Quẻ Tốn

Tốn: tiểu hanh, lợi hữu du vãng, lợi hiện đại nhân.

Quẻ Tốn tượng trưng cho sự “thuận theo”: khiêm nhu cẩn thận thì được hanh thông, lợi về có sự đi, lợi về sự xuất hiện bậc đại nhân.

Chú thích: Tốn – một trong 8 quẻ bát quái, hợp thành do hai vạch dương ở trên, một vạch âm ở dưới, vật tượng trưng cơ bản là Gió = phong, nghĩa là ‘vào’ = nhập; Quẻ Tốn hai dương động ở trên, một âm tĩnh ở dưới, biểu thị dương khí lưu động mà thành Gió. Trang Tử nói là: “Khối lớn y khí, gọi tên là gió”. Lý Đỉnh Tộ nói: “Gió tức là khí đất vật”. Thuyết này cũng đúng. Phàm vật mà thuận tòng, thì có thể đi vào, tham gia vào. Vì vậy, ‘thuận’ và ‘nhập’ là dùng để giải thích quẻ Tốn.

Tốn, là một trong 64 quẻ, là quẻ thứ 57 trong Kinh, tượng trưng cho sự ‘thuận tòng’, ‘thuận theo’. Nhờ có đức tốn thuận mà có thể ‘nhập vào’. Toàn quẻ làm sáng tỏ ý nghĩa của sự thuận tòng, như lý của âm dương là âm thuận theo dương.

Khổng Dĩnh Đạt giảng: “Tốn là tên gọi sự chấp thuận, khiêm tốn thuận theo. Thuyết quái nói ‘tốn’ là ‘nhập vào’, đó là do Tốn là quẻ tượng trưng cho gió, gió thổi thì không nơi nào không vào lọt, cho nên giải thích là ‘vào’. Thi hành trong đạo người và việc đời, đã là người khiêm tốn, thì chỗ nào cũng có thể dung chứa được. Nhưng nghĩa của Tốn là lấy chấp thuận làm thể, lấy dung nhập làm dụng, cho nên có tên là Tốn vậy”.

Tiểu hanh – tiểu, chỉ âm nhỏ mềm yếu, lại chỉ sự làm việc cẩn thận, khiêm thuận; tiểu hanh, về nghĩa có phần giống với quẻ Lữ. Câu này có nghĩa: đạo Tốn thì chủ về âm thuận dương, bề tôi thuận vua, lấy chất mềm nhỏ mà tốn thuận thì hanh, còn lấy cứng rắn mà đi ngược với bề trên thì khó mà hanh thông được. Trong quẻ, hai hào âm ở dưới hai thể, chủ về thuận theo dương cứng, những điều này chính được thể hiện ở tượng ‘tiểu hanh’. Lục Tích nói: “Hào âm là hào làm chủ quẻ, cho nên là tiểu hanh”. Thượng Bỉnh Hòa nói: “hào Đầu hào Bốn đều ‘thừa’ hào dương, cho nên nói ‘tốn’; tốn là thuận, thuận dương cho nên tiểu hanh”.

Lợi hữu du vãng, có nghĩa lúc này mà khiêm nhu thuận theo tất lợi cho mọi việc. Vương Bật nói: “Làm việc gì mà tốn thuận, vui với sự bình dị, thì mọi người không xa lánh”. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Đi lên mà gặp dương thì lợi”. ‘Nhu hành’ mà gặp hào cương thì thông.

Lợi hiện đại nhân, câu này có nghĩa mục đích cuối cùng của sự dưới thuận trên, bề tôi thuận theo vua, là lợi về sự “Đại nhân quân chủ” ban phát mệnh lệnh để thi hành chính sự; hào Năm trong quẻ, dương cứng ở ngôi tôn, trên dưới thuận theo, chính là hình tượng Đại nhân. Vương Bật nói: “Đại nhân dùng nó, đạo càng hưng thịnh”. Lê Anh minh dịch: “Biết tính toán kèm theo lễ cúng tế nhỏ. Chiêm quẻ này làm việc có lợi, gặp được đại nhân thì may mắn”.

Tiên thiên quẻ Đoài ở dương nên nói ‘hanh’; quẻ Tốn ở âm nên nói ‘tiểu hanh’. Cả hai quẻ đều có hào Hai và hào Năm là dương cương trung chính, nên nghĩa cũng đồng loại. Quẻ Đoài nhu ở ngoài thì ‘dụng’ nhu, quẻ Tốn nhu ở trong thì ‘tính’ nhu. Cho nên sự hanh của quẻ Tốn là nhỏ vì âm theo dương. Lợi ở đi là vì cương được ở giữa. Sự khởi đầu ở trong và ngoài đều là âm nhu cho nên lợi ở sự thấy, lợi ở thấy đại nhân là hào Đầu và hào Bốn. Đầu cuối của hai quẻ một xuôi một ngược, ở Đoài thì dương trước âm sau, ở Tốn thì âm trước dương sau; Lệ của Dịch thì Đoài Tốn là hai quẻ ‘phản dịch’, cũng như Chấn Cấn là hai quẻ ‘phản dịch’. Còn Càn Khôn và Khảm Ly là hai cặp quẻ ‘phản phục’. Chính âm dương thì phản phục – Lệch âm dương thì phản dịch. Cũng như gia đình Cha Mẹ sinh sáu con, thì Trưởng nam và Út nam, Trưởng nữ và Út nữ, đều là phản dịch; Còn Cha với Mẹ và Trung nam với Trung nữ đều là phản phục. Phản phục thì chí nằm ở sự biết quay trở lại, phản dịch thì chí nằm ở học cách biết chấp nhận sự tiếp nối.

