Chương 25: Giới Thiệu Về Kinh Dịch
I. Kinh Dịch
1- Kinh Dịch Cơ Bản
A- Kinh Dịch là gì ?
Kinh Dịch là bộ sách kinh điển của Trung Hoa. Nó là một hệ thống tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại. Tư tưởng triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và thay đổi (chuyển dịch).
Ban đầu, Kinh Dịch được coi là một hệ thống để bói toán, nhưng sau đó được phát triển dần lên bởi các nhà triết học Trung Hoa. Cho tới nay, Kinh Dịch đã được bổ sung các nội dung nhằm diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á Đông và được coi là một tinh hoa của cổ học Trung Hoa. Nó được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh…
B- Cấu Trúc
Truyền thuyết nói rằng Kinh Dịch bắt đầu ra đời từ vua Phục Hy, lúc ấy Hoàng Hà có con long mã hiện hình lưng nó có khoáy thành đám, từ một đến chín, vua Phục Hy coi những khoáy đó, mà hiểu được lẽ biến hóa của vũ trụ, mới đem lẽ đó vạch ra thành nét.
Đầu tiên vạch một nét liền (tức là vạch lẻ), để làm phù hiệu (tượng trưng) cho khí Dương, và một nét đứt (tức là vạch chẵn), để làm phù hiệu (tượng trưng) cho khí Âm. Hai cái vạch đó gọi là hai Nghi.
Trên mỗi nghi thêm một nét nữa, thành ra bốn cái hai vạch, gọi là bốn Tượng. Trên mỗi Tượng lại vạch thêm một vạch nữa, thành ra tám cái ba vạch, gọi là tám Quẻ (tức là quẻ đơn).
Sau cùng Phục Hy lại đem quẻ nọ chồng lên quẻ kia, thành ra sáu mươi tư cái sáu vạch, gọi là sáu mươi tư Quẻ (tức là quẻ kép).
Vạch liền là Dương, tượng của mặt trời. Vạch đứt là Âm, tượng của mặt trăng. Mỗi một vạch (liền hoặc đứt) là một hào.
Các thành phần này được biểu diễn trong một biểu tượng hình tròn chung (☯), được biết đến như Thái Cực đồ (☯), nhưng nói chung người ta gọi tắt là đồ Âm-Dương, miêu tả quan hệ giữa hai trạng thái của mọi thay đổi, chuyển dịch: khi Dương đạt tới cực đỉnh thì Âm bắt đầu phát sinh và ngược lại. Thái Cực đồ cũng là nguyên lý phát sinh Âm-Dương.
Nguyên Văn:
Vô Cực sinh Thái Cực
Thái Cực sinh Lưỡng Nghi
Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng
Tứ Tượng sinh Bát Quái
Bát Quái sinh Vô Lượng
Dịch Nghĩa:
Vô Cực tương đương trong Lão giáo là Vô Vi – có thể coi là hư vô.
Thái Cực có thể tạm coi như trạng thái cân bằng khi vũ trụ hình thành.
Lưỡng Nghi là hai thành phần Âm và Dương.
Tứ Tượng là Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm.
C- Bát Quái
Bát quái là 8 quẻ ( như trên đã trình bày ) được sử dụng trong vũ trụ học Đạo giáo như là đại diện cho các yếu tố cơ bản của vũ trụ, được xem như là một chuỗi tám khái niệm có liên quan với nhau. Mỗi quẻ gồm ba hàng, mỗi hàng là nét rời (hào âm) hoặc nét liền (hào dương), tương ứng đại diện cho âm hoặc dương. Bát quái có liên quan đến triết học thái cực và ngũ hành.
