ĐỊNH GIỜ TRONG TỬ VI
ĐỊNH GIỜ
Lập thành một lá số, tối quan trọng là phải định đúng giờ sinh, vì nếu sai giờ thì coi như sai hoàn toàn. Cứ hai giờ đồng hồ bằng một giờ Tử Vi. Xin xem bảng dưới đây:
GIỜ ĐỒNG HỒ GIỜ TỬ VI
Từ 23:01 — 1:00 Tí
Từ 1:01 — 3:00 Sửu
Từ 3:01 — 5:00 Dần
Từ 5:01 — 7:00 Mão
Từ 7:01 — 9:00 Thìn
Từ 9:01 — 11:00 Tỵ
Từ 11:01 – 13:00 Ngọ
Từ 13:01 – 15:00 Mùi
Từ 15:01 – 17:00 Thân
Từ 17:01 – 19:00 Dậu
Từ 19:01 – 21:00 Tuất
Từ 21:01 – 23:00 Tuất
XÁC ĐỊNH GIỜ NGỌ KHÁC GIỜ ĐỒNG HỒ:
a. Cách xác định giờ Ngọ ở Ngoại Quốc theo vệ tinh
Sự thật, muốn biết đúng giờ Tử Vi không phải là đơn giản. Vì giờ Ngọ của Tử Vi là lúc mặt trời đứng bóng mà lắm lúc giờ đồng hồ lại là 11 giờ hoặc 1 giờ, cho nên thiếu thì phải cộng thêm, và dư thì phải trừ bớt. Điển hình như ở Mỹ, lệ vào tháng Tư, lúc 2 giờ sáng (2:00 a.m.) ngày Chủ Nhật của tuần lễ thứ nhì cho đến 2 giờ sáng ngày Chủ Nhật của tuần lễ cuối phải trừ đi một giờ. Thí dụ: nếu sanh 10 giờ, trong thời gian nầy, thì tính là 9 giờ. Nói chung thế giới ngày nay đa số đều dùng giờ tiệm quang này cho mỗi năm.
Trên đây mới chỉ là “lệ” cần ghi nhớ thôi. Ngoài ra các bạn cần phải vào những website dưới đây để tìm giờ Chính Ngọ (Sun Transit) theo từng Tiểu Bang và từng Thành Phố.
http://aa.usno.navy.mil/data/docs/RS_OneDay.html
http://www.wunderground.com/
Tóm lại một em bé hay một người sinh ở ngoại quốc, chúng ta cần phải biết rõ thành phố họ sinh ra mới có thể tìm chính xác giờ sinh của họ. Thí dụ:
Một em bé sinh ra ở Bakersfield California 11:15 AM sáng thì thuộc giờ Ngọ vì giờ Chính Ngọ của Bakersfield là 12:09 PM trưa, tức giờ Ngọ là 11:09-1:09. Nhưng em bé đó nếu sinh ra ở Monterey California thì lại thuộc giờ Tỵ, vì giờ Chính Ngọ ở Monterey là 12:21 PM trưa, tức giờ Ngọ là 11:21-1:21.
Tuy nhiên vấn đề này giải quyết như thế vẫn chưa phải tuyệt đối. Vì theo “aa.usnno.navy” thì trể hơn www.wunderground.com or .org 2 phút. Dĩ nhiên, “aa.usno.navy” thì đáng tin tưởng hơn vì của bộ quốc phòng Mỹ, nhưng rồi cũng sẽ không tránh được những trường hợp sinh đúng ngay giữa ranh giới của giờ này và giờ kia. Khi vấn đề này xảy ra cũng bắt buộc phải lập hai lá số để dựa theo đó mà xác định thôi.
***
Lại có người cho rằng sinh ở Mỹ thì phải đổi ra giờ Việt Nam, nhưng nói như thế là không đúng! Vì con người được hình thành do Âm-Dương, tức cha mẹ. Rồi lớn lên vẫn phải tiếp tục bị chi phối bởi Âm-Dương: trong cơ thể là sức khoẻ và bệnh tật, còn sự nghiệp bên ngoài xã hội là thời vận.
Tử Vi là môn khoa học dự đoán cuộc đời con người có hệ thống Âm-Dương hẳn hòi. Như ta biết ngày là Dương, đêm là Âm; đứa bé còn trong bụng mẹ là Âm (Dương trong Âm), khi ra khỏi bụng mẹ mới thực thụ là Dương. Vậy nên, khi đứa bé ra đời ở nơi nào thì phải dùng ngày hoặc đêm ở nơi đó mà định Âm-Dương! Nếu sinh ở Mỹ mà đổi ra giờ Việt Nam thì làm sao định Âm-Dương? Vả lại, giờ Tử Vi là giờ mặt trời như đã nói ở trên, vậy giờ Việt Nam dựa vào đâu để làm giờ chuẩn?Thật ra, Ấn Độ mới là nước đứng (giữa) trung tâm của thế giới! Vậy tại sao không dùng giờ Ấn Độ?
b. Cách xác định giờ Ngọ ở VN theo vệ tinh
Dĩ nhiên, như chúng ta đã biết, giờ Bói Toán, Tử Vi là giờ tính theo mặt trời, nên những vùng cao nguyên ở VN, chắc chắn mặt trời phải chiếu đến sớm hơn 5-10 phút so với những vùng đồng bằng thấp. Phần sau đây là theo vệ tinh nhân tạo để đo lường độ chính xác khi mặt trời đứng bóng, tôi xin làm một bảng thống kê dựa theo http://www.wunderground.com/cgi-bin/findweather/getForecast? query=Vietnam
Tôi xin bắt đầu với Sài Gòn theo ngày giờ Dương Lịch (tức ngày Tây) để mọi người tiện theo dõi.