Bất luận là dưới thuận theo trên, hay là trên thuận theo dưới, đều không tách khỏi hai nguyên tắc: Một- đạo của Tốn cốt phải giữ ngay chính, không a dua, xiểm nịnh. Hai- thời của Tốn là ở chỗ phải hành động, tác vi. Vì vậy mới nói rằng “khí dương cương là gốc của thuận tòng”. Hoàn toàn trái ngược với nghĩa ‘khuất tòng’.

Bạch thư Chu dịch không thấy chép quẻ Tốn, thay vào quẻ Tốn theo thứ tự ở vị trí 57 là quẻ được gọi là Toán = tính toán.

Thoán viết: Trùng tốn dĩ thân mệnh. Cương Tốn hồ trung chính nhi chí hành, nhu giai thuận hồ cương, thì dĩ “tiểu hanh, lợi hữu du vãng, lợi hiện đại nhân”.

Thoán truyện nói: Trên dưới thuận theo, ban bố lại được mệnh lệnh của mình. Như bậc dương cứng chí tôn với đức đẹp trung chính, được mọi người thuận theo mà chí được thi hành, các hào âm mềm đều có thể khiêm thuận mà đội hào dương cứng; cho nên nói “khiêm nhu cẩn thận thì được hanh thông, lợi về có sự đi, lợi về sự xuất hiện đại nhân”.

Chú thích: Cổ Chu dịch đính hỗ viết: “Hào Đầu, hào Bốn, hào nào cũng ở ngôi dưới của quẻ, ‘nhu’ đều ‘thuận’ theo cương, không hề có vi nghịch, cho nên giáo mệnh được ban ra, thành nghĩa các câu ở dưới cụm từ ‘tiểu hanh’ vậy”.

Lời Thoán truyện nói ‘trùng tốn’, nghĩa là gió theo gió trở lại thành mạnh, dưới vâng theo sự cương mạnh là theo sự thuận, trên thuận theo đạo của sự mạnh để xuất ra, đó là tượng của sự ‘trùng phục’ theo nghĩa lại trở lại. Thể của ‘tốn’ được cương chính (hào Năm) mà chí không ở đạo trung thì làm tượng cương tà, thể của Tốn âm nhu mà chí không ở cương chính (hào Hai), thì làm tượng nhu nhược mà siểm nịnh. Cho nên, nói về hai thể, dưới thuận theo trên, trên thuận theo dưới, chính là thời điểm bậc chí tôn ban bố lại mệnh lệnh, vì vậy mà Vương Bật nói: “Không có sự không tốn thuận mà mệnh lệnh lại thi hành được”.

Quẻ Tốn thuận theo được với đạo của sự thiện, nhưng phải biết đường để theo. Không nơi nào mà không đến, không nơi nào mà chẳng vào được, đó là lợi thế cho sự đi; nhưng ở thể nhu thì không tài nào có thể tự dấy lên được, ắt phải thuận theo với cương, nhu nhờ cương giúp mới thành được sự đi, ngược lại thì sự đi không thành. Đó là tượng của hào Đầu theo hào Hai, hào Bốn theo theo Năm, theo nghĩa ‘lợi kiến đại nhân’.

Ngu Phiên nói: “Cương trung chính là nói hào Năm vậy”, như nói ‘cương trung chính mà được mọi người thuận theo’ hào Chín Năm ở ngôi chí tôn, các hào khác đều tốn thuận, nên đã thực thi được chí ‘thân mệnh’ của mình. Nhưng, đó là sự ‘vâng thuận’ cho nên chỉ là ‘tiểu hanh’.

Đại tượng viết: Tùy phong, tốn; quân tử dĩ thân mệnh hành sự.

Đại tượng nói: Làn gió hòa liên tiếp theo nhau thổi tới, tượng trưng cho sự “thuận theo”; người quân tử nhân vậy (noi theo tượng gió thổi, khắp nơi không nơi nào không thuận theo), nhắc lại mệnh lệnh thi hành chính sự.

Chú thích: tùy, có nghĩa là liên tiếp nối theo nhau, giải thích thể trên thể dưới quẻ Tốn đều là gió, tùy với trùng cùng nghĩa trên dưới đều thuận. Trên thuận dưới là để ra, dưới thuận trên để mà theo. Chu Dịch khẩu nghĩa viết: “Thể của quẻ Tốn, quẻ trên quẻ dưới đều là Tốn, như gió thổi tới mọi nơi, không nơi nào không tới, không nơi nào không thuận, cho nên mới nói là ‘tùy phong, tốn’ vậy”.

