Chương 22: Quẻ ĐỊA TRẠCH LÂM

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Quẻ ĐỊA TRẠCH LÂM

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

||:::: Địa Trạch Lâm (臨 lín)

Quẻ Địa Trạch Lâm, đồ hình ||:::: còn gọi là quẻ Lâm (臨 lin2), là quẻ thứ 19 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☱ (||: 兌 dui4) Đoài hay Đầm (澤).

* Ngoại quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).

Giải nghĩa: Đại dã. Bao quản. Việc lớn, người lớn, cha nuôi, vú nuôi, giáo học, nhà sư, kẻ cả, dạy dân, nhà thầu. Quân tử dĩ giáo tư chi tượng: người quân tử dạy dân, che chở, bảo bọc cho dân vô bờ bến.

Tự quái truyện giảng: Cổ là công việc, có công việc rồi mới làm lớn được; cho nên sau quẻ Cổ tới quẻ Lâm. Lâm có nghĩa là lớn.

Nhưng Lâm còn có nghĩa nữa là tới (như lâm chung là tới lúc cuối cùng, tới lúc chết; hoặc lâm hạ: người trên tới người dưới).

Thoán từ:

臨: 元亨, 利貞.至于八月有凶.

Lâm: Nguyên hanh, lợi trinh. Chí vu bát nguyệt hữu hung.

Dịch: (dương) lớn lên và tới, rất hanh thông, chính đính thì lợi. Đến tháng 8 (hoặc tám tháng nữa) sẽ xấu.

Giảng: Mới đầu là quẻ Khôn, 5 hào âm. Một hào dương tới thay hào 1 âm ở dưới, rồi một hào dương nữa tới thay hào 2 âm, thành ra quẻ Lâm . Thế là dương cung lớn dần, tới ngày thịnh lớn, nên gọi là Lâm.

Một cách giảng nữa: trên chằm (đoài) có đất, tức là đất tới sát nước, nên gọi là Lâm (tới gần).

Theo cách giảng thứ nhất, dương cương lớn lần mà âm nhu tiêu lần, thế là đạo gần tới lúc thông, cho nên bảo là rất hanh thông.

Xét theo hào thì hào 2 cương trung, ứng với hào 5, nhu trung, nhân sự có phần vui vẻ, cũng hanh thông nữa (Thoán truyện).

Trong cảnh hanh thông, đừng nên phóng túng mà nên giữ vững chính đạo, (lợi trinh): nếu không thì đến tháng 8 (hoặc tám tháng nữa) sẽ hung.

Có nhiều thuyết giảng hai chữ “bát nguyệt” ở đây chúng tôi không biết tin thuyết nào chỉ xin hiểu đại ý là “sau này sẽ hung”; mà không chép những thuyết đó.

Đại tượng truyện bàn thêm: đất tới sát chằm, có cái tượng quân tử tới dân, giáo hóa dân không bao giờ thôi, bao dung, giữ gìn dân không có giới hạn (vô cương).

Hào từ

1. 初九: 咸臨, 貞吉.

Sơ cửu: Hàm lâm, trinh cát.

Dịch: Hào 1, dương : Cùng tới, giữ chính đạo thì tốt.

Giảng: Trong quẻ này chỉ có hai hào dương tới lấn bốn hào âm, cho nên hai hào dương phải hợp lực nhau cùng tới, mới chiến thắng được. Hào 1 đắc chính (vì là dương mà ở vị dương lẻ) cho nên khuyên nên giữ chính đạo của mình.

Chu Hi, theo Trình Di cho chữ “hàm” ở đây có nghĩa là cảm, hào 1 dương ứng hợp với hào 4 âm, như vậy là vì cảm ứng với hào 4 mà tới.

2. 九二: 咸臨, 吉, 无不利.

Cửu nhị: Hàm lâm, cát, vô bất lợi.

Dịch: Hào 2, dương : cùng tới, tốt, không gì là không lợi.

Giảng: Nghĩa cũng như hào 1. Hào 2, dương cương đắc trung, gặp lúc dương đương lên, cho nên hiện tại tốt lành mà tương lai cũng thuận lợi.

