người trưởng thành, làm lễ gia quan xong thì được xem là trượng phu’; Thuyết Văn giải tự cũng giải thích ‘Nam cao một trượng thì được gọi là trượng phu’. Như vậy ‘trượng phu’ là người trưởng thành.
Về cấu trúc quẻ: tiểu tử dùng để chỉ hào Chín Đầu, trượng phu dùng để chỉ hào Chín Năm, hào Sáu Hai lấy chất âm mềm ở thể dưới, vốn chính ứng với hào Chín Năm, nhưng vì bản chất âm nhu không thể ở một mình, không thể không dựa dẫm vào hào Chín Đầu kề sát bên cạnh, lại đi theo hào Chín Đầu là hào dương cương làm chủ thể dưới, cho nên có tượng theo chính không chuyên nhất.
Khổng Dĩnh Đạt giảng “Hào Sáu Hai đã là âm mềm nên không thể ở một mình được, tất vì gần mà hệ thuộc vào hào Chín Đầu, cho nên nói hệ tiểu tử; đã thuộc về hào Chín Đầu thì không thể ứng với hào Chín Năm, cho nên nói thất trượng phu vậy”.
Hoàng Kỳ Thọ giảng “Cam tâm đi theo hầu bọn trẻ tuổi, mất cả tính cách mạnh mẽ của trượng phu”. Ý nghĩa chính của quẻ Tùy vẫn là việc kết giao. Cho nên, vấn đề chọn lựa người để kết giao trong công việc tất nhiên là cực kỳ quan trọng. Tiếng nói của người ở gần ảnh hưởng tầm nhìn tới người ở xa, mặc dù người ở xa có địa vị trí tôn.
Tượng viết: “hệ tiểu tử”, phất kiêm dữ dã.
Tượng truyện nói: “quất quýt với kẻ tiểu tử”, nói lên ý hào Sáu Hai không thể cùng một lúc thân hiếu, tư tình với nhiều nơi.
Thuyết minh: vào thời ‘theo’, nếu làm việc mà do dự, thiếu quyết đoán, tất sẽ được cái này mất cái kia, vì lợi ích nhỏ gây ra tổn thất lớn. Người ta, đã theo chính thì xa tà, theo quấy thì mất phải, không có lý theo cả hai. Ngô Lâm Xuyên giảng “Hào Hai đắc trung lại đắc chính, ắt chẳng thể bỏ hào Chín Năm chính ứng với mình, nhưng gần hào Đầu sợ có tình quấn quýt nên lời hào từ răn như vậy”. Trình Di cũng giảng “Hào này răn người ta theo ‘chính’ thì nên chuyên nhất”. Wilhelm nói: “If one clings to a litte boy, one loses the strong man”.
Lục Tam, hệ trượng phu, thất tiểu tử; tùy hữu cầu đắc, lợi cư trinh.
Hào Sáu Ba, quấn quýt với đấng trương phu dương cứng, mất kẻ tiểu tử ở dưới, theo với người mà ta đã cầu tất được, lợi nếu như ở yên, giữ vững chính bền. (Nếu quan hệ với những người cao sang, thì phải từ bỏ giao du với bọn không xứng đáng, làm được như vậy thì sẽ đạt được điều sở nguyện, cần nhất là phải kiên trì giữ vững quan điểm thì mới có lợi).
Chú Thích: trượng phu ví với hào Chín Bốn, tiểu tử ví với hào Chín Đầu. Cấu trúc quẻ thì hào Ba và hào Bốn đều là âm nhu không có chính ứng, nhưng thân cận sát bên nhau mà hào Ba đi theo hào Bốn, để tin rằng có điều gì mong muốn đều đạt được. Âm nhu chẳng thể tự lập được mà thường hay thân hệ với người ở gần; hào Ba đồng thể ở dưới với hào Đầu nhưng vì gần hào Bốn, bỏ hào Đầu theo hào Bốn là theo vì tiện nghi, tương thân với nhau cầu gì được nấy; lấy lòng yêu đẹp cho thỏa cái sở cầu mà phải gian nịnh xu lợi. Theo với trên ví như tối theo sáng, nếu trái lại thì bỏ sáng theo tối; tự xử ở chính thì có cầu ắt được, là chính sự thì quân tử cũng phải theo.