Thân mệnh hành sự, câu này nói lên, người quân tử noi theo tượng ‘phong hành’, mà ‘thân mệnh’ với chúng dân, ‘hành sự’ trong thiên hạ. Mệnh lệnh, chính sự đều phải thuận lý mới hợp lòng dân, thì chúng dân mới theo. Chu Dịch khẩu nghĩa viết: “Người quân tử noi theo tượng gió của quẻ Tốn này, để nhắc lại mệnh lệnh, hành sự trong thiên hạ không nơi nào không tới, không nơi nào không thuận theo”. Tốn chủ về mệnh lệnh, trùng Tốn là theo với mệnh để hành sự. Phàm quẻ nào có Tốn, phần nhiều nói về việc văn giáo phong tục, như quẻ Tiểu súc nói ý ‘văn đức’, quẻ Cổ nói ‘chấn dân dục đức’, quẻ Quan nói ‘quan dân thiết giáo’, quẻ Cấu nói ‘thi mệnh cáo tứ phương’, quẻ Tiệm nói ‘cư hiền đức thiện tục’, quẻ Đỉnh nói ‘chính vị nghi mệnh’, đều là theo ý văn giáo phong tục vậy.

Xét, tôn chỉ của quẻ Tốn, trước là ở chỗ người dưới thì thuận theo, sau là người trên thì ban bố mệnh lệnh. Rồi quy tụ ở chỗ người trên được ‘thân mệnh’; dưới vâng thuận theo trên, trên thuận trị dưới, hai điều này bổ xung cho nhau, phối hợp với nhau để làm rõ nghĩa. Quách Ung nói: “Đức của người quân tử, là gió; có đức của gió, thì dưới không ai không theo, thế là thể hiện ý nghĩa đầy đủ của trùng Tốn”.

Sơ Lục, tiến thoái, lợi vũ nhân chi trinh.

Hào Sáu Đầu, tiến thoái do dự, có lợi với kẻ võ nhân giữ vững ngay chính.

Chú thích: Hào Đầu lấy chất âm ở ngôi đầu dương là thuận mà bất trung, bất trung mà vâng theo cương là tượng nhu nhược ở dưới, khiêm tốn quá mức, nên đáng tiến lại không tiến. Là âm nhu, mà nhún nhường, thấp thuận thái quá thì ý chí sợ hãi chẳng được yên, hoặc tới hoặc lui chẳng biết theo đâu, có tượng quá đỗi nghi ngờ không dám quyết, cho nên đành dùng ‘võ nhân ngay chính’, lấy đó mà xử cảnh Tốn thì chưa phù hợp. Chu Hy nói: “Hào Đầu lấy chất âm ở dưới, là chủ thể Tốn, là kẻ ty tốn quá mức, cho nên là tượng tiến lui không quyết; nếu lấy ‘võ nhân ngay chính để xử sự, thì có thể giúp thêm vào chỗ sức nó không tới, mà được thích nghi”. Xét, quẻ Tốn làm sáng tỏ nghĩa lý thuận tòng, mà hào Đầu thì địa vị thấp kém, lại thêm cực kỳ yếu đuối, tâm trạng sợ mình không thể làm nổi, nên mới răn giới bằng câu ‘vũ nhân chi trinh’.

Bạch thư Chu dịch chép: “Tiến nội, lợi vũ nhân chi trinh”. Thuyết văn giải tự giảng: “nội, dùng như động từ, tức là ‘nhập’ vậy”. Từ Tử Hùng dịch: “Tiến thoái hay tuân theo mệnh lệnh, tất cả những chuyện này đều có lợi cho việc chiêm bốc của vũ nhân”. Trương Lập Văn dịch: “Dù tiến hay thoái vũ nhân cũng nên xem bói, thế nào cũng có lợi”.

Tượng viết: “Tiến thoái”, chí nghi dã; “lợi vũ nhân chi trinh”, chí trị dã.

Tượng truyện nói: “Nhún thuận quá mức, tiến thoái do sự”, là nói chứng tỏ tâm chí của nó lo sợ, nghi kị mà nhu nhược; “lợi về kẻ vũ dũng giữ vững chính bền”, là khuyến khích nó về sửa trị và tạo lập ý chí kiên cường

Thuyết minh: trị, là xây dựng, xác lập. Trình Di nói: “Tiến thoái mà không được an nhiên, là tâm chí có lo lắng nghi ngờ. Lấy việc lợi dụng đức cương trinh của kẻ võ nhân để xác lập ý chí thì ý chí sẽ được xây dựng”. Khó xác định được vị trí nơi chốn, cho nên tâm chí hoang mang nghi sợ, nếu biết kiên trì theo cương chính của người võ, thì áp dụng để lập chí, như vậy để nói về cái lợi của giải pháp mạnh. Sợ rằng nó không thể làm được, vì ‘thân mệnh’ của hào Đầu chẳng phải là người võ. Khâu Kiến An nói: “Biết lấy cái chí cương liệt chẳng chịu khuất phục, mà uốn nắn cái chí nhu tổn bất lập, thì sau chính được chí hướng, chuyển sự nghi ngờ làm trị. Nếu quá ư cương ngạnh mà chẳng chính thì chí loạn, làm sao trị được”.

Cửu Nhị, tốn tại sàng hạ, dụng sử, vu phân nhược cát, vô cữu.

Hào Chín Hai, thuận tòng một cách quá mức như chui dưới gậm giường, tin theo thầy bói thầy cúng phụng sự thần linh, thì sẽ được nhiều tốt lành, không có nguy hại.

