Bạn có tin lá số Tử vi không?
Tử-vi không phải là một khoa học độc lập, nó là kết tinh trong nhiều khoa học khác trong học thuật tư tưởng Á-châu. Người sáng lập ra không phải là Hy-Di tiên sinh. Ông chỉ là người kết hợp các khoa lại. Chính ông, ông cũng công nhận khoa này có trước ông. Ông chỉ là người bổ túc và đưa nó trở thành một khoa nổi tiếng.
BẠN CÓ TIN LÁ SỐ TỬ VI KHÔNG ?
Lịch Sử Khoa Tử Vi
Tử-vi không phải là một khoa học độc lập, nó là kết tinh trong nhiều khoa học khác trong học thuật tư tưởng Á-châu. Người sáng lập ra không phải là Hy-Di tiên sinh. Ông chỉ là người kết hợp các khoa lại. Chính ông, ông cũng công nhận khoa này có trước ông. Ông chỉ là người bổ túc và đưa nó trở thành một khoa nổi tiếng.
Trong thập niên 1960 trở lại đây, VN ở hoàn cảnh chiến tranh, biến cố diễn ra liên miên. Hôm nay thế này, ngày mai bừng mắt dậy đã khác, nên khiến con người muốn tìm hiểu số mệnh mình bằng các khoa học huyền bí. Trong các khoa học huyền bí, thì khoa Tử-vi được coi là có nhiều tính chất khoa học, giải đoán được mọi sự kiện của cuộc đời và mở rộng. Bởi vậy khoa Tử-vi được nghiên cứu rất nhiều. Từ những người cao niên, học thức uyên thâm, tới những sinh viên học sinh, thi nhau tìm hiểu khoa này. Cho đến năm 1973-1975, một bán nguyệt san được xuất bản với tên Khoa Học Huyền Bí do ông Nguyễn Thanh Hoàng sáng lập và làm chủ nhiệm. Tạp chí này mang tên Khoa học huyền bí nhưng gần như là nơi quy tụ những kết quả của các nhà nghiên cứu Tử vi. Người yêu khoa Tử vi thì nhiều, mà sách vở ấn hành không được là bao. Tựu trung có các bộ sau đây :
– Tử-vi đẩu số tân biên của Vân Điền Thái Thứ Lang.
– Tử-vi áo bí của Hà Lạc Dã Phu.
– Tử-vi Hàm-số của Nguyễn Phát Lộc.
– Tử-vi đẩu số toàn thư của La Hồng Tiên do Vũ Tài Lục dịch nhưng chỉ có một phần ngắn.
Trong bốn bộ sách Tử-vi trên thì từ tính chất các sao, đến cách an sao, giải đoán hầu như quá khác biệt nhau, khiến cho người nghiên cứu không biết đâu là phải, đâu là trái, đâu là sự thật mà đi theo. Thậm chí có sách đi vào những chi tiết thần kỳ chí quái, hoang đường trái hẳn với khoa Tử-vi nguyên thủy, đó là bộ Tử vi Áo bí của Hà lạc Dã Phu.
Hiện (1977) khoa Tử-vi ở VN, bị coi là một khoa nhảm nhí bị cấm tuyệt. Tuy nhiên trong dân chúng, vẫn nghiên cứu, và các thầy Tử-vi vẫn đông khách. Tại hải ngoại, người Việt lại tiếp tục nghiên cứu khoa này, số người nghiên cứu hầu như đông đảo hơn hồi 1975 về trước nữa.
Lý do, khi tiếp xúc với văn minh cơ giới Âu-Mỹ không giải quyết được lẽ huyền bí của con người với vũ trụ. Hơn nữa khoa Tử-vi nhiều tính chất khoa học hơn các khoa chiêm tinh khác. Lý do thứ ba khiến khoa Tử-vi được nhiều người nghiên cứu là, khi ra ngoại quốc, người Việt không ít thì nhiều đều tìm cách học thêm. Học nhiều thì kiến thức rộng. Kiến thức càng rộng thì việc nghiên cứu càng sâu rộng hơn. Một vài nơi như Pháp, Canada, Úc, Hoa-kỳ, họ đã thành lập những hội nghiên cứu Tử-vi, hơn nữa có nhiều bạn trẻ dùng vi tính lập lá số, giải đoán lá số; thực là một điều đáng khuyến khích.
