Tử vi và luật tương quan, tương đối
Bài của tác giả Ân Quang
Nhân đọc bài “Cái Mũi Khắc Thê” hay là “Hai Cuộc Đời, Một Lá Số” của cụ Quản Văn Chính, đăng trong Tuần Báo KHOA HỌC HUYỀN BÍ số 17, trong ấy cụ có nêu lên trường hợp hai người cùng một giờ sinh, mà một người thì vợ qua đời đã lâu, một người kia vợ hãy còn sống, chúng tôi xin có bài này góp ý kiến về giá trị và công dụng của Tử Vi.
Nếu quan niệm rằng Năm, Tháng, Ngày, Giờ sinh trong một lá số quy định chặt chẽ từng tiểu tiết, sinh hoạt vận hạn của một người, thì cuộc sống của nhân loại từ xưa đến nay ắt không có gì thay đổi, tiến hóa. Vì cứ hết một vòng hoa giáp 60 năm, thì lại trở lại những ngày, giờ sinh y hệt như 60 năm trước đó, hoặc 60 năm sau này.
Thế mà cuộc sống của nhân loại đã biến đổi thiên hình vạn trạng.
Cùng một lá số Tử Vi có cung Điền Trạch thật tốt, thế hệ trước có người có cả trăm mẫu ruộng, cò bay thẳng cánh. Ngày nay, luật cải cách Điền Địa ra đời, bất chấp các sao trong lá số Tử Vi trong cung Điền Trạch, không còn ai là chủ sở hữu một trăm mẫu ruộng.
Đến đây, chúng ta thấy rằng vận số của mỗi cá nhân chịu ảnh hưởng tương quan của vận nước. Như ở Trung Hoa đỏ hiện nay thì lá số Tử Vi nào có được riêng một mẫu ruộng?
Tôi có một người trong họ, quê ở Hà Đông, ruộng nương điền sản rất nhiều. Ông cụ cũng nghiên cứu Tử Vi, có nhiều sách Tử Vi bằng chữ Hán. Đến năm 1954, khi có phong trào di cư thì cụ đốt hết sách Tử Vi. Cụ ức vì bao nhiêu năm trời xem số cho mình mà không thấy rằng mình lại bị phá sản trầm trọng đến thế. Cụ chán nản, không muốn nói chuyện Tử Vi với ai và cũng không cho tôi biết ngày giờ sinh của cụ. Nhưng tôi ngẫm rằng chỉ vài năm sau khi vào Nam, con cháu lại cũng tạo được nhà cửa, bất động sản đẹp đẽ cho cụ.
Nhìn vào cung Điền Trạch, không thể đoán rằng đương số có mấy cái nhà, mấy mẫu ruộng, mấy ao cá.
Tử Vi là Lý Số chứ không phải là Toán học.
Năm 1949, các cụ tôi làm ăn khá giả, mua được một cái nhà ở Saigon. Nhân lúc nhàn rỗi, thảo luận với bạn bè Tử Vi, có một người quen hiện là thầy Tử Vi cũng khá ở Saigon, có bảo thế này:
– “Cung Điền của Bác có Tử Vi, Tả, Hữu, ắt là có hai cái nhà”.
Lúc trời cho ăn nên làm ra, thì cũng dễ nhìn vào đà tiến mà đoán việc tốt lắm. Vài năm sau, ông cụ tôi mua thêm một cái nhà ở Gia định. Thế là hai cái nhà thật!
Tả Phù, Hữu Bật là một đôi mà, đúng quá rồi còn gì nữa. Vài năm sau nữa, làm ăn khá mua thêm một căn nhà ở Khánh Hội. Thế là ba cái nhà!
À, té ra Tử Vi là một cái chính. Phụ Bật là hai cái phụ, tổng cộng là ba.
Người có khuynh hướng công thức, ắt sẽ luận như vậy.
Đến lúc về già làm ăn kém: thu hẹp lại còn độc một cái nhà!
Vậy Tử Vi không phải là Toán Học mà là Lý Số.
Chỉ có thể luận tương đối về phần lượng mà thôi.
Có một cái nhà gạch to, bán đi có thể đổi thành hai cái nhà nhỏ, hoặc làm được vài mươi cái nhà tôn.
