Liên đới lượng tử và thuyết vạn vật nhất thể (Vật lý – vũ trụ – con người – phật giáo – tử vi)
Cách đây hơn 2000 năm, các nhà triết học Hy-lạp đã đưa ra một tiên đoán mà cũng khoảng ngần ấy năm sau mới được chứng minh là đúng, đó là mọi vật đều được hình thành từ các nguyên tử. Họ gọi nguyên tử là Atom, nghĩa là không thể phân chia được được nữa.
Tiên đoán này vĩ đại là bởi khi đó chưa hề có thứ mà ngày nay gọi là khoa học, nó hoàn toàn đúng trong khi không hề có công cụ nào để kiểm chứng. Tất cả chỉ nhờ vào suy luận mang tính tư biện.
Tuy nhiên ngày nay một người bình thường cũng biết rằng nguyên tử không phải là thứ không thể phân chia, mà được hình thành từ các thành phần nhỏ hơn, gọi là các hạt hạ nguyên tử.
Cấu trúc kiểu thái dương hệ là hình dung sơ khai nhất về nguyên tử, theo đó nguyên tử có một phần mang điện tích dương- gọi là hạt nhân- ở chính giữa (tương tự như mặt trời), và các điện tử (electron) quay xung quanh (giống như trái đất). Khối lượng của nguyên tử chủ yếu tập trung ở hạt nhân, rất giống như mặt trời chiếm hầu hết khối lượng của cả hệ.
Hạt nhân lại được hình thành từ các hạt gọi là Proton (mang điện tích dương) và Neutron (trung hòa về điện).
Proton và Neutron lại được hình thành từ các hạt nhỏ hơn gọi là Quark.
Hiện Quark và Electron được coi là các hạt không thể phân chia được nữa và thuộc về các hạt cơ bản.
Bên cạnh Quark và Electron, các hạt cơ bản còn bao gồm những hạt trung gian và gọi là các hạt tương tác.
Nếu hình dung nguyên tử có cấu trúc như thái dương hệ, thì nguyên tử hầu như trống rỗng. Hình dung hạt nhân to như quả bóng đá, khi đó các điện tử ví như những quả bóng bàn quay xung quanh hạt nhân và cách hạt nhân khoảng một vài chục ki-lô-mét. Theo hình dung này thì 99,9999% nguyên tử là trống rỗng. Mà nguyên tử lại là đơn vị cơ bản cấu thành vạn vật. Vậy nhưng con người không hề cảm nhận được sự trống rỗng ấy. Trái lại, vật chất quanh ta lại rất liền lạc, và có thể rất rắn chắc.
Rõ ràng có điều gì đó rất bất hợp lý, thậm chí rất vô lý giữa bản chất của thế giới và cách con người cảm nhận về thế giới.
Khoa học chính thống cho rằng thế giới được hình thành từ vật chất và năng lượng. Vật chất cấu tạo từ các hạt cơ bản, còn năng lượng hình thành bởi các photon ( loại “hạt” năng lượng không có khối lượng nghỉ). Các hạt cơ bản cùng photon gọi chung là các lượng tử (quanta). Như vậy cả vật chất và năng lượng đều không liền lạc (liên tục), mà ở dạng tập hợp rời rạc (discrete) của các lượng tử. Trong khoa học, thế giới của các lượng tử được gọi gần đúng và gần gũi là thế giới vi mô.
Lĩnh vực vật lý nghiên cứu thế giới lượng tử gọi là vật lý lượng tử (Quantum Physics), nghiên cứu hành trạng và tính chất của các lượng tử gọi là cơ học lượng tử (Quantum Mechanics), Lý thuyết chung về thế giới lượng tử gọi là thuyết lượng tử (Quantum Theory), là một trong hai thuyết vật lý căn bản hiện nay (thuyết còn lại là Thuyết tương đối dành cho thế giới vi mô).
Khác với thế giới vĩ mô, trong thế giới vi mô luôn xuất hiện những hiện tượng trái với trực giác, trái với suy nghĩ thông thường khiến cho kiến thức về thế giới vi mô luôn bị nghi ngờ, ngay cả từ người trong cuộc. Thế nhưng cơ học lượng tử sẽ chẳng có gì khác biệt với cơ học cổ điển nếu không có những cái “trái trực giác” đó. Đó cũng chính là lý do xuất hiện lĩnh vực khoa học này.
Hiện tượng “trái trực giác” kinh điển nhất trong thế giới lượng tử chính là lưỡng tính sóng-hạt của các lượng tử (về sau tính chất này còn được mở rộng ra cho cả những vật thể vĩ mô). Một đối tượng được gọi là Hạt nếu có kích thước, có hình dạng, có khối lượng, có vị trí xác định trong không gian, có tính đặc và cứng, nghĩa là về nguyên tắc người ta có thể quan sát, có thể chạm vào, có thể “sờ mó” được. Khác với Hạt, Sóng là đối tượng phân tán, không tập trung ở một nơi cụ thể nào, vô hình vô ảnh. Có sự đối nghịch hết sức rõ ràng giữa Sóng và Hạt, vậy mà hiện nay, lưỡng tính sóng-hạt được công nhận là hiểu biết đúng đắn cho các lượng tử. Như vậy một lượng tử (mở rộng ra là một đối tượng) có thể “co lại”, “hiện hình” như Hạt, hoặc lại có thể “phân tán”, “vô hình” như là sóng.
Hiện tượng “trái trực giác” tiếp theo được Heigenberg (Nobel 1932) tìm ra và gọi là nguyên lý bất định Heigenberg, theo đó không thể nào xác định chính xác đồng thời vị trí và động lượng (giản dị hơn là vận tốc) của một hạt. Tức là càng xác định chính xác vị trí của một hạt thì việc xác định vận tốc của nó lại càng kém chính xác. Nói một cách ngắn gọn, không thể nào có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Đối tượng đang ở đâu?”.
Cùng thời với Heigenberg còn có một nhà vật lý lượng tử lừng danh khác, đó là Schrodinger (Nobel 1933). Theo Schrodinger, mỗi đối tượng được đặc trưng bởi một hàm, gọi là hàm sóng. Điểm đặc biệt của hàm sóng Schrodinger là nó không đại diện cho sự tất định, tức là không thể căn cứ vào đó để đoán biết chính xác trạng thái (vị trí, tốc độ…) của một hạt, mà hàm sóng này đại diện cho xác suất trạng thái hạt. Mà xác suất thì có thể xảy ra hoặc không xảy ra, nghĩa là có thể đúng hoặc sai. Tuy nhiên phát biểu “Mỗi đối tượng có một hàm sóng của riêng nó” đã được thực nghiệm khẳng định và hiện trở thành tiên đề của cơ học lượng tử.
Ngụ ý sâu xa cho tính xác suất của hàm sóng là mỗi đối tượng không có một trạng thái duy nhất, thay vào đó là sự chồng chất của các trạng thái. Ta có thể nói một đối tượng vừa đứng yên lại vừa chuyển động, vừa ở chỗ này đồng thời lại vừa ở chỗ khác, một ai đó vừa ngủ lại vừa thức.
