Quẻ Ký tế

Ký tế là một trong 64 quẻ, có thứ tự quẻ 63 trong Kinh, có nghĩa tượng trưng cho “việc đã thành”. Đó là mượn câu “thiệp thủy dĩ cánh” (lội nước đã xong) để chỉ về việc đã thành. 

Lời quẻ nói: Quẻ Ký tế tượng trưng cho việc đã thành, lúc đó cả những cái mềm yếu bé nhỏ cũng đạt được hanh thông, lợi ở việc giữ gìn ngay chính; nếu không thận trong gìn giữ thành quả đã đạt được, thì lúc đầu là tốt đẹp chung cục là nguy nan.

[Ký tế, hanh tiểu, lợi trinh; Sơ cát chung loạn.]

Giải: “ký tế” là tên quẻ, vốn chỉ về việc qua sông đã xong, lấy làm tên quẻ để tượng trưng cho “việc đã thành”. “Hanh tiểu” cũng như nói “tiểu hanh”, “tiểu” chỉ âm nhu nhược tiểu. Lời quẻ nói rõ: lúc đã qua được sông rồi (ký tế), thì không riêng chỉ những cái lớn mạnh mới hanh thông, mà ngay cả những cái bé nhỏ yếu mềm cũng hanh thông. Nhưng lúc đó cần phải “thủ chính”, sáu hào trong quẻ đều có được “chính vị”, tức là thấy được Tượng của việc thủ chính, vì vậy mới nói “hanh tiểu, lợi trinh”.

Tuy nhiên, sau khi “việc đã thành”, cần phải thận trọng giữ gìn những thành quả đã đạt được, vào lúc ấy nếu không chăm lo vun đắp đức nghiệp, kiêu xa dâm dật, làm những điều xằng bậy, thì tất sẽ đi đến chỗ nguy loạn, vì vậy mà lời quẻ đã đặc biệt đưa ra lời cảnh báo “Sơ cát chung loạn”.

Kinh điển thích văn – Lục Đức Minh dẫn lời Trịnh Huyền nói: “Ký là đã, là hết thảy; tế là qua sông”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Tế là tên chỉ việc qua sông; ký là hết thảy đều đã xong. Muôn việc đều đã xong cả nên lấy Ký tế làm tên quẻ. Muôn sự đã xong cả, nếu còn việc nhỏ chưa xong, thì như vậy cũng là có việc chưa xong (vị tế); vì thế mới có câu “ký tế, hanh tiểu”. Nhỏ còn hanh thông huống chi là lớn. Vậy là lớn bé cương nhu đều ổn đáng trong vị thế. Vào lúc đó, nếu không giữ trinh chính thì sẽ bất lợi, cho nên mới nói “lợi trinh”. Nhưng người đời đều không biết lúc yên ổn phải nhớ tới lúc gian nguy, thận trọng lúc cuối cũng như lúc đầu, vì thế mới răn rằng ngày nay là lúc “việc đã xong” (ký tế), tuy tất cả đều cát lợi, nhưng nếu không chăm lo vun đắp đức nghiệp thì đến chung cục nguy loạn sẽ tới, cho nên mới nói “sơ cát chung loạn”.

Xét, lời quẻ “ký tế, hanh tiểu, lợi trinh”, Chu dịch tập giải – Lý Đỉnh Tộ dẫn lời chú thích của Ngu Phiên, coi “hanh tiểu” là một câu. Vì vậy, trong Kinh điển thích văn – Lục Đức Minh cũng tách “hanh tiểu” ra, và nói rằng: “Ngắt câu đọc “tiểu” liền với “lợi trinh” là sai”. Người đời sau, đối với vấn đề này, có nhiều cách nhìn khác nhau, nay nêu ra 3 thuyết để tham khảo. 1. Chu Hi cho rằng: “hanh tiểu nên đọc là tiểu hanh”, và nói rằng: “Ký tế, hanh”, trong Thoán truyện, trước chữ “hanh” nên có thêm chữ “tiểu”. 2. Mao Kỳ Linh cho rằng nên đọc là: “Ký tế hanh, tiểu lợi trinh”. 3. Du Việt cho rằng chữ “tiểu” là chữ thừa, lý do là Thoán truyện nói: “Ký tế, hanh, tiểu giả hanh dã; lợi trinh, cương nhu chính nhi vị đáng dã”, như vậy thì lời quẻ vốn không có chữ “tiểu”, ông còn chỉ ra rằng: “Người cho rằng có chữ “tiểu” là dựa vào câu “hanh, tiểu hồ ngật tế” trong quẻ Vị tế mà thêm vào”. Thượng Bỉnh Hòa tán thành thuyết của Du Việt, cho rằng cứ dựa vào Thoán truyện mà xét, thì thừa chữ là rõ ràng, không nghi ngờ gì nữa. Nay xét Bạch thư chu dịch tìm được ở trong mộ Hán ở Mã Vương Đôi, thì thấy cũng có chữ “tiểu”, đủ biết rằng nếu chữ này là thừa, thì có lẽ sách Chu Dịch mà người thời Tây Hán dựa vào để sao chép thành Bạch thư cũng đã có chữ thừa này rồi.