Tiểu tượng truyện thêm 4 chữ: vị thuận mệnh dã (chưa thuận mệnh vậy). Trình Di giảng là hào 2, dương trung, cảm ứng với hào 5 âm trung , hai hào đó cảm ứng với nhau không phải vì theo mệnh của người trên, cho nên tốt, không gì là không lợi. Chu Hi không chấp nhận lời giảng đó, bảo: “chưa rõ ý nghĩa ra sao”

Phan Bội Châu giảng: hào 1 và 2 phải cùng tới thì mới tốt, phải lấy sức người giúp mệnh trời, chứ không ngồi yên mà chờ mệnh trời.

3. 六三: 甘臨, 无攸利; 既憂之, 无咎.

Lục tam: Cam lâm, vô du lợi; Kí ưu chi, cô cửu.

Dịch: Hào 3 âm: Ngọt ngào (a dua) mà tới (để dụ dỗ hào 2) thì không có lợi đâu; nhưng đã biết lo sửa tính thì không có lỗi nữa.

Giảng: Hào này âm nhu, bất trung, bất chính nên ví với bọn tiểu nhân, dùng lời ngọt ngào mà dụ dỗ hào 2.

4. 六四: 至臨, 无咎.

Lục tứ: Chi lâm, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Hết lòng thành thực tới với hào 1, không có lỗi.

Giảng: Hào này cũng là âm nhu, nhưng đắc chính (âm ở vị âm), có lòng thành thực, lại ứng với hào 1 là người có tài, chính đáng (hào 1 cũng đắc chính), nên không có lỗi gì cả.

5. 六五: 知臨, 大君之宜, 吉.

Lục ngũ: Trí lâm, đại quân chi nghi, cát.

Dịch: Hào 5, âm: Dùng đức sáng suốt mà tới, đúng là tư cách một vị nguyên thủ, tốt.

Giảng: hào âm này ở vị chí tôn, có đức trung, ứng hợp với hào 2, dương , có thể ví với một vị nguyên thủ tuy ít tài (âm) nhưng sáng suốt, biết người nào có tài (hào 2), tín nhiệm, ủy thác việc nước cho người đó, như vậy kết quả chắc tốt.

6. 上六: 敦臨, 吉, 无咎.

Thượng lục: Đôn lâm, cát, vô cữu.

Dịch: Hào trên cùng, âm: Lấy lòng đôn hậu mà tới (với đời), tốt, không có lỗi.

Giảng: Hào này là âm, ở cuối cùng ngoại quái Khôn, là có đức rất nhu thuận, ở thời Lâm, tức thời của dương, của quân tử đương tiến, nó hướng về hai hào dương ở dưới cùng (mặc dầu không hào nào trong 2 hào đó ứng với nó) mà dắt mấy hào âm kia theo hai hào dương đó, cho nên khen nó là đôn hậu, tốt, không có lỗi.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

19. 地 澤 臨 ĐỊA TRẠCH LÂM

Lâm Tự Quái臨  
Cổ giả sự dã.蠱 者 事 也
Hữu sự nhi hậu khả đại.有 事 而 後 可 大
Cố thụ chi dĩ Lâm.故 受 之 以 臨
Lâm giả đại dã.臨 者 大 也

Lâm Tự Quái

Cổ là công chuyện thi hành trước sau,

Công nhiều, sau sẽ lớn cao.

Cho nên quẻ nối tiếp vào là Lâm.

Lâm là cao đại vượt tầm. 

Quẻ Lâm có 2 Hào Dương ở dưới, bốn Hào Âm ở trên, nói lên cái thế đương lên của Dương khí, cũng như của người quân tử. Vì thế Lâm báo trước một thời kỳ thịnh đạt.

Lâm trên là Khôn = Đất, dưới là Đoài = Hồ. Bờ hồ và hồ nước tiếp cận mật thiết với nhau. Cho nên quẻ Lâm mượn tượng này mà đề cập đến sự thân yêu, thành khẩn tiếp súc với dân của những người cầm quyền.

Lâm dưới có quẻ Đoài là hòa duyệt, trên có Khôn là Nhu thuận, ý nói người quân tử lúc gặp thời thế hãy hòa duyệt mà tiến lên, đừng có kiêu sa, hung bạo. Làm sao cho vạn dân phục tùng mình mới hay.

