Chương 36: Quẻ THIÊN SƠN ĐỘN
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
::|||| Thiên Sơn Độn (遯 dùn)
Quẻ Thiên Sơn Độn, đồ hình ::|||| còn gọi là quẻ Độn (遯 dun4), là quẻ thứ 33 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn hay Núi (山).
* Ngoại quái là ☰ (||| 乾 qian2) Càn hay Trời (天).
Giải nghĩa: Thoái dã. Ẩn trá. Lui, ẩn khuất, tránh đời, lừa dối, trá hình, có ý trốn tránh, trốn cái mặt thấy cái lưng. Báo ẩn nam sơn chi tượng: tượng con báo ẩn ở núi nam.
Hể ở lâu thì phải rút lui, lánh đi, hết ngày thì tới đêm, hết đông tới xuân, ngồi lâu phải đứng dậy, già rồi nên về hưu .., cho nên sau quẻ Hằng (lâu) tới quẻ động (là trốn lánh đi).
Thoán từ
遯: 亨, 小利貞.
Độn: Hanh, tiểu lợi trinh.
Dịch: Trốn lánh đi thì hanh thông; trong các việc nhỏ, giữ được điều chính thì có lợi.
Giảng: Trên là trời, dưới là núi: ở chân núi thì thấy đỉnh núi là trời, nhưng càng lên càng thấy trời lùi lên cao nữa, tới đỉnh núi thấy trời mù mịt tít vời, như trời trốn lánh núi, cho nên đặt tên quẻ là Độn.
Quẻ này hai hào âm ở dưới đẩy bốn hào dương lên trên, có cái tượng âm (tiểu nhân) mạnh lên, đuổi dương (quân tử) đi, trái hẳn với quẻ Lâm. Độn thuộc về tháng 5, Lâm thuộc về tháng 12.
Ở thời Động, âm dương tiến mạnh, dương nên rút lui đi là hợp thời, được hanh thông (có thể hiểu là : đạo quân tử vẫn hanh thông). Tuy nhiên âm mới có 2, dương còn tới 4, chưa phải là thời Bĩ (cả 3 âm đều tiến lên), nên chưa đến nỗi nào, trong các việc nhỏ, giữ được điều chính thì còn có lợi, còn làm được.
Sở dĩ chưa đến nỗi nào, còn hanh thông vì trong quẻ có hào 5, dương, ứng với hào 2, âm; cả hai đều trung chính. Vậy ở thời đó, chưa nên trốn hẳn, nên tính xem việc nào còn làm được thì làm, tùy cơ ứng biến, cho nên Thoán truyện bảo lẽ tùy thời trong quẻ Độn này rất quan trọng.
Đại tượng truyện khuyên trong thời này quân tử nên xa lánh tiểu nhân, cứ giữ vẻ uy nghiêm, đừng dữ dằn với chúng quá.
Hào từ
1 初六: 遯尾, 厲, 勿用有攸往.
Sơ lục: độn vĩ, lệ, vật dụng hữu du vãng.
Dịch: Hà 1, âm: Trốn sau cùng, như cái đuôi, nguy đấy, đừng làm gì cả.
Giảng: Hào ở dưới cùng, nên ví với cái đuôi ở lại sau cùng. Nó là âm, nhu nhược, hôn ám, không trốn theo kịp người, còn rù rờ ở sau, nên bảo là nguy.
2. 六二: 執之用黃牛之革, 莫之勝說.
Lục nhị: chấp chi dụng hoàng ngưu chi cách, mạc chi thăng thoát.
Dịch: Hào 2, âm: Hai bên (hào 5 và hào 2) khăng khít (bền chặt) với nhau như buộc vào nhau bằng da bò vàng, không thể nào cởi được.
Giảng: hào 2 âm, đắc trung đắc chính, ứng với hào 5 dương cũng đắc trung đắc chính, cho nên tương đắc, khắng khít với nhau, không thể rời nhau được, 2 không thể bỏ 5 mà trốn được.
Màu vàng (da bò vàng) là màu trung, ám chỉ hai hào đó đều đắc trung.
3. 九三: 係遯, 有疾厲, 畜臣妾, 吉.
Cửu tam: Hệ độn, hữu tật lệ, súc thần thiếp, cát.
Dịch: Hào 3, dương, lúc phải trốn mà bịn rịn tư tình thì nguy; nhưng nuôi kẻ tôi tớ trai gái thì tốt.
Giảng: Hào dương này ở gần hào 2 âm, có vẻ bịn rịn tư tình với hào đó, không thể trốn mau được, như bị bệnh mà nguy; có tư tình đó thì không làm được việc lớn, chỉ nuôi bọn tôi tớ trai gái mình tốt với họ thì họ vui lòng mà dễ sai khiến, được việc cho mình.