Lại xét, Chu dịch thượng thị học – Thượng Bỉnh Hòa giải thích tên quẻ Ký tế thành “chung chỉ” (ngừng, dừng, kết thúc), nói rằng: “Vào buổi đầu của Ký tế, trên dưới đều ngôi vị thỏa đáng, dân và vật đều được yên ổn thích nghi, vì vậy mới nói “lúc đầu là cát tường”. Nhưng đạo của Dịch quý ở chỗ biến thông, không ngừng nghỉ, dừng lại mà kết thúc ở đây, là đạo của Dịch đến chỗ cùng rồi, vì vậy mới nói “chung cục là nguy loạn”. Thêm một thuyết để thấy được sự khảo cứu về Dịch học vậy.

Thoán truyện nói: Việc đã thành, hanh thông, lúc đó ngay cả những cái bé nhỏ mềm yếu cũng đều được hanh thông. Lợi ở chỗ giữ bền ngay chính, chứng tỏ dương cương âm nhu đều hành động đoan chính và ở vị thế thích đáng. Lúc đầu tốt đẹp, chứng tỏ: khi ấy đã dựa vào đức nhu thuận để giữ vững trung chính, không thiên lệch. Cuối cùng nếu dừng việc tu đức giữ chính, thì sẽ dẫn đến nguy loạn, chứng tỏ con đường dẫn đến thành công đã đến chỗ bế tắc.

[Thoán viết: Ký tế, hanh, tiểu giả hanh dã. Lợi trinh, cương nhu chính nhi vị đáng dã. Sơ cát, nhu đắc trung dã; chung chỉ tắc loạn, kỳ đạo cùng dã.]

Giải:”Ký tế, hanh, tiểu giả hanh dã”, lời nói này nêu rõ: khi việc đã thành, những cái bé nhỏ yếu mềm đều được nhanh thông, nhằm giải nghĩa Tên quẻ và Lời quẻ: Ký tế, hanh tiểu. Vương Bật nói: “Ký tế có nghĩa là tất cả đều hoàn thành như đã qua được sông; ngay đến cái nhỏ bé cũng đều qua được cả, như vậy mới gọi là tất cả đều qua được, đều hoàn thành, chính vì vậy mà lời văn nêu hai chữ “tiểu giả” (cái nhỏ bé) để thuyết minh ý nghĩa của hai chữ “Ký tế” (đã qua được sông, đã hoàn thành)”. Xét, Lời quẻ nói: “ký tế, hanh tiểu”, Thoán truyện lại chỉ nêu ba chữ “ký tế, hanh” để giải thích, dường như có ý lược bớt chữ “tiểu”. Vì vậy, mà Khổng Dĩnh Đạt đã nói: “Lời văn đầy đủ, nên có thêm chữ “tiểu” nữa, nhưng vì nhắc lại lời văn trong chính kinh, nên dù có lược đi vẫn thấy rõ, cho nên cũng theo đó mà lược bớt đi”. Nhưng, Quách Kinh trong Chi dịch cử chính lại nói rằng dưới chữ “hanh” trong Thoán truyện còn sót mất nột chữ “tiểu”. Còn Chu Hi thì lại cho rằng Lời quẻ và Thoán truyện đều nên ghi là “Ký tế, tiểu hanh”, như vậy là “hanh tiểu” trong lời quẻ nên đánh dấu đảo lại, nên chữ “hanh” trong Thoán truyện thiếu mất chữ “tiểu”. Hai thuyết đều có thể tham khảo.

“Lợi trinh, cương nhu chính nhi vị đáng dã”, câu nói này đã nêu Tượng của sáu hào trong quẻ cương nhu đều có ngôi vị chính đáng, nói rõ rằng lúc đã qua sông (ký tế), thì lợi ở chỗ thủ chính (giữ gìn ngay chính), nhằm giải thích ý nghĩa của hai chữ “lợi trinh”.