SÀI GÒN: Mỗi Năm đều có giờ Chính Ngọ giống bảng lập thành như dưới đây
Tháng Một:
– Ngày 1-2, tháng 1, giờ Chính Ngọ là 11:56 phút. Tức là lúc 10:56 phút sáng đến 12:55 trưa là giờ Ngọ; 12:56-14:55 chiều là giờ Mùi; 14:56-16:55 chiều là giờ Thân; 16:56-18:55 phút chiều là giờ Dậu; 18:55-20:55 tối là giờ Tuất; 20:56-22:55 tối là giờ Hợi; 22:56-0:55 khuya là giờ Tí; 0:56-2:55 sáng là giờ Sửu; 2:56-4:55 sáng là giờ Dần; 4:56-6:55 sáng là giờ Mão; 6:56-8:55 sáng là giờ Thìn; 8:56-10:55 sáng là giờ Tỵ.
(Tất cả các ngày khác cứ theo cách tính giờ này đều có thể tính ra 12 giờ trong ngày).
– Ngày 3-4 tháng 1, giờ Chính Ngọ là 11:57 trưa
– Ngày 5-6 thì giờ Chính ngọ là 11:58 trưa
– Ngày 7-8 thì giờ Chính Ngọ là 11:59 trưa
– Ngày 9-11 thì giờ Chính Ngọ là 12:00 trưa
– Ngày 12-13 thì giờ Chính Ngọ là 12:01 trưa
– Ngày 14-16 thì giờ Chính ngọ là 12:02 trưa
– Ngày 17-19 thì giờ Chính Ngọ là 12:03 trưa
– Ngày 21-23 thì giờ Chính ngọ là 12:04 trưa
– Ngày 24-27 thì giờ Chính Ngọ là 12:05 trưa
– Ngày 28-31 thì giờ Chính Ngọ là 12:06 trưa
Tháng Hai:
– Ngày 1-2 thì giờ Chính Ngọ là 12:06 trưa. Tức giờ Ngọ bắt đầu từ 11:06-1:06 trưa
– gày 3-21 giờ Chính Ngọ là 12:07 trưa. Tức giờ Ngọ bắt đầu từ 11:07-1:7 trưa
– Ngày 22-28 thì giờ Chính Ngọ là 12:06 trưa
* Trường hợp gặp năm Nhuận thì ngày 29 cuối tháng giờ Chính Ngọ là 12:05 trưa.
Tuy nhiên, có sự khác biệt với những năm KHÔNG CÓ tháng 2 Nhuận. Nên chúng ta cần chú ý như sau:
– Ngày 22-27 thì giờ Chính Ngọ là 12 giờ:06 trưa
– Ngày 28 cuối tháng giờ Chính Ngọ là 12:05 trưa, thay vào chỗ ngày 29 của những năm Nhuận.
Ghi Chú: Mỗi 4 năm thì có một tháng 2 Nhuận, có ngày 29. Như năm 2004 thì tháng 2 Nhuận, có ngày 29, nên năm 1996, 2000, hoặc năm 2008 đều có tháng 2 Nhuận, có ngày 29.
Tháng Ba:
– Ngày 1-4 giờ Chính Ngọ là 12:05 trưa
– Ngày 5-8 giờ Chính Ngọ là 12:04 trưa
– Ngày 9-12 giờ Chính Ngọ là 12:03 trưa
– Ngày 13-15 giờ Chính Ngọ là 12:02 trưa
– Ngày 16-19 giờ Chính Ngọ là 12:01 trưa
– Ngày 20-22 giờ Chính Ngọ là 12:00 trưa
– Ngày 23-25 giờ Chính Ngọ là 11:59 trưa
– Ngày 26-29 giờ Chính Ngọ là 11:58 trưa
– Ngày 30-31 giờ Chính Ngọ là 11:57 trưa
Tháng Tư:
– Ngày 1-4 giờ Chính Ngọ là 11:56 trưa
– Ngày 5-8 giờ Chính Ngọ là 11:55 trưa
– Ngày 9-12 giờ Chính Ngọ là 11:54 trưa
– Ngày 13-16 giờ Chính Ngọ là 11:53 trưa
– Ngày 17-21 giờ Chính Ngọ là 11:52 trưa
– Ngày 22-26 giờ Chính Ngọ là 11:51 trưa
– Ngày 27-30 giờ Chính Ngọ là 11:50 trưa
Tháng Năm:
– Ngày 1-4 giờ Chính Ngọ là 11:50 trưa
– Ngày 5-22 giờ Chính Ngọ là 11:49 trưa
– Ngày 23-31 giờ Chính Ngọ là 11:50 trưa
Tháng Sáu:
– Ngày 1-6 giờ Chính Ngọ là 11:51 trưa
– Ngày 7-11 giờ Chính Ngọ là 11:52 trưa
– Ngày 12-15 giờ Chính Ngọ là 11:53 trưa
– Ngày 16-20 giờ Chính Ngọ là 11:54 trưa
– Ngày 21-25 giờ Chính Ngọ là 11:55 trưa
– Ngày 26-30 giờ Chính Ngọ là 11:56 trưa
Tháng Bảy:
– Ngày 1-5 giờ Chính Ngọ là 11:57 trưa
– Ngày 5-12 giờ Chính Ngọ là 11:58 trưa
– Ngày 13-31 giờ Chính Ngọ là 11:59 trưa
Tháng Tám:
– Ngày 1-7 giờ Chính Ngọ là 11:59 trưa
– Ngày 8-13 giờ Chính Ngọ là 11:58 trưa
– Ngày 14-18 giờ Chính Ngọ là 11:57 trưa
– Ngày 19-22 giờ Chính Ngọ là 11:56 trưa
– Ngày 23-26 giờ Chính Ngọ là 11:55 trưa
– Ngày 27-29 giờ Chính Ngọ là 11:54 trưa
– Ngày 30-31 giờ Chính Ngọ là 11:53 trưa
Tháng Chín:
– Ngày 1 giờ Chính Ngọ là 11:53 trưa
– Ngày 2-4 giờ Chính Ngọ là 11:52 trưa
– Ngày 5-7 giờ Chính Ngọ là 11:51 trưa
– Ngày 8-10 giờ Chính Ngọ là 11:50 trưa
– Ngày 11-13 giờ Chính Ngọ là 11:49 trưa
– Ngày 14-16 giờ Chính Ngọ là 11:48 trưa
– Ngày 17-19 giờ Chính Ngọ là 11:47 trưa
– Ngày 20-22 giờ Chính Ngọ là 11:46 trưa
– Ngày 23-24 giờ Chính Ngọ là 11:45 trưa
– Ngày 25-27 giờ Chính Ngọ là 11:44 trưa
– Ngày 28-30 giờ Chính Ngọ là 11:43 trưa
Tháng Mười
