Chương 3: Thuyết Ngũ Hành
Nước (Thủy) giúp cho cây cối (Mộc) xanh tươi. Cây (Mộc) tạo ra lửa (Hỏa) và khi cháy hết sẽ thành tro hoặc đất (Thổ). Trong đất (Thổ) hình thành nên [mỏ quặng] kim loại (Kim) mà khi bị nung chảy thành dạng lỏng như nước (Thủy).
Thủy khắc Hỏa (nước dập tắt lửa), nhưng Thủy lại bị Thổ thấm hút, đến lượt Thổ bị Mộc hút kiệt năng lượng nhưng Mộc bị các khí cụ Kim tiêu diệt và Hỏa có thể nung chảy kim loại cho nên Hỏa khắc Kim.
I. Tương Sinh – Tương Khắc
Theo triết học cổ Trung Hoa, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn trải qua năm trạng thái là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ.
Năm trạng thái này gọi là Ngũ hành, không phải là vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng mà đúng hơn là cách quy ước của người Trung Hoa cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật.
Học thuyết Ngũ hành diễn giải sinh học của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản là Tương sinh và Tương khắc:
– Tương Sinh: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim.
– Tương Khắc: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim.
II. Tương Thừa – Tương Vũ
Ý niệm tương sinh tương khắc trên rất tương đối. Thí dụ như Thổ sinh Kim nhưng nếu quá nhiều Thổ, Thổ lại vùi lấp Kim mà không thấy sinh ra Kim, thậm chí còn huỷ diệt Kim (tương thừa). Thổ khắc Thủy nhưng nếu Thủy quá mạnh thì có thể khắc ngược lại Thổ như hình ảnh nước lũ cuốn trôi đất (tương vũ).
Kim dựa vào Thổ sinh, Thổ nhiều thì Kim bị vùi lấp
Hỏa dựa vào Mộc sinh, Mộc nhiều thì Hỏa cháy rực
Thủy dựa vào Kim sinh, Kim nhiều thì Thủy đục
Thổ dựa vào Hỏa sinh, Hỏa nhiều thì Thổ khô
Mộc dựa vào Thủy sinh, Thủy nhiều thì Mộc trôi
Kim có thể sinh Thủy, Thủy nhiều thì Kim chìm
Mộc có thể sinh Hỏa, Hỏa nhiều thì Mộc cháy
Thủy có thể sinh Mộc, Mộc thịnh thì Thủy rút
Hỏa có thể sinh Thổ, Thổ nhiều thì Hỏa tối
Thổ có thể sinh Kim, Kim nhiều thì Thổ hư
Kim có thể khắc Mộc, Mộc cứng thì Kim tổn
Mộc có thể khắc Thổ, Thổ dày thì Mộc gãy
Thổ có thể khắc Thủy, Thủy nhiều thì Thổ trôi
Thủy có thể khắc Hỏa, Hỏa nhiều thì Thủy sôi
Hỏa có thể khắc Kim, Kim nhiều thì Hỏa tắt
Kim yếu gặp Hỏa ắt sẽ bị tan chảy
Hỏa yếu gặp Thủy ắt sẽ bị dập tắt
Mộc yếu gặp Kim ắt sẽ bị chặt gãy
Thủy yếu gặp Thổ ắt sẽ bị ứ tắc
Thổ yếu gặp Mộc ắt sẽ bị sụt lở
Kim mạnh được Thủy thì mới vươn lên mạnh
Thủy mạnh được Mộc thì mới tiết được khí
Mộc mạnh được Hỏa thì mới hóa được sự ngoan cường của nó
Hỏa mạnh được Thổ thì mới chặn được cái thế hừng hực của nó
Thổ mạnh được Kim thì mới chế được cái tai hại của nó
Cần phải am hiểu tường tận học thuyết Ngũ Hành vì nó là nền tảng cơ sở để luận đoán cho lá số Tử Vi và tất nhiên Phong Thủy cùng Bói Dịch cũng không ngoại lệ.
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)