Quẻ Khôn

Một trong tám quẻ bát quái, do ba vạch âm hợp thành, tên quẻ là Khôn, nghĩa là “thuận”, vật tượng trưng cơ bản là “Đất”. Tố vấn – Hoàng đế viết: “Tích âm làm đất, cho nên đất là những thứ âm trọc”. Chu Hy giảng: “Thành hình của âm, không gì lớn hơn đất, 3 vạch quẻ này đều chẵn, cho nên gọi tên là Khôn mà tượng trưng cho đất”.

Một trong 64 quẻ là quẻ thứ 2 trong Kinh, do hai quẻ Khôn 3 vạch chồng lên nhau, Chu Hy gọi là “thuần âm, chí thuận”. Kinh xếp quẻ Khôn sau quẻ Càn, ngụ ý “trời tôn đất ti”, “đất đi theo trời”. Nghĩa chung của quẻ Khôn là chỉ cho ta thấy “âm đối lập với dương”, nhưng chúng lại có quan hệ dựa vào nhau mà tồn tại. Trong cặp mâu thuẫn này, âm giữ địa vị phụ thuộc, thứ yếu, dựa theo dương mà tồn tại, phát triển.

Lời quẻ: Quẻ Khôn tượng trưng đất, nguyên thủy, hanh thông, có lợi ở việc giống như ngựa cái giữ bền trinh chính. Quân tử có sự tiến tới, nếu giành lên trước để đứng hàng đầu thì sẽ lạc đường, nếu theo sau người khác thì sẽ được làm chủ, hẳn có lợi. Đi về hướng Tây Nam thì sẽ được bạn, đi về hướng Đông Bắc thì sẽ mất bạn. An phận giữ bền trinh chính thì sẽ được tốt đẹp.

[Khôn, nguyên, hanh, lợi tấn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng, tiên mê; hậu đắc chủ, lợi. Tây Nam đắc bằng, Đông Bắc táng bằng, an trinh cát.]

Giải: Khôn, nguyên, hanh, lợi tấn mã chi trinh – Câu này khái quát đức của quẻ Khôn, nói “đất” mà quẻ Khôn tượng trưng phối hợp với trời, có thể sinh ra muôn vật và làm cho chúng hanh thông, có lợi ở chỗ trinh chính, nhu thuận như con ngựa cái. Tấn mã, tức là ngựa cái, phàm các vật giống cái đều có tính thuận, theo dương mà đi để cầu lấy tòng nhất (chuyên nhất) không biến đổi. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Đại để Càn Khôn là vật hợp thể, cho nên sau Càn tiếp đến Khôn. Nói đất cũng có thể khai sáng ra muôn vật, tất cả đều hanh thông, cho nên cũng nói “nguyên, hanh” như quẻ Càn”. Theo Chu Hy thì hai chữ “nguyên hanh” đọc liền, giải thích là “đại hanh”. Trinh, là “chính”, chỉ sự giữ vững chính bền. Can Bảo nói: “Bay trên trời không vật nào bằng rồng, chạy dưới đất không gì bằng ngựa. Khôn thuộc âm, cho nên nói “lợi tấn mã chi trinh”. Thượng Bỉnh Hòa theo thuyết của Vương Thụ Nam, giải thích “trinh” ở đây là xem bói, nhưng nếu chữ “trinh” xuất hiện ở chỗ khác, thì hoặc cứ theo nghĩa ở đây hoặc vẫn cứ giải thích là “chính”, cần xem tượng hào tượng quẻ để định.

Quân tử hữu du vãng, tiên mê, hậu đắc chủ, lợi -câu này lấy việc Quân tử có sự tiến tới, để nói về việc nếu tranh lên trước thì sẽ “mê” (mất phương hướng), ở sau thì “lợi”, nhấn mạnh thêm nghĩa “nhu thuận” của quẻ Khôn. Ngu Phiên nói: “Khôn là đạo bề tôi, đạo vợ, theo sau chứ không đi trước. Nếu đi trước thì sẽ lạc đường, cho nên nói “tiên mê”; âm lấy dương làm chủ, ở sau và thuận theo thì có lợi, cho nên nói “hậu đắc chủ, lợi” vậy”.

Tây Nam đắc bằng, Đông Bắc táng bằng – câu này nói về hướng Tây nam thì sẽ gặp có nhiều dương, nên âm có dương làm bạn. Đi về hướng Đông Bắc thì sẽ gặp nhiều âm, âm là thù địch của âm, cho nên mất bạn. Nhưng dù “đắc bằng” hay “táng bằng” cũng có thể tốt được, nếu yên phận theo người và giữ được trinh chính. Ở đây lại nhấn mạnh ý “an thuận” để làm nổi bật nghĩa chính của quẻ Khôn. Thượng Bỉnh Hòa tiên sinh căn cứ vào đồ hình 12 quẻ Bích làm thuyết, nêu rằng Khôn ở ngôi Hợi phía Tây Bắc, khí âm đi ngược chiều, theo hướng Tây Nam đi lên phía trước sẽ gặp dương mà dần dần thịnh lên; nếu đi theo hướng Đông Bắc thì “mất dương”, sẽ dần dần đến chỗ tận, thế tức là “âm gặp dương là được bạn” cho nên đi hướng Tây Nam là “đắc bằng”, theo hướng Đông Bắc là “táng bằng”. Thuyết này phân tích “âm dương là bạn” (âm dương vi bằng) thật thỏa đáng, nay ta theo vậy.