Bốn chữ “súc thần thiếp, cát” tôi hiểu theo Phan Bội Châu; Chu Hi giảng rất mù mờ, lúng túng; J. Legge giảng là: nếu 3 đổi hào 2, như nuôi tôi tớ trai gái thì tốt. R. Wilhem giảng là 3 vẫn giữ được sự tự quyết, đừng để cho hào 2 sai khiến mình thì tốt.
4. 九四: 好遯, 君子吉, 小人否.
Cửu tứ: Hiếu độn, quân tử cát, tiểu nhân phủ.
Dịch: Hào 4 dương: Có hệ lụy với người, nhưng trốn được, quân tử thì tốt, tiểu nhân thì không.
Giảng: Hào này cũng tối nghĩa; chữ 好 có người đọc là hảo , chữ 否 có người đọc là bĩ, vì vậy có nhiều cách hiểu, với hào 1 âm nhu, có tình thân thiết (hệ lụy) với nhau; nhưng 4 là quân tử, 1 là tiểu nhân , 4 cắt được tư tình mà trốn đi, theo lệ phải (chính nghĩa); chỉ hạng quân tử mới làm vậy được, tiểu nhân thì không .
5. 九五: 嘉遯, 貞吉.
Cửu ngũ: gia độn, trinh cát.
Dịch: Hào 5, dương, trốn mà theo điều chính cho nên tốt.
Giảng: Hà 5, dương có đức trung chính, ứng với hào 2 cũng trung chính, ở thời Độn, cả 2 hào trung chính dắt nhau trốn bọn tiểu nhân, giữ được điều chính, cho nên tốt.
6. 上九: 肥遯, 无不利.
Thượng cửu: Phi độn, vô bất lợi.
Dịch: Hào trên cùng, dương: trốn mà ung dung, đàng hoàng, không có gì là không lợi.
Giảng: Vào lúc cuối thời Độn, càng trốn được xa càng được tự do. Hào này dương cương quân tử, không bịn rịn với hào nào cả (vì hào 3 cũng là dương), có thể ung dung, đàng hoàng trốn được, không nghi ngại gì cả.
***
Ý nghĩa quẻ Độn: trốn phải hợp thời; trốn sau cùng là trễ, thì nguy (hào 1) trốn mà còn vương tư tình thì xấu (hảo 3); trốn một cách trung chính thì tốt (hào 5); trốn mà không bịn rịn thì được ung dung (hào 6) . Lại có trường hợp vì hoàn cảnh mà không được trốn đi (hào 2).
“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
33. 天 山 遁 THIÊN SƠN ĐỘN
Độn Tự Quái | 遁 序 卦 |
Hằng giả cửu dã. | 恆 者 久 也 |
Vật bất khả dĩ cửu cư kỳ sở. | 物 不 可 以 久 居 其 所 |
Cố thụ chi dĩ Độn. | 故 受 之 以 遁 |
Độn giả thoái dã. | 遁 者 退 也 . |
Độn Tự Quái
Hằng là bền vững cửu trường,
Vật đâu ở mãi, ở thường một nơi?
Cho nên Độn mới tiếp ngôi,
Độn là lui gót, tùy thời tránh đi.
Kinh Dịch có một mục đích chính yếu là dạy cho con người biết xuất xử, hành tàng. Đại khái Dịch cho rằng, khi nào thời thế thuận tiện, quân tử có cơ hưng phấn, đạo lý có thể mang ra thi hành, thì người quân tử nên xuất đầu, lộ diện, góp mặt, góp công với đời; còn như gặp khi thời thế đảo điên, tiểu nhân lộng hành, thời lúc ấy người quân tử nên qui ẩn.
Quẻ Khôn nói: Thiên địa bế, hiền nhân ẩn.
Đất trời mà gàng quải, thời hiền nhân nên qui ẩn. (Khôn, Văn Ngôn, Hào bốn)
Quẻ Độn cũng không ngoài chủ trương đó; đại khái nói rằng: Khi thanh thế tiểu nhân đang lên, người quân tử nên biết rút lui cho hợp thời, đúng lúc, như vậy mới là biết cơ trời. Độn có nhiều nghĩa:
– Độn là qui ẩn.
– Độn là xá lánh tiểu nhân.
– Độn là lánh nạn, v.v…
I. Thoán.
Thoán Từ.
遁 . 亨 . 小 利 貞 .
Độn. Hanh. Tiểu lợi trinh.