Lâm có 2 Hào Dương ở dưới, 4 Hào Âm ở trên, nói lên quan điểm rằng tuy mình mạnh thế, nhưng phải luôn theo chính lý, chính nghĩa mà tác tạo cho dân, phải luôn luôn cảm thông với dân, mới được dân thương, dân phục.

Lâm là cách đối xử của người trên đối với người dưới. Phàm người trên khi tiếp xúc với dân phải uy nghi, trang kính, phải thành khẩn, cẩn trọng. 

I. Thoán.

Thoán Từ.

元,亨,利,貞。 至 于 八 月 有 凶。

Lâm. Nguyên hanh lợi trinh. Chí vu bát nguyệt hữu hung.

Dịch.

Lâm là tiến bước dần dà.

Thật là cao đại, thật là hanh thông.

Lợi vì minh chính, một lòng.

Tới hồi tháng tám, họa hung có ngày. 

Thoán Truyện.

彖 曰 : 臨,剛 浸 而 長。 說 而 順,剛 中 而 應,大 亨 以 正,

天 之 道 也。至 于 八 月 有 凶,消 不 久 也。

Thoán viết.

 Lâm. Cương tẩm nhi trưởng. Duyệt nhi thuận. Cương trung nhi ứng. Đại hanh dĩ chính. Thiên chi đạo dã. Chí vu bát nguyệt hữu hung. Tiêu bất cửu dã.

Dịch.

Lâm là tiến bước dần dà,

Cương cường, hùng dũng, được đà triển dương.

Vui hòa, thuận thảo, mọi đường,

Kiên trinh, chính đáng, huy quang với đời,

Chính minh, cao đại, rạng ngời,

Chính minh, cao đại, ắt rồi hanh thông.

Cứ theo đường cũ ruổi rong,

Trời kia âu cũng một giòng thế thôi.

Họa hung tháng tám trông vời.

Sớm chầy cũng sẽ gặp hồi suy vi.

Thoán Từ, Thoán Truyện đại khái nói rằng: Gặp thời Dương thịnh, gặp thời quân tử đương lên, là một điều đáng mừng cho nhân loại, có thể mở một kỷ nguyên thái thịnh, an bình (Nguyên hanh). Nhưng người quân tử đừng thấy mình đắc thế mà quên đi mất chính nghĩa. Phải luôn luôn xử sự theo đường minh chính, mới hay, mới lợi. (Lợi trinh). Cai trị sao, mình được thư thái, hòa duyệt, mà dân thì thuận phục (Duyệt nhi thuận). Đừng có ỷ vào sức mạnh, mà phải luôn cảm thông với người (Cương trung nhi ứng). Gặp thời cơ thái thịnh, hanh thông, mà mình vẫn giữ được chính nghĩa (Đại hanh dĩ chính), mới là đi đúng đường lối của Trời Đất (Thiên chi đạo dã). Vả nay mình thịnh, nên nghĩ tới một ngày kia mình suy. Nay mình còn tại chức, nên nghĩ tới một ngày kia mình phải lui chân. Mà cái ngày ấy chẳng có xa, như quẻ Lâm sau 8 tháng lại đến quẻ Bĩ vậy (Chí vu bát nguyệt hữu hung. Tiêu bất cửu dã ). Có nghĩ được như vậy, mới tiếp nhân sử kỷ cho trọn vẹn được.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰: 澤 上 有 地,臨 ﹔ 君 子 以 教 思 無 窮,容 保 民 無 疆。

Tượng viết.

Trạch thượng hữu địa. Lâm. Quân tử dĩ giáo tư vô cùng.

Dung bảo dân vô Cương.

Dịch.

Hồ trên có đất là Lâm,

Hiền nhân giáo dưỡng chúng nhân chẳng rời. 

Hồ với đất ven hồ luôn tiếp cận mật thiết với nhau. Đó là bài học dạy người quân tử khi đến với dân, cũng phải thân cận với dân như vậy. Đó là phải lo dạy dỗ dân mãi mãi, và phải lo bao bọc che chở cho dân để họ được có một đời sống sung túc, an lạc. Như vậy mới là trị dân. 