Xét, thuyết “âm dương là bạn” thời xưa có nhiều thuyết, tham khảo hai thuyết: Một là, Hán Ngụy nhị thập thất gia dịch chú – Tôn Đường soạn dẫn lời Vương Túc nói: “Tây Nam thuộc về âm, cho nên được bạn; Đông Bắc thuộc về dương, cho nên mất bạn”, đây là chủ trương âm với dương là “bằng loại”. Hai là, Vương Bật cũng chủ về thuyết “đồng tính vi bằng”, nhưng cho rằng “là vật âm, tất nó phải lìa đồng bọn mà đi theo khác loài, thì sau mới “an trinh cát”, như thể nêu rằng, là âm tất phải “táng bằng” mà xu phụ với dương, thì mới được cát; đồng thời câu “táng bằng” phải liền nghĩa với “an trinh cát” ở dưới. Án, lại một thuyết nữa cho là “bằng” trong “bằng bối” (Bối là vỏ sò, vỏ hến, xưa dùng làm tiền, 1 bằng là 2 hoặc 10 bối). 

Lời quẻ của quẻ Khôn, trước sau đều xoay quanh nghĩa chính “thuận”, chủ ý rằng quẻ Càn có bốn đức: “Nguyên, hanh, lợi, trinh”, thì quẻ Khôn cũng có đủ bốn đức này. Đây là chỗ giống nhau của hai quẻ. Nhưng Đức của Càn lấy “thống thiên” làm chính, còn Đức của Khôn thì lấy “thuận thừa thiên” làm tiền đề; Vì vậy, Càn cương Khôn nhu, Càn kiện Khôn thuận. Bốn Đức của Càn không có chữ nào hạn chế, còn bốn đức của Khôn thì hạn chế ở “tấn mã”, “hậu đắc chủ”, “an trinh cát”. Đây là chỗ khác nhau của hai quẻ. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Vì thế một số quẻ khác cũng có bốn đức, nhưng bốn đức của quẻ khác đều kém thua Càn. Quẻ Càn chỉ nói bốn đức mà không nói thêm gì khác, cho thấy bốn đức của Càn bao quát hết cả, còn các quẻ khác thì sau mới nói đến bốn đức, còn nói thêm những điều khác để hạn chế, ví dụ quẻ Khôn là như vậy”.

Một trong những nguyên tắc của Dịch là: “Đồng tính tương xích, dị tính tương hấp” (cùng tính thì đẩy ra, khác tính thì hút vào). Theo Từ Tử Hùng chú giải câu “tây nam đắc bằng, đông bắc táng bằng” là: “Đi về hướng Tây Nam thì được phát tài, đi về hướng Đông Bắc thất thoát tài sản”. Tham khảo.

Âm theo Dương, rủ bạn cùng đi hay phải xa lìa? sự hóa dục chỉ về tính giống cái, với thiên chức này chỉ sự tốt về yên phận giữ trinh. Cho nên, ở trước thì chủ về “nghĩa”, ở sau thì chủ về “lợi”. Chu Hy nói: “Dương phải trước, âm phải sau, vì dương chủ về nghĩa, âm chủ về lợi. Tây Nam sang Đông Bắc là thuận và giữ được Trinh Kiện. người coi được quẻ này thì đại hanh, mà cái lợi phải lấy “trinh kiện” làm chính. Sao lại nói Tây Nam được bạn, Đông Bắc mất bạn? Là vì âm chỉ có một nửa, không giống như dương kiêm cả âm, cho nên không chỗ nào mà không lợi. Âm chỉ dùng có một nửa, cho nên được ở Tây Nam mà mất ở Đông Bắc”. Nói Khôn mất ở Đông Bắc vì ngôi Cấn chủ ở Đông Bắc mà không phải ngôi của Khôn, sẽ mất đi ý nghĩa sự dày chắc của Khôn, âm đến ngôi đó thì mất sáng, nhưng về bản vị thì được phúc.

Wilhelm bình luận: “Không nên hiểu chữ “bằng” đây chỉ là bạn hữu thông thường, mà nên hiểu đó là những người phụ tá, giúp việc cho mình thành công. Bài học rút ra là một khi đã xác định mục tiêu hành sự, người quân tử cần người trợ lực, giúp đỡ trong hoàn cảnh khó khăn. Phương Tây và phương Nam tượng trưng cho hoàn cảnh và giây phút khó khăn, nguy hiểm, vì hai phương này thuộc âm (Khôn), thể hiện khi năng lực thuần âm bổ xung cho năng lực thuần dương, giống như hai mùa Xuân Thu. Trong hoàn cảnh đó, người quân tử phải huy động toàn bộ năng lực của mình, tìm bạn ở đây có nghĩa là tìm kiếm sự hướng dẫn hay trợ giúp. Nhưng cũng có lúc người quân tử cần một mình suy tư và đặt kế hoạch cho tương lai. Khi đó cần phải sống trong cô đơn, tịch mịch, xa lánh bạn bè. Phương Đông tượng trưng cho người quân tử nhận được mệnh lệnh từ đấng quân vương, và phương Bắc là nơi phải cáo trình lên cấp trên những gì đã được thực hiện. Khi nhận lệnh để soạn thảo kế hoạch, người quân tử phải biết tự suy nghĩ. Khi báo cáo những điều đã thực hiện, người quân tử cần phải trung thực, khách quan, không theo những ý kiến của người khác và phải một mình chịu trách nhiệm trước đấng quân vương”. 