Tuy nhiên trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, lấy đâu ra sách vở tài liệu để họ nghiên cứu ? Sách vở căn bản không có, rất dễ dàng đi đến sai lạc, khiến cho khoa Tử-vi bị mất giá trị, mà mất luôn sự tin tưởng và mất luôn ngày giờ của người nghiên cứu.
Bởi vậy chúng tôi mạo muội mở đầu cho phong trào, bằng một bài nghiên cứu về lịch sử khoa Tử-vi, để độc giả có một cái nhìn tổng quát, khiến nó không bị ngộ nhận là nhảm nhí và đồng hóa với những khoa huyền bí thiếu biện chứng khác.
Nhận xét của Nguyễn Hiến Lê
về khoa Tử vi – Tử bình – Hà lạc
Trong cuốn Luyện lí trí (1965) chương VII tôi đã đưa ra vài nhận xét về khoa Tử Vi và Tử bình rồi kết như sau : “Tôi không quả quyết rằng những khoa Tử vi, Tử bình hoàn toàn vô giá trị. Vì tôi đã thấy những trường hợp nó đúng một cách không phải là ngẫu nhiên.
Tôi lấy thí dụ một gia đình nọ gồm bốn anh em mà tôi được biết. (Chính là tôi và ba em tôi). Khi mới sanh, mỗi người đều có một lá số tử vi. Số đoán rằng một người con trai sẽ khá nhất, càng đi xa càng khá, một người con trai nữa sẽ chết yểu, một người con gái được nhờ chồng, một người nữa không được nhờ chồng mà được nhờ con. Hiện nay, sau nửa thế kỷ, tôi thấy những điều đó đều đúng mà đúng tới vậy thì không thể cho là ngẫu nhiên được. (…)
Tôi lại nghiệm thấy rằng coi qua những số của các bà con, bạn bè cũng có thể đoán ngay được mỗi người vào hạng nào trong xã hội, nghĩa là số tốt hay xấu. Mà những lời đoán đó phần nhiều đúng, đúng về đại cương, đúng một cách tương đối. Và vấn đề nhân sự, hoàn cảnh vẫn là quan trọng”. (trang 174-175).
Ngày nay (1980) tôi có thể nói thêm : lấy theo Tử vi thì 10 lá số chỉ đúng độ 6, 7 lá; những lá đúng đó, thì mười điều cũng chỉ đúng được 6, 7, càng đoán về tiểu tiết thì càng sai. So sánh ba khoa Tử vi, Tử bình, Hà lạc, tôi thấy :
– Tử vi cho con người chịu ảnh hưởng kết tụ của các vì sao (tinh đẩu), mà như vậy mọi việc đã an bài sẵn. Không thể cải được mệnh. Tử vi dùng trên trăm sao và có tới 12 cung : Mệnh (Thân), Thiên Di, Tài Bạch, Quan Lộc. Phúc Đức, Phụ Mẫu, Phu Thê, Tử Tức, Huynh Đệ… cho nên đoán được nhiều chi tiết : tính tình mỗi người, sang hèn, giàu nghèo ra sao, cha mẹ, vợ con, anh em, cả bạn bè, bệnh tật, mồ mả tổ tiên, nhà của, ruộng nương…, nhiều chi tiết hơn Tử bình và Hà lạc; có lẽ chính vì vậy mà nhiều người thích khoa đó; nhưng đi vào chi tiết thì dễ đúng mà cũng dễ sai; mà tâm lí chung của mọi người là để ý đến những điều đúng hơn là những điều sai, cho nên khoa đó được nhiều người tin là đúng.
Sự thực, theo tôi thì khoa Tử vi không hợp lý vì dùng âm lịch, mà âm lịch có tháng nhuận; gặp người sinh tháng nhuận thì đành phải coi thuộc về tháng trước hay tháng sau, như vậy hai người sinh cách nhau một tháng, người sinh trong tháng 6 chính chẳng hạn, người sinh tháng 6 nhuận, ngày giờ giống nhau thì số y hệt nhau : điều đó không chấp nhận được.