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện 

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 : 咸 臨,貞 吉。 

象 曰: 咸 臨 貞 吉,志 行 正 也。

Sơ Cửu. Hàm Lâm. Trinh cát.

Tượng viết.

Hàm Lâm trinh cát. Chí hành chính dã.

Dịch.

Cùng nhau chung sức giúp đời,

Mở mang chính nghĩa, hay thời đã hay.

Tượng rằng:

Hay vì chung sức giúp đời,

Mở mang chính nghĩa, chẳng lơi tấc lòng.

Hào Sơ dạy rằng: khi người quân tử gặp thời cơ thuận tiện, hãy kéo nhau ra giúp đời. Nhưng phải theo đúng nghĩa công chính, mới hay, mới tốt. Cho nên chí hướng lúc nào cũng phải gửi gấp theo nhẽ công chính. 

2. Hào Cửu nhị.

九 二: 咸 臨,吉 無 不 利。 

象 曰: 咸 臨,吉 無 不 利 ﹔ 未 順 命 也。 

Cửu nhị. Hàm Lâm. Cát. Vô bất lợi.

Tượng viết:

Hàm Lâm cát vô bất lợi. Vị thuận mệnh dã.

Dịch.

Cửu nhị: Cùng nhau chung sức giúp đời,

Xét về lợi ích, thì thôi vẹn toàn.

Tượng rằng:

Cùng nhau chung sức giúp đời,

Làm nên ích lợi, chúa tôi hiệp hòa.

Hào hai dạy thêm: Khi gặp thời cơ thuận tiện, quân tử hãy hợp lực với nhau, đoàn kết với nhau, mà giúp đời. Nếu được như vậy, làm gì cũng hay, cũng lợi ( Hàm Lâm cát vô bất lợi). Hơn nữa, dẫu gặp thời cơ thuận tiện, đừng bao giờ quên nỗ lực, cố gắng, đừng có ỷ lại nguyên vào Thời Trời, Mệnh Trời (Vị thuận mệnh dã). 

3. Hào Lục tam.

六 三. 甘 臨,無 攸 利。 既 憂 之,無 咎。 

象 曰: 甘 臨,位 不 當 也。 既 憂 之,咎 不 長 也。 

 Lục tam. Cam Lâm. Vô du lợi. Ký ưu chi. Vô cữu.

Tượng viết.

Cam Lâm. Vị bất đáng dã. Ký ưu chi. Cữu bất trưởng dã.

Dịch.

Lục tam vồn vã, ngọt ngào.

Mà không tài đức, thời nào ích chi?

Thà lo tu tỉnh hành vi,

Nếu làm được vậy, có gì lỗi đâu.

Tượng rằng: Vồn vã, ngọt ngào,

Vị ngôi không đáng, thời nào ích chi.

Thà lo tu tỉnh hành vi,

Lỗi lầm như vậy, nhẽ gì bền lâu?

Hào ba là Hào Lục tam bất trung, bất chính, ám chỉ một kẻ tiểu nhân ở địa vị cao, nhưng không có tài đức, chỉ ngọt ngào, ve vãn lấy lòng người. Nhưng sự ngọt ngào ấy là thứ ngọt ngào giả tạo, đáng sợ, đó là Tiếu lý tàng đao = Trong cái cười có dấu con dao bén. Tiểu nhân dẫu sao cũng không thể chinh phục quân tử bằng sự ngọt ngào giả tạo ấy được. Nếu họ biết rằng tài đức của họ chưa xứng kỳ vị (Vị bất đáng dã), mà biết lo cải hóa, biết lo trau dồi tài đức, thì cái lỗi lầm của họ, một ngày nào đó có thể xóa bỏ được. 

4. Hào Lục tứ. 

六 四 : 至 臨,無 咎。 

象 曰: 至 臨 無 咎,位 當 也。

Lục tứ. Chí Lâm. Vô cữu.

Tượng viết:

Chí Lâm vô cữu. Vị đáng dã.

Dịch. Lục tứ:

Hết lòng cộng tác với người hay,

Nếu mình thành khẩn, lỗi chi đây.

