THÁI DƯƠNG
(VƯƠNG ĐÌNH CHI ĐÀM TINH)
(Dịch và bình chú: Hà Phong)
“Tử Vi đẩu số toàn thư” luận Thái Dương có câu rằng: “Từ ái rộng lượng, phúc thọ hưởng dài lâu.” (慈爱量宽大, 福寿享遐龄.) Khi luận về Thái Dương nhất định phải coi trọng nhận định này.
Cái gọi là “Từ ái rộng lượng”, thì trong “Trung Châu phái” gọi là bản chất “Làm cho người mà không nhận lại” (施而不受) của Thái Dương. Thái Dương chiếu sáng khắp vạn vật, vạn vật không có ánh sáng thì không thể sinh trưởng, thậm chí không có dương quang thì chẳng có mưa móc (ơn mưa móc), nhưng vạn vật tuyệt không thể “báo đáp” Thái Dương, đây chính là “Làm cho người mà không nhận lại” vậy. Đối với câu “Từ ái rộng lượng”, cũng cần hiểu giống như vậy, thì mới có thể tránh khỏi võ đoán.
Hiểu được bản chất này, thì mới có thể hiểu được “động cơ” của Thái Dương không giống “động cơ” của Thái Âm. Động cơ của Thái Dương là phục vụ người khác, động cơ của Thái Âm (thì) lại là tư lợi. Cho nên người Mệnh Thái Dương , rất nên làm việc trong lĩnh vực có tính chất phục vụ, như bác sĩ, luật sư, công tác xã hội, hoặc trong giới truyền thông… Cái gọi là “Quí mà không phú”, tức cũng chỉ người này chủ yếu hướng tới có vị trí xã hội vậy. (Hà Phong: hướng tới vị trí có thể phục vụ tốt cho xã hội).
Bởi vì Thái Dương chủ quí, cho nên khi đoán Mệnh cho người Thái Dương, cần phải lưu ý vị trí xã hội của đương số, đại khái một đời tài phú của người này sẽ tương ứng với địa vị xã hội mà họ có. Địa vị càng cao càng phú, địa vị thấp kém thì (phú) giảm đi.
Có 2 nguyên tắc quan sát, để xem người Mệnh Thái Dương có địa vị thế nào:
Thứ nhất, (đầu tiên) cần xem Thái Dương có quang huy hay không. Tại các 6 cung Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi là có quang huy; tại 6 cung Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tý, Sửu là mất quang huy. Người sinh ban ngày, từ giờ Dần đến giờ Mùi, quang huy là tốt đẹp nhất; người sinh ban đêm, từ giờ Thân đến giờ Sửu, quang huy kém đi một bậc. Người sinh ban ngày mà Thái Dương mất quang huy thì cát hung tương bán; người sinh ban đêm mà Thái Dương mất quang huy thì là hung.
Thứ hai, cần xem tổ hợp tinh diệu, bởi vì Thái Dương là chủ tinh của Trung Thiên tinh hệ, cho nên cũng ưa thích “Bách quan triều củng” giống như Tử Vi vậy, chỉ là không có cách cục “Phủ Tướng triều viên”, mà thay vào đó là cách cục “Nhật Nguyệt tịnh minh”, tức là kết cấu Thái Dương tại Thìn, Thái Âm tại Tuất tương chiếu.
Thái Dương tại Hợi, gọi là “phản bối”, đây là một trong những cách cục lớn của Tử Vi Đẩu Số. Phàm đã là cách cục lớn, thì hoặc là rất cát lợi, không thì sẽ là rất khốn trệ (困滞), rất hiếm khi ở trạng thái trung bình.
Thái Dương ở cung Hợi là bị mất đi ánh sáng, chủ cho đương số một đời vất vả cực nhọc, vị trí xã hội không cao, cho dù có đồng hội (cùng một lúc hội) các cát tinh như Xương Khúc Tả Hữu Khôi Việt, cũng chỉ có thể cải thiện vị trí xã hội, còn cực nhọc vất vả vẫn khó tránh. (Hà Phong: Có 2 vấn đề. Thứ nhất, hội được cả 3 cặp cát tinh kia là không dễ, cho nên hội được ít sao hơn vẫn phải có tác dụng. Thứ hai, có lý luận cho rằng Thái Dương tại Hợi hội nhiều cát tinh phù hợp, thì chỉ là sau chừng 40 tuổi mới có công danh, mới bớt vất vả, nên lưu ý điều này).
