Chương 46: Động Tinh Luận
Phàm chiêm bốc, tuy đã thấu cái cơ trọng yếu của Động Tịnh. Tuy vậy còn có cái định lý và sự biến của sự việc. Dương động mà âm tịnh, một động một tịnh, cái lý nó phát xuất từ cái tịnh ấy qua cái động kia. Một tịnh thì trăm động, là do cái biến đổi của sự việc ấy. Các sự việc ở trong thiên hạ, nó rối rắm giao động, mỗi mỗi đều có sự đoán. Ta chỉ lấy một tịnh mà liệu lượng thôi, không động thì không chiêm. Không có cớ tất không bói. Phép chiêm bốc phải xét rõ từng sự việc của quần vật, cái động của sự vật mà xấu, thì cái triệu của quẻ cũng xấu, cái động của sự vật mà tốt, thì cái triệu của quẻ cũng tốt.
Như chỗ huyên náo là chợ búa, quán đình, nhân vật lộn xộn, quần vật đầy dẫy trước mắt, sự gì nương theo vật nấy thì cũng ứng ngay vào quẻ, sự tốt hay xấu cũng vạy, phải suy vào một cái lý nào để nó hợp với sự vật ấy.
Vị chưng, ở trong cái quần động ấy, hoặc là tự thấy bởi tai mắt của ta, hoặc ta đã thấy từ trước, hoặc quần sự nó thể hiện rõ ràng, hoặc do chính ta tưởng niệm ra, ta lấy đó làm sở dụng để chiêm bốc, Ví như:
Cầu danh cũng do ở trong cái quần động, hoặc ta thấy quan phủ, hoặc có văn thư bào hốt (áo mão đồ các quan mặc đi triều), vật lễ nghi thì ứng sự có lợi về quan sự.
Cầu tài lợi thì gặp được người cự thương, phú gia (nhà buôn to, nhà giàu có), hoặc thấy vật báu hóa, đoán quyết được ngay ứng tài lợi.
Lại như chiêm quan tụng rủi gặp phải đồ vật như roi vọt, xiềng xích ắt có sự kiện không tốt; chiêm bịnh mà không gặp vật ai, ma (áo tang), quan quách thì bịnh xoàng thôi không đáng ngại. Xem như vậy mới biết sự sự tương quan, vật vật tương ứng, đó là cái thiết yếu để chiêm bốc vậy.
Đến như ngồi thì ứng chậm; đi thì ứng mau; chạy lại càng ứng mau hơn nữa; nằm thì ứng chậm hơn; như thế tất phải xét nguyên nhân của sự động.
Tâm ta vốn tịnh, người tới coi quẻ, do cái ý niệm của họ ứng vào tức là động, ta dùng cái tịnh của ta, mà liệu lường cái động của người, ta dùng cái niệm của ta, mà suy cái nghiệm của người, cái tâm thành thực thì quỷ thần hay thấu, biết như vậy rồi khá biết cái trọng yếu của động và tịnh.
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)