“Sơ cát, nhu đắc trung dã; chung chỉ tắc loạn, kỳ đạo cùng dã”, câu này nêu Tượng “nhu trung đắc chính” của hào Lục nhị quẻ Ký tế, nói rõ lúc đó nên dựa vào đức “nhu thuận trung chính”, thận trọng giữ gìn những thành quả đã đạt được, nếu ngừng vun đắp tu dưỡng đức nghiệp, thì con đường Ký tế sẽ bế tắc và cuối cùng sẽ dẫn tới chỗ nguy loạn, nhằm giải thích ý nghĩa của câu “sơ cát chung loạn” trong Lời quẻ.

Đại tượng nói: Nước ở trên lửa (nấu chín thức ăn), tượng trưng cho việc đã thành. Người quân tử thấy việc đã thành lại cần phải suy nghĩ tới những tai họa có thể xẩy ra để mà phòng bị trước.

[Tượng viết: Thủy tại Hỏa thượng, Ký tế; Quân tử dĩ tư hoạn nhi dự phòng chi.]

Giải:lời văn trước hết nêu rõ tượng “Khảm trên là nước, Ly dưới là lửa”, nước ở trên lửa, đun nấu thức ăn đã chín, tượng trưng cho việc đã thành. Sau đó nêu rõ việc người Quân tử xem xét tượng này, phải biết rằng, việc đã thành nhưng sau đó có khi lại nảy sinh nguy loạn, cho nên cần phải nghĩ đến mối họa tiềm tàng mà đề phòng trước.

Chu dịch tập giải – Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Tuân Sảng nói: “Sáu hào đã ngay chính, nhưng sẽ lại rối loạn, vì thế người quân tử xem xét tượng này, phải nghĩ đến hoạn nạn mà dự phòng, đang lúc trị vẫn không quên lúc loạn vậy”. Vương Bật nói: “Đã qua sông (ký tế) không quên lúc chưa qua sông (vị tế). Khổng Dĩnh Đạt nói: “Nước trên lửa, đó là tượng của việc đun nấu, đồ ăn thức uống nhờ đó mà thành, sinh mệnh nhờ đó mà được duy trì, vì vậy mới nói Thủy tại Hỏa thượng, Ký tế”.

Xét, Đại tượng nói: “tư hoạn dự phòng” (nghĩ đến hoạn nạn mà đề phòng trước), chính là đã phát triển thêm một bước ý nghĩa khuyên răn cảnh giác chứa đựng trong câu “sơ cát chung loạn” của Lời quẻ. Đại dịch tập thuyết – Vương Thân Tử nói: “Lúc việc đã thành, tuy không phải là lúc có hoạn nạn, nhưng hoạn nạn sẽ nảy sinh sau khi việc đã thành. Người quân tử bảo toàn được “sơ cát” mà không có nỗi lo “chung loạn” vậy”.

Lời hào Sơ cửu: Kéo bánh xe về phía sau không cho tiến về phía trước, con cáo nhỏ qua sông nhúng ướt đuôi để khỏi bơi nhanh, tất sẽ không có cữu hại.

[Sơ cửu, Duệ kỳ luân, nhu kỳ vĩ, vô cữu.]

Giải: lời hào dụ ý nói hào Sơ là dương, ở vào ngôi vị mở đầu của quẻ Ký tế, trên ứng với hào Lục tứ, nhưng không vội cầu ứng, có tượng thận trọng giữ gìn thành quả đạt được, như níu kéo bánh xe không cho bon nhanh, như con cáo ướt đuôi thì không thể bơi nhanh. Công việc mới thành, nếu thận trọng giữ gìn như vậy, thì tất sẽ không có cữu hại, cho nên mới nói là “vô cữu”.

Chu Hi nói: “Bánh xe ở dưới, đuôi ở phía sau, đó là tượng của sự sơ khởi. Níu kéo bánh xe thì xe không bon nhanh về phía trước, đuôi ướt thì con cáo lội sông không thể nhanh. Lúc mới đầu lội sông mà thận trọng giữ gìn như vậy, thì đó chính là đạo lý “vô cữu” vậy”. Xét, hào Sơ cửu quẻ Ký tế ở ngôi vị mở đầu của “việc đã thành”, dương cương ở dưới, khiêm nhường thận trọng gìn giữ vững vàng, vì vậy mà có thể “giữ được những thành quả đã đạt được”. Chu dịch tập chú – Lai Tri Đức nói: “Cương có được vị thế chính, không khinh xuất khi hành động, vì thế mà có tương “níu kéo bánh xe”, “nhúng ướt đuôi”, dựa vào đó để giữ gìn những thành quả đã đạt được, đó là đạo lý “vô cữu” vậy”.

