VÒNG TRƯỜNG SINH – Phần 1
Vòng Tràng Sinh là quá trình phát triển của sinh mệnh chia ra 12 giai đoạn. Vòng Tràng Sinh đứng mỗi cung một “sao”.
Theo các sách Trung Quốc thì số nam đi theo chiều thuận, số nữ đi theo chiều nghịch. Khoa Tử Vi Việt thì Dương Nam Âm Nữ đi theo chiều thuận, và Âm Nam Dương Nữ đi theo chiều nghịch.
Vòng Tràng Sinh có một khúc mắc ấy là sao Mộ (hay giai đoạn phát triển Mộ) chỉ có theo chiều thuận thì Mộ mới đóng ở Thìn Tuất Sửu Mùi là cung Mộ khố mà thôi, theo chiều nghịch sao Mộ không đóng ở bốn cung đó.
Vậy thì Thìn Tuất Sửu Mùi vốn vẫn là tứ Mộ hay còn có sao Mộ nữa. Nếu phải có sao Mộ vào Thìn Tuất Sửu Mùi thì chuyện thuận nghịch của vòng Tràng Sinh không tồn tại nữa và vòng này chỉ có một chiều thuận mà thôi cho nam hay nữ, dương hay âm.
Câu phú: Phu cung đóng ở miền tứ Mộ. Gia Hồng Loan ấy số khóc chồng.
Dịch từ câu: “Sở ai giả, Hồng Loan tứ Mộ liệt Phu quân chi vị” sẽ phải luận đoán thế nào? Hồng Loan ở Thìn Tuất Sửu Mùi hoặc đứng với sao Mộ? Muốn gỡ nút rối này thì chỉ có một con đường chấp nhận vòng Tràng Sinh đi theo một chiều như vòng Thái Tuế.
Rõ ràng câu phú trên chỉ vào chỗ đứng Thìn Tuất Sửu Mùi của sao Hồng Loan vì ở Thìn Tuất Sửu Mùi Hồng Loan thường gặp Cô Thần Quả Tú. Cô Thần Quả Tú không bao giờ đứng ở các cung Tí Ngọ Mão Dậu.
Trong khi Tràng Sinh đi nghịch thì Mộ lại ở Tí Ngọ Mão Dậu.
Toàn bộ các Hành đều sinh trưởng theo chu kỳ như sau:
- Thai (Hành khí mới bắt đầu kết tinh, thời kỳ gây mầm mống)
- Dưỡng (Hành khí đang tăng lên, như con được nuôi trong bụng mẹ)
- Tràng Sinh (Hành khí được sinh ra, như trẻ con mới sinh, thời kỳ manh nha phát động của Hành)
- Mộc Dục (Hành khí còn non yếu, như con còn ấu thơ, được tắm gội cho sạchsẽ, chân tay còn vô lực, không chống đỡ cầm giữ được gì cả, còn non yếu dễ chết, còn gọi là bại địa)
- Quan đới (Hành khí đã lớn, như con đã lớn cho đội mũ)
- Lâm Quan (Hành khí ở trong thời kỳ mạnh mẽ, tràng vượng, con phát triển được, như con trai đã trở thành thanh niên lớn khỏe đi làm quan, nên đương cần vị trí của Lâm Quan còn gọi là Lộc vị)
- Đế Vượng (Hành khí vượng đến cực điểm, sắp sửa đi vào giai đoạn suy, gọi là vượng địa)
- Suy (Hành khí bước vào giai đoạn bắt đầu suy yếu, là dư khí vì lúc đó khí thịnh của đế vượng vẫn còn sót lại)
- Bệnh (Hành khí suy yếu lắm rồi, như già bị ốm đau)
- Tử (chết, Hành khí tan)
- Mộ (chôn vùi, tạo hoá thấu tàng, có dư khí, hồi quang phản chiếu)
- Tuyệt (khí tuyệt, hoàn toàn hết không còn gì cả, còn gọi là tuyệt địa) Trong chu kỳ trên, Hành khí có sức ảnh huởng đến ngoài đáng kể là Tràng Sinh, Mộc Dục, Lâm Quan, Đế Vượng và Mộ)
Phân định ảnh huởng: trong chu kỳ 12 trên thì chỉ có vị trí của Tràng Sinh, Mộc Dục, Lâm Quan, Đế Vượng và Mộ là có khí sức để có thể ảnh hưởng ra bên ngoài
Phân định Âm Dương:
Thai, Dưỡng, Tràng Sinh, Mộc Dục, Quan Đới, Lâm Quan thuộc về Dương, huớng thịnh, theo chiều thuận.
Đế Vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt thuộc Âm, huớng suy, theo chiều nghịch
Cần chú ý sự tương đồng dị biệt giữa Đào Hoa và Mộc Dục, Thiên Mã và Bệnh, Hoa Cái và Mộ, Kiếp Sát và Tuyệt
Đặc điểm về sự phối hợp Tràng Sinh, Lâm Quan, Tuyệt, Bệnh dễ phối hợp với Thiên Mã, Cô Thần, Kiếp Sát vì các sao này luôn luôn an ở Tứ Sinh. Các sao còn lại thì ở vị trí còn lại Hoa Cái luôn luôn an tại Tứ Mộ (Thìn Tuất Sửu Mùi).
Phục Binh và Tướng Quân xung chiếu với nhau thành ra bộ Thai Phục Tướng thì Thai phải đồng cung với Phục Binh hoặc Tướng Quân
Ngũ Hành
Tràng Sinh (Thủy), Mộc Dục (Thủy), Quan Đới (Kim), Lâm Quan (Kim), Đế Vượng (Kim), Suy (Thủy, Kim), Bệnh (Hỏa), Tử (Hỏa), Mộ (Thổ), Tuyệt (Thổ), Thai (Thổ), Dưỡng (Mộc)
(Dẫn theo trang tuvibinhgiai.com)