Thoán truyện nói: Đất có đức tốt đẹp đến cực độ, phối hợp với Trời khai sáng muôn vật ! Muôn vật nhờ đất mà trưởng thành. Đất thuận theo chí hướng của trời. Thể của đất rộng dày mà có thể chở chứa đủ muôn vật, đức tính hòa hợp rộng rãi mà có thể dài lâu đến vô cùng; Nó chứa nuôi tất cả, làm cho chúng phát triển rực rỡ, muôn vật đều hanh thông thỏa mãn, mà được nuôi dưỡng rộng khắp. Ngựa cái là động vật có sức chuyên trở, đi lại dẻo dai. Đức nhu hòa ôn thuận của nó có lợi cho việc giữ đạo trinh, người quân tử noi theo đó mà tiến lên phía trước. Nhưng nếu tranh đua để vượt lên trước người khác, ắt sẽ bị mê lạc, mất chính đạo; do vậy phải tùy thuận đi sau, giữ đức ôn hòa nhu thuận thì sẽ có phúc khánh dài lâu. Đi về hướng Tây Nam sẽ được bạn, có thể cùng bạn lứa tiến lên; đi về hướng Đông Bắc sẽ mất bạn, nhưng cuối cùng cũng có được phúc khánh. Sự tốt đẹp của việc yên phận giữ bền trinh chính, là ứng hợp với đức tốt của đất, mãi mãi bền chặt.

[Thoán viết: Chí tai Khôn nguyên, vạn vật tư sinh, nãi thuận thừa thiên. Khôn hậu tải vật, đức hợp vô cương; Hàm hoằng quang đại, phẩm vật hàm hanh. Tấn mã địa loại, hành địa vô cương. Nhu thuận, lợi trinh, quân tử du hành, tiền mê thất đạo, hậu thuận đắc thường. Tây Nam đắc bằng, nãi dữ loại hành, Đông Bắc táng bằng, nãi chung hữu khánh. An trinh chi cát, ứng địa vô cương]

Giải: toàn văn Thoán truyện nhằm giải thích lời quẻ Khôn. Chí, theo Chu Hy chú: “Chí”, là tột cùng, cũng như trời vậy. Nhưng sự tột cùng của trời bao trùm cả đất, không những chỉ là tột cùng mà còn lớn hơn đất; cho nên nói về quẻ Càn thì “đại tai”, nói về quẻ Khôn thì “chí tai”. Vô cương, khiêm cả nghĩa địa vực không bờ và thời gian vô hạn. hoằng, Nhĩ nhã – Thích hỗ giải nghĩa “là lớn”; theo Hình Bính giải thích là “sức chứa lớn”. Tập giải dẫn lời Thôi Cảnh nói: “Hàm chứa hóa dục muôn vật là “hoằng”, tỏa sáng muôn vật là “đại”, các loài động thực vật đều được thỏa thê, cho nên nói là phẩm vật hàm hanh”. Chí tai khôn nguyên, vạn vật tư sinh, nãi thuận thừa thiên, câu này giải thích chữ “nguyên” trong Lời Quẻ, ca ngợi Khôn dùng đức “thuận” mà “thừa thiên”, đức dưỡng sinh muôn vật của Khôn là tốt đẹp đến cực độ.

Đức của Khôn là “”đắc thường”, nên Hà Thỏa nói: “Đạo âm kị đi trước, cho nên đi trước thì sẽ lạc đường, đi sau thì thuận với chủ, như vậy sẽ giữ được phúc dài lâu”. Lời quẻ: Khôn hậu tải vật, hợp đức vô cương. Hàm hoằng quang đại, phẩm vật hàm hanh, là để giải thích chữ “Hanh” trong quái từ, ý nói đức của Khôn là rất phong hậu, có thể nuôi chứa muôn vật làm cho muôn vật đều hanh thông.

Đông Bắc táng bằng, nãi chung hữu khánh, ở đây nói đi theo hướng Đông Bắc tuy mất dương, bạn bè âm dương có mất có được, nhưng đi đến cùng cực, tất sẽ xoay chuyển sang hướng Tây Nam, thì sẽ xuất hiện “khánh” của “đắc bằng”, nhấn mạnh lẽ âm dương tuần hoàn tiêu trưởng. Chiết trung dẫn lời Kiều Trung Hòa nói: “Khôn chỉ hợp với Càn, cho nên được chủ. Được chủ, cho nên Tây Nam hay Đông Bắc đều là lợi phương, “đắc bằng” hay “táng bằng” cũng đều là việc cát.” Thuyết này dường như hợp với lý của quẻ. Thượng Bỉnh Hòa tiên sinh chỉ rõ “chung” của “táng bằng” ở ngôi Hợi, lại chỉ rõ dưới ngôi Hợi của quẻ “Bích” chính là ngôi Càn hậu thiên, còn được gọi là “Càn phục dưới Hợi”. Càn là dương cho nên về cuối có bạn thì “hữu khánh”.

Hình tượng tấn mã là phù hợp với nghĩa “nhu thuận” của Khôn, có lợi cho việc giữ bền trinh chính. Nói tiên mê là vì trái với “thuận”, còn nói “hậu đắc” là vì “thuận”.

Dịch truyện nguyên chia thành các thiên, người đời sau đem Thoán truyện, Tượng truyện phụ vào dưới lời Kinh, có thể khởi đầu là từ Trịnh Huyền đời Đông Hán, có thể ý của các nhà truyền Dịch muốn lưu một biệt lệ của Dịch, đó là Kinh và Truyện không lẫn lộn nhau. 