Vương Bật giảng “Tuy hào Ba thuộc quẻ dưới, nhưng hào Hai đã chiếm hào Đầu thì sẽ dựa vào ai ? Cho nên nó đã bỏ hào Đầu mà quấn quýt với hào Bốn, chí ở nơi trượng phu, hào Bốn không phải chính ứng; vì cũng muốn hào Ba theo mình nên theo nó, và được đáp ứng mọi cái cầu xin, cho nên nói ‘tùy hữu cầu đắc’: ứng nhưng không phải chính mà quấn quýt với người, thì làm sao mà cầu xin bừa bãi được? Nói là ‘lợi cư trinh’ vậy ”.
Trình Di, Chu Hy, Hồ Vân Phong đều theo thuyết lấy hào Đầu làm tiểu tử. Quẻ Tùy hào Đầu là dương cương cứng, xưng danh là tiểu tử; quẻ Tiệm hào Đầu lại là âm nhu mềm, cũng xưng danh là tiểu tử, thế mới biết sự khởi đầu là hào âm hay dương, cũng như việc đời có được ắt có mất, mất ở đây lại được ở chỗ kia. Hào Hai mất trương phu là mất cái không nên mất, cho nên không nói được. Hào Ba mất tiểu tử mà lại nói ‘có cầu ắt được’, đó là mất cái đáng mất – mất tức là được. Căn bệnh của kẻ “sỹ” không gì lớn bằng đi cầu xin, phải chăng theo cầu xin là bất chính ?
Tượng viết: “hệ trượng phu”, chí xả hạ dã.
Tượng truyện nói: “Quấn quýt với đấng trượng phu dương cứng”, nói lên chí của hào Sáu Ba là bỏ kẻ tiểu tử ở dưới.
Thuyết minh: bỏ thấp theo cao là theo làm thiện, người cầu ở mình thì hơn mình cầu ở người. Chu Hy chú “Kẻ dưới theo người trên, đương ở lúc sắp thu nhận người thân sủng, có cầu tất được, tự mình nên sửa đức, giữ chính, thận trọng khi “cầu”. Nếu không, tất sẽ có “cái điềm về tà mị”
Cửu Tứ, tùy hữu doanh, trinh hung; hữu phu tại đạo, dĩ minh, hà cữu.
Hào Chín Bốn, được người theo, thu hoạch được nhiều, giữ vững chính bền để phòng nguy hiểm; chỉ cần giữ lòng thành tín, hợp chính đạo, sáng suốt trong sự lập thân, như vậy thì làm sao có “cữu hại” được.
Chú thích: tùy hữu hoạch – chỉ hào Chín Bốn được hào Sáu Ba theo mà “hữu hoạch” ; trinh hung ví như nói “thủ chính phòng hung”, câu này có nghĩa hào Chín Bốn là dương ở ngôi âm, gần “vua” mà được lòng dân, có tượng “vi chính” , nên giữ chính, cẩn thận đề phòng nên răn là trinh hung, dĩ minh như nói “đức tốt hiển minh”. Lời từ với nghĩa khích lệ hào Chín Bốn từ mặt chính diện nên lấy sự thành tín, để thể hiện chính đạo, thì đức tốt sẽ hiển minh. Vương Bật nói “Ở ngôi đầu quẻ Đoài, ở dưới chiếm hai hào âm, trong đó có hào Ba cầu được quấn quýt với mình, không sự tuyệt với mình, cho nên ói “tùy hữu hoạch” vậy”. Lại nói “Thể cứng quẻ Đoài được lòng dân, làm được việc mà thành công, tuy phạm vào nghĩa hằng thường nhưng có chí giúp mọi vật, lòng thành với mọi người, như vậy thì làm sao mà cữu hại được”.
Hào Bốn lấy tài dương cứng ở ngôi bề tôi, nếu có được người theo thì dẫu chính cũng hung. Đạo làm tôi phải có ân, nếu uy một khi đã lan ra từ người trên thì lòng chúng dân đều theo vua cả, bởi vậy lòng người theo mình sinh ra đạo nghi ngờ cho nên hung. Ở vào hoàn cảnh như vậy thì phải làm sao ? Chỉ có tín thực chứa ở trong, động làm phải hợp với chính đạo, lấy minh triết mà ứng xử thì làm sao mà có lỗi được; lấy đức thi ân với chúng dân, ở dưới mà tín trên, cũng chẳng nghi ngờ ở ngôi cực mà khống chế lấn trên, thế trọng mà không chuyên cương cứng, nếu không phải thánh nhân, đại hiền thì chẳng thực thi được.
