Đính chính hộ mùa xuân

Lời nói đầu:

Cứ Tết đến thì Xuân phải sang?! Ai cũng tưởng là như vậy, nhưng sự thật lại không luôn như thế. Có lẽ nếu chúng ta muốn thực sự thoát Trung, thì phải bắt đầu từ việc cụ thể này chăng?

Trích dẫn từ quyển Hồi ký “Giáo sư Nguyễn Xiển – cuộc đời và sự nghiệp” nhân dịp ngày sinh của Ông – “Nhà khí tượng nhân dân” 27-7-1907 – 277-2019.

Dành cho người đọc chậm.

NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN LÀ MỘT NGÀY DI ĐỘNG SO VỚI VĂN CHƯƠNG SÁCH VỞ

Theo lịch 24 tiết, đầu mùa Xuân là ngày lập Xuân mồng 4 tháng Hai dương lịch. Nó đến 45 ngày sau Đông chí là giữa mùa Đông, ngày ngắn nhất, đêm dài nhất và 45 ngày trước Xuân phân là giữa mùa Xuân, ngày đêm bằng nhau. Mặt trời mọc ở chính Đông. Xác định mùa Xuân theo sự di chuyển của Mặt trời như vậy là có căn cứ. Âm lịch không thể nào làm được như vậy. Bất cứ một ngày nào của âm lịch cũng là một ngày di động. Nó không ứng với một vị trí nhất định nào của Mặt trời, mà xê dịch trong một khoảng dài đến một tháng. Ngày mồng một tháng Giêng âm lịch có vị trí trung bình là ngày lập Xuân mồng 4 tháng Hai dương lịch. Nó có thể đến trước lập Xuân 15 ngày tức là vào tiết Đại hàn 21 tháng Giêng dương lịch hoặc sau lập Xuân 15 ngày tức là vào tiết Vũ Thủy 20 tháng Hai dương lịch. Nếu đến sớm vào tiết Đại hàn thì còn là mùa Đông, trời lạnh phải mặc áo bông. Nếu đến muộn vào tiết Vũ Thủy thì sang Xuân rồi, trời đã ấm. Vậy ngày Tết không phải là một ngày cố định như một ngày tiết. Nó có thể đến sớm hay muộn so với thời tiết khí hậu. Ví dụ hoa anh đào nở không phải năm nào cũng đúng vào dịp Tết vì số ngày nó tiếp thu ánh sáng Mặt trời tính đến Tết không phải bằng nhau. Ta tưởng nó sớm hay muộn là do ta dùng âm lịch. Nếu dùng dương lịch thì nhận định có thể khác. Trong việc định thời vụ nông nghiệp, nếu dùng âm lịch lấy một ngày âm lịch, ví dụ là ngày Tết, làm giới hạn cuối cùng để cấy lúa chiêm là đặt ra một thứ thời vụ di động mà ta không biết là di động. Mặt trời không theo sự di động ấy, cho nên thời vụ đặt theo âm lịch thường sai, đưa đến thất bát.

CÁC MÙA TRONG VĂN CHƯƠNG SÁCH VỞ

Các cụ đời xưa coi ngày Tết, mồng Một tháng Giêng âm lịch, là ngày đầu mùa Xuân, cho nên cũng gọi nó là Xuân Nhật.

Mùa Xuân gồm ba tháng Giêng, Hai, Ba.

Mùa Hạ gồm ba tháng Tư, Năm, Sáu.

Mùa Thu gồm ba tháng Bảy, Tám, Chín.

Mùa đông gồm ba tháng Mười, Một, Chạp.

Những câu thơ của Nguyễn Du:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Thói quen gọi ngày rằm tháng Tám là Tết Trung thu cũng xuất phát từ cách tính đó. Cách tính đó căn cứ hoàn toàn vào âm lịch. Ngày đầu năm âm lịch di động như đã thấy ở trên thì tất cả các ngày âm lịch đều di động, các mùa xuân cũng di động không phải do trời, đất, mà do lịch.