Đại tương nói: Hình thế của đất dày chắc và nhu thuận; bậc quân tử vì thế mà bồi đắp đức tốt cho dày thêm, để chứa trở muôn vật.

[Địa thế Khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật]

Giải: toàn văn Đại tượng trước hết nêu rõ tượng quẻ Khôn là trên dưới đều Khôn – đất, có nghĩa là thuận, tiếp sau đó nói rõ việc của người. Tập giải – Tống Trung nói: “Đất trên dưới có chín bậc, nên có sự sai khác, theo hình thế mà nói đức tính của nó”. Vương Bật nói: “Hình đất không thuận, nhưng thế nó thuận”.

Trời lấy Khí mà chuyển vận nên gọi là Hành, đất lấy Hình mà chở nên gọi là Thế.

Thượng Bỉnh Hòa căn cứ vào lời chú của Tống Trung và Vương Bật, cho hai nhà này đều không dẫn “khôn, thuận” của Thuyết quái làm lời thông thường (hỗ) để giải thích văn tự cổ, bằng chứng là “họ Tống họ Vương vốn đều lấy “địa thế thuận”, lại nói chữ Khôn cổ văn viết là chữ mượn của “thuận”, cho nên họ Tống họ Vương đều đọc là “thuận”. Từ khi Khổng Dĩnh Đạt đổi viết thành Khôn, thì không còn ai biết do lai của chữ “thuận” nữa”.

Kinh dịch tồn nghi – Lâm Hy Nguyên nói: “Vì đất dày, cho nên không vật gì mà không trở được. Vì thế quân tử học theo đó mà bồi đắp đức cho dày để chứa trở muôn vật trong thiên hạ”.

Từ “Càn, Kiện” mà dẫn tới ý “tự cường bất tức”, từ “khôn, thuận” mà dẫn tới “hậu đức tải vật”. Đây chính là sự phát triển tượng quẻ của Đại tượng truyện, tác dụng của nó là khiến cho triết lý tượng trưng tàng ẩn trong tượng được sáng láng rạng tỏ. 

Lời hào Sơ lục: Dẫm lên sương mỏng, sắp phải đón băng dày.

[Sơ Lục, Lý sương, kiên băng chí]

Giải: ngôi thứ nhất quẻ dưới, nên gọi là “đầu”; lý là dẫm lên, xéo lên. Đây là âm khí mới sinh rồi sẽ dần dần mạnh lên, cũng như sương là báo trước sẽ có băng dày. Ý nghĩa của hào là một lời cảnh báo về những tai họa sắp xảy ra, mà mầm mống ban đầu đã xuất hiện. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Sơ lục là âm khí yếu, như khi mới bắt đầu rét, chỉ dẫm lên sương thôi, yếu mà tích dần, thì rồi băng dày sẽ tới”.

Chu Hy nói: “Âm dương là gốc của tạo hóa, thứ nọ không thể không có thứ kia, mà sự tiêu đi và lớn lên vẫn như thường, không phải là cái mà người ta có thể thêm bớt. Nhưng dương chủ về sinh, Âm chủ về sát, thì “loại” của nó cũng có ngay gian khác nhau. Cho nên Thánh nhân làm Dịch, với chỗ “thứ nọ không thể không có thứ kia”, đã dùng những chữ “kiện”, “thuận”, “nhân”, “nghĩa” để nói cho rõ, mà không thiên về bên nào, đến chỗ chúng nó tiêu đi lớn lên, ngay gian khác nhau, thì không bao giờ mà không chú ý đến sự nâng Dương nén Âm”.

Khi đã là “những định lệ bất biến” thì làm sao đề phòng, để cải thiện tình hình ? 

Tiểu tượng nói: “Dẫm lên sương mỏng là sắp phải đón băng dày”, nói lên âm khí đã bắt đầu ngưng tụ, theo quy luật đó, sẽ tới ngày băng dày.

[Tượng viết: “Lý sương kiên băng”, âm thủy ngưng dã; thuần chí kỳ đạo, chí kiện băng dã.] 

Giải: “Thuần” cũng như nói “thuận”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Nói “âm thủy ngưng dã” là để giải thích nghĩa câu “lý sương”, nói âm khí bắt đầu ngưng kết mà thành sương. “Thuần” cũng như nói “hiệp thuận”, như chim thú thuần hiệp vậy, nói thuận theo đạo âm nhu, cứ thế không ngừng, thì sẽ đến lúc băng đóng dày”. Chu Hy nói: “Sự khởi đầu của nó rất nhỏ, nhưng khí thế của nó tất sẽ hưng thịnh”.

Họ Chử nói: “Lý sương” là từ Sơ đến Tam; “kiên băng” là từ Tứ đến Thượng. Khí âm dương tự nhiên (vô vi) cứ theo xu thế. “Lý sương” thì phải đến băng dày; nói vậy để làm sáng tỏ nhân sự hữu vi, không thể không có sự chế ngự. Cho nên, từ “Lý sương” mà ngược đến “kiên băng” là lời văn phải đề phòng từ đầu khi sự việc còn nhỏ bé, phải cẩn thận đề phòng kết cục ngay từ khi bắt đầu”.

Lời hào Lục nhị: Chính trực ngay thẳng, vuông vắn, rộng lớn, không học tập cũng không đâu là không lợi.

[Lục Nhị, trực phương đại, bất tập vô bất lợi.]