Khoa Tử Bình gọi năm, tháng, ngày, giờ bằng can chi hết; có 4 can, 4 chi, do đó gọi là bát tự (8 chữ). Không có tháng nhuận, vì dùng dương lịch (tính năm, tháng theo thời tiết) cho nên hợp lí hơn nhiều. Nó dùng luật ngũ hành tương sinh tương khắc và theo qui tắc cứ quân bình là tốt: hễ “hành” nào thiếu thì đi vào vận có hành đó hoặc có một hành sinh ra nó (ví dụ thiếu hỏa, di vận có hỏa hoặc có mộc sinh hỏa) mới tốt. Điều đó cũng hợp lý. Lại thêm nó dùng ít sao, ít có trường hợp sao này tương phản với sao khác, nên đoán ít sai. Nhưng chính vì ít sao, đoán được ít chi tiết, nên nhiều người không thích khoa đó.
Hà Lạc gọi là bát tự vì cũng gọi năm, tháng, ngày, giờ bằng can chi; nhưng khác hẳn Tử Bình ở chỗ đổi những can chi đó ra số Hà lạc, để lập thành một quẻ kép trong kinh Dịch, quẻ này biến thành một quẻ kép khác nữa, sau cùng cứ theo ý nghĩa của mỗi quẻ, mỗi hào trong kinh Dịch mà đoán vận mạng (mỗi hào âm là 6 năm, mỗi hào dương là 9 năm; còn Tử vi và Tử bình thì mỗi vận là 10 năm). Như vậy Hà lạc chỉ cho ta biết sơ về số mạng (giàu sang hay nghèo hèn, thọ hay yểu) và mỗi hạn 6 hay 9 năm tốt xấu ra sao, chứ không cho ta biết gì về gia cảnh, cha mẹ, vợ con… Sau mỗi hào có lời khuyên nên cư xử ra sao, tiến thoái, hành xử ra sao cho hợp với nghĩa tùy thời trong kinh Dịch.
So sánh ba khoa đó, tôi thấy Tử Vi thích hợp với đàn bà (?), họ muốn biết nhiều chi tiết; Tử Bình hợp lý, thích hợp với giới trí thức; Hà Lạc thích hợp với người học đạo cư xử ở đời. Ba khoa đó phương pháp đều huyền bí, rất khác nhau mà lạ lùng thay, kết quả nhiều khi giống nhau tới 7 phần 10.
Thí dụ trường hợp của tôi. Tôi sinh năm Tân Hợi, tháng 11, ngày 20, giờ Dậu (Tây lịch: 8-1-1912), bát tự là năm Tân Hợi, tháng Tân Sửu, ngày Quí Mùi, giờ Tân Dậu. Số Tử vi đoán tính tình, khả năng của tôi đúng, về phúc, thọ của tôi cũng đúng, về vợ con cũng đúng nữa; nhưng về cung quan lộc thì đúng một phần thôi, về đại hạn 43-52 tuổi thì sai nhiều.
Số Tử bình đoán đại khái cũng đúng gần như Tử vi, tuy ít chi tiết hơn, và riêng đại hạn 41-50 tuổi thì đúng hơn Tử vi.
Số Hà lạc cũng đoán rất đúng về đại hạn đó, còn về phúc, thọ, tư cách thì cũng giống Tử vi và Tử bình. Về gia đình tôi, Hà lạc không đoán, như tôi đã nói.
Ba khoa nguyên tắc khác hẳn nhau mà kết quả hợp với nhau như vậy thì đáng gọi là kỳ dị. Nhưng tôi cũng thấy mấy người trong họ hàng tôi số Tử vi, Tử bình khác nhau xa; và có khi gần hoàn toàn sai cả nữa. Vậy ba khoa đó bảo là vô căn cứ thì sai mà bảo là đáng tin hẳn thì cũng không được.
Tò mò đọc cho biết thì nên, bỏ trọn đời để nghiên cứu thì tôi e mất thì giờ mà chưa chắc đã phát kiến được gì. Cho nên tôi không muốn lấy số cho trẻ trong nhà. Và tôi cho cứ tận lực của mình là hơn cả. Nếu có số thì con người có khi cũng thắng được số. Tất cả các sách số đều khuyên vậy : “Tín mệnh bất tín lực, thất chi viễn hĩ” (Tin số mà không tin sức mình thì lầm lớn).