Dịch.
Rút lui ẩn lánh mới hay,
Ở ăn chính đáng, lợi nay vẫn còn.
Thoán Từ viết: Độn. Hanh. Tiểu lợi trinh. Trình Tử và Chu Tử giải mỗi người một cách. Trình Tử cho rằng: Thoái tàng để giữ cho đạo lý được chu toàn. Người quân tử gặp lúc tiểu nhân đang lên, vẫn có thể khéo xử mà vớt vát, vãn hồi tình thế được phần nào. Như vậy ba chữ Tiểu lợi trinh có nghĩa là làm việc lớn không lợi, làm việc nhỏ cũng còn có lợi. Chu Hi giải chữ tiểu là tiểu nhân, và cho rằng: lúc đang gặp thời mà tiểu nhân giữ được chính đạo cũng lợi.
Các nhà bình giải Dịch, thường theo một trong hai cách này: Kiến An Khâu thị cho rằng: Độn. Hanh là khuyên quân tử nên rút lui, để mọi sự được êm đẹp (Độn nhi hanh dã). Tiểu lợi trinh là khuyên tiểu nhân hãy xử cho phải, đừng lăng bức người quân tử quá mức. (Xem Đại Toàn). Ta ghi nhận một định lý như sau: Độn 2 Âm ở dưới, 4 Dương ở trên. Âm đang thế tiến, Dương đang thế thoái: tức là Âm trưởng, Dương tiêu (Quân tử kiến cơ nhi tác). Thấy vậy, sẽ lo việc thoái taàng, qui ẩn.
Thoán Truyện.
彖 曰 . 遁 亨 . 遁 而 亨 也 . 剛 當 位 而 應 . 與 時 行 也 .
小 利 貞 . 浸 而 長 也 . 遁 之 時 義 大 矣 哉 .
Thoán viết:
Độn hanh. Độn nhi hanh dã. Cương đáng vị nhi ứng. Dữ thời hành dã.
Tiểu lợi trinh. Tẩm nhi trưởng dã. Độn chi thời nghĩa đại hỹ tai.
Dịch.
Rút lui ẩn lánh mới hay,
Tuy mình quyền lực trong tay vẫn còn.
Cương cường xứng với ngôi trên,
Còn người hưởng ứng, vẫn còn oai nghi.
Biết thời, tới lúc nên về, Theo thời hành sự, mọi bề hanh thông.
Phù trì chánh đạo một lòng,
Tiểu nhân ảnh hưởng đang dâng, ngại gì.
Công trình ấy chẳng lớn chi,
Nhưng mà lợi ích thường khi vẫn còn.
Trong Thoán Truyện, đức Khổng cũng nhận định đại khái rằng:
1- Rút lui hợp thời trời, mới êm đẹp. (Độn nhi hanh dã)
2- Rút lui phải cho đúng thời, đúng lúc; rút lui hay nhất là khi mình còn đang ở trong thế kẻ mạnh, có quyền, có vị, có người hưởng ứng. (Cương đáng vị nhi ứng. Dữ thời hành dã.)
3- Rút lui là nên, vì người quân tử sáng suốt nhận định được rằng ảnh hưởng của tiểu nhân đang lừng lững tiến lên. (Tiểu lợi trinh. Tẩm nhi trưởng dã.)
4– Rút lui hợp thời là một công chuyện không nhỏ, không dễ. (Độn chi thời nghĩa đại hỹ tai.)
Lý Long Sơn bình rằng:
Âm Dương, hàn thử, đều có thời. Âm đạo lớn thịnh là thời tiểu nhân đắc thế; lúc ấy người quân tử nhẫn nhịn để chờ thời, sau ắt thắng. Nếu đem lòng giận dữ, hết sức kháng cự, ấy là chẳng biết thiên thời, ắt hứng lấy những điều hung họa. Như thời Nguyên Thành nhà Hán, Hoằng Cung, Thạch Hiển đang đắc thế ở trong, mà bọn Tiêu Vọng Chi, Lưu Hướng, Chu Vân chẳng biết nhún nhường, mà lánh đi để đến nỗi bị họa. Lại như trong thời Hoàn Kinh, Tào Tiết, Vương Phụ đắc thế ở trong, mà bọn Lý Ưng, Trần Phồn, Đậu Vũ, chẳng biết nhún nhường, mà lánh đi để đến nỗi bị giết…
Gặp thời Độn, người quân tử dẫu còn đang có thế lực, có địa vị, cũng nên biết tùy thời mà quyền nghi. Rút lui đúng lúc thời hay. Đời thường nói: Cửu tọa lịnh nhân yếm (ngồi lâu khiến người ta phát chán). Mình dẫu có hay, nhưng ngồi mãi một chức vị, đóng mãi một vai trò, rút cuộc vẫn làm cho người chán mình, thà rút lui, khi lòng người còn luyến tiếc mới hay. Vả lại tiệc vui cũng có lúc tàn. Người xưa nói: Thiên hạ vô bất tán đích diên tịch. Chính là vì vậy.