Hào Sơ và hào Thượng “nhúng ướt đuôi”, đều chỉ cáo nhỏ qua sông, đều khớp hợp với tượng “cáo nhỏ qua sông thì nhúng ướt đuôi” trong Lời quẻ của quẻ Vị tế. Cáo qua sông tất dương đuôi cao quá mặt nước thì mới có thể nhanh được, vì vậy trong Chu dịch thiển thuật – Trần Mộng Lôi đã kế thừa thuyết “loài vật lội nước tất dương cao đuôi”. Trình Di còn chỉ ra rằng: “Cáo tất dương cao đuôi, rồi sau mới qua sông, nhúng ướt đuôi thì không ve vẩy được, do đó không qua nhanh được”.

Tiểu tượng nói: “Níu kéo bánh xe về phía sau, không cho xe bon nhanh về phía trước”, nêu rõ ý nghĩa của hào Sơ cửu hành động trung chính thích hợp, thận trọng giữ gìn thành quả đã đạt được, như vậy sẽ không mắc phải tai họa.

[Tượng viết: “Duệ kỳ luân”, nghĩa vô cữu dã.]

Giải: Trình Di nói: “Lúc bắt đầu của Ký tế, nếu biết ngăn sự tiến lại, thì sẽ không tới chỗ cùng cực, như vậy tự nhiên sẽ được vô cữu”

Lời hào Lục nhị: Người phụ nữ đánh mất chiếc rèm che xe (nên khó đi xa được), nhưng không cần phải tìm, không quá 7 ngày sẽ lấy lại được.

[Lục nhị, phụ táng kỳ phất, vật trục, thất nhật đắc.]

Giải: “phụ” chỉ hào Lục nhị, “phất” là tấm rèm che xe, chỉ đồ trang sức của phụ nữ thời cổ, Khổng Dĩnh Đạt sớ “Phất là tấm rèm che xe, phụ nữ khi ngồi xe không muốn để người khác nhìn thấy mình, do vậy trước sau xe đều có rèm che kín, gọi là phất”. “Thất nhật” chỉ thời gian ngắn, giống hào Nhị quẻ Chấn.

Lời hào nói về hào Nhị đang ở thời Ký tế, trên ứng với hào Cửu ngũ, như người vợ của hào Cửu ngũ, nhu thuận trung chính, tuy có “mất tấm rèm che xe”, nhưng cuối cùng vẫn đi được, không phải vội đi tìm mà chỉ cần yên tâm ở một chỗ chờ đợi tự nó sẽ quay trở lại. Lấy đó để xử vào thời Ký tế thì giữ được thành quả, chỉ trong 7 ngày sẽ lấy lại được rèm. Chu dịch học thuyết – Mã Trấn Bưu dẫn lời Lưu Nguyên nói: “Hào Lục nhị đức nhu trung đắc vị, trên ứng với hào Cửu ngũ trung chính là chủ, quang minh trung chính, không lo việc mất rèm, mà yên tâm chờ đợi. Đó là điểm rất tốt của hào nhu trung này”. Thoán truyện quẻ Ký tế nói: “Sơ cát, nhu đắc trung dã”, chính là nói ý nghĩa tốt đẹp của hào Lục nhị vậy.

Ngũ ở ngôi tôn thời Ký tế không muốn tiến nữa. Sự lý khi ở cảnh vô sự mà thấy cần người, hay biết dụng người thì thật hãn hữu, trong hoàn cảnh này, thì cương trung ngôi tôn thường dẫn tới trung mãn (cương trung nghịch lại trở thành trung mãn), do vậy mà Khảm Ly hóa nghịch nhau. Đây là cái lẽ biết thời, biết biến khi phản ứng thích nghi về thời của Dịch. Mất cái màn che thì chẳng đi được, Nhị chẳng được Ngũ cầu dụng thì cũng chẳng đi được, nhưng Nhị có đạo trung chính đâu có dễ bỏ, lại thêm mất cái mình đã giữ, dẫu chẳng được trên dùng thì cũng không có lý bị bỏ rơi, cho nên quẻ có 6 hào mà nói 7 là nói biến vậy.

Tiểu tượng nói: “Không quá bảy ngày mất rồi lại được”, chứng tỏ hào Lục nhị trung chính không thiên lệch.

[Tượng viết: “Thất nhật đắc, dĩ trung đạo dã.]

Giải: Trình Di nói: “Đạo trung chính, tuy có lúc không vận dụng được đúng thời, nhưng không bao giờ lại có cái lý “cuối cùng không được thi hành”, vì thế mà “mất sau 7 ngày lại thấy”, ý muốn nói tự mình giữ vững đạo trung chính, thời tất có lúc sẽ được đem ra thi hành. Không làm mất trung đạo, đó là chính vậy”. Xét, Trình Di nói “táng phất” là chỉ hào Lục nhị không dùng đúng thời. Về nghĩa cũng thông.