Luận về phần lượng của sự giàu nghèo, tiền tài, nhà cửa, địa vị thì cũng cần so sánh lá số của đương số với các cung Phúc, Quan, Điền, Tài của cha mẹ để có thêm một hình ảnh về phần lượng vậy thôi.
Cha mẹ đã ở vào bực tỷ phú, người con có lá số trung cách, trung phú, thì sự giàu có của người con cũng có hạng lắm. Do ảnh hưởng tương quan giữa cung Phú, Tài trong hai lá số.
Cha mẹ, gia tộc đã nhiều đời bần hàn, mà đến đời đương số được trung cách, trung phú, thì sự giàu có ấy cũng chẳng khá mấy trong xã hội.
Luận cho những người ấy nghe rằng số của họ được phong lưu trung phú thì trong hai người ấy, người nào cũng cho là xuôi tai, có lý. Vì người nào cũng có cái cảm quan riêng về mức trung phú, theo những tập nhiễm của họ từ bé.
Quanh đi, quẩn lại, cũng chỉ có ngần ấy năm tháng ngày giờ sinh, mỗi người còn phải chịu chi phối bởi nhiều ảnh hưởng tương quan như hoàn cảnh gia đình, dòng dõi, xã hội, địa lý v.v…
Đã có lần, tôi xem số giúp cho một đứa bé, tuổi Mậu Tuất, Mệnh có Tham tại Mùi, có Xương Khúc, Khôi Việt, không gặp hung tinh nào đáng kể, tôi đoán ngay là cháu thông minh học giỏi lắm.
Người cha mừng rỡ gật đầu: “Vâng, cháu thông minh lắm, cháu học lớp nhất. Cô giáo lúc nào cũng khen cháu. Tháng nào cháu cũng đứng từ hạng nhất đến hạng ba”.
Tuổi Mậu Tuất, năm nay 15 tuổi ta, 14 tuổi tây, học lớp nhất nhì đã lấy gì làm thông minh xuất sắc cho lắm. Có đứng hạng nhất cũng là sự thường.
Thế nhưng đứa bé ấy quả có thông minh vượt bực trong cái hoàn cảnh gia tộc của nó, theo cảm quan của gia đình nó.
Biết bao đứa trẻ ra đời cùng ngày giờ sinh. Như Mệnh có Xương Khúc cho là thông minh, thì cũng chỉ thông minh học giỏi trong hoàn cảnh gia đình của nó thế thôi! Cũng có Văn tinh, đứa trẻ sinh ra trong một gia đình văn học, ắt lợi về sự học hơn vì ngay từ lúc bé, đã thấm nhuần bầu không khí văn chương chữ nghĩa.
Cùng có Văn Xương, Văn Khúc: nếu một đứa bé sinh ra trong một gia đình mà sáng, trưa, chiều tối có chuyện đánh nhau, cãi nhau, thì Văn Xương, Văn Khúc cũng bay đi đằng nào mất. Đứa bé cũng chỉ còn lại chút thông minh lanh lợi vặt, hoặc là ê a năm ba chữ. Nhưng gia đình đứa bé, theo cái cảm quan riêng của họ, vẫn hài lòng, cho rằng như thế là thông minh.
Chính vì biết bao yếu tố tương quan như âm phúc, địa lý, dòng dõi, hoàn cảnh gia đình mà xưa nay có biết bao người cùng ngày, giờ sinh với Khổng Minh, Trương Lương, Hàn Tín… mà không có cuộc đời giống Khổng Minh như khuôn đúc được.
Tử Vi chỉ nói lên tính cách của cuộc đời, của vận hạn, chứ nào có quy định phần lượng một cách tuyệt đối.
Nếu không xét đến luật tương quan tương đối, thì không đưa ra được một chiều hướng nghiên cứu Tử Vi theo đúng công dụng của môn Lý Học Đông Phương này.
Chúng tôi nghĩ rằng, các học giả Tử Vi không nên, hoặc là suy tôn Tử Vi, hoặc là phủ nhận giá trị của khoa này.
Chúng ta cần định rõ cái công dụng của Tử Vi, rồi mới có thể phê phán giá trị của khoa này.