Chu Dịch thiển thuyết – Đàm Gia Đức chú giải “Hào Bốn có tính dương cương, cộng thêm bản chất quang minh lỗi lạc không chựu a dua, thân mang địa vị đại thần, dưới có hai hào âm đi theo, như vậy là có được vinh quang chính thức (tượng Cấn), tiếng tăm lừng lẫy. Thời phong kiến tập quyền, những đại thần mạnh mẽ và có tài năng đều sợ uy quyền cao lấn át khống chế Vua, thường gặp phải tai họa dành riêng cho những người chính trực. Thành công dẫn tới nổi tiếng rất dễ dẫn đến việc đối phương ghen ghét đố kỵ. Đó là lý do tại sao tuy trung chính nhưng vẫn không tránh được nguy hiểm”. Phan Bội Châu cũng chú giải tương tự, nhưng ông cho rằng “hữu hoạch” là “được lòng cả thiên hạ”.
Tượng viết: “tùy hữu hoạch”, kỳ nghĩa hung dã; “hữu phu tại đạo”, minh công dã.
Tượng truyện nói: “được người theo, thu hoạch được nhiều”, xét về ý nghĩa vị trí mà hào Chín Bốn ở vào, ta thấy có thể xảy ra hung hiểm; “có lòng thành tín hợp với chính đạo”, đây là công hiệu có được do phẩm đức quang minh lỗi lạc của hào Chín Bốn.
Thuyết minh: được lòng chúng dân, tất phải có đầy đủ phẩm đức của người quân tử; hào Bốn ở vị thế nhiều hung, lại kiêm sự mất chính, lời hào từ mặt phản diện cảnh giới phải cẩn thận phòng hung hiểm, sau đó từ mặt chính diện khích lệ nó phát huy đức tốt. Chu Dịch hội thông dẫn lời Viên Khu nói “Nghĩa của nó là “hung”, có cái lẽ “hung” mà vị tất đã hung: ở đúng theo đạo, như ở hào dưới nói, thì vô cữu đó”.
Cửu Ngũ, phu vu gia, cát.
Hào Chín Năm, tỏ rõ lòng thành tín với kẻ thiện, tốt lành.
Chú thích: gia là điều thiện, theo nghĩa gia lễ. Cao Hanh giảng phu phải đọc là phù có nghĩa là ‘phạt’ (trừng phạt), còn nói rõ là ‘phạt uống riệu’.
Hào Chín Năm dương cứng, ở ngôi tôn quý, trung chính thành tín, có tượng theo điều thiện như nước chảy, trong thành thực (khảm) cho nên có thể tỏ lòng thành tín với kẻ thiện. Tin ở hào Bốn là lời răn (giới từ), tin ở hào Năm là lời hẹn (hứa từ).
Nghê Thái Nhất nói “Gia có nghĩa là tốt đẹp. Hào Chín Năm là hào dương lại cư dương vị thế là đắc chính, lại nằm vào vị trí giữa thượng quái, cùng âm dương tương ứng với hào Hai ở hạ quái, mà hào Hai này cũng đắc chính vì là hào âm cư âm vị, cũng nằm ở vị trí giữa hạ quái. Cho nên trung chính ứng với trung chính, tốt đẹp gặp tốt đẹp, đương nhiên có thể hoàn toàn tin cậy được, may mắn phi thường”.
Trình Di nói “Hào Chín Năm ở ngôi tôn quý, được chỗ chính mà bên trong dày đặc, đó là thực lòng theo điều thiện, đủ biết là tốt. Gia là thiện. Từ bậc nhân quân tới người dân thường, đạo theo mà tốt thì chỉ là theo điều thiện mà thôi, hào này ứng dưới với hào Hai, chính trung, đó là nghĩa của sự theo kẻ thiện”.
Tượng viết: “Phu ư gia cát”, vị chính trung dã.
Tượng truyện nói: “Tỏ rõ lòng thành tín với kẻ thiện, tốt lành”, nói lên vị trí của hào Chín Năm chính trung không lệch.
Thuyết minh: ngôi trung chính là do đạo trung chính. Tin thực mà theo đó là do trung chính, tin được tốt đó là nói tin ở hào Hai. Theo mà được trung chính đó là do bởi thiện, theo mà ở chỗ ngăn ngừa là bị lỗi, lòng đã vui mà theo thì chẳng biết lỗi là gì !