– Ngày 1-4 giờ Chính Ngọ là 11:42 trưa
– Ngày 5-7 giờ Chính Ngọ là 11:41 trưa
– Ngày 8-11 giờ Chính Ngọ là 11:40 trưa
– Ngày 12-15 giờ Chính Ngọ là 11:39 trưa
– Ngày 16-20 giờ Chính Ngọ là 11:38 trưa
– Ngày 21-28 giờ Chính Ngọ là 11:37 trưa
– Ngày 29-31 giờ Chính Ngọ là 11:36 trưa
Tháng Mười Một
– Ngày 1-7 giờ Chính Ngọ là 11:36 trưa
– Ngày 8-15 giờ Chính Ngọ là 11:37 trưa
– Ngày 16-20 giờ Chính Ngọ là 11:38 trưa
– Ngày 21-23 giờ Chính Ngọ là 11:39 trưa
– Ngày 24-27 giờ Chính Ngọ là 11:40 trưa
– Ngày 28-29 giờ Chính Ngọ là 11:41 trưa
– Ngày 30 giờ Chính Ngọ là 11:42 trưa
Tháng Mười Hai
– Ngày 1-2 giờ Chính Ngọ là 11:42 trưa
– Ngày 3-5 giờ Chính Ngọ là 11:43 trưa
– Ngày 6-7 giờ Chính Ngọ là 11:44 trưa
– Ngày 8-9 giờ Chính Ngọ là 11:45 trưa
– Ngày 10-11 giờ Chính Ngọ là 11:46 trưa
– Ngày 12-13 giờ Chính Ngọ là 11:47 trưa
– Ngày 14-15 giờ Chính Ngọ là 11:48 trưa
– Ngày 16-18 giờ Chính Ngọ là 11:49 trưa
– Ngày 19-20 giờ Chính Ngọ là 11:50 trưa
– Ngày 21-22 giờ Chính Ngọ là 11:51 trưa
– Ngày 23-24 giờ Chính Ngọ là 11:52 trưa
– Ngày 25-26 giờ Chính Ngọ là 11:53 trưa
– Ngày 27-28 giờ Chính Ngọ là 11:54 trưa
– Ngày 29-30 giờ Chính Ngọ là 11:55 trưa
– Ngày 30 giờ Chính Ngọ là 11:56
Sau đó thì quay trở lại từ đầu tức ngày 1 tháng 1 năm mới giống như năm trước.
Hà Nôi, Bắc Cần, Thanh Hóa, Vinh: Giờ ở Hà Nội, BC, TH, V trể hơn Sài Gòn 4 phút. Ví như ngày hôm nay: tháng 10 ngày 31; giờ Chính Ngọ ở Sài Gòn là 11:36 phút trưa, thì ở Hà Nội giờ Chính Ngọ là 11:40 phút trưa. Do đó, độc giả lấy bảng lập thành ở trên cho mỗi ngày của mỗi tháng, rồi cộng (+) thêm 4 phút vào thì sẽ có giờ Chính Ngọ cho Hà Nội, BC, TH, V.
Huế, Bạch Long Vĩ: Giờ ở Huế, BLV, sớm hơn Sài Gòn 4 phút. Ví như ngày hôm nay thì giờ Chính Ngọ của Huế là 11:32 phút trưa. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (-) đi 4 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của Huế, BLV.
Ban Mê Thuộc, Phan Thiết, Pleiku: Giờ ở BMT, PT, PK sớm hơn Sài Gòn 5 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (-) đi 5 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của BMT, PT, PK.
Cà Mau: Giờ ở CM trể hơn Sài Gòn 6 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (+) thêm 6 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của
Ba Xuyên, Hà Tỉnh, Vĩnh Long: Giờ ở BX, HT, VL trể hơn Sài Gòn 3 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (+) thêm 3 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của BX, HT, VL.
Cao Bằng, Nam Định: Giờ ở CB trể hơn hơn Sài Gòn 2 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (+) thêm 2 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của CB, NĐ.
Côn Sơn: Giờ ở CS trể hơn Sài Gòn 1 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (+) thêm 1 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của CS.
Đà Nẵng: Giờ ở ĐN sớm hơn Sài Gòn 6 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (-) đi 6 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của ĐN.
Đồng Hới: Giờ ở ĐH trể hơn Sài Gòn 1 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (+) thêm 1 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của ĐH.
Hoàng Sa: Giờ ở Hoàng Sa sớm hơn Sài Gòn 19 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (-) đi 19 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của HS.
Lạng Sơn: Giờ ở LS và Sài Gòn giống nhau.
Lao Cai, Phú Quốc, Sơn La: Giờ ở LC, PQ, SL trể hơn Sài Gòn 11 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (+) thêm 11 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của LC, PQ, SL.
Nha Trang, Qui Nhơn, Tuy Hòa: Giờ ở NT, QN, TH sớm hơn Sài Gòn 10 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (-) đi 10 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của NT, QN, TH.