II. Đại Tượng Truyện
象 曰 . 天 下 有 山 . 遁 . 君 子 以 遠 小 人 . 不 惡 而 嚴 .
Tượng viết.
Thiên hạ hữu sơn. Độn. Quân tử dĩ viễn tiểu nhân. Bất ác nhi nghiêm.
Dịch.
Tượng rằng: Độn là núi ở trên trời,
Khiến người quân tử lánh gnười tiểu nhân.
Chẳng cần thanh sắc dữ dằn,
Mình nghiêm họ sẽ đằng thằng lảng xa.
Độn là núi ở dưới trời. Núi cao vun vút, vươn mình lên không trung, như muốn lăng bức trời; nhưng càng vươn lên càng thấy trời xa lắc, y như trời muốn dùng sự cao xa của mình để phân cách với núi non.
Người quân tử đối với kẻ tiểu nhân cũng vậy; trong khi tiểu nhân đắc thế, mình không cần phải làm mặt giận, mày dữ đối với họ, mà chỉ cần lập nghiêm, cũng đủ cho họ kiêng nể, xa lánh. Đó là cách thức Khổng Tử đối đãi với Dương Hổ. Tượng viết. Thiên hạ hữu sơn. Độn. Quân tử dĩ viễn tiểu nhân. Bất ác nhi nghiêm.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
Sáu Hào bàn về các cách ẩn độn, những cái hay, cái dở trong việc ẩn độn, thoái tàng. Các nhà bình giải thường không đồng ý với nhau về nhiều phuong diện, nhiều vấn đề.
Để có một ý niệm khái quái về 6 hào, ta có thể mượn lời của Ngu Sơn, Tưởng vấn Thiên, tác giả quyển Dịch Lý Thước, mà bình như sau:
Quẻ Độn mà thượng quái là quẻ Kiền. Kiền là cương kiện, tượng trưng cho sự quyết liệt rũ bỏ mọi sự để qui ẩn. Hạ quái là Cấn, là chỉ sự bịn rịn, lưu luyến, không rứt nổi tư tình để ra đi. Cho nên Hạ quái không hay bằng Thượng quái.
Độn càng xa càng tốt, nên các Hào càng lên trên càng tốt. Xét sáu Hào, thì Hào Sơ độn là lẩn quẩn ở hàng dưới, thì đâu phải là độn thật; Hào Hai không muốn độn, mà ở lại; Hào Ba độn mà còn bị vấn vương, sắp trốn đi mà lòng còn chưa quyết; Hào Bốn là gạt bỏ được tư tình, mà nhẹ nhàng cao chạy xa bay; Hào Năm là gửi mình theo chính đạo, cho nên độn mà vẫn gặp may, gặp lành; Hào Sáu là ẩn dật, thoát vòng tục lụy.
Nhưng cứ theo lẽ Dịch, không thể chấp nhất và nghị luận một chiều, cần là biết thức thời.
1. Hào Sơ Lục.
初 六 . 遁 尾 . 厲 . 勿 用 有 攸 往 .
象 曰 . 遁 尾 之 厲 . 不 往 何 災 也 .
Sơ lục. Độn vĩ. Lệ. Vật dụng hữu du vãng.
Tượng viết.
Độn vĩ chi lệ. Bất vãng hà tai dã.
Dịch.
Rút lui mà quẩn đằng đuôi,
Nguy rồi, dở dói lôi thôi làm gì.
Tượng rằng: Rút lui sau chót là nguy.
Mình không dở dói, hại gì ở đâu.
Sơ Lục là những hạng người chậm chân chạy trốn, mà chỉ lẩn quẩn ở khúc đuôi, như vậy ắt là nguy (Độn vĩ. Lệ. Vật dụng hữu du vãng). Tuy nhiên Sơ là những hạng người tầm thường, chẳng có chức vụ gì quan trọng, nên miễn là họ đừng dở dói gì, cứ ẩn nhẫn, nép mình chờ thời, thì cũng chẳng đến nỗi mang tai họa (Bất vãng hà tai dã).
2. Hào Lục nhị.
六 二 . 執 之 用 黃 牛 之 革 . 莫 之 勝 說 .