Chú thích: tốn tại sàng hạ, Hoàng Kỳ Thọ dịch là: “Thuận tòng quá đáng như chui nằm dưới gầm giường”. Câu này nói lên hào Hai ở thời ‘thuận theo’, lấy chất dương ở ngôi âm, dương cư âm vị khác nào người tự bỏ mất cái mạnh của mình, quá nhún chui vào gậm giường. Khiêm tốn như vậy, là khuất phục người có uy thế, không thể dùng được.

Sử, vu, tên gọi chung của hai từ ‘chúc sử’ và ‘vu hịch’ (vu nghiễn), chỉ những người làm việc phụng sự thần thánh; phân nhược, nghĩa là ‘được nhiều’. Câu này có ý răn bảo hào Hai không thể lấy sự nhún thuận mà làm giảm uy thế, đồng thời khuyến khích nó giữ đạo trung, biết theo thầy bói dùng đạo khiêm nhu phụng thờ ‘thần đất’, thì có được may mắn không gặp nguy hiểm. Vương Bật nói: “Xử trong quẻ Tốn, đã ở địa vị dưới, mà lại là hào dương cư âm, là quá mức khiêm tốn. Quá mức khiêm tốn thì đã mất sự chính do vậy mà lỗi nhiều; Còn ở ngôi giữa mà khiêm tốn một cách ngay chính, để phụng thờ thần linh, thì đó không phải là khuất phục người có uy thế, và sẽ được nhiều tốt lành, mà không có nguy hại, cho nên nói ‘dụng sử, vu phân nhược cát, vô cữu’ vậy”. Xét, hào Hai có đức dương cương, ở vào thời Tốn, nên lấy chính đạo mà thuận tòng người trên, chứ không nên nhún nhường, khuất phục kẻ có uy, vì vậy hào từ mới khích lệ bằng chữ ‘sử thần’.

Thành ý thông cảm với thần minh, dẫu chẳng phải chính lễ, nhưng có thể xa được sự sỉ nhục, dứt bỏ được sự oán cừu; vậy mà, người ta lại chẳng xét đến thành ý, thì lấy quá nhún làm nịnh vậy.

Tượng viết: “Phân nhược chi cát”, đắc trung dã.

Tượng truyện nói: “Sẽ được nhiều tốt lành”, là vì hào Hai có thể giữ giữa không lệch.

Thuyết minh: dương cư trung là trung thực. Đã thành thực thì người tin. Nếu có thành ý mà thông cảm được với hư tượng vũ dũng của hào Đầu, thì chúng dưới sẽ không loạn, lại được theo nhiều. Bản thân hào Hai có dương đức, ở thời ‘thuận theo’, nên lấy chính đạo thuận theo người trên, không thể quá nhún nhường mà hại đến uy thế, cho nên lời hào lấy việc phụng sự thần linh để khích lệ cho hào Hai. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Dùng đức khiêm tốn để tế lễ thần linh, việc làm đó là đắc trung, vì vậy mà có nhiều tốt đẹp”.

Cửu Tam, tần tốn, lận.

Hào Chín Ba, lo lắng không vui, miễn cưỡng mà theo, thì sẽ có sự thẹn tiếc.

Chú thích: tần, nghĩa là ‘lo lắng, ưu uất. Vương Bật nói: “tần là ‘lo lắng, không vui, cũng quẫn, bất đắc chí”; hào Ba ở cuối của thể dưới, chất bẩm dương cương, được cương chính, lại phải thuận thừa theo hào Bốn, là hào âm ở trên, bị hào âm cưỡi, bị áp ức, đè nén nên buồn rầu không vui, chí cùng ủy khuất, chẳng thể nói ra được, miễn cưỡng đi theo, thì cuối cùng ắt có hối tiếc. Vương Bật giảng: “Với chất cứng chính mà bị hào bốn ‘thặng’, chí cùng mà phải thuận theo, do thế mà lận vậy”. Từ Tử Hùng dịch: “Miễn cưỡng đi theo, nhưng tâm không thuận”. Xét, hào Chín Ba của quẻ Tốn, cư vị vốn chính, nhưng dưới không có hào âm để dựa, trên lại bị hào âm cưỡi lên, nên phải nhẫn nhục thuận tòng. Vì vậy, tiểu tượng truyện mới nói ‘chí cùng’ vậy.

Hồ Vân Phong nói: “Hào Ba ở quẻ Phục nói ‘tần phục, lệ’ (luôn luôn trở lại nguy); hào Ba ở quẻ Tốn nói ‘tần tốn, lệ’; Đây là ý thánh nhân chẳng trọng ở không lỗi, mà trọng ở biết đổi lỗi. Luôn luôn có lỗi; luôn luôn trở lại; trở lại sau khi có lỗi cho nên không lỗi. Hào Ba ở đây cương mà chẳng nhún, đó là luôn luôn nhún, luôn luôn có lỗi là lỗi ở sau nhún, cho nên lận vậy”. Wilhelm dịch: “Xâm nhập liên tục, bị nhục nhã”. Bạch thư Chu dịch chép: “Biên toán, lận”.

Tượng viết: “Tần tốn chi lận”, chí cùng dã.