Rạch Giá (Kiêng Giang): Giờ ở RG (KG) trể hơn Sài Gòn 7 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (+) thêm 7 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của RG (KG).
Trường Sa: Giờ ở TS sớm hơn giờ ở Sài Gòn 21 phút. Độc giả lấy bảng lập thành ở trên rồi trừ (-) đi 21 phút thì sẽ có giờ Chính Ngọ của TS.
Tôi đã cố gắng tóm tắt cách tính giờ chính xác ở VN qua các thành phố lớn, nhưng không thể tính hết các thành phố nhỏ được. Các bạn chỉ cần tìm các thành phố không có tên ở gần các thành phố có tên ở trên mà gia giảm thêm bớt một vài phút. Vấn đề cần chú ý là những thành phố ven biển nằm về phía Đông đa số có cùng múi giờ với nhau, nếu nằm lệch về phía Tây thì sẽ chậm hơn 1-2 phút… vì mặt trời mọc phương Đông.
c. Cách xác định giờ qua các giai đoạn thay đổi
Đồng thời các bạn cần chú ý những giai đoạn thay đổi theo Pháp Định ở VN. Xin trích Sách Tử Vi Hàm Số của tác giả Nguyễn Phát Lộc:
CÁC GIAI ĐOẠN THAY ĐỔI GIỜ CHÍNH THỨC
VÀ PHÁP ĐỊNH Ở VIỆT NAM
1. Ngày áp dụng : 01 – 01 – 1943 ( 25 – 11 – Nhâm Ngọ)
Giờ chính thức và pháp định : Lên một tiếng trên giờ chính thức và pháp định .
Văn kiện pháp lý : Nghị định 23 – 12 – 1942 (JOIC trang 3749) áp dụng cho toàn cõi Đông Dương .
2. Ngày áp dụng : 01 – 04 – 1945 (19 – 02 – Ất Dậu )
Giờ chính thức và pháp định : Lên thêm một tiếng nữa ( theo giờ Nhật Bản)
Văn kiện pháp lý : Nghị định 29 – 03 – 1945 (JOIC trang 04) do Tsukamoto ký .
3. Ngày áp dụng : 01 – 04 – 1947 (12 – 03 – Đinh Hợi)
Giờ chính thức và pháp định : Giờ Greenwich cộng 08 tiếng
Văn kiện pháp lý : Nghị định 08 – 03 – 1947 (JOIC trang 591) do Walluy ký áp dụng toàn cõi Đông Dương .
4. Ngày áp dụng : 01 – 07 – 1955 (12 – 05 – Ất Mùi)
Giờ chính thức và pháp định : Giờ của thời đạo thứ 07, tức là lùi lại một tiếng so với giờ trước (1947)
Văn kiện pháp lý : Dụ số 46 ngày 25 – 06 – 1955 (CBVN trang 1781) áp dụng kể từ 01 giờ sáng đêm 30 – 06 rạng 01 – 07 – 1955 tại miền Nam vĩ tuyến 17 , Ngô Đình Diệm ký
5. Ngày áp dụng : 01 – 01 – 1960 (03 – 12 – Kỷ Hợi)
Giờ chính thức và pháp định : lên một tiếng trên giờ của thời đạo thứ 07 .
Văn kiện pháp lý : Sắc lệnh số 362/TTP ngày 30 – 12 – 1959 (CBVNCH trang 62) áp dụng từ 23 giờ đêm 31 – 12 – 1959 rạng ngày 01 – 01 – 1960 tại nam vĩ tuyến 17 .
Theo sự phân chia múi giờ trên thế giớ thì toàn thể Đông Dương nằm trong múi giờ thứ 07 (thời đạo thứ 07), múi giờ chuẩn là múi Greenwich số 0 . Theo sự thay đổi trên, giờ Tử Vi qua thời gian được tính như sau :
1. Từ 01 – 01 – 1943 trở về trước (25-11-Nhâm Ngọ trở về trước)
Sinh giờ nào tính theo giờ đó .
2. Từ 1-1-1943 (25 – 11 – Nhâm Ngọ) đến 31 – 3 – 1945 (18 – 2 – Ất Dậu)
Giờ Tử Vi là giờ sinh trừ đi 01 .
3. Từ 1 – 4 – 1945 (19 – 2 – Ất Dậu) đến 31 – 3 – 1947 (11 – 3– Đinh Hợi)
Giờ Tử Vi là giờ sinh trừ đi 02 .
4. Từ 1 – 4 – 1947 (12 – 3 – Đinh Hợi) đến 30 – 6 – 1955 (11 – 5 – Ất Mùi)
Giờ Tử Vi là giờ sinh trừ đi 01 .
5. Từ 1 – 7 – 1955 (12 – 5 – Ất Mùi) đến 31 – 12 – 1959 (2 – 12 – Kỷ Hợi) .
Sinh giờ nào tính theo giờ đó .
6. Từ 1–1–1960 (3–12–Kỷ Hợi) Đến 30–4–1975 (20 – 03 – Ất Mão) ( Áp dụng từ vĩ tuyến 17 trở vào)
Giờ Tử Vi là giờ sinh trừ đi 01 .
7. Từ 1 – 5 – 1975 (21 – 03 – Ất Mão) Sinh giờ nào tính theo giờ đó , cho cả hai miền Nam và Bắc. (hết trích)
Mặc dù thời nay chúng ta có vệ tinh nhân tạo để đo lường giờ Chính Ngọ ở VN khá chính xác, mà vấn nạn giờ giấc TV vẫn chưa phải là tuyệt đối chính xác. Vì sao? Vì không ai dám chắc chắn 100% giờ đồng hồ đeo tay hay treo tường (cho dù là trong nhà thương, nơi đứa bé sinh ra) là giờ chính xác. Ai dám chắc nó không không xê xích 1-2 phút?! Nhất là những trường hợp nằm ở giữa giờ trước và giờ sau, nếu sai lệch 1 phút thôi cũng sẽ có lá số hoàn toàn khác nhau. Trong những trường hợp này thì mọi người phải đành xem 2 lá số ở 2 giờ để kiểm chứng cho chắc chắn.