Tượng rằng:

Ưa làm việc với người hay,

Vì mình xứng đáng với ngôi vị mình.

Hào Bốn cũng là Hào Âm, nhưng đắc vị, lại ứng với Sơ Cửu là người có tài. Hai bên nếu biết giao thiệp với nhau cho chí tình, chí thiết, thì cũng có thể cùng nhau giúp đời, vì thế mới gọi là (Chí Lâm vô cữu). 

5. Hào Lục ngũ.

六 五 : 知 臨,大 君 之 宜,吉。 

象 曰: 大 君 之 宜,行 中 之 謂 也。 

Lục ngũ. Tri Lâm. Đại quân chi nghi. Cát.

Tượng viết:

Đại quân chi nghi. Hành trung chi vị dã.

Dịch.

Khôn ngoan, khéo dụng nhân tài,

Đó là hay, khéo của người minh quân. 

Tượng rằng:

Minh quân xử sự êm xuôi,

Đó là làm đúng phận người quân vương.

Hào năm đề cập đến cách trị dân của một đấng quân vương. Thiên hạ thì bao la, nên vua không thể nào ôm đồm, không thể nào thấu suốt được mọi công việc. Vì vậy bổn phận nhà vua là phải tìm cho ra hiền tài phụ bật, rồi sau đó phải ủy thác cho họ công cuộc trị dân. Như vậy mới là người minh trí. Cho nên nói Tri Lâm. Bất kỳ vị vua danh tiếng nào cũng phải làm như vậy (Đại quân chi nghi). 

6. Hào Thượng Lục.

上 六 : 敦 臨,吉 無 咎。 

象 曰: 敦 臨 之 吉,志 在 內 也。

Thượng Lục. Đôn Lâm. Cát. Vô cữu.

Tượng viết:

Đôn Lâm chi cát. Chí tại nội dã.

Dịch. Thượng Lục: 

Một lòng nâng đỡ hiền tài,

Là hay, là tốt, ai người kêu ca.

Tượng rằng:

Hiền tài nâng đỡ mới hay,

Ấy vì quí chuộng người tài, chẳng quên.

Hào Sáu, tiếp tục chủ trương: Khi ở ngôi cao trị dân, mà không dồi dào tài đức, thì lại càng phải thành khẩn mà tiếp đãi các bậc hiền tài. Hoặc là đã trị dân, thời trước cũng như sau, phải một lòng thành khẩn vì dân, vì nước mới là hay. 

ÁP DỤNG QUẺ LÂM VÀO THỜI ĐẠI

 Ngày nay, dần dà thế giới đi vào chế độ dân chủ, mà điển hình là chế độ Tổng thống & Lưỡng viện. Tổng Thống có quyền chọn lựa một vị Phó Tổng Thống để điều hành việc nước chung với mình. Còn Lưỡng Viện là Thượng nghị viện & Hạ nghị viện, đều không thuộc quyền Tổng Thống. Thượng, Hạ 2 viện là cơ quan Lập pháp, còn Tổng Thống là cơ quan hành pháp

Xưa, nếu người dân bị nghi là có tội, là bị giam giữ, tù tội, có khi còn bị chém đầu, tịch thu tài sản, nếu nặng còn có thể bị chu di 3 họ. Ngày nay, bất cứ tội gì cũng phải có bằng chứng thì mới có thể bắt bớ, giam giữ người ta được.

Xưa, bất cứ có công chuyện gì mà đến chính quyền là phải hối lộ, đút lót. Nay, người làm công chức phải có lễ độ, nếu người trong chính quyền làm bậy, hoặc hống hách, đã có cơ quan ngôn luận là báo chí lên tiếng tố cáo công khai, hơn nữa công danh của họ là do dân bầu lên, do đó họ đâu dám đè đầu cưỡi cổ dân công khai, hoặc quá đáng.