Giải: Trực phương đại, đây là ba ý nghĩa của hào từ: ngôi hào, thế hào, dụng hào. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Sinh ra vật mà không nghiêng lệch, đó là “trực”; thể của đất yên tĩnh, đó là “phương”; không vật gì không chở, đó là “đại”. Đã có ba đức ấy, đạt đến cực độ tốt đẹp của đất, cho nên tự nhiên mà sinh ra, không cần lo sửa sang kinh doanh, cho nên nói “bất tập, vô bất lợi” vậy”. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Vuông là thể của đất. Lớn là dụng của đất, mà lại ở ngôi vị trung trực, cho nên nói “trực”, “phương”, “đại” vậy”.

“Tập” cũng như học tập. Ý nghĩa tốt đẹp của hào Nhị được thể hiện thông qua: vị, thế, dụng của hào từ. Vương Bật nói: “Ở ngôi vị giữa, đắc chính, đạt đến cực độ về phẩm chất đất. Cứ để tự nhiên mà vật tự sinh ra. Không cần phải dựa vào sự tu dưỡng gì mà công tự thành. Vì vậy không học tập mà không đâu không lợi”. 

Hào Lục Nhị, âm ở ngôi âm, mềm thuận trung chính, bẩm thụ được đức Khôn rất dày. Chu Hy nêu rằng: “Trong quẻ Khôn chỉ có hào này là thuần túy nhất, hào Năm tuy ở ngôi cao, nhưng lại là hào Dương (chỉ ngôi dương) phá mất thế (tức lẽ ra phải là dương, nhưng lại là âm); hào bốn là trùng âm nhưng lại không ở giữa, hào Ba lại không chính. Chỉ có hào Hai là được cả trung cả chính, cho nên được gọi là trực phương đại”.

Sở từ – Viễn du nói: “Đức hạnh của Khuất Nguyên là đoan chính, cương trực, nên đời không dung được”, tức là lấy đức “trực, phương” để ca ngợi Khuất Nguyên giữ đạo bề tôi trung chính, là người hội đủ đức tốt đẹp, cho nên tự nhiên không phải nỗ lực gì, mà sự phát triển đạt được như vậy.

Tiểu tượng nói: Sự vận động của Lục Nhị tiến tới ngay thẳng, vuông vắn; không học tập mà không gì không lợi, đó là ánh sáng do đạo nhu thuận của Đất tỏa ra.

[Tượng viết: Lục Nhị chi động, trực dĩ phương dã; Bất tập vô bất lợi, địa đạo quang dã.]

Giải: Trong thì ngay thẳng, ngoài thì vuông vắn mà lớn không cùng, lấy chuyên nhất theo trời mà động thẳng, lấy nghĩa vuông làm lớn, nên nói là “dĩ”: trực “theo đó mà” vuông. Can Bảo nói: “Đức của vợ làm sáng cho chồng, đức kẻ sĩ làm sáng cho nước”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Nói thể của Lục Nhị có sự hưng động theo bản tính tự nhiên, nên là “trực dĩ phương” vậy”.

Lời hào Lục tam: Hàm chứa nét đẹp dương cương, có thể giữ bền trinh chính; có người phụ tá sự nghiệp quân vương, thành công không kể công cầu thưởng, mà kính cẩn giữ bổn phận bề tôi đến cùng.

[Lục Tam, hàm chương khả trinh; hoặc tòng vương sự, vô thành hữu chung.]

Giải: “chương”, chỉ đường nét mầu sắc dương cương tốt đẹp. Đây nói hào Lục Tam thể âm mà ở vị dương, cũng như chứa đựng bên trong đường nét sắc mầu cương mỹ mà không phô bầy ra ngoài, không dễ dàng phát lộ, vì vậy có thể giữ gìn chính đạo. “vô thành”, có nghĩa là thành công mà không dành công lao cho mình. Ngu Phiên nói: “Thể âm mà chứa dương, cho nên nói “hàm chương”. 

Vương Bật nói: “Không bắt đầu vì công việc, phải xướng mới ứng, chờ mệnh mới bắt đầu hành động, giữ vẻ đẹp mà có thể giữ được chính, vì vậy nói “hàm chương, khả trinh”. Có việc thì làm theo, không dám chủ động làm trước, nên nói “hoặc tòng vương sự”. Không làm chủ công việc mà thuận theo công việc đến cùng, nên nói “vô thành hữu chung”.

Trình Di nói: “Đạo làm tôi, nên giấu vào bên trong những vẻ đẹp của mình, có công lao thì quy vào cho chúa. Là người phụ tá bậc trên, không dám nhận thành công của mình, chỉ phụng sự đến cùng”. 

Chu Hy nói: “Hào Ba ở trên thể dưới mà được ngôi tức là đạo bề tôi. Sáu Ba là âm ở ngôi dương, đó là âm mà có dương cho nên có tượng “hàm chương”. Người chiêm được quẻ này, thì trước dẫu không thành nhưng đến chót thì hay”.

Hồ Vân Phong nói: “Dương chủ tiến, Âm chủ thoái, như quẻ Càn ở hào Ba dương ở ngôi dương, cho nên nói “kiền kiền” là chủ tiến. Ở quẻ Khôn hào Tứ âm ở ngôi âm, cho nên nói “quát nang” là chủ thoái. Hào Tứ quẻ Càn là dương ở ngôi âm, hào Tam quẻ Khôn là âm ở ngôi dương, đều là lúc tiến thoái chưa quyết, Dịch có ý răn người ta không nên cấp tiến, như vậy thì hào Ba hung nhiều”.