Để giải quyết vấn nạn này, chúng ta cần phải biết thêm những cách sau đây để khảo tra cho chắc:
Vài phương pháp áp dụng để xác định giờ sinh cho các trường hợp ngoại lệ.
1. DÙNG XOÁY ĐẦU:
Cách tính thứ nhất:
1. Sinh giờ tứ Chính: Tý, ngọ, Mão, Dậu thì ra ngữa, xoáy lệch bên trái. Dáng người tầm thước tính trực dễ nuôi.
2. Sinh giờ tứ Sinh: Dần, Thân, Tỵ, Hợi thì ra nghiêng, xoáy lệch bên phải. Dáng người thanh cao, trắng trẻo, xão quyệt, hay nói, dễ nuôi.
3. Sinh giờ tứ Mộ: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì ra sấp 2 xoáy. Dáng béo mập, đen, mắt sáng và gan gốc, nhưng khó nuôi.
Cách tính thứ hai:
1. Tí, Ngọ, Mão, Dậu: đỉnh cư trung (ở giữa).
2. Dần, Thân, Tỵ, Hợi: tả biên tòng (bên trái).
3. Thìn, Tuất, Sửu, Mùi: hà phương kiến, hữu biên chi vị thị chân tôn (bên phải).
Không hiểu tại sao hai cách tính nầy lại trái nghịch nhau?!
Cách này cá nhân tôi từ xưa đến nay chưa bao giờ dùng, tuy nhiên vẫn khuyến khích các bạn hãy tự chứng nghiệm xem sao.
2. KINH NGIỆM CỦA CỤ THIÊN LƯƠNG:
– Phải xem tính nết và liên hệ với đại gia đình (cha mẹ, anh em) và tiểu gia đình (chồng vợ). Nhưng quan trọng nhất là người đó mệnh đóng ở cung âm hay dương. Vì người ở cung Âm (tức là ở trong thế sinh xuất cho cung dương) tính tình phóng khoáng, rộng rãi và dễ dải; ngược lại người ở cung Dương được sinh nhập nên tính tình cẩn thận, chặt chẽ và thường khó tính (vì dương thì cương – trưởng, âm thì nhu – thứ). Những sao thêm vào chỉ là phụ thuộc thừa trừ mà thôi; cũng như thêm Địa Không, Địa kiếp chỉ là phần hình thức. Điển hình như sau:
NAM:
1. Dương nam sinh giờ dương (Tí, Dần, Thìn…) là trưởng
2. Âm nam sinh giờ dương (…Ngọ, Thân…), mệnh ở cung dương (là trưởng hình thức); nếu có Không-Kiếp (là thứ đoạt trưởng bao sân)
3. Âm nam sinh giờ dương (…Tuất) ở cung âm chia cho Không Kiếp (là thứ thế trưởng lo toan cho gia đình).
4. Âm nam sinh giờ âm (Sửu, Mão…) ở cung dương (làm con trưởng bất lực nhờ con thứ lo liệu)
5. Âm nam sinh giờ âm (…Tị, Mùi…) ở cung âm (là thứ nam lo toan cả gia đình).
Nữ:
1. Dương nữ sinh giờ dương ở cung dương (là trưởng nữ bao sân, hoặc thế trưởng)
2. Dương nữ sinh giờ dương là trưởng nữ trong một ngành.
3. Dương nữ sinh giờ âm ở cung âm là thứ nữ.
4. Âm nữ sinh giờ âm ở cung âm (là thứ nữ bao sân).
5. Âm nữ sinh giờ dương ở cung âm là thứ nữ.
6. Âm nữ sinh giờ dương ở cung dương là trưởng nữ.
Những trường hợp trên nếu Mệnh, Thân gặp Không, Kiếp thì cũng chỉ thay đổi miễn cưỡng.
Cách tính này của cụ TL, cá nhân tôi tìm thấy nhiều trường hợp không đúng, nên cũng chỉ tương đối mà thôi. Tuy tôi không xài cách này nhưng vẫn khuyến khích các bạn nên tự chứng nghiệm xem sao.
Tôi sẽ cố gắng viết lại cách định giờ riêng của tôi để các bạn tham khảo.
Sau đây là vài cách tôi áp dụng, xin viết lại để các bạn tham khảo.
CĂN CỨ VÀO THỨ BẬC TRONG GIA ĐÌNH
1. Thiên Khôi: Tọa Mệnh, hay Tam hợp chiếu, bất kể sao gì thủ, vẫn làm trưởng
a. Nếu Mệnh gặp Không Kiếp và cung Huynh Đệ có Tuần Triệt là người đoạt trưởng lo toan cho gia đình, hoặc có quyền có tiếng nói trong gia đình
b. Nếu Mệnh gặp Không Kiếp làm trưởng thì thường chẳng lo gì được cho gia đình
c. Trường hợp cung Huynh Đệ có Nhật Nguyệt một thủ một chiếu, hoặc một trực xung một chiếu thì trên có anh chị đủ cả, nhưng bản thân vẫn lo lắng cho gia đình
2. Mệnh có Tử Vi:
a. Mệnh ở Thìn Tuất có Tử Vi tọa thủ hoặc trực xung, cung Huynh không có Nhật Nguyệt trực xung, thì làm trưởng. Trường hợp gặp Không Kiếp không lo gì được cho gia đinh.
b. Mệnh ở Tí Ngọ có Tử Vi tọa thủ hoặc trực xung, cung Huynh có Thái Âm Thái Dương hoặc Âm Dương trực xung thì trên có anh hoặc chị, nhưng vẫn lo toan cho gia đình
3. Mệnh có Tử Vi và Thiên Khôi thủ hay trực xung thì làm trưởng, dù cung Huynh Đệ có Nhật Nguyệt thủ hay trực xung cũng nhất định làm trưởng (nhiều trường hợp vì do anh chị ở trên mất)
4. Thiên Việt: Tọa Mệnh, hay trực xung, bất kể sao gì thủ, nếu làm trưởng là con một hoặc trên có chị dưới mình không có em; không thì sẽ là em thứ hoặc em út.