2- Bát Quái
Càn | Đoài | Ly | Chấn | Tốn | Khảm | Cấn | Khôn |
☰ | ☱ | ☲ | ☳ | ☴ | ☵ | ☶ | ☷ |
Thiên/Trời | Trạch/Đầm/Hồ | Hỏa/Lửa | Lôi/Sấm | Phong/Gió | Thủy/Nước | Sơn/Núi | Địa/Đất |
Theo thời gian lịch sử của Trung Hoa, chia ra làm 2 loại Bát Quái, đó là:
– Tiên Thiên Bát Quái hay còn gọi là Phục Hy bát quái, truyền thuyết cho rằng Phục Hi đã tìm thấy bát quái được viết trên mai rùa (Xem hình Hà Đồ)
– Hậu Thiên Bát Quái hay còn gọi là Văn Vương bát quái, được sắp xếp theo vua Văn Vương. (Xem hình Lạc Thư)
II. Nguyên Lý Âm – Dương Trong Kinh Dịch
Thuyết âm dương là cốt lõi của nền triết học cổ Đông phương. Nó là động lực của mọi hiện tượng, mọi vận động trong vũ trụ. Theo cách nói của triết học Tây phương thì thái cực chính là mâu thuẫn, nó là sự hợp nhất của hai mặt đối lập: dương và âm. Sự đấu tranh của hai mặt dương âm này làm cho vũ trụ phát triển không ngừng.
Biểu tượng Thái Cực Đồ nói lên bản chất và mối quan hệ giữa Âm và Dương.
(1) Âm
Âm tượng trưng cho nguồn năng lượng và nguyên lý bị động trong tự nhiên, biểu thị qua bóng tối, sự lạnh giá, ẩm ướt, trên bình diện con người, âm tượng trưng cho nữ tính và sự thiếu chủ động. Âm cũng tượng trưng cho cõi chết.
Còn cái chấm tròn màu trắng tượng trưng cho tiềm năng thay đổi, không có cái gì là Âm tuyệt đối, cũng như không có cái gì là Dương tuyệt đối. Đơn cử như: Đất lạnh nên thuộc Âm nhưng càng đi sâu xuống lòng đất thì càng nóng, cái này gọi là trong Âm có Dương.
(2) Dương
Dương đại diện cho nguyên lý chủ động trong tự nhiên, biểu dạng ánh sáng, cái nóng, sự khô ráo. Trên bình diện con người, dương thể hiện nam tính và mặt tích cực của cảm xúc. Dương cũng đại diện cho “cõi dương”.
Còn cái chấm tròn màu đen tượng trưng cho tiềm năng thay đổi, không có cái gì là Dương tuyệt đối, cũng như không có cái gì là Âm tuyệt đối. Đơn cử như: nắng nóng thuộc Dương, nhưng nắng nhiều sẽ có mưa làm nên mưa lạnh thuộc Âm.
III. Nguyên Lý Bát Quái Trong Kinh Dịch
(1) Quẻ Càn
Quẻ Càn được tạo thành từ ba vạch liền ( 3 ba hào dương ). Càn này tượng trưng cho trời, do đó có tính cao thượng, cao quí và cương kiện. Nó là ánh sáng, đối lập với bóng tối. Nó cũng tiêu biểu cho sự chắc chắn, kiên cố, sự bành trướng và nam tính.
Cách nhớ: Càn Tam liên – Càn ba đoạn ( đơn giản vì nó có 3 vạch liền)
Bảng phân loại cơ bản quẻ Càn
Nhân vật: Vua cha, tổng thống, toàn quyền, quốc chủ, người có quyền hành tuyệt đối, các nhà lãnh đạo, các vị thánh nhân, hiền giả, các vị giáo chủ, các vị giáo hoàng, các bậc trưởng lão trong nhà thờ, chùa chiền hay thánh đường, các vị thủ tướng, chủ tịch hội đồng, các tướng lãnh quân đội, người cha, người chồng, và các vị bô lão.
Thân thể : Đầu, mặt, xương, phổi.
Bệnh tật: Bệnh ở đầu, bệnh ở mặt, chứng táo bón, các bệnh thuộc về phổi, những xương bị gãy, các chứng sốt, và sự viêm phồng.