Tiểu tượng nói: “Hàm chứa vẻ đẹp dương cương có thể giữ bền trinh chính”, muốn nói hào Ba phải căn cứ vào thời cơ mà phát huy tác dụng; “hoặc phụ tá sự nghiệp quân vương”, nói rõ chí tuệ của hào Ba là sâu rộng sáng láng.

[“Hàm chương khả trinh”, dĩ thời phát dã; “hoặc tòng vương sự”, tri quang đại dã.]

Giải: “tri” tức “trí”, ở đây giải thích nghĩa của hào Ba không để lộ sự sáng đẹp của mình, lại không giữ vẻ đẹp cho riêng mình, cho nên khen nó “dĩ thời phát”, “tri quang đại”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Vì mình ở vào cực vị âm, cho nên không dám đứng trên người khác, nhưng đạo hàm chứa bên trong vẫn chờ thời cơ tỏa sáng, đó là “dĩ thời phát”. Hơn nữa, đã “phụ tá sự nghiệp quân vương, không dám khởi xướng công việc, mà chỉ phụng mệnh hoàn thành,” đó là trí lực sáng suốt, không giữ riêng cái tốt cho mình, chỉ dành cho người trên”.

Hào Ba ở trên cùng quẻ dưới, có tượng “bề tôi” gặp nhiều gian nan, cho nên cần phải “tri quang đại” thì mới “chính” được ngôi. 

Họ Lữ nói: “Tiểu tượng truyện nói bởi vì trí lự sáng láng, sâu rộng nên mới có thể ngậm kín, như vậy rất có ý nghĩa; những kẻ tầm thường muốn ngậm kín, phần lớn chỉ có được khi loại bỏ sự kiêu căng, giấu kín danh tính. Nhưng càng trừ bỏ thì lại càng sinh ra, càng giấu kín thì lại càng lộ rõ; bởi thế nếu về căn bản không hiểu rõ về bản thân mình, trí tuệ chưa đủ sáng, sâu rộng, trong lòng còn hẹp hòi, thiển cận, mới có một công, một điều hay mà đã không biết yên chỗ; như vậy thì tuy rất muốn kìm nén, cuối cùng cũng không nén lại được. Ví như bình thì nhỏ mà nước lại nhiều, thì tuy có nút cho thật chặt, thì cuối cùng nước tất cũng sẽ tràn ra; nếu như bình đủ lớn thì nước không tràn ra được, ta không phải phí sức”.

Lời hào Lục tứ: Thắt chặt miệng túi, tránh lỗi lầm thiệt hại, không cầu ca ngợi khen thưởng.

[Lục Tứ, quát nang, vô cữu, vô dự.]

Giải: “quát”, theo Quảng nhã – Thích hỗ, là buộc, thắt. Phương ngôn – quyển 12 nói là “đóng lại”, cũng như nói “thắt chặt”. Đây nói hào Lục Tứ ở ngôi vị bất trung, thời đó không lợi cho việc thi triển tài năng, cho nên dùng hai chữ “quát nang” để ví ngậm miệng không nói, ở ẩn không ra. Như vậy thì tuy tránh được họa hại, nhưng cũng không được ai ngợi ca, cho nên nói “vô cữu, vô dự”.

Trình Di nói: “Hào Bốn ở kề gần ngôi Năm, mà không có nghĩa tương đắc, là lúc trên dưới ngăn lấp, tự xử bằng cách chính đáng cũng là chỗ nguy hiểm nghi ngờ. Nếu như giấu kín cái khôn của mình, như thể thắt chặt miệng túi, không cho hở ra, thì có thể được không lỗi, nếu không như thế thì có hại. Đã dấu kín thì không có tiếng khen”.

Vương Bật nói: “Ở trong quẻ âm, thể âm ở vị âm, chỗ ở không phải trung vị, không có chất “trực phương”; không tạo việc dương, không có đức “hàm chương”. Bĩ bế, khốn cùng, người hiền lui về ẩn, hành động thận thì được, không phải ở thời Thái”.

Khổng Dĩnh Đạt nói: “Quát, là buộc lại. Túi là cái để chứa vật, cũng như tâm chứa trí tuệ. Đóng túi trí tuệ lại mà không dùng, nên nói “quát nang”; công lao không nổi rõ ở trước người khác, cho nên “vô dự”; không trái với người khác, cho nên “vô cữu”.

Tiểu tượng nói: “Thắt chặt miệng túi tránh được cữu hại”, nói rõ hào Lục Tứ cẩn thận nên tránh được tai họa tổn thất.

[Tượng viết: “Quát nang vô cữu”, thận bất hại dã.]

Giải: nói Lục Tứ “quát nang”, tức là “ngậm miệng” ý căn dặn phải thận trọng, chỉ có thận trọng nên tránh được tai họa. Lục Tứ là âm ở ngôi âm, có tượng phải khiêm tốn lui về tự giữ, thận trọng rồi lại thận trọng rồi lại phải thận trọng hơn, đây là điều kiên quan trọng khi ở vào vị thế bất lợi. Lư thị nói: “Thận trọng trong nói năng thì không lỗi”. Khâu Kiến An nói: “Thận”, là thích nghĩa chữ “quát nang”, “bất hại” là thích nghĩa chữ “vô cữu”, giữ cẩn thận thì không hại”. 

Lời hào Lục ngũ: Xiêm váy mầu vàng, hết sức tốt đẹp.

[Lục Ngũ, hoàng thường, nguyên cát.]