5. Trường hợp Mệnh ở Tí Ngọ, Sửu Mùi mà giáp hợp Khôi Việt vẫn xem như Khôi Việt tại Mệnh. Trường hợp Khôi Việt ở những cung khác, có giáp thì không có hợp, có hợp thì không giáp, lực không mạnh nên không tính.
Tôi tạm tóm tắt như thế, không biết còn thiếu điểm nào chăng, mong các bạn đọc nếu có chỗ nào thắc mắc xin nói tôi sẽ bổ túc thêm. Xin các bạn hãy đem hết những người trong gia đình, hoặc những người mình biết áp dụng thử để tự chứng nghiệm nhé, và nếu thấy điểm nào sai thì xin làm ơn cho biết để tôi kiểm chứng lại.
Tiếc quá, tôi viết về phần tính chất sao thủ Mệnh đã gần xong, không hiểu vì lý do gì, internet lại close, mất hết bây giờ phải viết lại, các bạn ráng chờ thêm tí nhé.
CĂN CỨ VÀO TÍNH CHẤT SAO:
Căn cứ vào tính chất các sao thủ, chiếu mệnh để xem tướng cách và đặc điểm ngõ hầu dễ xác định giờ sinh hơn.
Theo kinh nghiệm cá nhân, có thể phân loại như sau:
1. Tử, Phủ, Vũ, Tướng: Là loại người đa số nắm quyền sinh sát nếu đủ Khoa Quyền Lộc, Xương Khúc, Tả Hữu, Tứ Linh…, thường thì phúc hậu, đường bệ, uy nghi nếu sao đắc địa thủ hợp Mệnh, Thân.
a. Tử Vi: Đa số phúc hậu, tính tình cẩn trọng, tướng người vừa tầm, cân đối, da thường hơi ngâm hoặc vàng không trắng, không cao, không thuộc loại đẹp trai, nếu ở Dần Thân. Ngoại trừ người có Mệnh ở Tí, Ngọ không gặp Tuần Triệt thì tướng cao, nhưng cũng không đẹp vì thường mặt mụn hoặc sần sùi. Người gặp Tuần Triệt tại Mệnh ở Tí Ngọ thì da trắng, thanh tú, không mụn hay sần sùi, nhưng không cao. Trường hợp người gặp Tử Vi có Không Kiếp thì lại đẹp trai, nhưng Tử Vi gặp Không Kiếp là đế ngộ hung đồ, thường làm đàn anh đi trộm cướp.
– Tử Sát ở Tỵ Hợi nhờ có Thất Sát nên da trắng, trai gái đều đẹp, và mặt thường không bị mụn hay sần sùi, vì Tử Vi ở Tỵ được Thất Sát Kim tiết khí Thổ và Thiên Đồng ở Tí đắc địa nên Thổ không đến nổi khô táo tạo thành mụn nhọt. Ở Hợi thì Tử Vi vừa được Thất Sát Kim và cung Hợi Thuỷ tưới nhuận, nên Thiên Đồng ở Ngọ hãm mà không bị mụn nhọt.
– Tử Phá ở Sửu Mùi nhờ có Phá Quân Thuỷ nên trai gái đều đẹp, da hơi trắng, và mặt không mụn, nhưng tính hơi nóng nảy và dữ.
– Tử Tham Mão Dậu thì hơi dư bề ngang và hơi thiếu bề cao. Nói chung không cao và hơi mập, nhưng da không trắng, và mặt mày không mụn hoặc sần sùi, do nhờ Tham Lang mộc khắc bớt chất Thổ của Tử Vi.
– Tử Tướng Thìn Tuất cũng thấy không mụn, vì nhờ Thuỷ của Thiên Tướng. Nhưng ở đây phái nam thường đẹp trai hơn phái nữ.
Chú Ý: Đừng ngạc nhiên khi người có Tử Vi đắc địa hợp Mệnh mà “da mặt lại sần sùi hay mụn” đó là vì Thổ quá vượng và cung Tật Ách của họ có Thiên Đồng không đắc địa hoặc hãm. Nếu Tử-Vi thủ Mệnh thì Thiên Đồng bao giờ cũng ở cung Tật Ách, còn Tử-Phủ thủ Mệnh thì Tật Ách là Đồng-Cự. Cả hai trường hợp thường làm cho đương số hô, mặt mụn hay sần sùi nếu không có Tuần Triệt. Duy, người bị Tuần-Triệt tại Mệnh thì mặt lại không mụn! Nói chung những người Mệnh Kim, Hỏa, và Thổ, mà gặp phải Tử Vi ở các cung như Tí, Ngọ, Dần Thân thì rất dễ bị mụn, nếu cung Tật hay Mệnh không có Tuần Triệt.
b. Thiên Phủ: thường thì tướng người đậm, hơi có thịt, đầy đặn, trắng trẻo, thường cao lớn, hay dong dảy, mặt mày có nét hiền lành phúc hậu. Tính khí ôn lương, nhẹ nhàng hơn Tử Vi, nhưng mạnh dạn hơn CNDL. Gặp Tử Vi ở Dần Thân khó tránh bị mụn, nếu không có những cách như đã nói ở sao Tử Vi. Gặp các sao khác như Liêm Phủ, Thìn Tuất, Vũ Phủ, Tí Ngọ, vẫn đẹp đẻ, phương phi.
c. Vũ Khúc: thường tướng nhỏ con, không cao, nhưng nét cứng chắc, mặt hơi xương, nhiều nốt ruồi, tính quả quyết, hơi khó tính, hơi kiêu kỳ, mà cô độc.
d. Thiên Tướng: thường tướng cao lớn, tính nóng, có tâm Đạo, có khiếu làm thầy tu, bói toán, nhà văn, bác sĩ… nếu có Quang Quý, hay Quan Phúc. Riêng đóng ở Mão Dậu thì tướng người dong dãy vừa tầm, không mập không ốm, da hơi ngâm một chút. Còn ở Sửu Mùi thì tướng khá cao lớn.