Ta hãy xét ngày Trung thu. Nó di động trong khoảng từ tiết Bạch lộ 7 tháng Chín đến tiết Hàn lộ 8 tháng Mười dương lịch. Trong văn chương, người ta ca tụng đêm Trung thu trăng tròn, trời trong, gió mát… Thực tế ở nước ta còn là mùa mưa, bão, ở Bắc Bộ là cuối mùa, ở Trung Bộ đúng giữa mùa. Vì thế, ngày Tết chơi trăng ở nước ta ít khi thấy trăng trong, gió mát, mà hay có nhiều mây hoặc mưa.

Theo lịch 24 tiết thì ngày Trung phân 23 tháng Chín dương lịch mới là ngày giữa Thu. Năm nào cũng vậy, 45 ngày trước Thu phân, Mặt trời ở phương Bắc; 45 ngày sau Thu phân, Mặt trời ở phương Nam. Ngày Trung thu theo âm lịch, ít khi trùng với Thu phân, mà phần nhiều đến trước hoặc sau. về mặt thời tiết khí hậu, ở Bắc Bộ nước ta, chơi trăng rằm tháng Chín tốt hơn rằm tháng Tám, bởi vì tháng Chín âm lịch tương đương với tháng Mười dương lịch, mưa đã giảm nhiều, trời tốt hơn. Nhưng hoa quả để bày cỗ cho trẻ em thì tháng Tám có nhiều hơn.

Đọc văn chương cổ điển tả các mùa, thật khó nhận ra khí hậu của nước ta. Xin đơn cử bài “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du mà giá trị về mặt văn học đã được nhất trí công nhận.

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô.

Não người thay buổi chiều thu

Ngàn lau nhuốm bạc, lá khô rụng vàng.

Đường bạch dương, bóng chiều man mác,

Dịp đường lên lác đác sương sa…

Đúng là tháng Bảy âm lịch thuộc về mùa mưa ở nước ta, có năm mưa dầm sùi sụt. Nhưng tháng Bảy cũng còn là mùa nóng, chưa có heo may lạnh buốt, chưa có sương giá. Ở nước ta không có các loại cây ngô đồng, bạch dương, đường lê nên ta cảm thấy phong cách mô tả trong bài văn xa lạ, không giống phong cảnh nước ta. Rõ ràng Nguyễn Du đã phỏng theo quang cảnh mùa Thu Trung Quốc. Tóm lại, các mùa theo âm lịch không theo các tiết. Những năm nhuận thì có mùa dài, chênh lệch nhiều đến bốn tháng cùng với các mùa thiên văn. Các mùa tả cảnh trong văn học cổ điển đều phỏng theo thời tiết khí hậu của Trung Quốc, không phù hợp hoàn toàn với các mùa ở nước ta.

DÙNG ÂM LỊCH KHÓ XÉT ĐOÁN THỜI TIẾT VÀ MÙA MÀNG

Bất cứ một ngày âm lịch nào cũng là một ngày di động so với Mặt trời. Không thể xác định cho một ngày âm lịch một vị trí nhất định trên đường đi của Quả đất đối với một ngày dương lịch. Một ngày âm lịch có thể khác ngày này năm trước, như ba mươi ngày trong một tháng dương lịch khác nhau.

Ngày Tết Nguyên đán có thể đến vào mùa Đông hay vào mùa Xuân. Ngày mồng một tháng Bảy âm lịch có thể đến vào mùa Hạ hay mùa Thu. Do đó, không thể căn cứ vào ngày tháng âm lịch mà xét đoán thời tiết và mùa màng.