Để diễn giải ý tưởng hàm sóng, Schrodinger đã đưa ra một thí nghiệm tưởng tượng: hình dung một con mèo được nhốt trong một hộp kín cùng với một cơ cấu khiến cho con mèo có thể chết nếu chạm vào. Và Schrodinger đã dùng ý tưởng hàm sóng để đi đến kết luận gây Shock: Con mèo vừa sống lại vừa chết!
Lưỡng tính sóng-hạt của một hạt (một lượng tử) không còn là suy đoán mà đã được khẳng định bằng thực nghiệm. Thí nghiệm khe đôi (Double Slit Experiment) là thí nghiệm nổi tiếng cho thấy lưỡng tính sóng-hạt của một đối tượng lượng tử. Bằng cách gửi các lượng tử (các hạt) qua hai khe hở đặt cạnh nhau và quan sát trên một màn hứng phía sau, người ta nhận thấy hiện tượng giao thoa, là hiện tượng đặc trưng cho sóng. Để loại trừ hiện tượng tán xạ của nhiều hạt, người ta gửi đi từng hạt và hiện tượng giao thoa vẫn xuất hiện. Đây là bằng chứng rõ ràng, không thể chối cãi về tính Sóng của Hạt.
Tuy nhiên điều khó hiểu là ở chỗ, nếu có người quan sát quá trình gửi hạt qua khe thì hạt luôn là hạt, nếu vắng mặt người quan sát thì hạt lại có biểu hiện rõ ràng của sóng. Nói cách khác, chính hoạt động quan sát đã làm thay đổi hành trạng của các lượng tử, trong trường hợp này thì chính quá trình quan sát đã “biến” sóng thành hạt. Người ta gọi hiện tượng này là sự suy sụp (hay sụp đổ – Collapse) của hàm sóng: một hạt là kết quả của sự suy sụp của một sóng.
Sự suy sụp của một sóng dưới tác động của quan sát có ngụ ý lớn lao: nó chứng tỏ rằng yếu tố chủ quan (người hoặc đối tượng quan sát) đã ảnh hưởng lên và làm thay đổi thế giới khách quan (trong trường hợp này là hàm sóng). Nói cách khác, nếu đây là nguyên lý chung, thì không có cái gì gọi là khách quan cả. Nó còn ngụ ý rằng thế giới như thế nào hoàn toàn do cách nhìn nhận của con người, phụ thuộc vào việc con người muốn thấy cái gì!
Sóng là đối tượng vô hình vô ảnh, sau khi suy sụp sẽ biến thành Hạt, là đối tượng có hình khối, có vị trí trong không gian, có tính đặc và rắn, là thứ mà con người có thể nhận thấy. Điều này rất quan trọng, nó chứng tỏ rằng nếu không có người quan sát thì thế giới hoàn toàn trống rỗng (chỉ là những Sóng vô hình vô ảnh), thế giới chỉ hiện lên khi có người quan sát nó! Đây chính là lý luận nòng cốt của lối biện giải Copenhagen (Copenhagen Interpretation), đứng đầu là Niels Bohr (Nobel 1922)- người đầu tiên đưa ra mô hình thái dương hệ cho nguyên tử, là một trong những cha đẻ của Thuyết lượng tử.
Lối biện giải Copenhagen qui tụ rất nhiều nhà khoa học và triết học xuất sắc, như Niels Bohr, Heigenberg, Schrodinger. Mặc cho những tranh cãi, hiện nay lối biện giải này vẫn nhận được sự tôn trọng lớn của giới khoa học.
Điều gì xảy ra nếu lối biện giải Copenhagen là đúng? Nếu đúng thì nó ngụ ý rằng thế giới khách quan chỉ là ảo tưởng (an illusion), nó chỉ hiện lên khi có người quan sát. Nếu vắng mặt người quan sát thì nó lại trở nên trống rỗng. Hình dung có một chiếc bánh mỳ trên bàn, nó chỉ ở trên bàn nếu ta nhìn nó, và nó sẽ biến mất nếu ta quay mặt đi.
Mặc dù còn rất nhiều người phản đối lối biện giải Copenhagen, nhưng có một điều chắc chắn là: Khi bạn nhìn vào Nó thì Nó không còn là Nó nữa!
Albert Einstein là nhà khoa học có trực giác vật lý rất mạnh, chính điều này khiến ông nghi ngờ tính đúng đắn của Thuyết lượng tử. Ông là người phản đối mạnh mẽ lối biện giải Copenhagen qua câu nói nổi tiếng (ở sự đơn giản và rõ ràng) : Chẳng lẽ không ai nhìn mặt trăng thì mặt trăng không tồn tại hay sao? Rõ ràng khó mà không đồng ý với Einstein, thế nhưng lối biện giải Copenhagen vẫn có sức hấp dẫn của riêng nó, khiến người ta không sao dứt ra được. Theo Einstein, dường như có những biến ẩn chưa tìm ra khiến cho Thuyết lượng tử đầy những nghịch lý, và đặc biệt là không tương thích với Thuyết tương đối của ông.
Liên đới lượng tử (Entanglement) và nghịch lý EPR
Các lượng tử (các hạt) gọi là liên đới (entangled) nếu hành trạng của mỗi lượng tử không độc lập mà có quan hệ chặt chẽ đến hành trạng của các lượng tử (các hạt) khác.
Năm 1935, để phản biện Thuyết lượng tử, ba nhà khoa học là Einstein, Poldonsky và Rosen đã công bố một công trình, trong đó họ trình bày một thí nghiệm giả tưởng về hai lượng tử liên đới và đi đến kết luận gây sốc: một khi hai lượng tử liên đới với nhau thì liên đới này luôn tồn tại, bất kể khoảng cách giữa hai lượng tử này là xa như thế nào. Dường như lượng tử này “biết” lượng tử kia hành xử như thế nào để “ngay lập tức” hành xử tương ứng. Nó ngụ ý thông tin truyền giữa 2 lượng tử có thể vượt quá tốc độ ánh sáng, điều bị cấm trong Thuyết tương đối (Không có gì có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng, khoảng 300.000 km/s).
Công trình của ba nhà khoa học nêu trên đã gây ra tranh luận lớn trong giới khoa học. Trước đó, tính định xứ(locality) của các đối tượng là một chân lý, theo đó mỗi đối tượng có một vị trí “riêng” trong không gian, và phải mất một khoảng thời gian nhất định để thông tin truyền từ đối tượng này tới đối tượng khác. Vậy nhưng công trình của họ lại phủ nhận tính định xứ và nêu bật tính phi định xứ (nolocality) của các đối tượng: hai lượng tử liên đới có thể thông tin cho nhau ngay lập tức, có nghĩa là khoảng cách giữa chúng không có ý nghĩa gì! Người ta gọi đây là nghịch lý EPR (viết tắt theo tên của ba nhà khoa học). Nghịch lý này gói trọng trong câu nói của Einstein: Spooky action at a distance (tác động ma quỷ qua khoảng cách).