Lời hào Cửu tam: Vua Cao Tông nhà Ân đánh nước Quỷ Phương, liên tục 3 năm mới thắng; kẻ tiểu nhân không thể coi thường tùy tiện sử dụng.

[Cửu tam, Cao Tông phạt Quỷ Phương, tam niên khắc chi; Tiểu nhân vật dụng.]

Giải: Khổng Dĩnh Đạt giảng: “Cao Tông là hiệu của vua Vũ Đinh nhà Ân”, “quỷ phương” là tên nước, là một trong các bộ lạc Hiểm Doãn ở vùng Tây Bắc TQ cổ đại. Đặng Cầu Bá cho biết thêm là Quỷ Phương là tên một bộ tộc thời cổ (cổ tộc danh), vào thời Ân Chu sinh hoạt ở khu vực tây bắc Thiểm Tây ngày nay, là cường địch của cả Ân lẫn Chu.

Lời hào nói về hào Cửu tam dương cương, ở ngôi vị trên cùng của hạ quái quẻ Ký tế, có tượng sau khi “việc đã thành” (sự thành), còn muốn trừ nốt các mối lo còn lại, ví như vua Cao Tông nhà Ân đang ở thời trị nước yên ổn, nhưng lại cất binh thảo phạt nước nhỏ Quỷ Phương. Gặp thời đó, tuy cần trừ khử các mối lo còn lại, nhưng phải lấy tinh thần “tam niên khác chi” để bền bỉ nỗ lực, mới có thể bảo tồn được sự nghiệp. Nếu dùng bọn tiểu nhân nóng nảy vội vàng, tất sẽ dẫn tới nguy loạn, cho nên lời hào mới răn là “tiểu nhân vật dụng”. Hoài nam cửu sư đạo huấn nói: “Quỷ Phương, là nước nhỏ Man di, Cao Tông là vị vua sáng nhà Ân, Lấy thế mạnh thiên tử đánh một nước nhỏ Man di mà 3 năm mới thắng được, ý nói phải dè chừng không thể không thận trọng” (Mã Quốc Hàn – Ngọc hàm sơn phòng tập dật thư). Mã Kỳ Sưởng – Trùng dịch Chu dịchPhí thị học dẫn lời Phan Sỹ Tảo nói: “Có lẽ muốn nói tới cái khó của thời thịnh mà làm khó nhọc dân. Kẻ tiểu nhân ở vào thời thịnh không nghĩ đến lúc suy, lúc thành không biết lo khi khó, cho nên cảnh giác là “không nên dùng”. 

Hào Cửu tam quẻ Ký tế là hào dương ở vị dương, bẩm tính cương cường, do vậy lời hào xét từ hai mặt phản diện và chính diện để phân tích, đưa ra lời cảnh giới. Sở dĩ nói ” kẻ tiểu nhân không nên dùng, là vì sợ nó không có khả năng giữ được (thành quả) ban đầu sẽ dẫn đến “cuối cùng nguy loạn”.

Tiểu tượng nói: “Kéo dài tới 3 năm, cuối cùng đạt được thắng lợi”, chứng tỏ hào Cửu tam muốn giữ vững thành quả cần phải nỗ lực kiên trì, cho tới mức độ mệt mỏi, cùng kiệt.

[Tượng viết: “Tam niên khắc chi”, bị dã.]

Giải: Chu dịch tập giải – Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Hầu Quả nói: “Triển khai công việc, huy động sức dân, đến thánh nhân còn mệt mỏi, thì đó chẳng phải là việc bọn tiểu nhân có thể làm được”. Nói là mệt mỏi để thấy rõ việc khó nhọc.

Lời hào Lục tứ: Áo đẹp váy hoa sắp biến thành rách rưới. Hãy nên suốt ngày răn giới, đề phòng tai họa.

[Lục tứ, Nhu hữu y như, chung nhật giới.]

Giải:Thuyết văn giải tự – Hứa Thận giải thích: “Nhu, là tơ lụa mầu”; Kinh truyện thích từ – Vương Dẫn Chi giải thích: “Hữu, là như chữ hoặc, trong câu này có nghĩa là sắp”; “như” là “bại như”, chỉ quần áo rách rưới.