Ý nghĩa tượng trưng cỉa hào Năm là ở ngôi tôn quý mà thật lòng theo điều thiện, thì kẻ thiện cũng tấp nập đi theo. Vương Bật gọi hào này là “thích hợp hết mức với thời”. Dương Vạn Lý cho là “vị thánh quân này chí thành, vui theo về các kẻ thiện trong thiên hạ”.
Thượng Lục, câu hệ chi, nãi tùng, duy chi; vương dụng hưởng vu Tây Sơn.
Hào Sáu Trên, bắt giam, cưỡng bức phải theo, theo mà dung dây trói chặt; đáng quân vương xuất quân thảo nghiachj đặt tế lễ ở non Tây.
Chú thích: câu là lữu giữ lại, giam lại, hệ giống với nghĩa của từ “hệ” trong hào Hai và Ba, hàm nghĩa cưỡng bức khiến cho phải đi theo, duy là lấy thừng trói lại, ở đây chỉ hào Sáu là âm ở ngôi cực quẻ Tùy, cực tất phản, có tượng không tự nguyện theo, nên bị hào Năm lưu giữ lại và bắt phải theo nó, ví như “giam lại những thuộc hạ trái lệnh”. Kinh điển thích văn dẫn giảng “Hưởng, tức là tế vậy”, các đời vua nhà Chu tôn vinh những công thần (đã hy sinh) bằng cách dành cho họ một vị trí trong thái miếu tại núi Tây Sơn. Chu Hy cho rằng Tây Sơn là Kỳ Sơn đất khởi nghiệp của nhà Chu.
Vương Bật chú “Ở thể Tùy là âm thuận theo dương; ở ngôi cao nhất, không theo. Đạo tùy đã thành mà nhất định không theo, cho nên phải bắt trói lại mới theo. ‘Trong cõi đất này không ai không là bề tôi của vua’, nếu không theo, nhà vua sẽ thảo phạt, nên nói duy chi”. “Đoài là phương Tây, Sơn là sự hiểm trở, phân cách trên đường đi, ở phía Tây mà không theo nên ‘vương dụng vu tây sơn”.
Nhu thuận mà ở tùy đã cùng cực, có tượng theo sự ràng buộc, cầm buộc. Xét thấy, Cửu Tam ở Đại hữu nói: công dụng hưởng vu thiên tử; Thượng Lục quẻ Tùy nói: Vương dụng hưởng vu Tây Sơn; Lục Tam quẻ Ích nói: Vương dụng hưởng vu đế; Lục Tứ quẻ Thăng nói: Vương dụng hưởng vu Kỳ Sơn; nghĩa của bốn hào này cùng đồng nhau. Theo Từ Tử Hùng, thì Chu Văn Vương dùng bọn nô lệ làm vật hiến tế trong cuộc tế lễ thần linh tại Tây Sơn, ta có thể hiểu được tại sao lại có từ ‘duy chi’ (dùng dây trói). Phan Bội Châu giải thích từ “câu hệ” hay “duy” ở đây là thể hiện tình liên đới khăng khít giữa vua và dân, vua và những bậc lão thành, nói đến việc thi hành nhân chính cho nên thu được nhân tâm, lôi kéo mọi người theo về với mình. Nguyễn Hiến Lê giải thích theo cách này do dựa trên cách giảng của Phan Bội Châu.
Ý nghĩa của hào này, các nhà giải thích không thống nhất. Tham khảo, một – Chu Hy cho ‘câu hệ’, ‘duy’ là tượng “buộc chặt không thể cởi của sự theo”, tức có nghĩa hào Sáu ở nơi cùng cực của sự theo; đồng thời cho rằng Tây Sơn là chỉ núi Kỳ Sơn của nhà Tây Chu. Hai – Thượng Bỉnh Hòa bác bỏ thuyết gặp ‘Tây Sơn’, ‘Tây Lân’, đều nói là ‘Văn Vương sự’. Đồng thời nói ‘hưởng’ là ‘yến hưởng’, ‘Tây Sơn’ ví với nơi ẩn cư của hào Sáu, và chú giảng là “Hào Sáu ở nơi cùng tận không còn chỗ lên nữa, hào Năm sợ nó đi bèn bắt nó, trói nó, hoặc đến với nó ẩn cư mà yến hưởng; nói hào Sáu không có nơi nào để theo, còn hào Năm tất phải theo nó”. Vua tránh nạn Di địch, bỏ đất U đến núi Kỳ, trong cảnh này làm thế nào để lòng người ràng buộc, cố kết, đồng lòng mà dấy lên được nghiệp lớn ?