EPR là nghịch lý là bởi người ta coi tính định xứ là một chân lý của thực tại và gọi chung là thực tại định xứ (local realism), theo đó mỗi đối tượng thực tại chiếm cứ một vị trí độc lập trong không gian, do đó phải mất một khoảng thời gian nào đó để truyền tin giữa các đối tượng. Chẳng hạn thông tin truyền giữa trái đất và mặt trăng phải mất hơn một giây, giữa trái đất và mặt trời- 8 phút, trái đất và sao hỏa – từ 5 phút đến 20 phút, tuỳtheo vị trí tương đối giữa chúng.
Như đã nói, Einstein, Poldonsky và Rosen công bố một thí nghiệm giả tưởng, ở đó có hai lượng tử liên đới với nhau, là bởi thời điểm đó chưa hội đủ các điều kiện để tiến hành thí nghiệm thực. Ngày nay, các nhà khoa học đã có thể thực hiện những thí nghiệm thực về việc tạo ra các lượng tử liên đới và đang đi đến kết luận rằng nghịch lý EPR không còn là nghịch lý nữa!
Nếu EPR không còn là nghịch lý, thì phải hy sinh hoặc là tính định xứ (locality), hoặc tính hiện thực (reality) của thế giới, hoặc cả hai!
Mặc dù chưa thể khẳng định hoàn toàn ” Nghịch lý EPR không phải là nghịch lý”, xong ngày càng nhiều thí nghiệm khẳng định điều này.
Thí nghiệm mới nhất được công bố vào tháng 10/2015, trong đó các tác giả khẳng định rằng đã “đóng hết” những sơ hở (loopholes) có ở các thí nghiệm trước. Đây là công trình còn rất mới nên cần có thêm thời gian để chứng nghiệm.
Như đã nói, nếu nghịch lý EPR rốt cuộc lại không phải là nghịch lý, thì phải có một nhãn quan mới khi nhìn nhận thế giới, theo đó hoặc phải bỏ đi hoặc tính định xứ, hoặc tính hiện thực, hoặc cả hai.
Nếu bỏ đi tính hiện thực thì thế giới này là ảo, vì thế con người cũng ảo nốt. Như thế mọi suy nghĩ, hành vi của con người liệu còn có nghĩa gì? Chính vì hệ quả đó mà hiện nay không nhiều người ủng hộ cách suy nghĩ này.
Phương án an toàn hơn (và cũng “đời” hơn) là giữ lại tính hiện thực của thế giới, nghĩa là chỉ bỏ đi tính định xứ. Theo lối suy nghĩ này thì mọi vật đều có liên hệ chặt chẽ và đồng bộ với nhau, nói cách khác là tính phi định xứ. Như thế không có gì tồn tại độc lập, mọi vật đều liên hệ chặt chẽ với vật khác. “Mỗi tế bào não của một người đều có liên hệ với từng con kiến đang trên mặt đất, với từng con cá đang bơi”.
Thí nghiệm về liên đới lượng tử được các nhà khoa học châu Âu công bố tháng 10/2015 gây hứng thú lớn cho giới khoa học, là bởi các tác giả khẳng định rằng đã “bịt” hết những sơ hở có thể, nghĩa là khẳng định liên đới lượng tử là hiện tượng có thật, là đặc tính căn bản của tự nhiên.
Nếu thí nghiệm này được kiểm chứng độc lập bởi nhóm khoa học khác (yêu cầu bắt buộc cho những khẳng định khoa học), thì có thể tin chắc rằng thế phi định xứ là bản chất của thế giới lượng tử, theo đó mỗi lượng tử đều nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với các lượng tử khác. Và cũng có thể là thế đối với thế giới vĩ mô: rất có thể các sự kiện ở tận cùng vũ trụ lại ảnh hưởng ngay lập tức lên mỗi người, ngược lại, mỗi hành vi, thậm chí mỗi suy nghĩ của mỗi người lại ảnh hưởng lên toàn vũ trụ.
Với Thuyết tương đối, Einstein đã biến cơ học cổ điển của Newton thành quá khứ. Đến bây giờ, đến lượt nghịch lý EPR cũng đang dần trở thành quá khứ.
Hiện người ta đang nói về giải Nobel vật lý 2016 cho công trình này, cho dù có vẻ hơi sớm.
Tuy nhiên, còn một kẽ hở đặc biệt mà không bao giờ có thể “bịt” được, và nó khiến cho niềm tin về thế giới tất định kiểu Einstein không bao giờ thực sự tắt.
Có thể hình dung về kẽ hở mà không bao giờ có thể “bịt” được khi tiến hành một thí nghiệm về liên đới lượng tử thông qua tình huống như sau: Có hai người, gọi là Bob và Alice, thực hiện theo dõi một chuyến bay. Bob có nhiệm vụ chụp ảnh máy bay cất cánh (giả sử ở châu Âu), còn Alice chụp ảnh máy bay hạ cánh (giả sử ở Mỹ). Hai người có thể tùy ý thiết lập máy ảnh của mình để có được những bức ảnh tốt nhất, nghĩa là thiết lập của người này không liên quan gì đến thiết lập của người còn lại, nhưng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, Bob và Alice không được phép trao đổi với nhau.
Nếu như Bob và Alice là hai đối tượng độc lập, thì từ thiết lập của Bob không thể nói gì về thiết lập của Alice và ngược lại (họ tùy ý thiết lập máy ảnh theo ý của riêng mình). Nhưng nếu Bob và Alice là các đối tượng liên đới, thì thiết lập của họ sẽ liên quan chặt chẽ với nhau, cho dù họ không hề thông tin gì cho nhau. Nghĩa là vì một lý do bí ẩn nào đó mà người nọ luôn biết người kia sẽ làm gì để thực hiện những hành động tương ứng.
Ví dụ trên cũng chính là điều mà người ta nghi ngờ xảy ra trong các thí nghiệm liên đới lượng tử: Có hai máy đo đặt xa nhau tùy ý, vậy nhưng hễ thiết lập cho máy đo thứ nhất một trạng thái nào đó thì máy đo thứ hai sẽ có những thiết lập trạng thái tương ứng, vì thế kết quả đo của chúng luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Trở lại với Bob và Alice. Đằng sau sự “liên đới” giữa họ là câu chuyện về ý chí tự do (free will): mỗi họ đều tưởng rằng được tự do lựa chọn thiết lập cho máy ảnh của mình, nhưng thực ra không phải thế. Một khi Bob đã lựa chọn thiết lập A thì Alice buộc phải chọn thiết lập B và ngược lại, nói cách khác họ không hề có ý chí tự do như họ tưởng. Điều này chỉ có thể xảy ra khi thừa nhận họ sống trong vũ vụ siêu tất định
(super-deterministic universe), và vì thế mọi hành vi của họ đều là tiền định (predetermine). Khi sống trong vũ trụ siêu tất định thì ý chí tự do chỉ là ảo tưởng (an illusion), nghĩa là không ai được tùy ý lựa chọn bất kỳ điều gì.
Đây chính là kẽ hở mà không bao giờ có thể “bịt” được do những người phản biện các thí nghiệm lượng tử liên đới đưa ra.