Ví dụ mấy năm liền có mưa dầm vào rằm tháng Bảy. So với Mặt trăng thì đều là những ngày rằm. Nhưng so với Mặt trời thì rằm tháng Bảy năm sau có thể sớm hơn rằm tháng Bảy năm trước 11 ngày hoặc muộn hơn 20 ngày nếu năm đó có nhuận trước tháng Bảy. Vậy là những ngày khác nhau. Căn cứ vào ngày tháng âm lịch để so sánh thời tiết năm nay với các năm trước mà người ta còn nhớ được thì thường phát hiện ra mưa, gió, nóng, rét hoặc sớm hoặc muộn. Trong các thất thường đó, có nhiều cái do lịch gây ra mà ta không biết, lịch muộn thì ta tưởng mùa sớm, lịch sớm thì ta tưởng mùa muộn. Còn những cái ta cho là bình thường vì xảy ra cùng một ngày theo âm lịch lại có thể thất thường so với dương lịch.

Các mùa khí hậu, mùa rét, mùa nóng, mùa khô đều là những mùa kéo dài. Các thời kỳ vật hậu như mùa hoa xoan, hoa phượng, hoa nhãn, hoa bưởi v.v… thì mau qua. Đặc biệt đối với mùa màng, cụ thể là các thời kỳ cây lúa phát triển, nếu nhận định sai sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch. Thí dụ vụ mùa năm 1965, tháng Chín âm lịch đến sớm vào cuối tháng Chín dương lịch, nhiều người thấy lúa chưa trỗ thì cho là lúa mùa chín chậm, do đó đốc thúc gieo mạ chiêm sớm quá, lại gặp một mùa Đông ấm quá, làm cho mạ chiêm lốp nhiều. Vụ màu năm nay 1968, âm lịch có nhuận hai tháng Bảy, ngày tháng âm lịch trước tháng Bảy thì sớm quá, sau tháng Bảy lại chậm quá, tháng Chín âm lịch đến vào tuần ba tháng Mười, nếu như lúa mùa đến lúc đó mới chín thì sẽ chậm quá.

Những tác hại cụ thể của việc dùng âm lịch trong sản xuất nông nghiệp đã được các nhà nông học xác nhận. Nhưng cho đến nay trong nông nghiệp, chuyển biến vẫn chậm, như trong vụ Đông Xuân 1965-1966, thời vụ gieo và cấy tính theo âm lịch sớm quá, làm cho một số nơi mất mùa. Nhìn chung, còn dùng âm lịch thì đến năm nhuận lại gặp khó khăn. Tại sao trước đây nông dân ta quen nói: “Năm nhuận mất mùa, đói kém”. Không phải vì trời đất dành cho các năm nhuận những thiên tai gì khác thường, mà chính vì lịch đang đi mau quá, đột nhiên chậm lại. Nếu không biết điều chỉnh thời vụ, mà cứ làm ăn như các năm thường thì nhất định sẽ đi đến thất bát. Chừng nào mà nông dân ta chưa bỏ hẳn tập quán dùng âm lịch thì không tránh khỏi các khó khăn, bất tiện mà thứ lịch ấy gây ra.

Từ hoà bình lập lại, năm 1954, Ngành khí tượng phải cùng Ngành nông nghiệp xác định thời vụ cây trồng để giành được mùa. Thời ấy, nông nghiệp miền Bắc còn theo tập quán cổ truyền, một năm làm hai vụ: Vụ chiêm là vụ tháng Năm và vụ mùa là vụ tháng Mười, theo âm lịch. Do âm lịch có năm ngắn, năm dài; ba năm, một năm nhuận; năm năm, hai năm nhuận; mỗi năm nhuận dài thêm một tháng nên việc xác định thời vụ theo ngày, tháng âm lịch rất khó. Những năm thường đã khó, những năm nhuận càng khó. Đó là nguyên nhân gây mê tín: Năm nhuận mất mùa. Dương lịch thì năm nào cũng dài bằng nhau, trừ năm nhuận. Bốn năm một lần thêm một ngày, tháng và các mùa trong một năm không thay đổi. Báo Khoa học thường thức của Hội phổ hiến khoa học kĩ thuật đã đăng nhiều bài về vấn đề xác định thời vụ cây trồng theo dương lịch. Tôi đã đúc kết lại thành một cuốn sách nhỏ, mang tên là “Vì sao nên dùng dương lịch”, xuất bản năm 1966, tái bản năm 1976. Cuốn sách này đã kết luận: Trong nông nghiệp nên bỏ hẳn âm lịch và dùng dương lịch.