象 曰 . 執 用 黃 牛 . 固 志 也 .
Lục nhị. Chấp chi dụng hoàng ngưu chi cách. Mạc chi thắng thoát.
Tượng viết.
Chấp dụng hoàng ngưu. Cố chí dã.
Dịch.
Rút lui lòng đã nhủ lòng,
Khăng khăng như đã thắt bằng da trâu.
Da trâu dây thắt chặt sao,
Khít khao, chặt chẽ ai nào cởi ra?
Tượng rằng:
Giữ giàng bằng luôt da trâu,
Thế là cố chí, trước sau một lòng.
Hào Lục nhị, Trình Tử cho rằng Nhị và Ngũ lấy nhẽ Trung chính và thuận mà gắn bó, cố kết lấy nhau, như buộc bằng da trâu vậy. Ngô thị, Tập thị, theo đòi Trình Tử cũng giải rằng: Lục nhị là trung thần cật ruột, không thể bỏ nhiệm sở mà trốn đi. Đó là trường hợp Cơ Tử xưa với chủ trương nhất định không trốn, không rút lui (Ngã bất cố hành độn). (Kinh Thư, Vi Tử, 9).
Chu Tử và Thái Thị giải đại khái rằng: Hào Hai gặp thời độn, biết cẩn trọng giữ gìn từ lời ăn tiếng nói, đến hành động, cử chỉ, vaà nhất định ẩn độn, không ai can được. Hai quan niệm trên tuy có khác nhau nhưng đều hữu lý.
3. Hào Cửu tam.
九 三 . 系 遁 . 有 疾 厲 . 畜 臣 妾 吉 .
象 曰 . 系 遁 之 厲 . 有 疾 憊 也 . 畜 臣 妾 吉 . 不 可 大 事 也 .
Cửu tam. Hệ độn. Hữu tật lệ. Súc thần thiếp cát.
Tượng viết.
Hệ độn chi lệ. Hữu tật bái dã. Súc thần thiếp cát. Bất khả đại sự dã.
Dịch.
Độn mà bịn rịn, vấn vương,
Thế là nguy hại, tai ương rành rành.
Con hầu đầy tớ quẩn quanh,
Nuôi người sai sử, âu đành rằng hay.
Tượng rằng: Bịn rịn nên nguy,
Tinh thần bải hoải suy vi bàng hoàng.
Con hầu, đầy tớ xốn xang,
Phàm làm đại sự, ham làm được đâu.
Hào Cửu tam đại khái chủ trương:
a) Đã ẩn độn, đã lánh nạn, mà bịn rịn thê nhi (Hệ độn. Hữu tật lệ) thì rất nguy hiểm, vì đương sự sẽ khó quyết định, khó xoay sở. Khi Trùng Nhĩ tị nạn sang nước Tề. Tề Hoàn Công hỏi: Công tử có mang theo gia quyến không? Trùng Nhĩ thưa rằng: Bổn phận tôi đi một mình còn khó giữ, rảnh rang chi mà mang hết cả nhà.
b) Nhưng có vong thần, có quân hầu, đầy tớ cũng hay (Súc thần thiếp cát. Bất khả đại sự dã). Trùng Nhĩ khi lưu vong nhờ có bọn hiền thần là Hồ yển, Hồ mao, Giới Tử Thôi, và Triệu Thôi, nên sau mới phục quốc được (Tấn Văn Công tức Trùng Nhĩ).
Khi đã hồi trào, Tấn Văn Công tưởng thưởng cho những người có công; có tiểu thần Hồ Thúc tâu rằng: Tôi từ Bồ Thành đi theo Chúa công, đi khắp bốn phương, chân đã mòn gót, ở thì tôi lo bữa ăn, bữa ngủ; đi tôi lo nỗi ngựa xe, chớ hề phút nào rời Chúaa công bên tả bên hữu, nay Chúa công ban thưởng kẻ tòng vong, mà chẳng nhắc tới tiểu thần, tưởng khi tiểu thần có tội chi chăng? Tấn Văn Công nói: Ngươi bước tới đây, ta nói rõ cho ngươi nghe: vả những người dạy ta nhân nghĩa, khiến ta mở mang gan phổi, thì được thượng thưởng; giúp ta dùng mưu lược, khiến ta chẳng phục tùng chư hầu, thì được thứ thưởng; xông tên đá, lướt mũi nhọn, lấy thân che đỡ cho ta, thì được kế thứ thưởng. Cho nên thượng thưởng là thưởng đức; thứ thưởng là thưởng tài, kế thứ là thưởng công; còn như đi đứng nhọc nhằn là sức kẻ thất phu; phải sau bậc tam thưởng, chừng đó mới tới ngươi. Hồ Thúc nghe thì bằng lòng, mắc cỡ mà lui ra.