Nhưng nếu vũ trụ là siêu tất định, thì phải thừa nhận rằng mỗi người đều có một “số phận” không thể nào thay đổi được. “Số phận” thể hiện trong từng hành vi, từng suy nghĩ nhỏ nhất của mỗi người, nó giống như đặc tính có tính bao trùm, không chừa ra bất kỳ một khe hở nào cho quyền tự do.
Một lối thoát cho cách suy nghĩ trên (vũ trụ là siêu tất định, con người không khác gì con rối của số phận) là coi vũ trụ như một tổng thể, trong đó mọi thứ đều liên quan chặt chẽ với nhau, mỗi bộ phận của nó giống như một tế bào trong một sinh thể. Đây chính là ý tưởng căn bản của Thuyết vạn vật nhất thể.
Liên đới lượng tử, hiện được xem là có thật, và nếu được xem như luật căn bản của tự nhiên, thì nó sẽ thu hẹp các nhận thức về vũ trụ, theo đó chỉ còn hai quan điểm có thể lựa chọn: Một là coi vũ trụ là siêu tất định, trong đó mọi sự kiện đều có tính tiền định, con người hoàn toàn không có ý chí tự do; Hai là coi vũ trụ có tính phi định xứ, trong đó mọi vật đều có liên hệ chặt chẽ với nhau (vạn vật nhất thể), tuy nhiên con người vẫn có ý chí tự do.
Nhận thấy quan điểm thứ 2 dễ được chấp nhận hơn, là bởi nó phù hợp với những khám phá khoa học, đồng thời khiến cho sự hiện diện của con người có ý nghĩa hơn hơn.
Thế nhưng, nếu vũ trụ có tính liên đới (phi định xứ), thì vì sao không gì có thể chuyển động nhanh hơn tốc độ ánh sáng (đặc điểm của tính định xứ)? (Năm 2014, một số nhà khoa học của Tổ chức vật lý nguyên tử châu Âu đã công bố có thể tạo ra các đối tượng chuyển động nhanh hơn ánh sáng, tuy nhiên việc kiểm chứng lại đã bác bỏ điều đó, và người đứng đầu nhóm khoa học này đã buộc phải từ chức).
Một số nhà khoa học cho rằng, tính phi định xứ có hàm nghĩa cao hơn so với việc truyền tin không vượt quá tốc độ ánh sáng. Có thể không gì vượt được tốc độ ánh sáng, nhưng vũ trụ vẫn có thể là phi định xứ. Theo cách lý giải này thì Vật B sẽ phản ứng đồng bộ với Vật A trước khi thông tin từ Vật A được truyền tới. Nhưng nếu thế thì vũ trụ lại có tính siêu tất định? Hay là còn có một con đường nào khác để Vật A “mách” cho Vật B biết phải làm gì?
Cho dù quan điểm vũ trụ vạn vật nhất thể là đúng, thì cũng khó mà nhận ra tính liên đới trong đời sống hàng ngày. Liệu có thể tin được rằng một ai đó trở nên lo lắng, bất an là do một ngôi sao xa xôi nào đó đột nhiên phát nổ? Có thể tin được không khi nói một người chết đi tương ứng với một vệt sao băng lướt qua bầu trời đêm? Ai đó có thể nói rằng hiện tượng thần giao cách cảm là minh chứng cho sự liên đới, nhưng cho đến nay thần giao cách cảm vẫn chưa được hiểu một cách tường minh.
Dù sao thì liên đới lượng tử cũng đại diện cho khái niệm kỳ lạ và khó hiểu bậc nhất trong vật lý.
Một thuyết khoa học chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó có thể đưa ra các tiên đoán có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm. Thuyết lượng tử đặc biệt thành công trong việc tiên đoán các hạt hạ nguyên tử, từ những hạt “lớn” và “nặng” như là proton hay neutrino, cho tới những hạt cực kỳ nhỏ bé như neutrino (khối lượng xấp xỉ 0). Cũng chính thuyết này đã tiên đoán rằng liên đới lượng tử là hiện tượng có thật.
Năm 1964, John Bell đã chứng minh một định lý tối quan trọng, trong đó đưa ra một ngưỡng mà nếu vi phạm ngưỡng này thì các lượng tử sẽ liên đới với nhau. Bell”s theorem đã trở thành kim chỉ nam cho các thí nghiệm lượng tử liên đới. Người ta nói rằng nửa đầu thế kỷ 20 là kỷ nguyên của Einstein, còn nửa sau thuộc về Bell.
Dù bao nhiêu thí nghiệm có kết quả tương tự nhau thì vẫn không thể đưa ra kết luận về vấn đề đang nghiên cứu, là bởi sẽ sa vào chủ nghĩa kinh nghiệm nếu như làm vậy. Vấn đề nghiên cứu cần phải được khẳng định trong các định lý lý thuyết.
Định lý Bell quan trọng tới mức có nhà khoa học đã gọi nó là phát kiến khoa học quan trọng nhất trong việc tìm hiểu vũ trụ. Định lý chứa đựng triết lý vũ trụ quan sâu sắc, có vai trò như lằn biên để phân biệt vũ trụ định xứ và phi định xứ, hơn nữa định lý còn chỉ ra một con đường cho khoa học thực nghiệm tiến hành và xử lý kết quả thí nghiệm.
Mọi hiện tượng đều có nguyên nhân của nó, đó là phát biểu giản dị về tính nhân quả (causality). Trước nay tính nhân quả được coi là chân lý, theo đó đáp ứng của một hệ bất kỳ không thể xuất hiện trước tác động, tức là có tác động thì mới có đáp ứng. Nếu quan niệm vũ trụ là định xứ thì hiện tượng liên đới lượng tử sẽ vi phạm tính nhân quả, là bởi Vật B sẽ “phản ứng” theo Vật A trước khi thông tin từ Vật A truyền tới. Nhưng tính nhân quả có được duy trì trong vũ trụ phi định xứ hay không?
Trong vũ trụ phi định xứ, mỗi đối tượng không khu biệt mà “trải” ra trên toàn không gian. “Ở mọi nơi” là lời đáp cho câu hỏi “Đối tượng đang ở đâu?”. Con mèo của bạn đang nằm trong tay bạn, nhưng nó đồng thời cũng đang rình chuột ở khu phố kế bên.
Trong vũ trụ phi định xứ, mọi đối tượng đều “quyện” vào nhau nên không có khoảng cách nào giữa chúng, vì thế chúng có thể ngay lập tức hành xử tương quan với nhau. Hành xử tương ứng “ngay lập tức” tương đương với thời gian không tồn tại trong thế giới liên đới. Và như thế tính nhân quả cũng không bị vi phạm.
Năm 2013, một nữ khoa học gia người Nga đã tạo ra một hệ liên đới mà nhìn từ phía bên ngoài thì thời gian không hề tồn tại. Thời gian chỉ là một “cảm giác” của các đối tượng trong hệ.
Phải chăng thời gian chỉ là ảo giác?