(Trong khi làm khí tượng, tôi có một ham mê là nghiên cứu lịch và cải cách lịch. Ngay thời kỳ ở đài Phủ Liễn, trước cách mạng tháng Tám, tôi đã đóng góp một số bài trên báo Khoa học có tính chất phổ biến về kỹ thuật quan sát thời tiết, đo đếm thời gian, tính toán lịch thiên văn, đặc biệt có viết một bài Lược khảo về lịch Tàu. Trong bài nghiên cứu này, tôi đã nhận xét lịch Tàu cũng đã được cải tiến nhờ sử dụng số liệu và phương pháp tính toán của thiên văn học phương Tây cận đại nên đã chuyển cách tính từ theo giờ kinh tuyến Bắc kinh 116 độ 28 phút 15 giây sang giờ múi thứ 8 có kinh tuyến trung tâm 120 độ đi qua gần Bắc kinh. Một điểm nhận xét nữa là lịch Tàu tính ngày, tháng, năm theo vòng giáp tý là cách đếm riêng của người Trung Hoa nhưng trên thực tế cái vòng giáp tý ấy không thể biểu diễn một quy luật nào của trời đất, không bao giờ lịch sẽ lặp lại như cũ sau một vòng 60 năm. Mấy ý kiến sơ bộ đó có thể đã gợi ý cho việc cải cách lịch ta theo múi giờ thứ 7 mấy chục năm về sau. Nhất là việc dùng âm lịch cổ truyền theo tập tục mà ai cũng dễ thấy chứa đựng nhiều điều mê tín dị đoan, gây ra những trở ngại lạc hậu trong đời sống thường nhật và trong sản xuất nông nghiệp.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khôi phục lại cách tính lịch ta theo lịch Tàu nhưng tính theo giờ chính thức của nước ta, tức là múi giờ thứ 7 theo hệ thông múi giờ quốc tế ngoài việc chính thức dùng dương lịch trong mọi quan hệ Nhà nước và công cộng. Ngay từ đầu Nhà nước ta đã nâng cao tính độc lập và khoa học. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp đã lấy múi giờ thứ 8 (để tiết kiệm điện còn thiếu) và khi phát xít Nhật chiếm đóng nước ta thì lại áp đặt giờ Tôkiô tức là múi giờ thứ 9. Vì nước ta có tập tục tính ngày Tết Nguyên Đán, các ngày kỷ niệm lịch sử dân tộc, một số ngày lễ cổ truyền theo âm lịch, nhưng là âm lịch tính theo múi giờ thứ 7 trên nguyên tắc cơ bản là lịch phải phù hợp với vị trí địa lý của nước nhà. Việc tính đối chiếu lại ngày, tháng năm dương lịch và âm lịch từ 1968 trở đi đến hết thế kỷ 20 theo lịch mới là một bước cải tạo mà kết quả đưa đến sự kiện Tết Ất Sửu năm 1985 tới sớm hơn một tháng so với lịch cũ. Chỉ thị ngày 19 tháng Mười năm 1984 của Hội đồng bộ trưởng đã giải thích tường tận việc này, góp phần trừ bỏ các định kiến sai lệch còn tồn tại. Trên báo Nhân dân số ra ngày 11 tháng Mười 1984, tôi đã viết bài Lịch ta từ Tết Mậu Thân đến Tết Ất Sửu để trình bày những cơ sở hợp lý của vấn đề trên.