Nơi chốn: Cung điện, đại sảnh, văn phòng, đền miếu, điện thờ, nhà thờ, thánh đường, chùa chiền, nhà hát, trường học, doanh trại quân đội, chợ búa, núi, vách tường, thành quách, đài quan sát, đường đua, sân vận động, đấu trường.
Vật phẩm: Đá quí và kim loại quí, đồng hồ đeo tay hay treo tường, con dấu và giấy chứng nhận (gồm cả giấy phép, giấy đăng ký giấy thông hành, hộ chiếu), xe hơi, xe điện, xe đạp, máy may, súng máy, áo khoác ngoài, mũ, dù, lưới chống muỗi, bóp hay ví, nắp đậy, hộp hay thùng thư, quần áo, vải bọc hay gói.
Thực phẩm: Gạo, đậu, thực phẩm đóng hộp và trái cây tươi.
Ngũ sắc : Sắc đỏ tươi, sắc đen.
Số Hà Đồ: 1 – Hướng Nam.
Số Lạc Thư: 6 – Hướng Tây Bắc.
(2) Quẻ Khôn
Quẻ Khôn được tạo thành từ ba vạch đứt ( 3 hào âm ). Khôn tượng trưng cho đất, đồng bằng mênh mông chứa đựng năng lực có thể làm phát triển vạn vật, do đó nó mang ý nghĩa là người mẹ.
Cách nhớ: Khôn lục đoạn. ( quẻ Khôn gồm 3 hào âm, phân chia thành 6 đoạn. )
Bảng phân loại cơ bản quẻ Khôn
Nhân vật: Dân chúng, thần dân, quần chúng, đám đông, nhóm, đoàn thể, mẹ, phụ nữ cao niên, vợ, công nhân, người lao động cần cù, người làm công việc tạp vụ, người nghèo khó, cùng đinh, người thiếu khả năng và kẻ ngu dốt.
Thân thể : Bụng, thịt, “tì” (tuyến tuỵ, lá lách), “vị” (dạ dày).
Bệnh tật: Bệnh ở bụng, bệnh ở tỳ vị, đau dạ dày, ăn uống không tiêu hoá.
Nơi chốn: Đồng ruộng, trang trại, đất trống, vùng hoang vu chưa canh tác, và những khu nhà ổ chuột.
Vật phẩm: Vải bông (cotton), quần, quần dài hay quần lót phụ nữ, nệm ghế, khăn trải giường, chiếu, thảm, những vật có hình vuông, bàn cờ, hộp, vali, ấm hay nồi, và xe ngựa hay toa xe. Vì đất là nền tảng cho mọi vật, nên bất cứ cái gì thuộc về phần đáy đều thuộc biểu tượng của Khôn.
Thực phẩm: Thực phẩm đã xay, nghiền hoặc dưới dạng bột, khoai lang, khoai sọ (khoai nước), bột mì, đường, thức ăn tráng miệng hay các thức ăn chơi khi buồn miệng.
Ngũ sắc : Đen thẫm, vàng ( thổ ).
Số Hà Đồ: 8 – Hướng Bắc.
Số Lạc Thư: 2 – Hướng Tây Nam.
(3) Quẻ Chấn
Quẻ Chấn được tạo thành từ hai vạch đứt ở trên ( 2 hào âm ) và một vạch liền ở dưới ( 1 hào dương ). Chấn tượng trưng cho sự ném, tung hay phóng ra năng lượng và chuyển động. Nó là sự dấy sinh, khởi tạo, khởi điểm của cuộc sống.
Cách nhớ: Chấn ngưỡng vu, Chấn Cốc ngửa, hình giống cái Cốc ( cái ly ).
Bảng phân loại cơ bản quẻ Chấn
Nhân vật: Những người nổi tiếng, con trai trưởng, thanh niên, trưởng giả, những người mới phất.
Thân thể : Chân, gan, tóc, cổ họng.