Tượng truyện nói: “Lo lắng không vui, miễn cưỡng thuận tòng mà có hối tiếc”, chứng tỏ hào Ba tâm chí khốn cùng không phấn chấn.

Thuyết minh: ngôi vị hào Ba vốn là chính, nhưng dưới không có hào âm để ‘thặng’, mà bên trên thì ngược lại, lại bị hào âm đè, do mất đi vị thế mà phải nhẫn lại, nhún mình đi theo. Tài và chất của hào Ba vốn chẳng phải là để ‘thuận theo’, vì cương cứng ở ngôi cứng, đạo ‘thuận theo’ là do ở trên xuống, áp lực khống chế mà chẳng thực thi theo ý của mình được, đúng cũng có lỗi mà sai cũng có lỗi, cho nên luôn luôn có lỗi, lại phải luôn luôn nhún nhường, đó là chí cùng khốn, cho nên là đáng tiếc. Trên có hai cương 5-6, lại xéo lên cương 2. Tứ tượng: [1011]

Lục Tứ, hối vong, điền hoạch tam phẩm.

Hào Sáu Bốn, sự hối hận được tiêu vong, vật săn được phân chia ba loại.

Chú thích: hào Bốn do vì cưỡi lên trên hào dương cương nên có hối hận, nhưng lấy âm ở ngôi âm, được ngôi đắc chính mà thuận ‘thừa’ hào Năm, cho nên ‘hối vong’; lấy đức đó thừa thuận trê mà tuân theo mệnh lệnh của vua, tất có thể trừ bạo lập công, thu hoạch càng lớn, như là đi săn được chia ba loại phẩm vật thịt săn vậy.

Vương Bật nói: “Thặng cứng nên hối hận. Nhưng được ngôi, thừa hào Năm, thấp mà được người đáng phục sự, tuy lấy chất mềm chế ngự cứng mà dựa được vào hào tôn quý, xéo chính; lấy điều đó hành mệnh, tất có thể thắng bọn cường bạo, xa bọn bất nhân. Được mà có ích, không gì tốt bằng chia ra ba loại, cho nên nói ‘hối vong, điền hoạch tam phẩm’, một là khô đậu, hai là đãi khách, ba là đưa vào bếp ăn nhà vua”.

Âm nhu không có tiếp viện mà trên dưới đều cương, lại chính ngôi, ở dưới thượng thể, ở trên mà xuống, lấy thuận theo để xuống dưới là nhún ở dưới, khéo xử như vậy nên không còn hối hận. Địa vị của hào Bốn vốn có ăn năn, vì biết khéo xử cho nên ăn biến mất, thay vào đó là có công.

Hào Ba được dương chính thì nói ‘lận’, hào Bốn được âm chính thì nói ‘hối vong’, vì sao vậy ? Theo Hồ Vân Phong nói: “Vì hào Ba cương mà bất trung, chẳng hay nhún với người; hào Bốn tuy là âm nhu mà lại được chính, cho nên lấy nhún để ở với người, ở giữa hai dương chẳng những ‘hối vong’ mà còn hữu dụng. Đi săn là việc võ, hào Đầu nói ‘lợi vũ nhân’ thì hào Bốn nói ‘điền hoạch’, thế – ứng vậy. Đi săn là việc võ có công vậy. Ba hào dưới có thứ bậc tôn ti, cho nên nói ‘tam phẩm’: hào Ba là tượng ‘càn đầu’ (tế trời), hào Hai ứng với hào Năm là tượng sung cho vua, còn hào Đầu là tượng tân khách”.

Xét, hào Đầu là để khích lệ kẻ võ nhân ngay chính, hào Bốn là để khen ngợi công lao săn bắn, qua đó để thấy đạo ‘thuận tòng’, là cũng phải tự mình gây dựng nên.

Tượng viết: “điền hoạch tam phẩm”, hữu công dã.

Tượng truyện nói: “Vật săn được phẩm làm ba loại”, nói lên hào Bốn tuân theo mệnh vua, lập được công lao.

Thuyết minh: hào Đầu thì được khích lệ dùng ‘chính’ của ‘vũ nhân’, hào Bốn được khen ngợi bởi công điền hoạch, đủ để thấy đạo thuận tòng còn được tạo dựng nên bởi các việc đó. Quách Ung nói: “Hào Bốn là chí nhu, không đương nổi công việc ‘điền hoạch’, không đáng có công lao đi săn. Nhưng là do sự thuận theo hào cương mà có được vậy. Lại nói đạo Tốn đâu phải nghĩa là nhu nhược sợ sệt”. Công sức của sự thuận theo đã thành khắp cả trên dưới, là do bởi hào Bốn nhún thuận với cả trên lẫn dưới.

Cửu Ngũ, trinh cát, hối vong, vô bất lợi; vô sơ hữu chung; tiên canh tam nhật, hậu canh tam nhật, cát.

Hào Chín Năm, giữ vững ngay chính thì thu được tốt lành, mọi hối hận tiêu tan, không gì không lợi. Ban mệnh lệnh lúc đầu không thuận lợi, nhưng cuối cùng tất sẽ thông thuận đạt kết quả; Phải dự liệu trước ngày Canh ba ngày để thay đổi ban bố lệnh mới, và sau ngày Canh ba ngày để triển khai thực thi lệnh mới, thì thu được tốt đẹp.