Trong quá trình nghiên cứu cải cách lịch, tôi luôn luôn giữ ý kiến chỉ thống nhất dùng dương lịch (lịch Grêgoa) theo xu hướng chung của thời đại, bỏ việc dùng đồng thời cả hai thứ dương lịch và âm lịch, trong trường hợp chưa bỏ hẳn được thì phải cải cách âm lịch. Vì vậy tôi đã viết và cho xuất bản cuốn sách Vì sao nên dùng dương lịch? trong năm 1968, cùng lúc với tập sách Lịch thế kỷ XX. Tôi coi lịch là một công cụ về tư tưởng và văn hóa, cần không ngừng cải cách cho phù hợp với sự phát triển của đất nước, của nền văn minh hiện đại)…

TẾT NGÀY NÀO

… Tôi cũng còn mong muốn ngày Tết của ta chuyển sang dương lịch để cho thích hợp với đời sống hiện đại. Ngày nay sinh hoạt cá nhân, gia đình, xã hội đều phải theo một thứ lịch thống nhất, đó là dương lịch (Grêgoa) mà quốc tế đã thừa nhận. Ngày Tết ảnh hưởng đến sản xuất và hoạt động của cả nước. Nhà nước phải có kế hoạch phân phối lương thực, thực phẩm, hàng hoá, điều phối giao thông vận tải, thông tin liên lạc, bảo đảm điện, nước, giữ gìn trật tự an ninh v.v… Mọi ngành, mọi tập thể phải có kế hoạch tổ chức Tết đúng ngày, tháng thống nhất. Do đó, ngày Tết Nhà nước phải qui định là một ngày theo dương lịch để thuận tiện cho việc tính toán kế hoạch từng năm và dài hạn. Ngày Tết Âm lịch vốn gắn với phương thức sản xuất nông nghiệp thô sơ của thời phong kiến cổ đại nay cũng cần cải tiến cho thích hợp.

Vậy ngày Lập xuân cũng thế, sự việc đó chứng tỏ ngày này cũng như 24 ngày tiết (mà các cuốn âm lịch cổ truyền đều ghi) là những ngày dương lịch, năm nào chúng cũng trở lại đúng vào những ngày, tháng nhất định của dương lịch. Tôi phải nhắc lại điều đó vì nhiều người cứ tưởng nhầm rằng các ngày tiết như Lập xuân, Lập thu v.v… là những ngày âm lịch. Cuốn sách tôi viết coi lịch 24 tiết là một thứ dương lịch độc đáo mà các nhà khoa học cổ đại Trung Quốc đã gắn vào âm lịch cổ truyền để đáp ứng yêu cầu xác định thời vụ nông nghiệp theo các mùa… Ngày nay, nếu chỉ đạo cấy lúa chiêm trưởc Lập xuân, cấy lúa mùa trước Lập thu là theo ngày dương lịch. Sản xuất và đời sống ngày nay đều đã được kế hoạch hóa theo ngày, tuần, tháng dương lịch, không cần biết ngày, tháng âm lịch nữa….Nếu muốn biết các tuần trăng thì lịch phổ thông có thể ghi các ngày không có trăng, ngày trăng tròn và các ngày thiên văn khác như nguyệt thực, nhật thực v.v… mà các lịch thiên văn nào cũng có ghi.

Tôi nhớ lại những lần đến thỉnh thị Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề lịch. Tôi rất cảm kích trước việc Người giao cho Hội đồng Chính phủ quyết định cải cách lịch theo đề nghị của Nha khí tượng. Xin nói là tôi không dừng lại ở đó, mà đã đưa ra đề nghị táo bạo: Bỏ hẳn âm lịch trong đời sống hằng ngày, chuyển ngày Tết cổ truyền sang một ngày dương lịch, theo tôi, đó là ngày Lập xuân, ngày 4 tháng Hai hoặc ngày tháng 3 tháng Hai, ngày kỉ niệm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đề nghị không được chấp nhận.