Bệnh tật: Chứng cuồng động (hysteria), co thắt, co giật và những tật bệnh tương tự, chứng sợ hãi, gan và những tật bệnh liên quan đến chân, những rối loạn về thần kinh như hoảng sợ bất an…
Nơi chốn: Rừng, nhà cửa hay các biệt viện đã thay đổi phong cách hay tu sửa lại, phòng nhạc hay hòa tấu, các văn phòng liên lạc viễn thông, các đài truyền thanh truyền hình, giảng đường, thính phòng, trạm biến điện, công ty điện lực và các xưởng chế thuốc nổ.
Vật phẩm: Pháo, pháo hoa, súng các loại, rocket, thuốc súng, đàn dương cầm, dàn organ, kèn trumpet, đĩa hát, đĩa ghi âm, kèn clarinet, đầu đĩa, các nhạc cụ có dây, sáo, trống, đàn guitar, chuông, cồng chiêng, harmonica, điện thoại.
Thực phẩm: Rau xanh, giá (mầm đậu), bưởi, chanh, măng, quả mận.
Ngũ sắc : Xanh lục (xanh lá cây), xanh biếc, hay màu sắc tươi trẻ.
Số Hà Đồ: 4 – Hướng Đông Bắc.
Số Lạc Thư: 3 – Hướng Đông.
(4) Quẻ Khảm
Quẻ Khảm được tạo thành từ một vạch liền ở giữa ( 1 hào dương ) và 2 vạch đứt ở trên – dưới ( 2 hào âm). Khảm tượng trưng cho nước. Mưa rơi từ trên trời xuống, chạm vào đá và vách núi. đôi khi nó rơi lên cây và cỏ. Nước tụ lại thế rồi thành con suối, sau đó thành một dòng sông, và cuối cùng là tuôn trào ra biển.
Cách nhớ: Khảm trung mãn, Khảm giữa đầy.
Bảng phân loại cơ bản quẻ Khảm
Nhân vật: Con trai thứ hay người con trai thứ hai, nam nhân ở tuổi trung niên, cường đạo, sơn tặc hay lục lâm, kẻ bất lương, ác nhân, người bệnh, người mù, những người cần được chăm sóc và giúp đỡ, những người làm việc lam lũ, người thông dâm, ngoại tình, nhân tình, nhân ngãi, người cuồng dâm, người chết.
Thân thể : Tai, hậu môn, lỗ mũi, bộ phận sinh dục, máu huyết, thận, mồ hôi, và nước mắt.
Bệnh tật: Các chứng bệnh về thận, bệnh về máu, bệnh đau tai, bệnh truyền qua đường sinh dục, bệnh hoa liễu, bệnh trĩ, và chứng nghiện rượu.
Nơi chốn: Các con sông lớn, đại sảnh để tổ chức yến tiệc hay hội họp, các phòng tổ chức đám ma, bệnh viện, nhà an dưỡng, giếng nước, phòng tắm, nhà chứa (nhà thổ), hang động, những nơi lạnh lẽo, nhà máy nước, công trình nước, trạm bơm, công viên hải dương, trạm cứu hỏa, thác nước, các suối nước nóng.
Vật phẩm: Cạp vải (dải vải tạo thành eo lưng quần áo), mực, dầu, nhựa than đá, véc-ni, sơn mài, và y dược.
Thực phẩm: Rượu, xúp, nước uống, muối, nước tương, rong biển (tảo biển), rễ sen (củ sen) và sashimi (cá sống).
Ngũ sắc : Màu đỏ thẫm và màu đen.
Số Hà Đồ: 6 – Hướng Tây.
Số Lạc Thư: 1 – Hướng Bắc.
(5) Quẻ Cấn
Quẻ Cấn được tạo thành bởi hai vạch đứt ở dưới ( 2 hào âm ) và một vạch liền ở trên ( 1 hào âm ). Cấn tượng trưng cho ngọn núi. Bởi núi đứng yên và tĩnh lặng, nên Cấn hàm ý sự bất động, đứng yên, ngừng nghĩ, tĩnh lặng, thanh thản và chấm dứt. Bởi núi được làm từ những phần tử đất nhỏ nhoi gộp lại mà thành, nên Cấn cũng có nghĩa là sự tích lũy, chất đống.