Chú thích: hào Năm quẻ Tốn là hào dương, ở ngôi vị thứ 5 của quẻ.

Trinh cát, hối vong, vô du lợi – Những câu này nói hào Năm ở thời ‘thuận theo’, lấy chất dương ở ngôi dương, dường như có hối hận và không thật khiêm tốn. Nhưng bẩm thụ đức đẹp dương cứng, trung chính, ở vào thời thuận tòng, là tượng trưng cho bậc quân chủ ‘thân mệnh hành sự’. Ở vào thời này, hào Năm quẻ Tốn trong ngôi vị quân chủ muốn thi hành chính mệnh, nhưng do đức cương trực, nên lúc đầu mọi người khó cảm phục; và kết quả vẫn mở ra được một cục diện mới, trên dưới thuận tòng nhau, mệnh lệnh được thi hành thông thuận.

Vương Bật nói: “Lấy chất dương ở ngôi dương, là tổn về đức khiêm tốn, nhưng nắm giữ đạo trung chính làm lợi thế để ban bố lệnh, không ai được trái, cho nên nói ‘trinh cát, hối vong, vô bất lợi’ vậy”.

Vô sơ hữu chung – câu này có nghĩa hào Năm lấy chất cương trực ban bố mệnh lệnh, lúc đầu chúng dân chưa phục, nhưng cuối cùng do có ‘chính’ nên đã thắng ‘tà’, lệnh ban ra được triển khai và thực hiện. Vương Bật nói: “Thay đổi mà không dùng đạo ‘tiệm’. Việc giáo hóa phải từ từ, từng bước, lấy sự cương trực đối xử với người, thì lúc đầu mọi người đều không vui. Song, do có đức trung chính, tà đạo tiêu vong, vì vậy mới nói là ‘hữu chung”. Mệnh lệnh ban ra theo với thời cuộc, cũng có trước sau theo thời mà thay đổi. Không có đầu là thể chế không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Có tới chung cục đạt hiệu quả, là mệnh lệnh mới được ban ra, được triển khai và thực thi rộng rãi.

Chu Hy nói: “Hào Năm cương kiện trung chính, mà ở thể Tốn, đáng có hối, nhưng lấy ‘chính’ để định sự thịnh trị; ‘hối vong’ đó là không có đầu, ‘vô bất lợi’ đó là có cuối. Canh là cải, là việc biến cải. Trước Canh ba ngày là Đinh, sau Canh ba ngày là Quý. Đinh là đinh ninh ở trước khi biến. Quý là tính toán đo lường sau khi biến. Có biến đổi mới có lời chiêm này, như vậy mới cát”.

Tiên canh tam nhật, hậu canh tam nhật, cát – Canh là ngôi thứ 7 trong 10 thiên can, đứng sau Kỷ, là số biểu thị ý ‘quá trung’ = quá giữa; cho nên người xưa lấy Canh, để tượng trưng cho sự ‘biến canh’ = thay đổi (cũng Kỉ nhật, tương trưng cho thời biến cách, trong quẻ Cách), ở quẻ Tốn theo với nghĩa ngày ‘thay đổi ban bố lệnh mới’. Ý nghĩa của câu này chỉ ra rằng, hào Năm trong quá trình ‘thân mệnh hành sự’, cốt phải thận trọng giữ trung đạo, mà từng bước tiến hành, tức là phải ban bố lệnh mới, để cho mọi người có thời gian tìm hiểu, chuẩn bị. Rồi sau ngày Canh ba ngày, mới chính thức thực thi lệnh mới. Như vậy, thì mới đi vào lòng người, ai nấy đều chấp hành tuân thủ, đạt được kết quả mong muốn.

Trình Di nói: “Tiên canh tam nhật, hậu canh tam nhật, cát’, có nghĩa là đường lối ban bố mệnh lệnh ‘canh cải’ nên như thế đó. Giáp là đầu mối của mọi việc, Canh là khởi đầu của sự biến ‘canh’ vậy. Hàng can thì Mậu Kỉ là giữa, quá giữa thì tất phải thay đổi, cho nên gọi là Canh. Sự việc đổi thay, canh cải thì có đầu có cuối, như ý nghĩa của tiên Giáp hậu Giáp, thì sẽ thu được tốt đẹp vậy”.

Trương Trung Khê nói: “Quẻ Cổ nói tiên Giáp hậu Giáp, la nói có cuối ắt có đầu. Quẻ Tốn nói tiên Canh hậu, là nói không có đầu lại có cuối, sao vậy ? Vì Giáp ở đầu thập can, là đầu mối mọi việc, cho nên nói có cuối ắt phải có đầu. Canh thì đã quá trong thập can, là việc chính trung thì nên canh cải, cho nên nói không có đầu mà lại có cuối. Vả lại hào Năm quẻ Tốn, là do hào Năm quẻ Cổ biến ra. Cổ là việc đã bại hoại. Lấy gây dựng sự việc mà nói, cho nên lấy ở Giáp. Quẻ Tốn là việc quyền biến, lấy canh cải mà nói, cho nên lấy Canh. Trương Thanh Tử nói: trong Kinh, hai chữ Giáp Canh đều nói trước sau ba ngày. Đó là ý thánh nhân có ý khuyên răn cẩn thận ở chỗ trước sau, từ đầu đến cuối”. Xét, quẻ Cổ nói về việc dẹp bỏ cổ loạn, để quay về ngay chính, cũng như quẻ Tốn, cả hai đều hàm nghĩa thận trọng từ đầu đến cuối.