David Bohm, một trong những nhà vật lý có ảnh hưởng nhất của TK20, đã cố gắng giải thích những nghịch lý trong thế giới lượng tử bằng quan điểm khá huyền bí. Theo Bohm, tồn tại hai cấp độ của thực tại, là cấp độ trình hiện (explicate order), ở đó mọi thứ được mở ra (unfolded), và cấp độ ẩn tàng (implicate order), nơi mọi thứ bị cuộn lại (enfolded). Cấp độ trình hiện như là một phép chiếu (projection) của cấp độ ẩn tàng, như thế cấp độ ẩn tàng là cái căn bản hơn. Cấp độ ẩn tàng giống như một cuộn phim, còn cấp độ trình hiện giống như những gì thấy được trên màn ảnh.
Theo Bohm, con người chỉ có thể thấy được mọi vật ở cấp độ trình hiện, không thể tiến nhập vào cấp độ ẩn tàng, là thứ sâu hơn và căn bản hơn.
Ở cấp độ ẩn tàng, không thời gian không còn là yếu tố quyết định. Cái thực sự quyết định lại là sự liên đới nhất thể. Vì không thời gian không còn quyết định ở cấp độ này nên mọi tương tác đều diễn ra ngay lập tức, những tương tác trong cấp độ này sẽ được “chiếu” lên cấp độ trình hiện, nơi không thời gian là sân khấu cho các sự kiện diễn ra.
Lý luận của Bohm cho thấy những hiểu biết của con người về thế giới thực ra là không căn bản, là bởi con người chỉ nhìn nhận về thế giới ở cấp độ trình hiện.
Động lực chính để Bohm đề xuất cấp độ ẩn tàng của thực tại là sự không tương thích giữa Thuyết tương đối và Thuyết lượng tử. Thuyết tương đối chỉ đúng với thế giới vĩ mô, còn Thuyết lượng tử lại chỉ dành cho thế giới vi mô.
Theo Bohm, kích thước lớn nhỏ không phải là vấn đề, mà vì hai thuyết này là các thuyết riêng phần, chúng đều “trỏ” về một thuyết nhất quán và căn bản hơn, cái hiện vẫn là bí ẩn.
Mặc dù Lý thuyết dây (String Theory) cũng đang hướng tới sự thống nhất cho Thuyết tương đối và Thuyết lượng tử, nhưng nó khác với lý thuyết theo quan niệm của Bohm, là vì Lý thuyết dây vẫn là lý thuyết ở cấp độ trình hiện.
Sự khác biệt của Bohm chính là quan niệm về một cấp độ ẩn tàng, nơi con người không thể nào tiến nhập vào được, vì thế không bao giờ có thể trả lời cho câu hỏi “Nó là gì?”. Chính điều này khiến cho lý thuyết của Bohm nặng tính huyền học.
Tuy nhiên càng nghiên cứu sâu về thế giới vi mô người ta càng thêm mơ hồ, chính điều này khiến cho thuyết của Bohm sống lại.
Hiện những nhà khoa học có chung quan điểm với Bohm không phải là hiếm. Họ cho rằng thế giới này “đột sinh” (emergence) từ một cấp độ sâu hơn và căn bản hơn.
Có hai hướng diễn giải về cấp độ sâu hơn này, đó là Trường (Fields), và Thức (Consciousness).
Trường thiên về Duy vật, còn Thức ngả về Duy tâm.
“Đột sinh” là hiện tượng “cái gì đó” mới mẻ đột nhiên xuất hiện khi tập hợp được một số lượng đủ lớn các cá thể có liên hệ với nhau.
Trên thực tế, hiện tượng đột sinh rất phổ biến, chẳng hạn hai nguyên tử Hydro kết hợp với một nguyên tử Oxy để tạo thành Nước. Nước có tính chất Hóa-Lý rất khác với Hydro hoặc Oxy.
Một chiếc Tivi chỉ bao gồm những linh kiện vô tri, vậy nhưng có thể thu sóng và biến thành hình ảnh và âm thanh.
Cũng có thể coi Văn hóa ứng xử là yếu tố đột sinh ở những nơi có số lượng người lớn hơn hai.
Xa hơn, hiện nhiều nhà khoa học coi không/thời gian là yếu tố đột sinh, chúng giống như tính chất phát sinh từ thế giới gồm vô vàn các lượng tử. Nói cách khác, không thời gian không phải là nguyên nhân, mà là hệ quả phái sinh từ tập hợp gồm vô vàn các lượng tử.
Xa hơn nữa, người ta còn cho rằng toàn bộ thế giới này được đột sinh từ cấp độ sâu hơn, như là Trường hoặc Thức.
Albert Einstein từng nói: trong khoa học, nếu ai không có được công trình đột phá trước tuổi 30 thì sẽ không bao giờ có được nữa. Ông tin và nhấn mạnh khả năng sáng tạo của tuổi trẻ. Câu nói của Einstein ứng với thời của ông, khi đó rất nhiều người trẻ tuổi, trong đó có Einstein, đã thực hiện những công trình lớn ở trước tuổi 30.
Quan điểm đó của Einstein khiến nhiều người bỏ công nghiên cứu.
Một nhà khoa học, là Weinberg, đã khảo sát những người đoạt giải Nobel trong Vật lý, Hóa học và Y học trong suốt hơn một thế kỷ, từ 1901 đến 2008.
Weinberg coi tuổi mà một nhà khoa học thực hiện công trình đoạt giải Nobel tương ứng với đỉnh điểm của sáng tạo.
Có một số điều thú vị mà Weinberg rút ra từ khảo sát này.
Thứ nhất, đỉnh điểm của sáng tạo tăng dần theo thời gian. Đầu thế kỷ 20 đỉnh này đúng như Einstein nói, tức là lứa tuổi 20. Ngày nay, đỉnh điểm của sáng tạo đối với một nhà vật lý là 48 tuổi.
Thứ hai, thời gian kể từ khi một nhà khoa học thực hiện một công trình cho tới khi anh ta đoạt giải cũng tăng dần. Đầu thế kỷ 20 thời gian này dưới 10 năm, hiện nay gần 40 năm. “Muốn có giải Nobel thì hãy cố mà sống đủ lâu”, đó là câu nói hài hước của những người làm khoa học ngày nay.
Thứ ba, trong vật lý, đỉnh điểm sáng tạo của các nhà vật lý lý thuyết sớm hơn 4 năm so với các nhà vật lý thực nghiệm.
Thứ tư, ngày nay hầu như không còn ai có thể thực hiện được công trình đột phá trước tuổi 30.
Lý giải về những thống kê trên, các nhà khoa học cho rằng lý do chính là lượng kiến thức phải tích lũy tăng dần theo năm tháng. Đầu thế kỷ 20, các nhà vật lý lượng tử không cần phải “ngoái lại” xem tiền nhân đã làm gì, là bởi trước đó chưa có gì. Bây giờ rất khác, trước khi sáng tạo ra “cái gì đó”, mỗi nhà khoa học phải bỏ rất nhiều thời gian để “tiêu hóa” lượng kiến thức khổng lồ có được suốt hơn một thế kỷ qua. Có một luật gọi là “Luật 10000 giờ”, theo đó mỗi nhà khoa học hiện nay phải bỏ ra 10000 giờ nghiên cứu trước khi có thể tạo ra cái gì đó của riêng mình. Có vẻ như cái mới ngày càng khan hiếm.