Cách nhớ: Cấn bát úp. ( giống như cái bát úp ).
Bảng phân loại cơ bản quẻ Cấn
Nhân vật: Người con trai nhỏ nhất (con trai út), thanh thiếu niên, người béo phì, người lưng gù (người có sự cong xương sống bất thường), người tham lam, kẻ lười biếng, những người tích trữ của cải, phạm nhân, tù nhân.
Thân thể : Lưng, eo, mũi, bàn tay, các ngón tay, các khớp xương và các khối u thịt.
Bệnh tật: Tật ở tay, các chứng đau ở sườn, chứng viêm khớp, những bệnh gây ra bởi sự mệt mỏi, và các chứng viêm mũi.
Nơi chốn: Nhà, cửa nhà, cổng, lối đi, tường, mộ, khách sạn hay nhà trọ, garage, đê, hào, cầu thang, bục, sàn cao.
Vật phẩm: Những đồ vật để cất chứa, tích trữ hay chất đống lại với nhau, bàn ghế, bình phong, màn che, khối đúc sẵn để dùng trong xây dựng.
Thực phẩm: Thực phẩm được bảo quản, các thức ăn ngọt.
Ngũ sắc : Màu vàng sậm.
Số Hà Đồ: 7 – Hướng Tây Bắc.
Số Lạc Thư: 8 – Hướng Đông Bắc.
(6) Quẻ Tốn
Quẻ Tốn được tạo thành từ một vạch đứt ở dưới ( 1 hào âm ) và hai vạch liền ở trên ( 2 hào âm). Tốn tượng trưng cho gió. Bởi gió từ xa thổi đến, nên nó hàm ý khoảng cách, sự xa và những nơi xa xôi. Gió đến từ khắp mọi nơi, đức tính của nó là sự thâm nhập, thấm nhuần. Gió làm khuấy động và giữ cho không khí được luân lưu, cho nên Tốn cũng nghĩa là sự hòa quyện với nhau.
Cách nhớ: Tốn khuyết dưới. ( khuyết một hào dương ở dưới )
Bảng phân loại cơ bản quẻ Tốn
Nhân vật: Các doanh nhân, các lữ khách, trưởng nữ, các thiếu nữ.
Thân thể : Mông, đùi, khuỷu tay (cùi chỏ), ruột, hệ thần kinh, đường tiêu hóa, đôi mắt.
Bệnh tật: Có tật ở tay, đùi, có tật ruột, trúng gió, cảm lạnh, những đau bệnh về tiêu hóa, rối loạn dạ dày, các bệnh về dạ dày và ruột.
Nơi chốn: Trang trại, vườn hoa rau quả, nơi có cây cỏ tươi tốt.
Vật phẩm: Dây, sợi xe, dây bện, dây đàn, chỉ, dây điện, thừng, bàn, bảng, gỗ xẻ, đường sắt, bút chì, hộp quẹt, ngăn kéo, xích đu, quạt máy, vật phẩm bưư điện, ống bễ (ống thổi).
Thực phẩm: Mì, nui (bột mì), hành củ, tỏi tây, tỏi, rau xanh.
Ngũ sắc : Màu trắng.
Số Hà Đồ: 5 – Hướng Tây Nam.
Số Lạc Thư: 4 – Hướng Đông Nam.
(7) Quẻ Ly
Quẻ Ly được tạo thành từ hai vạch liền trên và dưới ( 2 hào dương ) và một vạch đứt ở giữa ( 1 hào âm ). Ly tượng trưng cho mặt trời cũng như lửa. Người ta đã tạo ra rất nhiều liên kết gắn liền với nó – sự sáng sủa, chói lọi, rực rỡ, cái mỹ, cái đẹp, sự hung tợn, những tai họa như hỏa hoạn, khô hạn, và chia ly. Quẻ phát ra ánh sáng này cũng có nghĩa là sự nhận biết, năng lực tri giác.