Thí dụ như trước một lọ thuốc bổ, chúng ta cần hiều lọ thuốc ấy bổ về phương diện nào, bổ cho cơ quan, bộ phận nào rồi sau mới có thể phê phán công hiệu của nó. Như trước một lọ thuốc bổ gan, chúng ta không tìm hiểu xuất xứ, công dụng, cứ vội theo tập quán, hoặc theo lời quảng cáo, vội cho rằng thứ thuốc bá bổ, bổ tổng quát. Đến khi uống vào vẫn thấy nặng ngực, khó thở, chê là thuốc ấy không hay. Thuốc ấy có bổ phổi đâu!
Chúng tôi thấy rằng có khá nhiều học giả Tử Vi xưa nay chỉ làm hai công việc. Một suy tôn tử Vi lên hàng thần toán tuyệt đích, tính cả đến ngày giờ qua đời. Hai là hoài nghi giá trị Tử Vi.
Nói rằng cùng ngày giờ sinh mà số vận của hai người còn có thể sai biệt vì biết bao yếu tố tương quan như địa lý, âm phúc, dòng dõi đầu giờ, cuối giờ v.v… rồi lại mong dùng Tử Vi để tính đến ngày giờ qua đời, thì quả thực là người nghiên cứu đã mâu thuẫn với chính mình.
Sách Tử Vi xuất bản đã khá nhiều, nhưng chưa ai làm công việc “Trả lại cho César cái gì của César”. Tử Vi là Tử Vi Lý Số, một môn Lý học.
Một môn Lý học không thể làm công việc của một môn Toán học thuần túy cũng như chúng ta không thể dùng Y Lý Đông Phương để luận về chiều dài con vi trùng, nhằm thỏa mãn cái tinh thần khoa học phân tích của Tây phương.
Luận đoán thời vận không phải là cứu cánh của Tử Vi Lý Số. Đoáng thời vận chỉ là một khía cạnh tương đối của Tử Vi. Môn Lý học này còn có công dụng giúp học giả tổ chức nếp sống của mình thuận theo thiên lý, theo cái quan niệm “Thuận Thiên Giả Tồn” của Đông Phương.
Trở lại câu chuyện “Hai Cuộc Đời, Một Lá Số”, chúng tôi có nhớ các cụ tôi ngày xưa thường nói chuyện rằng cung Phu-Thê mà ngộ Triệt, Tuần, nên lấy vợ chồng cách sông, cách nước thì lợi hơn, đỡ sự hình khắc. Ngày xưa thì cách sông, cách nước, cách làng, cách tỉnh đã là quan trọng. Ngày nay có cách nhau vài quốc qua cũng không phải là chuyện lạ.
Đây là khía cạnh Lý học chứ không phải là Toán học của Tử Vi.
Tử Vi Lý Số nào có độc đoán rằng hễ đã có Triệt, Tuần tại cung Phu Thê, thì dù có tính toán thế nào cũng không thoát khỏi việc lấy vợ, chồng nhằm người cách sông, cách nước…
Lý học Tử Vi chỉ vạch ra một chiều hướng sống theo Thiên Lý rằng “” Có Triệt, Tuần tại cung Phu Thê, lấy vợ chồng cách sông, cách nước thì lợi hơn, đỡ hình khắc.”
Nhân câu chuyện cụ Quản Văn Chính, chúng tôi chỉ muốn làm sáng tỏ cái quan niệm Tử Vi là một môn Lý Học Đông Phương.
Lá số của người chồng không thể định đoạt sự sống chết của vợ con, mà chỉ trợ lực, ảnh hưởng thêm vào những điểm tốt, xấu trong vận số của người vợ.
Người chồng gặp vận hạn có tang tóc, lại gặp năm ấy bản mệnh của người vợ kém, thì vợ mới chết. Còn nếu nhẹ, thì người vợ chỉ có thể bị một tai nạn nào hú vía rồi lại qua được.
Không thể coi Tử Vi như một môn toán học thuần túy, chỉ cần coi vào lá số của người chồng để quyết đoán rằng đến cái năm nào đó người vợ phải lăn ra chết.
Hai người đàn ông cùng tuổi Mậu Ngọ, tháng 5, ngày 13, giờ Mão, nhưng họ không lấy vợ cùng một ngày, một giờ. Vợ của họ không có ngày…
Theo tạp chí Khoa Học Huyền Bí