Lời hào chỉ về hào Lục tứ ở vào thời Ký tế sắp chuyển hóa, như bộ quần áo đẹp đến lúc sắp rách (lập Tượng dĩ suy Giáp), nên nhấn mạnh điều quan trọng là suốt ngày phải răn giới đề phòng, giữ chính phòng nguy, thì mới tránh được tai họa. Nên nói “nhu hữu y như, chung nhật giới”. Chu dịch hải toát tiết yếu – dẫn lời Khâu Hy Thanh nói: “Nhu bộ Mịch, còn viết là Nhu có bộ Y, chỉ sự trang sức rất đẹp. Như là rách. Lại dẫn lời Thạch giới: Quần áo đẹp rồi có lúc sẽ rách, như việc đang thời Ký tế, cũng sẽ tới lúc Vị tế. Vì vậy phải cả ngày đề phòng răn giới vì ngại đến lúc nó sẽ rách”.

Hào Lục tứ quẻ Ký tế ở vào ngôi vị “đa cụ” (nhiều lo sợ), quẻ Trên là Khảm hiểm, quá trung sẽ sinh biến, “ký tế” sắp chuyển hóa thành “vị tế”, nên lời hào răn giới thật sâu rộng. Lại xét, Vương Bật cho rằng “nhu” nên viết là Nhu có bộ chấm thủy, “y như” là rẻ dùng để bịt thuyền thủng. Nghĩa là hào chỉ thuyền thủng nước rò vào, nên phải chuẩn bị “y như” (rẻ rách) để bịt thuyền phòng ngừa. Về nghĩa cũng thông.

Thời hào Tứ quẻ Ký tế lấy việc phòng nạn lo biến đặt lên hàng đầu, cũng chẳng nói là “cát” vì ở thời Ký tế khỏi được hoạn nạn là đủ vậy. Tam lấy dương ở ngôi cương, dễ mất vì táo bạo, nên lấy tượng vua Cao Tông đánh Quỷ Phương làm răn. Tứ lấy ngu ở ngôi nhu, tự biết dự phòng mà lấy răn sợ làm tượng, sợ mà biết phòng bị hoạn nạn thì chẳng mất ở những lúc tầm thường, lúc nào cũng lo thì chẳng quên hoạn nạn phút chốc đến không ngờ tới. Đó là đạo sử thời Ký tế vậy.

Tiểu tượng nói: “Nên suốt ngày cảnh giác đề phòng tai họa”, chứng tỏ Lục tứ, lúc này cần phải lo toan đề phòng, thận trọng hành động, có sự nghi sợ.

[Tượng viết: “Chung nhật giới”, hữu sở nghi dã.]

Giải: hào Tứ ở nơi “sợ nhiều”, ở thể trên quẻ Khảm hiểm, quá giữa sẽ sinh biến. Người ta ở vào lúc có việc, duy có chỗ ngờ ở trong lòng, thì sau mới nghĩ mà xử trí, đó là cách thức vậy.

Lời hào Cửu ngũ: Hàng xóm bên đông giết trâu cử hành tế lễ quan trọng, không bằng hàng xóm bên tây làm lễ Dược giản dị đạm bạc. Họ thực nhận được sự giáng phúc ban ơn trạch của thần linh.

[Cửu ngũ, Đông lân sát ngưu, bất như Tây lân chi dược tế, thực thụ kỳ phúc.]

Giải: “đông lân”, “tây lân” là từ giả thiết, cũng như chỉ “nọ kia”, đặt ra để răn giới hào Cửu ngũ. “Sát ngưu” chỉ việc cử hành tế lễ to lớn long trọng. “Dược tế” chỉ tế lễ đạm bạc.

Lời hào chỉ rõ hào Cửu ngũ ở vào thời Ký tế, tôn cư quân vị, dương cương trung chính, sự việc đã thành, sản phẩm phong phú, thì càng nên thận trong tu đức, giữ gìn thành quả, không thể kiêu ngạo phóng dật xa xỉ. Chỉ cần đức tốt thuần hậu đốc thực, thuận lợi hành động, thì tuy chỉ như “hàng xóm bên Tây” cử hành tế lễ đạm bạc cũng có thể dâng hiến thần linh, mà được hưởng phúc. Nếu không chịu tu đúc, khác nào “hàng xóm bên Đông” tổ chức tế lớn linh đình, chẳng qua chỉ là sự khinh mạn vụ lợi đối với thần linh, chỉ có hại mà chẳng được ích gì. Cho nên nói “Đông lân sát ngưu, bất như Tây lân chi dược tế, thực thụ kỳ phúc”.