Giải: “hoàng”, là mầu sắc ở giữa của 5 mầu, tượng trưng cho trung đạo; “thường”, trang phục thời cổ, trên áo dưới xiêm, là phần dưới của bộ quần áo, tức xiêm, váy, tượng trưng cho sự nhún nhường, khiêm hạ, ý chỉ ở dưới giữ được đức trung tức là biết giữ phận mình; “nguyên” nghĩa là cực lớn.

Hào Lục Ngũ quẻ Khôn, là hào âm, ở ngôi vị thứ 5 của quẻ. Lời hào nói âm nhu, ở ngôi vị giữa của quẻ trên, có đức khiêm nhường, cho nên được “nguyên cát”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Mầu vàng là mầu sắc ở giữa, xiêm váy là phần trang sức phần dưới. Khôn là đạo làm tôi, Lục ngũ ở ngôi vị chủ, là cao sang nhất trong các hàng thần tử, có thể lấy đức trung hòa mà cảm thông với mọi người khác, ở địa vị bề tôi, cho nên nói “hoàng thường, nguyên cát” vậy”. 

Xét, Lục ngũ được “nguyên cát” là do ở địa vị tôn quý, mà lại mềm mỏng nhún nhường, trái với Cửu ngũ quẻ Càn, dương cương hướng lên. Chu Hy nói: “Đây là đạo ở ngôi vị trung mà đối xử nhún ngường. Hào Cửu ngũ quẻ Càn vốn là đạo “cương kiện”, cong Lục ngũ quẻ Khôn là đạo “nhu thuận”, mỗi đằng theo tính chất âm dương riêng mà có đạo lý riêng”. Xiêm vàng đã tốt lại ở ngôi tôn là đại hưng cho thiên hạ, ý nói thêm: Ngũ là ngôi tôn, ở các quẻ khác, Lục ở ngũ thì hoặc là nhu thuận, hoặc là văn minh, hoặc là ám nhược, mà ở quẻ Khôn là đạo bề tôi, là đạo làm vợ. Làm tôi mà ở ngôi tôn, mà sau cướp ngôi vua, làm vợ mà ở ngôi tôn, mà sau chuyên quyền; đều sinh biến phi thường, cho nên lấy tượng “hoàng thường” làm lời răn phải trung tín.

Tiểu tượng nói: “Xiên váy màu vàng, cực kỳ tốt đẹp”, nói rõ Lục ngũ dùng đức “ôn văn” (ôn hòa văn nhã) mà giữ vững đạo trung.

[Tượng viết, “hoàng thường nguyên cát”, văn tại trung dã.]

Giải: “văn”, là nói “ôn văn” trái với “uy vũ”, cũng là để ví đức Khôn. Vương Túc nói: “Khôn là văn, Ngũ ở vị trung cho nên nói “văn tại trung” vậy”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Đã có sự trung hòa, lại giữ bổn phận bề tôi, thông đạt văn lý, cho nên cũng nói “văn tại trung”, ý nói không dùng uy vũ”.

Lời hào Thượng lục: Rồng giao hợp ở cánh đồng, máu tươi chảy xanh vàng lẫn lộn.

[Thượng lục, long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng] 

Giải: “long”, ví như Khí dương cứng; “long chiến” chỉ âm dương giao hợp; “huyền hoàng” là mầu trời đất, ví âm dương giao tạp. Lời hào Thượng lục nói lên âm khí đã đến mức cực thịnh, âm cực thì dương đến, hai Khí hòa hợp với nhau, cho nên có tượng “long chiến”. Thuyết văn – Hứa Thận nói: “Chiến, nghĩa như tiếp; âm dương giao tiếp hòa hợp mà đại sinh, quảng sinh”. Thượng Bỉnh Hòa dẫn Càn tạc độ, Cửu gia dịch, Dịch lâm chứng minh “chiến” có nghĩa là “tiếp”, có nghĩa là âm dương giao tiếp hòa hợp, ông nói: “Âm đến Thượng lục, Khôn đức đã đầy đủ, cho nên muôn vật từ đó mà sinh ra. Nhưng chỉ có một mình âm thì không thể sinh. Tuân Sảng nói: về ngôi vị tiêu tức, thì Khôn ở Hợi, dưới có Càn phục. Âm Dương hòa nhau, cho nên nói “long chiến vu dã”. Khôn là “dã”, long là dương”. Lại nói: “Gốc để sinh ra muôn vật là máu. Máu, đó là khí hun đúc của trời đất để lại. Trời huyền đất hoàng. “Kỳ huyết huyền hoàng” là nói trời đất hòa hợp nhau cho nên sinh ra muôn vật”.

Xét, ý của “long chiến” trong hào Thượng bao hàm hai mặt. Một là âm khí thịnh đến cực độ, ắt dương đến. Hai là đạo Khôn đã đến tận cùng, thì chuyển đến âm dương hòa hợp. Cái gọi là “thiên địa sinh sinh chi đức” chính đã được thể hiện trong sự thống nhất của mâu thuẫn đó. Qua đây, thấy được tư tưởng âm dương thúc đẩy nhau mà biến đổi không cùng của Dịch. Lại xét, hào Thượng xưa kia được giải thích có nhiều thuyết, Vương Bật cho rằng “long chiến” ý nói âm cực dẫn đến dương kị âm, do đó hai bên đánh nhau, chỉ rõ: đạo của âm là ti thuận mà không tự mãn thì mới là toàn mỹ. Thịnh đến cực rồi mà không dừng lại, lấn át địa bàn của dương, dương không chịu được, cho nên “chiến vu dã”. Thuyết để tham khảo.

Tiểu tượng nói: “Rồng giao hợp trên cánh đồng”, nói rõ đạo thuần âm của hào Thượng lục đã phát triển đến cùng tận.