Lời của tấn văn Công giúp ta hiểu tại sao Súc thần thiếp mà lại cát của Hào này.
4. Hào Cửu tứ.
九 四 . 好 遁 君 子 吉 . 小 人 否 .
象 曰 . 君 子 好 遁 . 小 人 否 也 .
Cửu tứ. Hiếu độn quân tử cát. Tiểu nhân phủ.
Tượng viết.
Quân tử hiếu độn. Tiểu nhân phủ dã.
Dịch.
Rút lui quên hết riêng tư,
Hiền nhân thời tốt, phàm phu chẳng lành.
Tượng rằng:
Hiền nhân thích chuyện rút lui,
Tiểu nhân, trái lại khó rời chân đi.
Hào Bốn cho rằng chỉ người quân tử mới cắt đứt được tư tình, dám vì công nghĩa mà rứt áo ra đi; còn kẻ tiểu nhân thì bịn rịn vấn vương, khác hẳn người quân tử (Cửu tứ. Hiếu độn quân tử cát. Tiểu nhân phủ dã).
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 . 嘉 遁 . 貞 吉 .
象 曰 . 嘉 遁 貞 吉 . 以 正 志 也 .
Cửu ngũ. Gia độn. Trinh cát.
Tượng viết.
Gia độn trinh cát. Dĩ chính chí dã.
Dịch.
Rút lui êm ả tốt sao
Đường đường, chính chính, nhẽ nào chẳng hay.
Hào Cửu ngũ đắc trung, đắc chính, nên mới dùng chữ Gia độn, là rút lui một cách đẹp đẽ.
Nói đến Gia độn, ta liên tưởng đến Charles de Gaulle. Năm 1946, khi đang làm thủ tướng lâm thời nước Pháp, chán cảnh nội các chia làm năm bè, bảy bối, ông liền từ chức. Ông nói: Các ông đã vì đảng phái, mà cãi cọ, chia rẽ nhau. Tôi không chấp thuận điều đó, nhưng trừ phi thiết lập chính sách độc tài, đó là điều tôi không muốn, và là chuyện sẽ có kết cuộc chẳng hay; tôi không còn cách nào để ngăn ngừa được cơ sự các ông đang làm này; vì vậy tôi phải rút lui. Nếu các ông thất bại, ít ra tôi còn được nguyên vẹn. (Trích báo Time, Nov. 23, 1973, page 1).
Sau một thời gian, lập đảng chính trị và tái xuất giang hồ, năm 1955, ông lại rút lui vào bóng tối. Ông tuyên bố cùng quốc dân Pháp: Tôi có lời từ giã các bạn, chúng ta sẽ không gặp nhau lại, trừ phi giông tố dập vùi nước Pháp.
Năm 1958, chiến tranh Algérie là giông tố, muốn dập vùi nước Pháp thật sự, các tướng lãnh và quân đội yêu cầu ông ra cứu vãn tình hình. Ông bằng lòng, với điều kiện phải để ông lập chế độ Tổng thống. Ông chủ trương Ngị viện bàn cãi, các Tổng bộ trưởng cai trị, viện bảo hiến suy nghĩ, Tổng thống của nền cộng hòa quyết định. Làm Tổng thống từ năm 1958 đến 1969, ông thấy dân chúng có vẻ chán ông, không còn tín nhiệm ông như cũ, ông liền từ chức năm 1969, tuy ông còn mấy năm nhiệm kỳ, ông về quê là Colombey, và đánh lên Paris 1 điện văn từ chức, vắn tắt như sau: «Tôi không giữ chức Tổng thống của nước Cộng Hòa nữa. Quyết định này có hiệu lực kể từ trưa hôm nay.»
Vì biết rút lui đúng lúc, khi mà mình hãy còn nhiều uy quyền, thế lực, nên ông giữ được lý tưởng ông, do đó mà chẳng những nước Pháp, mà cả thế giới cảm phục ông. thật đúng là Gia độn trinh cát. Dĩ chính chí dã. Các công thần khi đã làm xong nhiệm vụ giao phó, liền qui ẩn, vui thú điền viên, chứ không vì lợi lộc mà nấn ná lại chốn triều đình. Kinh Thư viết: Thần võng nhi sủng lợi cư thành công (Kinh Thư, Thái Giáp hạ, 9.)
6. Hào Thượng cửu.
上 九 . 肥 遁 . 無 不 利 .
