Giải mã sự bình tĩnh lạnh lùng của người Nhật

Tại sao người Nhật ngay cả trong thảm cảnh vẫn bình tĩnh một cách lạ thường? Hệ thống dân phòng được coi là xuất sắc nhất thế giới hoạt động ra sao? Cái gì chứa đằng sau cái gọi là “danh dự Samurai” và người Nhật đào tạo trẻ em theo hướng đó như thế nào?

Dưới đây là lý giải của Phó giáo sư Dmitry Evstafyev, Chủ nhiệm Khoa Quan hệ quốc tế Trường Đại học Quốc gia Xanh Pêtécbua (LB Nga).

Người Nhật lặng thinh nhìn những cơn sóng hung dữ phá tan nhà cửa và xoay tròn xe cộ như chiếc lá cây. Người Nhật úp chậu lên đầu, chạy ra khỏi những căn nhà sắp đổ sụp một cách trật tự. Tất cả những ai không phải là người Nhật coi đây là điều phi thực tế. Từ đâu mà người Nhật có được sức chịu đựng và tính quy củ trong bối cảnh “đất sụt, trời sập”?

Meivaku là gì?

Khái niệm meivaku là một phần của lối sống Nhật. Meivaku có nghĩa là làm phiền những người xung quanh bằng hành vi của mình. Hút thuốc ở nơi công cộng là xấu bởi anh đang gây ra meivaku cho tất cả những ai không có lý do để hít khói độc. Chẳng hay gì việc gây meivaku bằng cách buôn chuyện qua điện thoại trong văn phòng hay trên các phương tiện giao thông, ho và hắt hơi “đình đám”. Ngay cả những đứa trẻ cũng được dạy rằng tiếng khóc ầm ĩ của chúng gây meivaku cho mọi người. Chính đây là nguyên nhân đáng kể dẫn đến hành vi “không bộc lộ sự hoảng loạn ra ngoài mặt”. Người Nhật quá tự trọng và quá tôn trọng người khác nên không cho phép mình để cho cảm xúc sai khiến.

Gần một tuần trôi qua kể từ khi xảy ra trận “siêu động đất” ngày 11/3 nhưng chưa có một bài báo, mẩu tin nào từ Nhật Bản viết về nạn hôi của hay trộm cắp, cướp bóc. Các chuyên gia cho rằng xã hội Nhật được kiến tạo theo kiểu tính trung thực được tôn rất cao.

Người Nhật cũng biết vui sống và không nỡ chối bỏ cảm giác “phê” từ những “giọt cay”. Nhưng “rượu ngon” họ chỉ uống khi có “bạn hiền”, chủ yếu nhâm nhi vào tối thứ Sáu. Điều đáng nói là không ai tự rót cho mình cả – chén của mình để cho bạn rượu rót và ngược lại. Điều này có hàm ý “tôi say hay không là do bạn đấy”. Đây cũng là một cách giáo dục tinh thần trách nhiệm trước mọi việc.

Người Nhật quay phải, người Âu quay trái

Theo ông Dmitry Evstafyev, dĩ nhiên là nhà cửa và kiến trúc của Nhật Bản khác với ở Nga và châu Âu. Mỗi năm tại Nhật xảy ra 1.500 cơn địa chấn, hơn nữa chỉ có 16% lãnh thổ đất nước là thích hợp cho cuộc sống con người. Trên một diện tích hạn hẹp và trong tình trạng từng giây từng phút phải sẵn sàng đối mặt với động đất thì nhà cửa thường “bé như cái kẹo”. Nhiều người Nhật không đủ tiền để mua căn hộ để ở, phần đông vẫn phải thuê nhà.

Tuy nhiên, người Nhật có những quy chuẩn rất nghiêm ngặt về điều kiện vệ sinh – môi trường. Ở Đất nước mặt trời mọc ta có thể uống nước lấy ngay từ vòi. Song, người Nhật đặc biệt tiết kiệm nước. Họ không thả mình vào bồn tắm theo kiểu người Mỹ hay người Âu mà cả nhà xếp hàng để ngâm mà không thay nước nóng. Dĩ nhiên trước đó ai cũng phải tắm vòi hoa sen cho sạch sẽ. Gian bếp thì bé tẹo, chủ yếu dùng bếp ga đôi. Đây là thói quen tiết kiệm mặt bằng, tiết kiệm thiên nhiên và hẳn là tiết kiệm cả tiền.

Hãy hành động như tôi!

Phó giáo sư Dmitry Evstafyev khẳng định rằng cần phải học ở người Nhật ý thức đối phó với thiên tai. Người Nhật đã chờ đợi trận động đất của ngày 11/3 suốt 20 năm nay, chỉ có điều không thể đoán trước ngày, giờ.

Theo cách tích của các nhà nghiên cứu địa chấn Nhật Bản thì cứ khoảng 80 năm lại xảy ra một trận “siêu động đất” ở Đất nước mặt trời mọc. Trận “siêu động đất” năm 1923 ở tỉnh Kanto chỉ kém chút ít về cường độ so với “người em” của nó cách đây gần một tuần. Nó san phẳng hầu như toàn bộ các thành phố Tokio và Iokogama, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Sở dĩ trận thiên tai địa chấn vừa rồi ít gây thiệt hại về người hơn là nhờ nước Nhật thường xuyên chuẩn bị đối phó. Người dân ý thức rất rõ rằng họ đang sống “trên thùng thuốc nổ”.

Trận động đất năm 1923 xảy ra vào giờ trưa, khi nhiều gia đình đang nấu nướng. Vì vậy phần lớn nạn nhân chết là do hỏa hoạn. Bây giờ một trong những nguyên tắc đầu tiên khi bắt đầu cơn địa chấn là tắt bếp, khóa bình ga.

Người Nhật được tập luyện kỹ để đối mặt với thiên tai địa chấn. Các “máy lắc” được chở đến từng trường học để trẻ em chui vào đó và làm quen với tình trạng rung rinh như khi xảy ra động đất. Bởi thế, khi thiên tai xảy ra thì ngay cả học sinh tiểu học cũng không hoảng loạn.

Trong mỗi gia đình người Nhật đều có một chiếc va ly đựng những vật dùng tối cần thiết phòng khi gặp họa. Trong đó có cả những bộ quần áo chuyên dụng được cuộn chặt, gọn như hộp diêm. Hệ thống báo tin động đất và cảnh báo sóng thần hoạt động rất hiệu quả, trong đó có thông qua truyền hình và cả những biển quảng cáo trên đường phố.

Nguồn: Newsland

http://tamnhin.net/Sacmaucuocsong/9472/Giai-ma-su-binh-tinh-lanh-lung-cua-nguoi-Nhat.html

(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.