Lý do nữa là con người hiện nay thọ hơn xưa. Đầu thế kỷ 20, hầu như các nhà khoa học đều qua đời hoặc trở nên “bất lực” ở độ tuổi 50, thậm chí 40, nhưng ngày nay họ vẫn khỏe và minh mẫn ở độ tuổi 60, thậm chí 70.
Ngày nay đỉnh điểm sáng tạo của các nhà khoa học ở tuổi 48, kết luận này vô tình trùng hợp với nghiên cứu mới nhất của một nữ GS ĐH Harvard: Hiện nay, não người đạt đỉnh cao ở độ tuổi từ 50 tới 70.
Nghiên cứu này có ích không chỉ trong khoa học.
Trở lại hiện tượng đột sinh. Trong thế giới lượng tử, càng nghiên cứu thì càng không hiểu, nghe có vẻ lạ tai, nhưng một số nhà vật lý hàng đầu cũng suy nghĩ như thế. Thế nên nhiều người cũng chia sẻ suy nghĩ của Bohm, rằng thế giới này không căn bản mà chỉ là “thứ cấp”, là hệ quả đột sinh từ cái gì đó sâu xa hơn và căn bản hơn, giống như Trường hoặc Thức.
Ngày nay có lẽ không ai xa lạ với sóng điện từ, là phương tiện chuyển tải thông tin chủ yếu. Sóng điện từ truyền lan trong trường điện từ. Trường điện từ là môi trường để cho những tương tác điện từ diễn ra. Ý tưởng này được phát triển cho thế giới lượng tử, theo đó mỗi hạt cơ bản có một trường tương ứng, chẳng hạn ứng với các electrons là trường electrons, với các hạt quarks là trường quarks….
Một số nhà khoa học còn đi xa hơn. Họ tự hỏi các hạt cơ bản từ đâu mà có. Và câu trả lời là từ các trường tương ứng. Như thế trường là cái căn bản hơn, là cái sinh ra các hạt vật chất, là Mẹ của các hạt cơ bản. Một liên tưởng là trường giống như một đại dương, từ đó sinh ra các sinh vật biển. Trường là cái căn bản, tràn đầy vũ trụ, các hạt cơ bản chính là các “gợn sóng” của trường tương ứng, “đột sinh” từ trường tương ứng.
Nếu coi các hạt cơ bản đột sinh từ các trường thì lại gặp phải một nan đề khác. Vấn đề là các hạt cơ bản cực kỳ giống nhau. Một electron trên trái đất giống hệt một electron trên mặt trăng, và cũng thế ở mọi nơi khác trong vũ trụ. Nếu trường là Mẹ, thì bà mẹ này sinh ra hàng tỷ tỷ đứa con giống hệt nhau!
Richard Feynman (Nobel 1965) có kể một câu chuyện về thầy mình là nhà vật lý John Wheeler. Một lần Wheeler gọi cho Feynman và nói:
– Feynman, tôi biết vì sao các electron lại giống hệt nhau rồi.
– Vì sao?- Feynman hỏi.
– Vì tất cả chúng thực ra là Một!
Có vẻ ý tưởng vạn vật nhất thể cũng ám ảnh Wheeler.
Một ý tưởng khác về sự hiện diện của thế giới là cho rằng thế giới đột sinh từ Thức (consciousness).
Từ góc độ con người, Thức được hiểu cụ thể như là nhận thức, ý thức, suy nghĩ, “niệm”…. Rộng hơn là thế giới tinh thần của con người.
Thế nhưng thế giới vật chất có phải là do ý thức của con người tạo dựng? Nghĩa là nếu không có con người thì cũng không có thế giới? Đây là câu hỏi khó, rất khó. Nó cũng chính là đề tài tranh luận không có hồi kết giữa các nhà Duy thực (Realists) và Duy tâm (Idealists).
Trong khoa học, Einstein đại diện cho Realists tranh luận với Idealists ( đáng ngạc nhiên, đại diện lại là Niels Bohr, một trong những nhà vật lý lớn nhất). Theo Bohr, thế giới vật chất chỉ hiện lên khi có người quan sát nó, tức không có con người thì cũng không có thế giới. Bohr cho rằng những tính chất của các đối tượng vật lý mà con người rút tỉa được thật ra chỉ là việc gắn những “nhãn toán học” lên một đối tượng, tức là những tính chất đó không có thật mà chỉ là thể hiện cách hiểu của con người về thế giới. Còn Einstein, ông một mực cho rằng vũ trụ được thống trị bởi vật chất và năng lượng, việc có hay không có sự hiện diện của con người vẫn không thay đổi được sự thật đó.
Tranh luận Einstein-Bohr trở thành kinh điển là bởi nó diễn ra trên nền khoa học chính thống. Thực ra từ xa xưa tranh luận Duy vật- Duy tâm đã có, và không bên nào có được hệ thống lý luận đủ mạnh để “hạ” bên kia.
Như vậy chủ đề Duy vật- Duy tâm thật ra đã đi vào lãnh địa của khoa học kể từ khi khoa học lượng tử ra đời.
Theo một số nhà khoa học, Thức (Consciousness), cũng giống như Trường, là “cái gì đó” mà từ đó thế giới đột sinh. Như thế cho dù nhiều sự tương đồng, Thức tổng quát hơn Ý thức của con người. Người ta còn ngờ rằng tồn tại Thức vũ trụ, cái sinh ra thế giới và chi phối thế giới.
Các quan sát thiên văn cho thấy có sự giống nhau “khủng khiếp” giữa một tế bào não với vũ trụ. Nhiều người xem đó là bằng chứng của Thức vũ trụ.
Thức vũ trụ, nếu quả thật tồn tại, thì huyền học thực sự là một khoa học, đồng nghĩa với việc phải xem xét lại toàn bộ hệ thống khoa học hiện nay. Vũ trụ khi đó là một sinh thể, có sinh, có thành, có diệt, có khả năng phân biệt và chỉnh sửa. Trong quá trình tiến hóa, vũ trụ sẽ thanh lọc và loại bỏ những thứ bất hợp lý, nuôi dưỡng những tinh hoa, chẳng hạn con người.
Vũ trụ có Thức là vũ trụ biết suy nghĩ, biết phân biệt đúng sai, biết chia sẻ và đồng cảm, biết trừng phạt và giam cầm.
Trong vũ trụ có Thức, không có gì là vô tri, một viên sỏi cũng biết sướng vui và đau khổ.
Vũ trụ có Thức là một sinh thể, không cái gì trong đó là không liên đới với nhau và hòa trong điệu khúc nhịp nhàng.
Trong vũ trụ có Thức, con người có số phận được quyết định bởi Thức vũ trụ. Nhưng vũ trụ có Thức không có nghĩa là con người không có ý chí tự do, là bởi Thức đã hàm ý tự do. Liệu có ai hay chính thể nào có thể triệt tiêu được hoàn toàn tự do tư tưởng trong mỗi con người?
Với những người tin ở sự tồn tại của Thức vũ trụ, thì trí não con người như một máy thu, có khả năng tiếp nhận và giải mã thông điệp vũ trụ. Máy thu tự nó không sáng tạo ra cái gì cả, chỉ thu nhận và giải mã. Thế nhưng bằng cách nào vũ trụ giao tiếp với con người?