象 曰 . 肥 遁 . 無 不 利 . 無 所 疑 也 .
Thượng cửu. Phì độn. Vô bất lợi.
Tượng viết.
Phì độn vô bất lợi. Vô sở nghi dã.
Dịch.
Rút lui hớn hở mới hay,
Thế nên ích lợi, mắn may mọi đàng.
Tượng rằng: Rút lui hớn hở vẹn toàn,
Là vì dạ chẳng nghi nan, lo lường.
Thượng cửu. Phì độn. Vô bất lợi. Phì độn là độn, là rút lui mà lòng khoan khoái, vì thế mà làm việc gì cũng hay cũng lợi. Gọi là Phì độn, vì Hào Thượng Cửu là vô vị, tượng trưng cho một hiền tài, muốn thoát vòng cương tỏa, lợi danh. Chỉ lấy đạo đức làm cao lương, lấy nhân nghĩa làm mỹ vị, như vậy đúng là Phì độn. Hào này khiến ta nhớ đến trường hợp trương Lương. Trương Lương sau khi giúp Bái Công thống nhất Trung Nguyên, uy tín lừng lẫy, liền xin rút lui qui ẩn, đóng cửa từ khách, để tu tâm dưỡng tánh.
Con ông là Trương Tích Cường một hôm hỏi ông: Nay cha đã làm thầy của vua, ghe phen lập nhiều công lớn, làm quan tới chức tam công, lẽ thì ăn ngọc thực muôn chung, an hưởng giàu sang, lâu dài với nước, làm công thần muôn đời, cũng chẳng phải là quá lắm, sao lại đóng cửa từ khách, ở chỗ vắng vẻ mà chịu thanh khổ như vầy, là ý chi vậy?
Trương Lương nói: Con biết sao được, vả chăng trong đời mà ham giàu sang, là vui công danh đã được, mừng vinh hoa nhãn tiền, ngồi cao mà hưởng, nhất hô, bá ứng, thê thiếp đầy nhà, ca xướng đầy tai, thì đã gọi là cái chí bình sinh đã tột rồi, chứ chẳng có biết ngôi cao tột bực nhân thần, thì thiên hạ hay ghen ghét, trèo cao không lẽ mà không té, chứa đầy không lẽ không tràn; vua nghi mình quyền trọng, trời ghét kẻ đầy tràn; kẻ ghét đã mong lòng gấm ghé, người hiềm chờ dịp đẩy đưa, chẳng may mà cửu trùng sinh giận, nhiều miệng xúi nói vào, thì chừng ấy hết kẻ đỡ che, chạy đi đâu cho khỏi, có phải mình đã bị hại mà vợ con lại mang tai; phú quý vinh hoa phủi tay trong nháy mắt. Chi cho bằng vui chơi non nước, hưởng thú giang hồ, say túi càn khôn, giỡn bầu nhật nguyệt, riêng ở một nhà, vào ra thong thả, tuy ở vắng vẻ một mình mà trong lòng khoái lạc; thà ăn rau cỏ sớm trưa, mà toại chí tiêu dao, vinh nhục khỏi lo, không màng danh lợi, an thân bảo mạng, thong thả trọn đời, giữ trọn tiếng luong thần, chẳng hơn cuộc vinh hoa phú quý sao? Trương Tích Cường bái phục và nói rằng: nay con mới biết ý cha, ấy là đạo minh triết bảo thân đó.
ÁP DỤNG QUẺ ĐỘN VÀO THỜI ĐẠI
Nếu ta làm thương mại nhỏ, mà có kẻ mở cơ sở cùng nghề với ta, gần địa điểm thương mại của ta, nhưng lớn mạnh hơn ta, cốt ý chèn ép ta, thì ta phải lo rút lui, càng sớm càng tốt, sẽ đỡ bị thiệt hại hơn.
Nếu ta đi làm nơi hãng xưởng, mà gặp phải tiểu nhân có thế lực mạnh hơn ta, mà ta không thể thân thiện với họ được, vì bất đồng chính kiến, hoặc tư tưởng, thì ta cũng liệu tìm sở khác, để cho tâm tư thanh thản hơn, và để tránh những va chạm, có thể gây nguy hại cho mình sau này.
Nếu khi đã lập gia đình, mà phải ở chung với đại gia đình, thì ta phải biết lễ độ, kính trên, nhường dưới, nhưng nếu chẳng may sự kính nhường đó cũng không thể làm vừa lòng mọi người, thì ta nên cùng vợ hay chồng ra ở riêng một cách êm đẹp thì hơn.