[Tượng viết, “Long chiến vu dã”, kỳ đạo cùng dã.]

Giải: tiểu tượng nói quẻ Khôn phát triển đến Thượng lục, âm cực mà trở lại dương, cho nên đạo thuần âm cùng tận. Thượng Bình Hòa tiên sinh nói: “Âm đến Thượng lục là cực điểm, cho nên nói “cùng”. “Cùng”, tức là hết”. Đạo của Âm vốn nhu nhưng lại khó giữ được “thường”, cho nên để giữ được thường lâu, thể chế của Dịch chế định dùng “dụng lục”. Chu Hy giải thích rằng: “Âm đã thịnh cực, đến nỗi tranh nhau với Dương, cả hai kẻ bại người bị thương”.

Dùng số “sáu”, lợi về sự giữ vững chính bền lâu dài.

[Dụng lục, lợi vĩnh trinh]

Giải: Dụng lục, tên một câu phụ vào sau sáu hào quẻ Khôn. Lục là số âm khả biến, nói “dụng lục” chính là lấy quẻ Khôn làm lệ, chỉ rõ thể chế của Dịch lấy “biến” làm chủ, đồng thời trong đó chứa đựng nguyên tắc dùng Lục chẳng dùng Bát của phép bói Dịch.

Dụng lục là nói về hào âm, trong quá trình bói Phệ, khi chiêm được hào âm thì số của nó hoặc là “tám”, hoặc “sáu”, trong đó “sáu” khả biến, còn “tám” bất biến. Vĩnh, là vĩnh cửu, theo hàm nghĩa “khỏe”, có thể giữ được “chính” lâu dài, tức thể hiện được chất của dương cứng. Ở đây nói mềm đến cùng cực mà biến thành cứng, thì có lợi. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Sáu là mềm thuận, không thể thuần mềm được, cho nên lợi ở “vĩnh trinh”. Vĩnh là dài lâu, Trinh là chính, tức là nói dài lâu mà có thể trinh chính”. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Sáu là Lão âm, âm đến cùng cực mà không quay lại thì là quá mềm. Văn ngôn nói: “trinh bền thì đủ để làm việc”, “vĩnh trinh” thì khỏe mà là dương”.

Tượng truyện nói: “Dùng số “sáu” giữ vững chính bền lâu dài”, nói lên kết cục âm mềm quay lại thành cứng lớn.

[ Tượng viết: Dụng lục “vĩnh trinh”, dĩ đại chung dã.]

Giải: lời Tiểu tượng truyện của từ “Dụng lục” quẻ Khôn. Có nghĩa là dùng số “sáu” mãi mãi giữ gìn đức trinh chính kiên cố, thuyết minh nhu lấy việc quay về cương đại làm mục đích.

Dĩ đại chung – dương đại âm tiểu, “dĩ đại chung” như nói “kết cục quay trở về dương”. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Nói âm cực tất quay về dương”. 

“Dụng Cửu” quẻ Càn nói “vô thủ”, đó là cứng mà có thể thành mềm; còn “Dụng Lục” của quẻ Khôn thì nói “vĩnh trinh”, là mềm mà có thể thành cứng. Lão Tử đề xuất thuyết: “cương nhu tương tế” chính là hợp với nghĩa này. Dụng Cửu và dụng Lục đồng thời chỉ ra thể chế về bói Dịch vậy.

LỜI BÀN

Dịch xếp quẻ Khôn sau quẻ Càn, ngụ ý “trời tôn đất ti”, “Đất đi theo trời”. Nghĩa chung của quẻ Khôn là chỉ cho ta thấy “âm” đối lập với “dương” nhưng chúng lại có quan hệ với nhau, dựa vào nhau mà tồn tại. Trong cặp mâu thuẫn này, “âm” giữ địa vị phụ thuộc, thứ yếu, dựa vào “dương” mà tồn tại, phát triển. Về phương diện quẻ, thì quẻ Khôn lấy đất làm hình tượng tượng trưng, với nghĩa “thuận”. Lời quẻ nhấn mạnh: có lợi cho sự trinh chính của ngựa cái, theo sau người thì sẽ làm chủ, “an trinh” thì được cát tường … tất cả đều ám chỉ nghĩa “nhu thuận”. Cả sáu hào đều nói sự phát triển, biến hóa theo tiền đồ “âm tùy thuộc vào dương”. Hào Nhị ở ngôi vị dưới, giữ đạo trung. Hào Ngũ ở ngôi vị cao, nhường kẻ dưới. Hào Tam, Tứ thì hoặc là “phụng mệnh vua” hoặc là “lui về”, đều tỏ rõ đức “Khôn thuận”, trong đó Nhị Ngũ là tốt đẹp nhất. Còn Sơ thì “lý sương” và Thượng thì “long chiến” đối chiếu với nhau, lại thể hiện sâu sắc tư tưởng biện chứng âm khí từ lúc cực nhỏ sẽ đến lúc sáng tỏ, thịnh đến cực độ sẽ trở lại dương. 

Hệ từ thượng truyện: “một âm một dương gọi là đạo”. Sách Dịch bắt đầu bằng hai quẻ Càn Khôn cho thấy tác giả đã nhận thức rất sâu về quan hệ biện chứng âm dương. Nói khác đi, tác giả của Dịch hình như có quan điểm cho rằng: âm dương tác dụng lẫn nhau là nguồn gốc mọi sự vận động, biến đổi và phát triển của sự vật trong vũ trụ.

(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.