Vả lại người ta có thể sửa được số. Cổ nhân tin rằng số giàu mà mình không ham giàu, tránh giàu thì sẽ tăng tuổi thọ; số sang mà mình tránh sang thì được hưởng phúc nhiều hơn. Cổ nhân còn nói: “vận nước thắng vận người” (Quốc mạng thắng nhân mạng). Những lời đó đều đúng cả.
Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ(Pháp quốc)
Khoa lý Tử vi
có làm mất niềm tin không?
Người sành tử vi, đều biết rõ mỗi lục thập hoa giáp có 518,000 dạng lá số (tạm gọi 518,000 lá số), nhân loại ngày nay khoảng 6 tỉ người (tức là cứ 12,000 người có chung một lá số, thế nhưng trong 12,000 cùng một lá số ấy có ai giống ai đâu ? Vẫn là 12,000 sứ mệnh khác nhau ! Điều này đã làm cho giới trí thức đâm ra bi quan và nghi ngờ giá trị xác thực của khoa nghiệm lý Tử vi. Thật ra, cổ nhân khi lập thành khoa lý học này, không phải để người ta dựa vào đó mà luận sự sang giàu, nghèo hèn mà muốn hệ thống hóa cái đặc loại (type) của con người, rồi do theo đó mà dạy dỗ, giáo dục từng đặc loại (theo các phương pháp riêng biệt, tỷ dụ dạy trẻ thông minh thần đồng thì dạy khác, dạy trẻ câm điếc lại cách khác nữa) sao cho tất cả mọi người cùng xứng đáng với nghĩa làm người !
Trải qua thời gian, khoa tử vi dần dần bị biến chất, hạ thấp thành phú đoán dị đoan (cốt xem vận mệnh, công danh, phú quí ra sao để trục lợi). Thuật đối nhân xử thế tiềm tàng trong mỗi lá số Tử vi, chính là cái tự do của con người (để sống hòa hợp với bao nhiêu phiền toái và ràng buộc của con người với tạo vật, tạm gọi là môi sinh). Vậy thì tử vi không là một kiểu định mệnh độc ác và bất khả chối từ đâu ! Người hiện đại, nhất là giới trí thức đều nghĩ không có định mệnh nào làm sẵn theo kiểu “nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” cả, không thể có một tha lực nào bắt con người phải nô lệ cho một định mệnh !
Mỗi lá số tử vi có một cung cách chung cho 12,000 người, nhưng đồng thời lại có đủ 12,000 trình độ xử thế khác nhau (do con người chủ động cách suy nghĩ và cách hành động của bản thân), và từ đó phát sinh ra 12,000 cái sứ mệnh khác nhau, không ai giống ai (ví như một lớp học, tuy cùng một trình độ, có người hạng nhất, có người hạng trung bình và có người xếp hàng chót). Người khoa học là người chịu khó quan sát nhiều lần cái ngẫu nhiên giống nhau, mà qui nạp thành cái tất nhiên (gọi là qui luật). Cổ nhân (gồm nhiều thế kỷ xa xưa kinh nghiệm, tích lũy được) cũng làm theo hệ thống này mà tạo thành khoa nghiệm lý tử vi để hậu thế hiểu thêm giá trị sống ở đời (mà vừa thích nghi vừa chế ngự thiên nhiên, hoàn cảnh).