Khi tuổi đã xế chiều, ta phải liệu từ bỏ bớt công việc, để đỡ hại cho sức khỏe, và phải giữ sao cho tâm thần thanh thản, nụ cười luôn nở trên môi, hướng về Thương Đế, chớ đừng lúc nào cũng than oán, cáu kỉnh, giận hờn, thì không nên vậy. ta nên như câu thơ này:
Răng long đầu bạc mặc tình,
Đừng bao giờ nói rằng mình già nua.
Thần thông trời đã phú cho,
Bạc đầu, lòng vẫn phởn phơ, nhẹ nhàng.
“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
33.Thiên sơn độn
Ðại cương:
Tên quẻ: Độn là Thoái (lùi về, ở ẩn).
Thuộc tháng 6.
Lời tượng
Thiên hạ hữu sơn: Độn, Quân tử dĩ viễn tiểu nhân, bất ác nhi nghiêm.
Lược nghĩa
Dưới trời có núi là quẻ Độn (ẩn). Người quân tử lấy đấy mà xa kẻ tiểu nhân, chẳng ác đâu, nhưng mà nghiêm
Hà Lạc giải đoán
Những tuổi Nạp giáp:
Bính: Thìn, Ngọ, Thân
Nhâm hoặc Giáp: Ngọ, Thân, Tuất
Lại sanh tháng 6 là cách công danh phú quý.
THƠ RẰNG:
Đừng kêu: vận kiển mãi trời
Chờ năm Sửu Ngọ đường đời thêmh thang
Hào 1:
Ðộn vĩ, lệ. Vật dụng hữu du vãng. Ý HÀO: Ẩn tránh khéo thì thoát nạn.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Trước làm nhỏ sau làm lớn, trước khó sau dễ.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Lo phiền, gian tân, dù có được đề huề, cũng chẳng làm nên chuyện.
XÊM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðược dịp thì buông cương. _Giới sĩ: Luyện tài đợi thời. _Người thường: Thủ Phận thì hơn.
Hào 2:
Chấp chi dụng hoàng ngưu chi cách, mạc chi thăng thoát. Ý HÀO: Cố thủ lấy chi hướng.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Cố thủ được chí xưa, tránh bọn gian tà, đem đức trung thuận ứng dụng vào việc đời.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Căn nuôi trâu bò có lợi.
XEM – TUẾ – VẬN: _Số xấu thì xẩy việc kiện tụng do người nhà cố chấp hoặc đề phòng kẻ dưới xâm nhờn. An thường thủ Phận thì không lỗi.
Hào 3:
Hệ dộn, hữu tật lệ, súc thần thiếp cát. Ý HÀO: Ðáng ẩn tránh mà còn hệ luỵ không tránh được.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Minh triết giữ được thân, dũng thoái thoát được nạn. Hoặc có hiền thê giúp sức, hoặc có nô bộc hết lòng.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Chỉ ăn nhậu, tham tài tham sắc, hoặc tật lệ liên miên hoặc bị nô tỳ liên luỵ.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Có cái lo về chức Phận. _Giới sĩ: Không thành đại sự. _Người thường: Nhiều tật ách. Số tốt thì được vợ đắc lực, nhà thêm người.
Hào 4:
Háo độn, quân tử cát, tiểu nhân phủ. Ý HÀO: Tin ở người quan tử có thế quyết chí ẩn tránh.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Có trác kiến, có xác định nên lợi lộc không quyến rũ được, tránh được hại, hưởng phúc vĩnh viễn.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Tham lam không chán, xu phụ quyền thế, hoặc kỹ nghệ lập thân, hoặc chán đời.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Cáo hưu để tránh nạn. _Giới sĩ: Tế độ không đúng thời, khó tiến thủ. _Người thường: Dù được tiểu nhân che chở nhưng sau phòng họa ngầm.
Hào 5:
Gia độn, trinh cát. Ý HÀO: Khen ẩn tránh, đẹp đẽ.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Ðại nhân dẹp loạn, đem về đường chinh.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng điềm đạm dưỡng tính, bình sinh an vui.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Thăng chuyển _Giới sĩ và người thường: Ðều gặp quí nhân và có vui mừng.
Hào 6:
Phi độn, vô bất lợi. Ý HÀO: Ẩn tránh mà thân khoan thai là hay.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Lòng quảng đại, không lưu ý đến yêu ghét, phúc họa, mà hưởng phúc lâu dài.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng được cơm áo đầy đủ, chẳng nhục, chẳng vinh.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Thoái nhàn, _Giới sĩ: Ðợi thời. _Người thường: Kinh doanh đắc lợi, gia nghiệp tăng trưởng
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)