Tóm lại cách cai trị dân của thời nay, làm cho dân cảm thấy mình sống được tự do thoải mái hơn xưa nhiều, thêm vào đấy, sự tiến triển của Khoa Học càng ngày càng cao, khiến con người nói chung, dân chúng nói riêng, cảm thấy đời sống bớt nặng nề, nhọc nhằn, cơ cực. Ứớc mong Đạo Đức cũng tiến, thì chúng ta sẽ sống trong hoan lạc thật sự vậy. Và như vậy là đúng theo ý muốn của quẻ Lâm.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

19.Ðịa trạch lâm

Ðại cương:

Tên quẻ: Lâm là Đại (lớn tức người trên đến với người dưới).

Thuộc tháng 12.

Lời tượng

Trạch thượng hữu Địa: Lâm quân tử dĩ giáo tư vô cùng, dung bảo dân vô cương.

Lược nghĩa

Trên đầm có đất là quẻ Lâm. Người quân tử lấy đấy mà dạy dân biết suy nghĩ cùng tận, bao dung và bảo vệ dân không giới hạn.

Hà Lạc giải đoán

Những tuổi Nạp Giáp:

Đinh: Tỵ, Mão, Sửu.

Quý hoặc Ất: Sửu, Hợi, Dậu.

Lại sanh tháng 12 là cách công danh phú quý.

THƠ RẰNG:

Cần thường điều lộ không sai,

Tấm thân an định, niềm vui thái hòa.

Hào 1:

Hàm lâm trinh cát. Ý hào: Có đường lối hay đi đến với người nhỏ mọn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Tài cao đức trọng, kính trên thương dưới, bài xích những lời dèm pha, đó là bậc đại quí.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là người công bằng chính trực, biết tuỳ thời, xóm làng kính nể.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: được người công tác hay, lên cao. _Giới sĩ: công danh toại ý. _Người thường: lui tới đúng đạo lý, kinh doanh có lợi.

Hào 2:

Hàm lâm cát, vô bất lợi. Ý hào: Bọn âm (tiểu nhân) gần kề, đến với họ một cách thân thiện.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Tiến đức hành đạo, lấy nhân mà đổi được bạo, thi hành được chí hướng, thành công.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là thiện sĩ làm lợi cho nhà.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: giúp chính trừ gian, danh cao. _Giới sĩ: tiến thủ dễ dàng. _Người thường: kinh doanh đắc lợi, đại để nên châm trước cho hợp với thời nghi.

Hào 3:

CAM LÂM, vô du lợi, ký ưu chi, vô cửu. Ý hào: Ngọt ngào tới mà có điều răn giới đấy.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Uốn lại cái cong, đem lại chỗ ngay, ở trên tới với dưới được, nhưng vị chỉ là chức huấn giáo thôi.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Tà thuyết mỵ, thế, dối người, hại vật. Nữ mệnh nhiều lời tổn đức.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: hay dèm pha, nịnh nọt. _Giới sĩ: siểm nịnh, bôn tẩu. _Người thường: bi sầu, oan khổ.

Hào 4:

Tri lâm, vô cữu. Ý hào: Thành thực đối với người, bổ khuyết cho họ.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Trung chính, tin nhau trong đảng bạn nên công nghiệp dễ thành.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng có phúc, ít tai nạn, có tiếng về kỹ nghệ.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: được đồng liêu hiệp lực. _Giới sĩ: tốt đẹp văn vả. _Người thường: cùng người hòa hợp. Kinh doanh toại ý, nhưng biến quẻ quy muội, phàm việc nên xét kỹ rồi hãy lãm.

Hào 5:

TRÍ LÂM, đại quân chi nghi, cát. Ý hào: Ở cho hết đạo của nguyên thủ, thong dong mà việc thành.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Hiếu hiền lễ sĩ, lại minh triết nên trên cảm trời, dưới được lòng dân.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng có phúc.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: hiển đạt. _Giới sĩ: lên cao. _Người thường: toại ý.

Hào 6:

ÐÔN LÂM, cát, vô cữu. Ý hào: Thân với người, rất đều đặn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Ðại quý nhân. Cùng đồng liêu di phong dịch tục, không biết mỏi, phước dầy.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Tuổi cao đức lớn, dời quê lập nghiệp.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: vào nội các, nội vụ. _Giới sĩ: vào nội xá, đại học. _Người thường: kinh doanh hoạch lợi.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.