Mỗi lá số tử vi có một cấu trúc thật diệu kỳ (thật huyền ảo) của 14 chính tinh (chưa nói các phụ tinh khác), ta tạm chia làm ba cách phân bổ :
– Nhân cách là tính nhị hạp của Liêm với Lương, của Phá với Cơ, của Vũ với Nguyệt, của Nhật với Phủ, của Đồng với Tham
– Địa cách là tính xung đối của Phá với Tướng, của Sát với Phủ
– Thiên cách là cái tính hại của Tử với Cự, của Tướng với Cơ, của Nhật với Sát
Sự hình thành chặt chẽ các thế đứng của tinh đẩu vừa nêu ở trên (dù đóng ở bất cứ cung nào), chính là một cách ẩn tàng khuyên bảo người ta nên đối nhân xử kỷ sao cho xứng danh “Nhân linh ủ vạn vật”, từ đó nâng cao cuộc sống vật chất và nhân cách của bản thân (Nguyễn Du: Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều)…
…. một vị thứ xếp hạng riêng biệt trong 12,000 người cùng một lá số tử vi người này vẫn khác người kia. Mỗi lá số tử vi có cái thuận lợi riêng và cái bất lợi riêng của nó. Người sành tử vi biết số của mình, không phải là biết khi nào vào vòng thái tuế, lúc nào đáo vận thiên không, cái biết này chỉ là cái “dụng” tầm thường, quan trọng hơn là ta phải biết cái “thể” rõ rệt mà xử lý với đời như thế nào cho phải đạo. Nhân sinh quan của người thích tử vi có phần tích cực và lạc quan (chứ không chịu dị đoan, yếm thế đâu). Nhìn vào lá số của mình trong thiên bàn tử vi, suy gẫm về nhân cách (là các sao nhị hạp), ta thấy bàng bạc các lời khuyên bảo chí tình :
– Sống thanh bạch phải giữ cho được phẩm cách thanh cao, đấy mới là khó ở đời (Liêm trinh với Thiên lương)
– Muốn đổi cũ thay mới, phải biết cân nhắc, tính toán cẩn thận và khôn ngoan, không thể phủ định tất cả (Thiên cơ với Phá quân)
– Phải sống có tình cảm nhân hòa nhân ái, chứ không vì đồng tiền mà cô đơn, lẻ loi, ti tiện (Thái âm với Vũ khúc)
– Phú quí song toàn, có nghĩa khi sống ở địa vị sang cả phải có lòng nhân hậu trong sáng (Thái dương với Thiên phủ)
– Phải thành khẩn tu tâm, hối cải các lầm lỗi, để diệt bớt dục vọng, đừng tham lam mà chỉ trích chuyện canh cải sửa đổi hời hợt (Tham lang với Thiên đồng)
Suy gẫm về địa cách (các sao xung đối), rõ ràng là thuật xử thế :
– Lấy độc trị độc, cao nhân tất hữu cao nhân trị (Phá quân với Thiên tướng)
– Lấy đạo cương nhu mà dung nạp nhau, đạo đức kiềm chế bớt hung bạo (Thất sát với Thiên phủ)
– Suy gẫm về thiên cách (là tính hình hại của các tinh đẩu. Tỵ hại Dần, Ngọ hình hại Sửu) cho thấy lối chỉ dạy kinh nghiệm sống ở đời phải biết:
– Khi có địa vị cao sang, phải biết nghe lời phê phán. Sự bình phẩm của xã hội là cách tu sửa bản thân thêm chính đáng (Tử vi với Cự môn)
– Trí và Dũng không cân xứng là đau khổ, thiếu cái này là mất ngay cái kia (Thiên tướng với Thiên cơ)
– Quân tử khó chung đụng với tiểu nhân, dự trong sáng nghiêm túc không dung chứa tà mị vũ phu (Thái dương và Thất sát).
Nếu mỗi người chịu sống là làm theo “ẩn ngộ” trong cấu trúc của các chính diệu nêu trên thì rõ ràng là đã giúp mình tìm một vị thế riêng trong 12,000 người cùng một lá số tử vi.
Cụ Thiên Lương nêu cao hai chữ Tài, Thọ, để thế nhân hoán cải phần số của mình, thiết tưởng không bỏ qua cả những cơ cấu chặt chẽ của tinh đẩu hình hại, tinh đẩu đối cung và tinh đẩu nhị hạp (mà cụ Thiên Lương là người đầu tiên phát hiện rõ sự trạng này) để ta thấy rõ cái bản thể của ta hơn.
Đời người theo tình lý của khoa tử vi chỉ là một “project schematique”, không một tha lực nào độ mạng cho ta được, đời ta là do ta gây dựng mà thôi. Cái thú chơi tử vi là vậy đấy. Khoa nghiệm lý tử vi không có tà thuật gì cả. Nó chỉ là một khoa chứa đựng nhiều tinh túy nhân bản của người xưa, nói về đạo sống ở đời. Ta thuộc về một lá số nào, thì ta phải cố mà bảo trì phát huy cái thuận lợi chứa trong lá số của mình từ đó các tật xấu (hoa hại) sẽ bớt đi. Chẳng khác nào ta biết được cái ưu, cái nhược của cái xe ta đi, nương theo đó mà bảo trì, sửa chửa thì xe lâu hư lâu cũ! Vậy thì, không nên chê trách các lá số kiểu Thiên không, mà cũng không nên tôn sùng quá đáng các lá số Thái tuế ! Xe honda có mau hơn tốc độ, nhưng xe đạp vẫn giúp ích cho đời nghèo chứ ? Vấn đề là dựa vào cấu trúc nhân cách (tính nhị hạp) địa cách (tính xung đối) thiên cách (tính hình hại) trong tử vi mà xử thế với đời, hai chữ thiên tài, thiên thọ nghiêm túc duy trì chính là học làm người tốt lành trong xã hội tiến bộ.