Hồ Vân Phong nói: “Văn Vương phát ra tiên thiên ở lời Thoán, cho nên lấy theo tiên thiên, Cấn Tốn trước sau ba quái mới thì làm Giáp. Chu Công phát ra hậu thiên ở lời hào, cho nên lấy theo hậu thiên, Cấn Tốn trước sau ba quái mà mới, thì làm Canh vậy”.

Từ Tử Hùng dịch hào này: “Bói toán được quẻ tốt, không còn phải hối hận, làm gì cũng có lợi. Tuy không sự mở đầu không tốt, nhưng lại có được chung cuộc tốt đẹp. Ngày chọn là ngày Đinh hoặc là ngày Quý, công việc nhất định thành công”. Thời Trung cổ người đời Chu thường chọn ngày Quý để gieo quẻ bói. Đếm từ ngày Đinh đến ngày Quý là 7 ngày, theo phép toán Kỳ môn độn Giáp.

Tượng viết: “Cửu Ngũ chi cát”, vị chính trung dã.

Tượng truyện nói: “Tượng cát tường của hào Năm”, là do ngôi hào này đắc chính mà giữ vững được đạo ‘trung’

Thuyết Minh: Mềm thuận để thích ứng với lệnh mới, quan trọng là khi chúng dân vận dụng thực thi ở mức chính trung mới là thiện, mất chính trung thì sinh hối hận. Đạo ngay chính thường được tốt đẹp nhưng cũng thường có ăn năn.

Thượng Cửu, tốn tại sàng hạ, táng kỳ tư phủ, trinh hung.

Hào Chín Trên, khiêm tốn một cách cùng cực, khuất mình chui vào gậm giường, giống như đánh mất cái rừu sắc cứng; giữ gìn sự ngay chính để phòng hung hiểm.

Chú thích: là hào dương, ở ngôi vị cao nhất của quẻ Tốn. tư phủ, cũng như là ‘tề phủ’, nghĩa là cái rìu sắc, thủ tượng giống hào Bốn quẻ Lữ. Hán thư – Vương Mãng truyện có dẫn lời hào này là “táng kỳ tề phủ”, như nói ‘thủ chính, phòng hung’. Đây là thuyết minh hào Chín Trên, ở vào thời Tốn cùng cực, là hào dương cương thuận tòng thái quá, khác nào tự khuất mình cam chịu chui vào gậm giường, quên mất tố chất dương cứng của mình, lại như đánh mất cái rìu sắc, không còn tính chất cương quyết quả đoán nữa. Vì vậy lời hào đắc biệt nhấn mạnh “thủ chính, phòng hiểm” (hào 6 Tốn biến thành Khảm hiểm). Vương Bật nói: “Xử vào cảnh Tốn cực, khiêm tốn một cách quá đáng, vì vậy mới nói là ‘tốn tại sàng hạ’. ‘Phủ’ là vật để chặt đứt, quá khiêm tốn và thất chính, thì cũng như làm mất đi công dụng chặt đứt của cái rìu, nên mới nói ‘trinh hung’ vậy”. Xét, hào Hai và hào Trên đều có tượng ‘tốn tại sàng hạ’, nhưng hào Trên không có cách ‘phụng sự thần linh’ như hào Hai, đó là do hào Trên tự mình làm mất đi đức dương cương, tự hóa vậy.

Nơi để nằm là ở trên giường, nay lại nằm ở dưới gậm giường, là sao vậy ? Hào sáu quẻ Tốn đã có tượng đảo nghịch – Dịch biến – Dịch giao – Dịch đối – Dịch phản – Dịch di (dĩ).

Từ Tử Hùng dịch hào này: “Anh ta núp dưới gậm giường, tiền bạc bị cướp mất hết, gieo quẻ bói hỏi, quẻ nói rất xui”.

Tượng viết: “Tốn tại sàng hạ”, thượng cùng dã; “táng kỳ tư phủ”, chính hồ hung dã.

Tượng truyện nói: “Nhún nhường một cách thái quá như co mình chui vào gậm giường”, chứng tỏ hào Trên ở ngôi cùng ách, cao nhất của quẻ; “Đánh mất chiếc rìu cứng chắc”, nói lên hào này phải giữ vững tố chất dương cương chính đạo để hung hiểm.

Thuyết minh: lời tượng chỉ rõ, khi gặp hung hiểm, thì càng phải giữ gìn ngay chính để tránh hung hiểm. Trên đã cùng, đành phải nhún nhường ở dưới, nhưng nhún nhường tới mức mà phải chui xuống dưới gậm giường, thì thật là … Trình Di nói: “Tốn tại sàng hạ’ là khiêm tốn nhún nhường quá mức. Hào này ở ngôi vị trên cùng của quẻ, tức là ‘tốn’ đến cùng cực. Ngôi cao mà quá cực khiêm tốn, đến nỗi đánh mất mình, thì làm sao mà ‘đắc chính’ được ? Đó là con đường hung hiểm. Tốn vốn là việc thiện. Vậy mà lúc đầu nghi ngờ nói ‘Làm sao mà đắc chính được?’ Sau đó lại dứt khoát nói ‘Đó là hung vậy”. Xét, khi Trình Di giải thích Tiểu tượng truyện của hào này, câu cuối ông nói là “Chính chăng ? Hung vậy”, có thể giúp thấy đầy đủ về thuyết này. Cũng như Khổng Dĩnh Đạt nói: “Trinh hung là chính thì hung”, hay Chu Hy cũng nói: “Tuy chính mà vẫn hung”.