2. Sát, Phá, Liêm, Tham: Tướng người cứng chắc, ngang tàng khí phách, gan gốc. Nếu thêm Địa Không, Địa Kiếp nữa thì họ chẳng nễ vì ai cả.
a. Thất Sát: tướng oai, tính cương, đôi khi nông nổi vì bốc đồng.Con gái có Thất Sát thường lưỡng quyền cao (gò má cao), mặt thường hơi xương.
1. Thất Sát Tí Ngọ: đắc địa da trắng, có tướng thư sinh, cạnh hàm hơi bén (mặt hơi xương lưỡng quyền hơi lộ), tướng oai, tính cương, đôi khi nông nổi vì bốc đồng. Mới nhìn hơi giống Thiên Lương, Nhật, Nguyệt, nhưng cứng chắc hơn.
2. Thất Sát Dần Thân: Tướng khá cao lớn, da hơi ngâm, không trắng, tướng bệ vệ, tính khá nóng gấp, đàn bà cũng khá dữ.
3. Vũ Sát Mão Dậu: Người không cao, xương hơi to, da hơi ngâm hoặc vàng không trắng, thường hay bị bệnh thần kinh hoặc tinh thần hơi yếu. Tính nóng gấp, gan gốc, lỳ lợm, cho dù là phái nữ cũng hơi dữ.
4. Liêm Sát Sửu Mùi: Tướng người dong dảy khá cao, da thường trắng, mặt hơi dài, tính thẳng thắn mạnh dạn.
b. Phá Quân: đắc địa da trắng nhuận, nếu hãm trắng bạch, tướng người vừa tầm, má hơi hóp mặt hơi xương, cạnh hàm hơi bén, có nét đàn anh, nghiêm nghị.
– Liêm Phá Mão Dậu tương đối cao, mặt mày đầy đặn. Ở đây thì đương số thường nói năng hơi phóng đại một tí, và hay dùng những danh từ binh lửa, hay đao to búa lớn… hoặc giống y như đang ra trận. Ví dụ: “Hắn định tung một chưởng Tử Vi với tôi, liền bị tôi oanh tạc cho tắt bếp”. Nghe người Liêm Phá nói chuyện thì thật là thú vị.
c. Liêm Trinh: tướng người hơi ốm nhưng cứng chắc, mặt hơi dài, trán có nhiều nếp nhăn, mắt hơi lội, lông mày rậm, tính khí thích tranh đấu, nóng nảy, can đảm, dũng mãnh, trung trực, liêm khiết, thẳng thắn. Nữ phái gặp Liêm Trinh thì thanh khiết, đoan chính, mà vẫn nóng.
d. Tham Lang: Mặt hơi tròn, tướng người hơi mập thịt nhưng cứng chắc và mạnh dạn, lông tóc nhiều, hoặc râu quai nón (gặp Hóa Lộc hay Riêu Y càng chắc), lòng tham dục và tình dục rất mạnh. Tham Lang luôn nhị hợp với Thiên Đồn, nên ăn vào Thiên Đồng thì hơi mập, nhưng tướng mềm, không nóng nảy và mạnh dạn như ăn vào Tham Lang. Người Tham Lang thường dễ ra mồ hôi và hơi nặng mùi.
3. Cự, Nhật: Thuộc loại công chức như Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương, nhưng ăn nói rất đanh thép.
a. Thái Dương: Nếu sáng sủa thì tướng người dong dãy, có cặp mắt to hoặc đen láy mơ huyền rất đẹp hoặc làm nổi bậc nhất trong khuôn mặt, mặt mày sáng sủa, khôi ngô tuấn tú, thông minh đỉnh ngộ, tính tình hiền lành, nhưng hoạt bát hành động nhanh nhẹn, hơi tự hào; hãm địa thì mặt mày vẫn vậy nhưng da hơi ngâm, tính tình trầm tỉnh hành động chậm rãi, giọng nói hơi nhỏ nhẹ, không mạnh dạn, kém thông minh. Ở Thân Dậu, Tuất Hợi, Tí Sửu, gặp Tuần Triệt là hay nhất. Nếu hãm địa ở những nơi khác gặp Tuần, Triệt là người có trí nhớ rất dai, nhưng lại khi thông minh khi tối tăm. Thái Dương hợp với nam, nên dù hãm địa ở Tuất Hợi Tý vẫn là một người rất đẹp trai; nhưng ngược lại đối với phái nữ thì không thuộc loại đẹp gái.
b. Cự Môn: thường da trắng, có mũi lân, mặt hay mũi thường có mụn hay sần sùi, miệng thường hô, trừ khi gặp Tuần Triệt, hay thân đóng ở nơi khác. Tướng người thường mềm mại, nhưng ăn nói đanh thép nếu đắc địa, hãm địa thì thích thị phi, hay lý tài, biện luận. Cự Môn hãm gặp Tuần Triệt thì mặt mày trắng trẻo, và mũi hay mặt không mụn hay sần sùi.
4. Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương: Dáng người mềm mại (dù là mập) và tướng thường thanh thanh (tức là thuộc loại bạch diện thư sinh).
a. Thiên Cơ: Nét mặt hiền lành, đạo đức, trai thì thư sinh, gái thì nhu mì nết na, là người nhân hậu, chí thiện. Tướng người mềm mại, da dẻ khá trắng, gò má hơi lộ hoặc má hơi hóp.
– Cơ-Lương: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thường mặt chữ điên (vuông) da trắng, mũi cao, mặt đẹp, tướng cao, nói chung là trang mỹ tử. Tính tình thanh cao, hiền lương, ngay thẳng, đạo đức.
b. Thiên Lương: mặt thanh tú, da trắng, và có cái cằm vuông
c. Thái Âm: Nếu sáng sủa thì da trắng, mặt mày đẹp đẽ, thanh tú, thông minh sáng suốt, cặp mắt to đẹp, hoặc đen láy hay mơ huyền hoặc làm nổi bậc nhất trong khuôn mặt, phái nữ gặp thì rất hợp. Phái nam gặp thì đẹp trai nhưng tính giống như “mụ”, nhất là miệng khi nói chyện hay điệu hoặc sửa nét, mặc dù đây là tính tự nhiên; nói chung có vài tính giống nữ. Nếu hãm địa tính tình trầm tỉnh hành động chậm rãi, kém thông minh, da hơi ngâm; nếu đắc địa cực kỳ thông minh, tính tình khoáng đạt hành động nhanh nhẹn, hơi tự hào. Thái Âm hãm địa hay đắc địa gặp Tuần Triệt cách luận cũng giống như Thái Dương. Nữ phái gặp Thái Âm hãm gặp Tuần Triệt, hoặc đắc địa thì đó là một người đàn bà tuyệt vời, vì nết na thuỳ mị, đoan trang, công dung ngôn hạnh đủ đầy. Thái Âm từ Mão đến Tỵ, nếu không có Tuần Triệt thì giọng nói yếu ớt vì thiếu khí lực, da hơi xanh, sức khỏe yếu kém, người thường mảnh khảnh ốm yếu.
d. Thiên Đồng: tướng thường thấp và hơi mập (nếu mập thì nhiều phúc, thường giàu có, khá giả), đặc biệt đùi và mông to (xương chậu rất to, thường trên thon nhỏ dưới bự từ mông và đùi, gặp trường hợp này đi giống y như con vịt), nếu hãm địa da đen. Mặt mày và tính tình phúc hậu, nhưng tính hay thay đổi bất thường (vì tính như con nít, chữ Đồng) như trẻ con, ưa động. Mặt và tính trẻ hơn so với tuổi. Nếu ở Mão Dậu gặp Tuần Triệt người lại mình dây, tướng dong dãy, nhưng xương chậu mông và đùi vẫn to hơn những nơi khác. Tóm lại gặp người có Thiên Đồng chỉ cần chú ý mông và đùi là biết ngay.
– Cự-Đồng: ở Sửu Mùi, tướng người hơi thấp và hay phì nộn, mông to, da đen, mặt hay mũi thường mụn, miệng hô. Nếu gặp Tuần Triệt thì da trắng, người vừa tầm, nếu là gái thì lại đẹp, hô giả, quý tướng.
Theo kinh nghiệm cho thấy: không phải lúc nào tướng người cũng giống như sao thủ Mệnh, nhưng nếu giống thì mới được hưởng những cách tốt, hoặc mới bị những cách xấu của sao ấy, (tuy nhiên tính chất của Sao thủ Mệnh thì vẫn không thay đổi mấy). Trường hợp tướng người không giống Sao thủ Mệnh, thì phải xem giống Sao nào trong tam hợp, nhị hợp, hay xung chiếu, rồi mới tính cách tốt xấu của Sao đó. Hơn nữa, trong thực tế thì tướng người cao thấp, da dẻ đen trắng, còn tuỳ thuộc vào gene duy truyền của cha mẹ, và sự phát triển ăn uống lúc nhỏ. Đây chỉ là những nét đại cương, không thể nào hoàn toàn chính xác bất di bất dịch được!
Điểm tôi mong mỏi các bạn tập là, làm thế nào trước khi các bạn lập lá số cho một người hãy tập quy tạng người của họ xem thuộc loại TPVT, SPLT, CNDL, hay CN…,. Sau khi tập hoài thành thói quen, và xác suất lên được 60-70% thì tiếp theo đó, các bạn hãy xem nét mặt và tướng người cho thật kỹ rồi tự đặt sao chính tinh, cũng như một số bàng tinh vào cung Mệnh xem có thể đúng được bao nhiêu phần trăm. Tôi tin rằng nếu các bạn cứ tập như vậy một thời gian các bạn sẽ ngạc nhiên, với sự chính xác mà các bạn có thể làm. Ngày trước khi tôi xem số ai đều đặt sao trước khi xem số, hoặc khi gặp một người có nét hay tướng lạ, hoặc có cách ăn nói, hay cữ chỉ lạ, tôi đều tìm đủ mọi cách để xin cho được lá số về nhà nghiên cứu. Tất cả những gì viết ở trên là do tôi ráng nhớ lại những kinh nghiệm tôi đã xài cách đây 6 năm trước, tiếc là vì hơn 6 năm nay tôi hiếm khi xem Tử Vi mặt đối mặt như ngày xưa, cho nên không nhớ hết và không thể nào đầy đủ được vì đã quên dần theo thời gian. Tôi sẽ tiếp tục cố nhớ lại và nghiên cứu thêm, đồng thời cũng mong các bạn có những tướng cách hay, chia xẻ để chúng ta cùng học hỏi. Đối với tôi đây là một vấn đề lý thú nhất.
(Dẫn theo trang vietbao1623.blogspot.com)