Có lần tôi đề đạt thêm ý kiến: ngày Tết âm lịch hiện nay cũng là theo tục lệ mà các Hoàng đế Trung Quốc đặt ra và nhiều lần thay bắt dân phải theo. Theo ý kiến của tôi, ngày đó không có ý nghĩa gì lắm về mặt lịch sử, chính trị và khoa học, ta có thể chọn ngày tiết lập xuân, cố định vào ngày mồng 4 tháng Hai dương lịch hằng năm, làm ngày Tết dân tộc. Bác Hồ đã khuyên tôi chưa nên đặt vấn đề quá sớm, Bác nói: “Nhân dân ta đang phải tập trung chống Mỹ, cứu nước. Vả lại, cả hai miền Nam – Bắc còn theo phong tục nấu bánh chưng ăn tết”. Đây là một bài học đối với tôi: có những điều cấp tiến trong đầu óc người trí thức khoa học còn phải biết kiên trì chờ đợi ý thức thay đổi của quảng đại quần chúng nhân dân.

Tư tưởng cải cách lịch sử của tôi đã ít nhiều bắt gặp những tâm hồn đồng điệu thuộc các thế hệ khác nhau. Trước hết là cụ Lê Thước, người thầy cũ của tôi ở trường Quốc học Vinh. Trong bài nghiên cứu có đầu đề là Thuyết Copernic và các nhà nho ta hồi đầu thế kỷ này (đăng trong tập sách kỷ niệm Nhà bác học Ba Lan vĩ đại Nicolas Copernic của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật ở Hà Nội năm 1973), cụ đã nhận xét thấy lịch làm dưới thời triều Nguyễn tuy theo âm lịch về ngày, tháng, nhưng về thời tiết thì lại theo năm dương lịch. Cụ cho rằng tổ tiên ta đã biết áp dụng nhiều hiểu biết thiên văn học vào thực tế nước nhà một cách tài tình và thiết thực, kể cả trong việc đánh giặc và phân định bờ cõi.

Học giả Hoàng Xuân Hãn đã tổng kết, tìm tòi công phu và sáng tạo lịch sử làm lịch Việt Nam từ thời phong kiến cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945. Tôi được đọc qua bài Lịch và Lịch Việt Nam đăng trong số đặc biệt của tập san Khoa học xã hội do Hội người Việt Nam tại Pháp xuất bản ở Paris năm 1982; có nhiều điểm trong bài đó tôi tán đồng và hoan nghênh. Đặc biệt sau này được xem bài của ông ấy viết về Tết Ất Sửu 1985, tôi đã viết bài hoan nghênh nhận định của ông ấy về ý nghĩa khoa học và chính trị của việc tính lịch ta theo giờ chính thức của nước ta. Về thế hệ tốt nghiệp các trường đại học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, có thể kể đến Nguyễn Mậu Tùng, người chủ chốt tính lại lịch mới của ta trong Lịch thế kỷ XX và một số bạn trẻ khác.

Có lẽ tôi đã hơi sa đà vào chuyện cải cách lịch trong tập hồi ký này. Biết làm sao được, thời gian là nhân tố quan trọng bậc nhất của lịch sử và của đời người. Lịch với chức năng đo đếm thời gian và gắn liền với chuyện thời tiết không khỏi là niềm say mê thích thú của một người làm công tác khí tượng thủy văn. Xin mọi người hãy rộng lượng coi đó như một thứ bệnh nghề nghiệp. Hơn nữa tôi ghi lại với lòng mong mỏi sâu xa rằng thế hệ trẻ hiện nay và tương lai sẽ tiếp tục sự nghiệp cải cách và hoàn thiện lịch nước ta, quyết tâm đổi mới lịch và cuộc sống trong một thế giới đổi mới.

(Trích dẫn từ nhiều phần trong hồi ký “Giáo sư Nguyễn Xiển – cuộc đời và sự nghiệp”).

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.