Chu dịch chiết trung – dẫn lời Phan Sĩ Tảo nói: “Hào Ngũ dương cương trung chính, ở vào thời của cải dồi dào thịnh vượng, cho nên lời hào mượn hình tượng “hàng xóm bên đông” tế lễ để răn giới phải đề phòng lo sợ. Phàm việc tế lễ, chữ “thời” là trọng. Nếu được thời thì đức sáng lòng thơm xôi nếp dâng tiến, cũng có thể thấu tới thần linh. Do vậy, “đông lân sát ngưu, bất như tây lân chi Dược tế”, tức là vấn đề ở chỗ hợp thời, chứ không phải là lễ vật nhiều, đông tây cũng như nói nọ kia vậy”. Xét, hào Ngũ ở vào thời thịnh của Ký tế, điều tối kỵ là kiêu ngạo xa xỉ, vì thế hào này lấy tượng “đông lân tây lân” để răn giới, lại lấy dụ tượng “tế Dược” cốt có đức sáng để khuyên nhủ. Chu Hi nói: “Đông là tượng của dương, Tây là tượng của âm, ý nói hào cửu ngũ tuy ở ngôi vị tôn quý, nhưng thời đã qua, không bằng hào Nhị tuy ở dưới, nhưng lại bắt đầu được thời”, nghĩa này cũng thông.

Ngũ thì trong thực là tin, Nhị thì trong hư là thành thực, cho nên lấy việc tế lễ làm nghĩa. Nhị ở dưới còn có thể tiến thì được phúc, Ngũ ở ngôi tôn là thời đã quá, ở nơi không chỗ tiến, vì tiến thì xuất mất ngôi, cho nên lấy chí thành trung chính mà giữ lấy. Lẽ tự nhiên không cực nào đến trót mà chẳng phản, cho nên Hào và Tượng nói là “thời” vậy. Thời đã quá như Trăng đã quá Rằm là thời sắp tối, thời mới đến như Trăng mới mọc là thời sắp đến Rằm.

Tiểu tượng viết: “Nước láng giềng phía đông giết trâu tổ chức tế lễ linh đình, chẳng bằng tế Dược của nước láng giềng phía Tấy”, ý nói nước láng giềng phía tây tế lễ hợp thời, tế Dược đơn xơ vào mùa Hạ đúng lúc và chăm lo làm sáng đức tốt; “nước láng giềng phía tây sẽ thực sự được thần linh ban phúc”, dụ chỉ sự tốt lành nối tiếp nhau không dứt.

[Tượng viết: “Đông lân sát ngưu”, bất như tây lân chi thời Dược tế dã; “thực thụ kỳ phúc”, cát đại lai dã.

Giải: “thời” có nghĩa là hợp thời, đúng lúc. Vương Bật nói: “Tế lễ cốt đúng lúc hợp thời chứ không cốt ở nhiều lễ vật”. Khổng dĩnh Đạt nói: “Lời tượng nói “bất như tây lân chi thời” có nghĩa là: thần minh chỉ thụ hưởng đức, nếu biết tu đức kính cẩn, tế lễ đúng thời, thì lễ vật tuy đơn sơ nhưng thần linh vẫn ban phước cho. Không chỉ bản thân mình được hưởng phúc, mà phúc còn lưu truyền đến đời sau nữa”.

Lời hào Thượng lục: Con cáo con lội qua sông, ướt đầu, có nguy hiểm.

[Thượng lục, Nhu kỳ thủ, lệ.]

Giải: “ướt đầu” và “ướt đuôi” của lời hào quẻ Ký tế đều lấy tượng cáo con lội sông. Đây nói về hào Thương lục là hào âm, ở ngôi cuối cùng quẻ Ký tế, không cố gắng tu đức mà thời thịnh thì đã qua, “tế” ở nơi cực điểm thì sẽ loạn, chuyển thành Vị tế, cũng như cáo con lội sông, nước ướt hết đầu, sắp ngập đến đỉnh đầu, tình thế rất nguy hiểm, cho nên nói “nhu kỳ thủ, lệ”. Vương Bật nói: “Ở vào ngôi cực điểm của Ký tế, đạo Ký tế đã cùng, tất tới Vị tế”. Chu Hi nói: “Cực điểm của Ký tế, sự nguy hiểm đang ở trên, lại lấy đức âm nhu xử sự, ví như tượng cáo con lội sông để ướt hết đầu”.

Đại dịch tập thuyết – Vương Thân Tử nói: “Không nói “hung” mà nói “lệ”, ý muốn người ta phải biết trước sự nguy hiểm đáng sợ, mà mau mau sửa đổi, thì mới có thể giữ vững được tế”.