Hào Đầu là âm nhu ở ngôi dương cương, chưa được yên nên tiến lui nghi ngờ. Hào Bốn âm nhu ở ngôi âm mềm được yên, nên có công. Hào Ba và hào Năm đều là hào dương cương ở ngôi dương cương, hào Năm được trung thì cát mà hào Ba thì ‘lận’. Hào hai và hào Trên đều là dương cương ở ngôi âm nhu, hào Hai được thân thì cát, còn hào Trên thì hung. Vậy nên, quẻ Tốn lấy được giữa đắc vị làm thiện. Hào Hai đắc trung mà thất vị, hào Ba đắc vị mà thất trung. Hào Đầu và hào Trên thì trung mà vị thì đều mất, đó là chẳng hết được đạo của Tốn. Chỉ có hào Năm đắc vị và trung chính, cho nên mới nói là ‘trinh cát’.

LỜI BÀN

Lời trong bài Bát quái thủ tương ca: Tốn, hạ đoạn. Dưới rỗng giữa như thùng không đáy ! Làn gió hòa dịu liên tiếp theo nhau thổi tới, hình tượng của sự dễ chịu và xâm nhập.

Toàn quẻ làm sáng tỏ ý nghĩa của sự thuận tòng, như lý của âm dương là âm thuận theo dương; về đạo vua tôi, thì bề tôi phải thuận theo vua. Quái từ một mặt trình bầy về người nhu thuận, khiêm tốn ở vào thời này, là có thể đạt được hanh thông, tiến hành thuận lợi. Mặt khác lại chỉ ra rằng, trên dưới tốn thuận thì cuối cùng sẽ có lợi đối với ‘Đại nhân’ ban sắc mệnh cai trị. Nhưng ý nghĩa nội tại bầy tỏ sự thuận tòng trong các hào, lại không phải chỉ một mực nhấn mạnh sự thuận tòng một cách mù quáng, vô điều kiện, mà thường là lấy đức cương kiện để khuyến khích. Như hào đầu được khích lệ dùng ‘vũ nhân chi trinh’; hào Bốn được khen ngợi bởi công lao của việc săn bắn. Hai hào này đều khuyên lấy nhu chế cương thì tốt. Hào Ba vì là hào cương mà lại khuất theo nhu nên sinh ra ‘lận’. Hào Trên là hào dương mà lại quá tốn thuận nên có ‘hung’. Hai hào này đều do tự làm mất đức dương cương mà dẫn đến nguy hại. Hào Hai lấy đức cương trung mà thờ cúng thần linh, không khuất phục uy thế, hào Năm thì lấy đức trung chính mà ban mệnh hành sự, ở vào ngôi vị tôn quý của toàn quẻ; Cả hai hào này đều được tốt.

Qua đó, thấy rằng cả sáu hào đều có liên quan đến nghĩa lý thuận tòng. Bất luận là dưới thuận theo trên, hay là trên thuận theo dưới, đều không tách khỏi hai nguyên tắc: Một là, đạo của Tốn cốt là phải giữ ngay chính, không a dua, xiểm nịnh. Hai là, thời của Tốn là ở chỗ phải hành động, tác vi. Vì vậy mới nói rằng “khí chất dương cương là gốc của thuận tòng”, hoàn toàn trái ngược với ‘khuất tòng’. Quách Ung nói: “Đạo của Tốn có phải là nhu nhược yếu đuối đâu?”, câu này làm sáng tỏ cho ý trên.

Nhưng, nếu xét về tư tưởng chính trị chứa đựng trong Chu Dịch, thì âm thuận theo dương, bề tôi thuận theo vua, cũng chính là quân tử hay đại nhân ban bố chính lệnh, hành sử quyền lực. Thoán truyện nói “Trùng Tốn dĩ thân mệnh”; Hệ từ – Hạ truyện nói “Tốn dĩ hành quyền”, đều đã mình chứng cho mục đích quan trọng này.

Tốn dĩ hành quyền – chỉ đạo lý của quẻ Tốn có thể dùng vào việc lãnh đạo, sai khiến mọi người thuận theo thời thế mà hành sử quyền lực. Theo Hệ từ – Hạ truyện – Tam trần cửu quái, thì quẻ thứ chín là quẻ Tốn, nói về công dụng của quẻ này là nhân theo thời thế mà lãnh đạo, ban bố mệnh lệnh, thì hành quyền lực. Hàn Khang Bá – Hệ từ chú viết: “Có tốn thuận thì sau đó mới thi hành quyền lực”. Khổng Dĩnh Đạt cũng nói: “Nếu không thuận theo thời để chế biến thì không thể thi hành quyền lực được”.

(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.