Hiện khoa học mới chỉ biết đến bốn lực mà thông qua đó các vật tương tác với nhau. Trong bốn lực đó chỉ có hai lực có tầm tác dụng qua khoảng cách lớn, đó là lực điện từ (electromagnetic force) và lực hấp dẫn (gravity). Lực hấp dẫn chính là thứ khiến cho quả táo rơi vào đầu Newton và đóng vai trò chính yếu trong việc hình thành thế giới vĩ mô. Cả hai lực trên đều lan truyền với vận tốc không vượt quá tốc độ ánh sáng, ít nhất theo hiểu biết hiện nay.
Thế nhưng trong vũ trụ có Thức, có lẽ vũ trụ sẽ giao tiếp với con người “ngay lập tức”, điều này ngụ ý lực điện từ và lực hấp dẫn không phải là phương tiện. Có lẽ sự liên đới mới chính là chìa khóa của vấn đề.
Nếu quan niệm như Bohm, rằng thế giới này là sản phẩm đột sinh từ cấp độ ẩn tàng, thì dù từ Trường hay Thức, nó cũng giới hạn khả năng của con người, là bởi con người không có cách nào tiến nhập vào cấp độ ẩn tàng đó. Chính vì thế quan niệm của Bohm bị chỉ trích là “thiếu tinh tế”, “thiếu tính thực tiễn”, cho dù nó có thể đúng.
Có lẽ con người chỉ nên quan tâm đến vũ trụ “thế tục”, là vũ trụ như đang thấy, một vũ trụ cấu thành từ vật chất và năng lượng cùng các tương tác giữa chúng, một vũ trụ mà tính liên đới có thể là chìa khóa để hiểu sâu hơn. Thế đã là quá lớn để có thể hiểu rõ và thâm nhập vào.
Con người, ngay sự hiện diện đã là một bí ẩn lớn. “Sự sống xuất hiện như thế nào trên trái đất? ” hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Không ai biết vì sao một tế bào lại có thể sinh ra từ vật chất vô tri.
Khoa học có tính thiết thực, nó đòi hỏi bằng chứng để khẳng định hoặc phủ nhận một phát biểu. Tuy nhiên khoa học không phải là miền đất khép kín, chừng nào chưa có bằng chứng phủ nhận một định đề thì định đề đó vẫn được xem là khả dĩ. Chẳng hạn phát biểu “không có nhận thức của con người thì thế giới không tồn tại” sẽ mãi là một nghi vấn lớn, là bởi không thể tìm ra bằng chứng để bác bỏ điều này (làm sao có thể tạo dựng một vũ trụ không có con người?).
Sự phát triển của khoa học là câu chuyện không hồi kết. Nhưng “hạnh phúc chưa hẳn là đến đích, mà lại lại từ những trải nghiệm trên đường đi”. Nhiều lĩnh vực chưa hiểu rõ bản chất nhưng đã có ứng dụng lớn trong thực tiễn. Hiện người ta chưa rõ liên đới lượng tử thực chất là gì, tuy nhiên sắp tới sẽ ra đời một thế hệ máy tính mới, siêu mạnh, ở đó ứng dụng những tính chất của liên đới lượng tử. Đó là Quantum Computer.
Việc tìm hiểu một cái gì đó sẽ chỉ đi đến kết luận đúng đắn và toàn diện nếu như biết nó sinh ra từ đâu.
Cho tới đầu thế kỷ 20, người ta vẫn đinh ninh rằng vũ trụ là vốn có, và tĩnh (không nở ra cũng không co lại). Thế như mọi thứ đã thay đổi kể từ khi Hubble phát hiện ra vũ trụ đang giãn nở. Như thế trước đây vũ trụ phải bé hơn, theo cách suy luận như vậy người ta đi đến kết luận là vũ trụ khởi đầu từ một “đối tượng” cực kỳ bé, cực kỳ đặc, cực kỳ nóng. Khoảng 14 tỷ năm trước Đối tượng này phát nổ và hình thành vũ trụ như ta thấy ngày nay.
Việc truy tìm bằng chứng cho suy luận trên là vô cùng khó, là bởi thời gian đã trôi qua hàng tỷ năm.
Thế nhưng một lần nữa con người lại thành công ở nơi tưởng chừng không thể. Người ta lập luận rằng nếu vụ nổ quả thật xảy ra, thì nhất định nó sẽ để lại tàn dư tràn đầy vũ trụ ngày nay, và tàn dư đó sẽ ở dạng sóng điện từ.
Trong những năm 60 của thế kỷ 20, hai nhà vật lý vô tuyến điện người Mỹ đã vô tình phát hiện được tàn dư này và đoạt giải Nobel.
Ngày nay, vũ trụ khởi đầu từ vụ nổ lớn (Big Bang) được coi là hiểu biết đúng đắn. Đáng chú ý là Vatican cũng thừa nhận điều này, tuy nhiên họ tuyên bố Chúa đã tạo ra Big Bang.
Theo thuyết Big Bang, các hạt cơ bản hầu như đồng thời được sinh ra ở thời khắc ngay sau vụ nổ lớn, từ đó hình thành thế giới vật chất ngày nay. Không chỉ sinh ra hạt cơ bản, vụ nổ lớn còn sinh ra không gian và thời gian. Sức ép từ vụ nổ khiến cho không gian ngày càng mở rộng, từ kích thước vô cùng nhỏ đến kích thước ngày nay. Thời gian không phải là vô thủy vô chung mà cũng có điểm khởi đầu, chính từ vụ nổ lớn.
Các hạt cơ bản hình thành ngay sau Big Bang, trong một môi trường cực kỳ nóng. Cùng với quá trình giãn nở, vũ trụ ngày càng mở rộng và nguội dần và các hạt cơ bản cũng không có đủ điều kiện để sinh thêm nữa. Nghĩa là toàn bộ “chất liệu” hình thành vạn vật, trong đó có con người, đều có tuổi thọ khoảng 14 tỷ năm.
Thuyết Big Bang dẫn tới hệ quả thú vị: càng nhìn xa thì càng tiến sâu vào quá khứ. Những kính thiên văn hiện đại có thể nhìn thấy những ngôi sao hình thành từ gần 14 tỷ năm trước, thời khắc rất gần với vụ nổ lớn. Tuy nhiên có một giới hạn cho quan sát của con người: những gì ứng với quãng thời gian 300 ngàn năm kể từ vụ nổ lớn sẽ không bao giờ có thể quan sát được, là vì khi đó vũ trụ quá đậm đặc để ánh sáng xuyên qua.
Tất cả vật chất đều được hình thành từ Big Bang. Ở cấp độ vĩ mô, vật chất liên kết với nhau thông qua lực hấp dẫn (gravity). Lực hấp dẫn giữ mọi thứ ở trên mặt đất, khiến trái đất quanh quanh mặt trời.
Người ta giả thiết rằng lực hấp dẫn lan truyền trong trường hấp dẫn dưới dạng sóng, sóng này lại được hình thành từ các lượng tử gọi là graviton.