Tượng viết: “Câu hệ chi”, thượng cùng dã.
Tượng truyện nói: “Bắt giam, cưỡng bức phải theo”, nói lên ý hào Sáu Trên ở ngôi trên cùng, đạo theo cùng tận.
Thuyết minh: sự “theo” và “không theo” đối lập nhau mà tồn tại. Ở vào lúc mà mọi người ‘theo thiện’, tất sao cũng có kẻ làm điều nghịch đạo, như vậy, thì không thể không bắt buộc chúng buộc phải đi theo đường chính, do vậy hào Sáu có các tương “câu”, “duy”, “vượng dụng hưởng vu Tây Sơn”.
Bền vững mà theo, ví như sự ràng buộc được gìn giữ, cầm buộc được gìn giữ, theo đến cùng đó là sự theo của cái đạo đã tới hồi cùng cực. Quẻ thì lấy “vật theo” làm nghĩa. Hào thì lấy “theo vật” làm nghĩa. Cả sáu hào thì đều lấy âm theo dương, dương ở trên thì nên theo, dương ở dưới thì chẳng nên theo; như Tam theo Tứ thì nói được (hữu đắc), Thượng theo Ngũ thì nói ‘dụng hanh’; Nhị theo Sơ thì nói ‘hệ tiểu tử chi thất’ (ràng buộc theo với trẻ con thì có lỗi). Lại xét dương theo âm mà nói, Ngũ là ngôi vua đáng làm chỗ cho người ta theo. Tứ là ngôi đại thần chẳng đáng làm chỗ cho người ta theo. Cho nên Tứ được âm theo thì nói “trinh hung”, còn Ngũ được âm theo thì lại nói “trinh cát”, sự theo này khó có thể bình luận một cách giản đơn. Tùy theo Mệnh chăng ?
Hồ Vân Phong nói “Nghĩa của chữ cùng có một, hào Sơ quẻ Dự nói ‘đầy sự cực ác, người bị đắm đuối mà chẳng thoát được’. Ở hào Sáu quẻ Tùy nói ‘Đến cùng cực, mừng được lòng người theo cố kết mà chẳng thể giải được’. Sơ với Ngũ thì nói tốt mà Tứ thì có lỗi, đó là vì tính của âm hay theo, cho nên không thể không bó buộc.”
BÌNH LUẬN
Luận Ngữ – Thuật nhi – Khổng Tử nói “Ba người cùng đi tất có người là thầy ta, ta trọn điều hay mà làm theo, xét điều không hay để sửa mình”. Câu này đã phản ánh đầy đủ đức khiêm tốn, hướng thiện của nhà tư tưởng, nhà giáo dục thời xưa. Quẻ Tùy đưa ra nghĩa “theo”, chính là tập trung ý tưởng “theo điều thiện”. Lời quẻ “nguyên hanh, lợi trinh” đã tán dương hết mực đạo “theo”, nhóm từ “vô cữu” lại nhấn mạnh quan điểm nếu có chính cùng theo thì vô hại.
Về nghĩa nêu ra ở sáu hào, thì hào Đầu và hào Năm thì tốt nhất; hào Đầu ở ngôi dưới, giữ chính, không ngừng theo thiện; hào Năm ở ngôi tôn quý trung chính, đem hết lòng thành, tất cả đều hướng thiện, vì vậy hai hào này thể hiện chủ thể tượng trưng của quẻ là lấy “thiện” làm “sự theo”, như vậy tất cả đều được tốt lành. Các hào còn lại, đều tùy theo các tình trạng khác nhau, mà thể hiện sự “theo” – Nhưng các ý răn đều không tách rời chữ “chính”.
Có thể thấy quẻ Tùy hàm chứa sâu sắc nguyên tắc “theo nhau”, nguyên tắc này rất rõ ràng mà hàm nghĩa rộng: bất kể là trên theo dưới hay dưới theo trên, cũng như mình theo người hay người theo mình, trong quan hệ giữa người với người, bao giờ trong sinh hoạt thường ngày cũng là: ngày làm tối nghỉ, gặp việc thì tùy thời, tất cả đều không phạm vào chính đạo, thành tâm theo thiện. Trong đó bộc lộ rất rõ ràng quan niệm sử thế, tu thân của các tác giả Chu Dịch.
(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)