“Mệnh vô chính diệu” ít hợp với người thời xưa
“Mệnh vô chính diệu” – tức cung Mệnh không có chính diệu tọa thủ.
Cổ ca rằng:
“Mệnh cung tinh diệu trị không vong
Ấu tuế trọng trọng hữu họa ương
Bất thị quá phòng tu ký dưỡng
Tha hương hảo khứ tác Đông sàng” (*)
“Cung Mệnh tinh diệu gặp Không vong, tuổi ấu thơ có bệnh tật, tai ương trùng trùng, nếu không cho đi làm con thừa tự nhờ nuôi dưỡng, thì cũng bỏ đến nơi xứ lạ lại làm nên như trong câu chuyện chàng rể Vương Hy Chi đời nhà Tấn”
Về cách cục này, bản khắc (thường trên gỗ) ở Phúc Kiến thời Minh viết: “tức mệnh cung vô chính tinh phù tinh túng tinh thị dã” (tức chính là cung Mệnh không có chánh tinh, phù tinh, túng tinh) nhưng đã có nguyên văn một lời phê trong một bản sao: “vô nam bắc nhị đẩu chánh tinh dã” (Chính là không có hai (loại) chính tinh nam bắc đẩu), lời phê này không thấy nhắc tới “Phù tinh” cùng “Túng tinh”.
Cái gọi là “Phù tinh”? là chỉ Hỏa Tinh Linh Tinh, về phần tên gọi “Túng tinh” là gì, Vương Đình Chi cũng không biết, nhưng hoài nghi xuất bản sai, có thể chỉ tinh diệu từ “Tòng tinh”.
Cổ nhân luận mệnh, có thuyết pháp “Mệnh vô chính diệu, nhị tính diên sinh” (mệnh VCD có hai tên họ thì thêm tuổi thọ – ý nói làm con nuôi họ khác). Nhưng thuyết pháp này có hạn chế rất lớn, bởi vì phàm khi cung Mệnh vô chính diệu thông thường mượn tinh diệu đối cung để suy đoán, xung đối cung Mệnh tức cung Thiên di, sở dĩ như vậy nên loại mệnh cục này lợi vào “Thiên di”, tức cũng là đi xa lập nghiệp ở nơi khác quê hương mình.
Người thời xưa, thường mong có thể an thân lập mệnh ở quê hương, quyết không dễ dàng nói lìa xa là lìa được, cho nên phàm thị những người bỏ tỉnh ly hương đa số là tòng theo cái khí thế của song thân (cha mẹ), ở quê hương tưởng rằng chẳng có cách gì mà sống được, chính vì vậy mà “mệnh vô chính diệu” đã bị cổ nhân cho rằng tuổi nhỏ bất hạnh, đến nổi phải “quá phòng ký dưỡng” (cho làm con thừa tự – con nuôi họ khác), hoặc là phiêu bạt đến nơi khác mà thành mệnh “nhập chuế” (ở rể) (**), nhất là xã hội nông nghiệp thời xưa, có tập tục “chiêu chuế” (kén trai ở rể) đến làm công việc nhà nông, cổ nhân cho rằng vậy là đương nhiên. Ngày nay, vào suy đoán Đẩu số vẫn ứng khi mượn sao ở cung Thiên di làm căn cứ suy đoán.
Chú thích và tản mạn:
(*) Đông sàng: tích truyện “rể Đông sàng, dâu Nam gián” được sử dụng trong câu ca quyết này.
_________________
“rể Đông sàng” bắt nguồn ở tích “Đông sàng thản phúc”, nghĩa là nằm thẳng bụng trên giường phía Đông.
Đời nhà Tấn (265-419) có quan Thái Úy tên Khước Giám muốn chọn một người rể hiền, mới cho người đến trường của Vương Đạo xem trong đám học sinh, có người nào xứng đáng không. Lúc người nhà trở về, Khước Giám hỏi thì người ấy đáp:
– Học sinh giỏi thì đông, người nào nghe việc kén rể cũng sửa soạn áo quần bảnh bao, ganh đua nhau, ra dáng nề nếp; chỉ có một người không để ý đến, trật áo, tréo chân nằm ở giường phía Đông.
Khước Giám bảo:
– Người ấy mới thật đáng rể ta.
Đoạn chọn làm rể. Người đó là Vương Hi Chi, sau làm quan đến chức Hữu quân, có tài viết chữ đẹp hơn cả thiên hạ. “Đông sàng” là giường phía đông, chỉ người rể quý, “rể đông sàng”.
Trong “Nhị độ mai” có câu:
“Có Tây Tử Đô, thiếu đông sàng nào” là do điển tích trên. Vương Hy Chi, tự Dật Thiếu. Vì làm quan đến chức Hữu quân nên thường gọi là Vương Hữu Quân. Tương truyền Vương tập viết chữ bên bờ ao, sau nước ao đen ngòm những mực. Lối chữ “Khải” của Vương được người đời cho là lối chữ đẹp nhất từ xưa đến nay.
Người đời thường khen bút thế của Vương “lướt như mây bay, mạnh như rắn lộn”. Trong các bản bút thiếp của Vương để lại có bản “Lan Đình tập tự” viết ngày 3 tháng 3 năm Vĩnh Hòa thứ 9 đời nhà Tấn (337) được hậu thế quý trọng, cho làm mẫu mực để tập theo. Những bản “Lan Đình tập tự” có lưu hành nhưng có lẽ đó là những bản phỏng theo. Bản chính đã thất lạc từ sau đời nhà Đường (618-907).
Ngày nay, trong các lối chữ Hán có lối chữ “Lan Đình”; đó tức là lối chữ phỏng theo chữ viết của Vương Hy Chi trong “Lan đình tập tự”.
Trong “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du, đoạn nói về Kiều bị Hoạn Thư cho ra tu ở Quán Âm các để chép kinh, Hoạn Thư khen chữ viết của Kiều, có câu:
Khen rằng: “Bút pháp đã tinh
So vào với thiếp Lan Đình nào thua!
Ý nói chữ viết tốt ngang với chữ của Vương Hy Chi.
_________________________
Còn vế “dâu Nam gián” thì bắt nguồn từ lời của một bài thơ, trong bài thơ “Thái tần” có câu:
Vu dĩ Thái Tần,
Nam gián chi tân
Vu bỉ Thái Tảo
Vu bỉ hàng lạo
Nghĩa là: “Đi hái rau Tần, bên bờ khe phía nam, đi hái rau Tảo, bên lạch nước kia”. Theo cách chú giải truyền thống thì câu thơ trên ca ngợi người vợ hiền dâu thảo, chăm hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên. Trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, Tảo và Tần tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay làm của người phụ nữ. Thành ngữ “buôn tảo bán tần” đã có trong Kinh Thi. Vì vậy, dâu Nam gián là con dâu chịu thương chịu khó.
Truyện Lục Vân Tiên cũng có câu:
“Xem đà đẹp đẽ hòa hai:
Này dâu Nam gián, nọ trai Đông sàng”.
(Sưu tầm và tổng hợp)
(**) “nhập chuế”: Ngày xưa gọi các con trai đi gửi rể là “chuế tế” nay thường nói con trai làm lễ thành hôn ở nhà vợ là nhập chuế, vào gửi hay ở rể.
(Dẫn theo blog Trần Nhật Thành)