Tiểu tượng nói:”Con cáo nhỏ qua sông bị ướt đầu”, gặp nguy hiểm, nghĩa là sự việc đã thành, không dốc lòng tu đức, thì sao có thể giữ vững thành quả lâu dài được !

[Tượng viết: “Nhu kỳ thủ, lệ”, hà khả cửu dã.]

Giải: Khổng Dĩnh Đạt nói: “Đầu bị nhúng ướt, thân tất chìm, sao có thể lâu dài được”. Sơ thì nói “ướt đuôi” không lỗi, là vì ở thời khởi đầu của “tế”, Thượng thì nói “ướt đầu” mà nguy, là vì đã đến trót của “tế”. Lời nói không lâu dài được thì phải ngừng, đó là ngừng thì dẫn tới loạn vậy. Đầu ở trước, đuôi ở sau, đây là tượng 6 hào điên đảo của “Ký – Vị”, đều có Khảm cho nên đầu đuôi đều ướt, Thân ở trong muốn cứu “tế” thì phải biết rằng hiểm đang ở phía trước, đó là Ký tế vậy, điên đảo thì ra khỏi hiểm đó là Vị tế vậy. 

Thủy dữ Hỏa hay Hỏa dữ Thủy, đều lấy tương “tế” hay bất tương “tê” làm tượng, nhưng hiểm đến trót ở trước là Ký tế, thì sau trót nguy, còn đến trót ra khỏi hiểm là Vị tế, đó là đến trót có tín, là nghĩa cùng tắc biến vậy.

LỜI BÀN

Tôn chỉ chung của toàn quẻ Ký tế nêu lên đạo lý: “Giữ gìn thành quả là khó khăn vất vả” (thủ thành gian nan). Vua Đường Thái Tôn thường hỏi các cận thận rằng: “Về sự nghiệp của đế vương, việc sáng lập và giữ gìn thành quả, cái nào khó hơn ? Ngụy Trưng đáp: đế vương dấy nghiệp, tất thừa cơ lúc thời suy loạn, lật đổ bọn tàn ác hôn ám, trăm họ đều đồng lòng ủng hộ, bốn biển đều theo về, đó là lúc trời trao cho mệnh, do vậy việc đó không phải là khó. Nhưng sau khi đã được thiên hạ, chí thường kiêu ngạo phóng dật, trăm họ muốn được yên vui nhưng sưu thuế nạng nề, muôn dân khổ sở điêu tàn, mà phải phục dịch cho việc ăn chơi xa xỉ không ngớt. Đất nước suy vong đều từ đó mà ra. Cho nên nói, giữ vững thành quả là khó hơn nhiều” (Trinh quân chính yếu – Luận quân đạo). Đoạn văn này, tuy bàn về sự nghiệp đế vương, nhưng ý nghĩa rất hợp với quẻ Ký tế.

Lời quẻ có lời văn tuy nói về thời của “việc đã thành”, bất kể là việc lớn hay việc nhỏ đều được hanh thông, nhưng vẫn nhấn mạnh ở hai chữ “lợi trinh”, không được coi nhẹ việc “thủ chính” (giữ gìn đạo chính). Hơn nữa, câu “sơ cát chung loạn” lại càng nhấn mạnh khuyên răn về việc ở vào thời Ký tế, chỉ hơi sơ xảy không thận trọng, tất sẽ trở lại loạn ngay.

Trong 6 hào của quẻ, không có hào nào là không có hàm ý “đề phòng cảnh giới”: hào Sơ răn giới “kéo ngược bánh xe” không thể tiến tới; hào Nhị răn giới “mất khăn chớ tìm”, hào Tam răn giới “kẻ tiểu nhân chớ dùng”; hào Tứ “cả ngày răn giới”; hào Ngũ răn giới “hàng xóm bên Đông giết trâu”; hào Thượng răn giới “ướt đầu nguy”. Qua đó có thể thấy, ở vào thời Ký tế, tuy mọi việc đều đã thành tựu, nhưng phải biết bảo vệ cục diện “đã thành”, đó không phải là việc dễ. Đại tượng nói: “Bậc quân tử lấy việc lo toan hoạn nạn mà đề phòng”, ý đó thực sâu sắc.

Dịch đồng tử vấn – Âu Dương Tu nói: “Thói thường người ta khi gặp nguy thì nghĩ sâu, lúc an ổn thường nghĩ cạn, mà hoạn nạn thường sinh ra từ sự giải đãi, khinh suất. Do vậy, người quân tử ở vào thời Ký tế phải biết lo toan đề phòng hoạn nạn”. Câu nói này đã khái quát được ý nghĩa sâu xa của quẻ Ký tế vậy.

(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.