Nhìn chung mọi lá số tuy chứa 12,000 người kỳ thật lại xếp hạng từ thứ nhất, thứ nhì tới thứ 12,000 cả thẩy 512,000 lá số cho ta đủ 6 tỉ người có vị thứ khác nhau (mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười), đấy là sự thật rõ ràng nhất !
Hoàn cảnh sống, dòng dõi, nền giáo dục được hấp thụ, tất cả đúc kết lại thành “môi sinh” để mỗi người tự vươn lên, do đó việc có cùng một lá số tử vi, mà không ai giống ai (kể cả việc anh em song sinh) là tất nhiên vậy thôi. Lại nữa, con người cũng là một thứ sinh vật (như bao sinh vật và vật chất khác) luôn biến dịch theo luật tuần hoàn của vật chất, nghĩa là cùng chịu những chi phối của môi sinh (đồng thời cũng tác động lại để cải biến môi sinh), nên dù ở loại lá số nào (và xếp hạng cao thấp trong mỗi lá số) vẫn phải theo qui luật của môi sinh để trường tồn (thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong, thiên ở đây là cái lý tất nhiên tối cao, chứ không phải là mô thức Thượng đế nào). Tỉ dụ như muôn loài động vật đêm tối thì đi ngủ, trời mưa gió thì tìm chỗ ẩn náu.
Cái vi diệu của cuộc sống xã hội là có rất nhiều cái lý tối cao chi phối con người, nên dù ở lá số nào, người ta vẫn làm theo cái lý tối cao ấy (hoặc bằng vật chất, hoặc bằng tư duy) rồi trong khi thi hành theo lý tối cao của môi sinh, ta lại thấy có các trật tự khác nhau (vẫn là khác nhau!) giữa người này với người kia. Chẳng khác nào việc ta cùng nắm trong tay nhiều hòn bi màu (là các lá số khác nhau) rồi cùng một động tác duy nhất là ném ra xa (do một lý tối cao chi phối), thử xem kết quả ra sao? Không hòn bi nào nằm ngang cùng một khoảng cách đến bàn tay ném ra cả !
Cái trật tự, do lý tối cao chi phối các hòn bi ấy vẫn có mức độ khác nhau. Vậy thì cùng một môi sinh hun đúc các lá số tử vi vẫn phát triển một cách khác nhau. Đời người có may mắn có họa hại, chẳng qua là do cung cách đối nhân xử thế của mỗi cá nhân không có tha lực (thần quyền) nào dẫn dắt chúng sanh đâu !
Tác động qua lại giữa bản thể của ta với môi sinh, chính là nguồn gốc của họa phúc. Khoa tử vi giúp ta thấy được bản thể (cái thể xác thực là lá số tử vi của ta đang thuộc về) rồi tùy ta (tự do tính) định liệu xử lý với ngoại cảnh (cái dụng chân thành). Thể và dụng là chuỗi dài quá trình sinh hóa của con người khác nhau giữa người với người là chính ở ta “sống với môi sinh” của ta như thế nào thôi.
Cái thú của khách mộ điệu tử vi không phải là làm việc “bất xuất hô tri thiên hạ”, không phải làm “thầy” để “bói” đời hẳn nhiên chỉ ở chỗ: “Bất khuy dữ kiến thiên đạo” (không sống thừa không sống thiếu là thấy cái lý cùng thông của tạo vật, trong đó có ta).
Toán học thuần lý cho rằng “Les elements des nombres sont les des choses”, thì khoa tử vi cũng vẫn nghiệm cái lý: làm chủ bản thân hòa hợp với xã hội khi nào ta biết rõ cái số của ta vậy.
GS Lê Trung Hưng