Nhưng kỳ lạ là ở chỗ, cho dù lực hấp dẫn hiện diện quanh ta, vậy mà suốt một thế kỷ săn tìm người ta chưa hề có bằng chứng nào về nó.
Lực hấp dẫn như một bóng ma, ngay đây nhưng lại chưa từng giáp mặt.
Người ta lý giải rằng lực hấp dẫn chưa bị phát hiện có thể vì nó quá yếu, cho dù nó kiến ta rất đau khi ngã. Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng thật thế nếu so lực hấp dẫn với lực điện từ, một lực cũng rất phổ biến khác.
Hãy tưởng tượng một cái đinh nằm trên mặt đất. Sở dĩ nó nằm trên mặt đất là do sức hút của trái đất. Bây giờ đưa một chiếc nam nhỏ tới gần, và chiếc đinh dễ dàng bị hút vào. Như thế lực của chiếc nam châm đã thắng lực hút của trái đất. Tính toán chi tiết cho thấy lực điện từ lớn hơn lực hấp dẫn khoảng một tỷ tỷ tỷ tỷ lần.
Tuy nhiên có người cho rằng lực hấp dẫn không hề tồn tại như ta vẫn tưởng, và vì thế việc truy tìm bằng chứng về nó là hoàn toàn vô vọng.
Kinh nghiệm dạy con người rằng không gian có ba chiều. Mọi vật đều tồn tại trong không gian ba chiều. Tuy nhiên có những điều không giải thích được bằng quan niệm đó.
Lực hấp dẫn quá yếu là một trong những lý do chính để người ta phát triển các thuyết về vũ trụ nhiều hơn ba chiều. Theo các thuyết này, bên cạnh ba chiều không gian lớn, vũ trụ còn có những chiều không gian khác, lực hấp dẫn yếu là vì bị hấp thụ bởi các chiều phụ thêm này.
Lại có ý tưởng cho rằng vũ trụ chỉ là một vật thể ba chiều trôi nổi trong một không gian có nhiều chiều hơn, giống như tờ giấy có hai chiều bay lượn trong căn phòng có ba chiều.
Lại có ý tưởng cho rằng vũ trụ ta sống chỉ là một trong các vũ trụ mà thôi. Rằng lực hấp dẫn thực ra là lực ngoại lai, từ bên ngoài đưa tới.
Đáng nói là mỗi ý tưởng đó đều được chứng minh bằng toán học, có độ khả tín cao. Nhưng rõ ràng không thể tất cả chúng đều đúng.
Các ý tưởng trên đượm màu huyền học, là bởi sẽ không bao giờ có thể kiểm chứng được. Người ta tính rằng, để kiểm chứng các chiều phụ thêm thì phải cần tới các máy gia tốc có kích thước lớn như thiên hà Milky way, điều này vượt quá khả năng của con người.
Lý thuyết dây xem không gian có 10 hoặc 11 chiều. Mặc dù rất được chú ý, thế nhưng điểm yếu của nó là năng lực dự báo rất kém. Lý thuyết này đưa ra 10^500 (mười mũ năm trăm) các kết cục khả dĩ, liệu có thể chọn lấy một trong bằng ấy phương án không? Có lẽ lý thuyết này cũng chỉ là một trào lưu và khó có thể tiếp tục nữa.
Vì sao con người chỉ nhớ được quá khứ mà không nhớ được tương lai? Câu hỏi này nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng nó chính là một trong những câu hỏi khó nhất. Vấn đề là ở chỗ các định luật vật lý không có sự phân biệt nào giữa quá khứ và tương lai.
Câu trả lời dễ dàng nhất là tương lai chưa diễn ra nên không thể nhớ, nhưng nếu các định luật không phân biệt quá khứ và tương lai thì vì sao quá khứ đã diễn ra mà tương lai lại chưa?
Khẳng định tương lai chưa diễn ra không hẳn đúng. Người ta đã làm thí nghiệm và kết luận rằng con người có thể đoán được các sự kiện khoảng 10 giây trước khi nó diễn ra.
Trong thuyết tương đối của Einstein thời gian và không gian thống nhất trong một thể gọi là không thời gian (spacetime). Thế nhưng điều khó hiểu là chúng ta có thể tiến lui tuỳ ý trong không gian, nhưng lại không thể làm thế với thời gian. Thời gian chỉ chảy theo một chiều từ quá khứ tới tương lai, cho dù các định luật không ngăn cấm điều đó. Einstein từng nói: phân biệt quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là ảo tưởng.
Tuy nhiên nếu con người có thể quay ngược lại quá khứ thì nghịch lý sẽ diễn ra, đó là nghịch lý ông nội:
Nếu ai đó quay về quá khứ và (vô tình) giết ông nội của mình thì sẽ ra sao?
Câu hỏi “vì sao không ai nhớ được tương lai?” thực ra ẩn chứa câu hỏi sâu sắc hơn nhiều, đó là “Thời gian là gì?”.
Theo thời gian, con người ta sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết. Nhưng khoa học gọi thời gian đó là “thời gian tâm lý”, tức thời gian được cảm nhận bởi trí não con người. Thời gian tâm lý luôn chảy theo một chiều từ quá khứ tới tương lai, cùng với nó con người chỉ già đi chứ không bao giờ trẻ lại. Nó như một gánh nặng cho bất kỳ ai, và không có cách nào thoát được.
Bên cạnh Thời gian tâm lý, còn có dạng thời gian khác là Thời gian vật lý. Thời gian vật lý xuất hiện trong các phương trình mô tả thế giới. Khác với Thời gian tâm lý, Thời gian vật lý có thể tuỳ ý tiến lui, không hề phân biệt quá khứ với tương lai.
Sự khác biệt giữa hai dạng thời gian tâm lý và vật lý cho thấy một điều tối quan trọng: cảm nhận của con người về thế giới khác với bản chất của thế giới. Điều này dẫn tới câu hỏi về bản chất của con người. Vì sao con người, là một phần của thế giới, lại có cảm nhận không đúng về thế giới? Hoặc khoa học đang sai lầm nghiêm trọng?
Trong một nỗ lực nhằm liên kết thế giới lượng tử với con người, các nhà khoa học đã nghiên cứu những đứa trẻ chưa đầy 3 tháng tuổi và nhận thấy chúng rất khác biệt. Chúng không tư duy mà chỉ “cảm”. Chúng cảm thấy yên ổn, cảm thấy nóng lạnh, cảm thấy tình yêu thương. Chúng không hề nhận thức cha chúng “đang ở đâu”. Với chúng, cha chúng “ở mọi nơi”, không quan trọng ở trong phòng hay đang ra ngoài. “Ở mọi nơi” cũng là đặc điểm chính yếu của các lượng tử, vì thế người ta gọi những đứa trẻ ít hơn 3 tháng tuổi là những đứa trẻ lượng tử.
Sau 3 tháng tuổi, tư duy được kích hoạt và dần lấn át khả năng “cảm”, và những đứa trẻ dần mang đặc điểm của con người bình thường.
Phải chăng tu hành là cách thức trả lại khả năng “cảm” của con người?
(theviolet)
(Dẫn theo trang vuihoctuvi.blogspot.com)