Cách nhớ: Ly trung khuyết, Ly khuyết giữa. ( khuyết một hào dương ở giữa )
Bảng phân loại cơ bản quẻ Ly
Nhân vật: Người con gái thứ ( thứ nữ ), những phụ nữ ở độ tuổi trung niên, những người đẹp (mỹ nhân), những người khôn ngoan và thông minh.
Thân thể : Đôi mắt, trái tim, tinh thần (sinh lực), vú.
Bệnh tật: Các bệnh về mắt, bệnh tâm thần, những chứng sốt cao, các bệnh thuộc về tim, các chứng nhức đầu.
Nơi chốn: Đồn cảnh sát, các ngọn hải đăng, sở cứu hỏa, các cửa hàng bách hóa, các hí viện (nhà hát), các trường học, pháp đình (trụ sở tòa án), các khu buôn bán, kinh doanh, chiến trường, những cảnh lửa cháy.
Vật phẩm: Tranh, tác phẩm thư pháp, sách vở, đồ trang sức và các vật trang trí, trang hoàng, đèn điện, nến, bật lửa điện, bình lọ, nồi, ấm, cổ phiếu, chi phiếu, trái phiếu, vũ khí, áo giáp.
Thực phẩm: Thực phẩm khô, rùa, hàu, hải sản có vỏ (con trai, vân vân), cua, những thức ăn có màu sắc hoặc được trang trí đẹp.
Ngũ sắc : Đỏ và tím.
Số Hà Đồ: 3 – Hướng Đông.
Số Lạc Thư: 9 – Hướng Nam.
(8) Quẻ Đoài
Quẻ Đoài được tạo thành từ hai vạch liền ở dưới ( 2 hào dương ) và một vạch đứt ở trên ( 1 hào âm ). Đoài là đầm lầy, ao chuôm, một nơi trũng thấp, hàm ý không đủ, chưa hoàn tất, không thỏa đáng, không thích hợp, sự tỳ khuyết và những vật mà bị lõm hay bị lồi Quẻ còn mang các thuộc tính như sự phản chiếu, suy ngẫm, sự cám dỗ, sự phá hủy hay đổ nát.
Cách nhớ: Đoài thượng khuyết, Đoài khuyết trên. ( khuyết một hào dương ở trên )
Bảng phân loại cơ bản quẻ Đoài
Nhân vật: Con gái út, các cô gái trẻ, thiếu phu nhân, bạn gái, các nữ diễn viên hay các nhân vật nổi tiếng nữ, các ca sĩ nữ, các nữ tiếp viên quán rượu, nữ tiếp viên nhà hàng, bạn nhảy nữ, gái điếm, nàng hầu, vợ lẽ, mụ phù thủy, người đàn bà yêu mị, người kém cỏi, bất tài hoặc yếu đuối.
Thân thể : Miệng, lưỡi, nước giãi, phổi, cơ quan hô hấp, ngực và răng.
Bệnh tật: Các đau nhức của hốc miệng, nhiệt miệt, lưỡi phồng rộp, những bệnh ở ngực.
Nơi chốn: Thung lũng, ao hồ, đất trũng thấp, hố, chỗ lòng chảo, rãnh, mương, bờ sông, ven sông, những nơi nước tụ hay các hồ sâu, quán bar, quán rượu, quán bia, nhà chứa, nhà thổ hay khu thanh lâu.
Vật phẩm: Dao, kiếm, gươm, tiền bạc, nhạc cụ.
Thực phẩm: Cà phê, trà, rượu các loại, thịt cừu, thịt chim.
Ngũ sắc : Vàng, bạc, trắng.
Số Hà Đồ: 2 – Hướng Đông Nam.
Số Lạc Thư: 7 – Hướng Tây.
(Dẫn theo trang www.huyenhocvadoisong.com)