Tuy nhiên Thái Dượng tại Hợi rất thích hợp gặp cách cục “Lộc Mã giao trì”, tức Mệnh hoặc Di gặp Hóa Lộc hoặc Lộc Tồn, lại gặp Thiên Mã, tức là hình thành cách cục có được phú quí lớn nhờ việc ly hương lập nghiệp. Nếu lại gặp các cát tinh như Xương Khúc hội hợp, thì lại càng thêm đẹp. Thái Dương tại Hợi, thời trẻ bất lợi cho cha, “Lộc Mã giao trì” cũng lại giống thế. Vì điểm chung là cả hai cách cục này đều chỉ việc tha hương lập nghiệp, cho nên ít nhất thì cũng là không được hưởng phúc ấm của cha mẹ. Nếu như có cách cục này, mà không ly hương, thì vẫn chủ về khốn trệ.
Thiên “Chư tinh vấn đáp luận” lúc bàn về Thái Dương viết: “Mệnh có cát tinh thủ chiếu, tốt nhất là đắc Thái Âm đồng chiếu, phú quí toàn mĩ” (命逢诸吉守照, 更得太阴同照, 富贵全美.), lại nói: “Nếu như Thân cư Thái Dương, gặp nhiều cát tinh, thì làm kẻ môn khách của quí nhân, nếu không thì là kẻ sai dịch cho bậc công khanh” (若身居之, 逢吉众, 则可在贵人门下客, 否则公卿走卒.)
Đoạn này, rất dễ khiến người ta sơ suất. Sự phân biệt chủ yếu là ở chỗ khác biệt giữa Thái Dương tại cung Mệnh và Thái Dương tại cung Thân. Thái Dương thủ Mệnh, nếu cát thì có thể phú quí, Thái Dương thủ Thân, trừ phi Mệnh cũng có cách cục khác, nếu không thì tuy là cát nhưng chủ cho việc làm dâu trăm họ (为人作嫁).
Nếu như cung Thân cư cung Phu Thê mà có Thái Dương tọa thủ (lại) gặp nhiều cát tinh hội hợp, nếu là nữ mệnh thì chủ việc cưới được người chồng phú quí, nếu là nam mệnh cũng chủ nhờ vợ mà được quí.
Cái gọi là “Vì vợ được quí” (因妻得贵), thời xưa chuyên chỉ nhờ nhạc phụ đề bạt, nhưng thời nay sẽ tương đối phức tạp khi phán đoán, có thể chủ về việc được vợ giúp sức mà giành được phú quí, mà cũng có thể cưới được người vợ mà bản thân họ có sự nghiệp lớn, lúc suy đoán không thể chỉ rập khuôn theo lời cổ nhân.
Ảnh hưởng của các sát tinh đối với Thái Dương, mỗi sát tinh lại mỗi khác.
Thái Dương tốt nhất là không hóa Kị. Nếu như Thái Dương hóa Kị thủ Mệnh, nữ mệnh rất không có lợi cho người thân là nam giới, thời trẻ khắc bố, hôn nhân sóng gió, về già lại sinh ly với con cái. Đặc biệt là về việc sóng gió trong hôn nhân, thường biểu hiện thành việc bị người khác bội tình bạc nghĩa (始乱终弃), cho nên nếu nữ mệnh như thế này, rất cần cẩn thận trong vấn đề tình cảm, không nên kết hôn sớm, cũng không nên yêu đương quá sớm. Trong vấn đề con cái, cũng nên đề phòng việc sẩy thai/phá thai hoặc sinh non… (Hà Phong: tôi cho rằng nên phân biệt chủ-khách, nghĩa là người làm hại cho ta, hay ta làm hại cho người.)
Linh Tinh không nên cùng với Thiên Hình đồng chiếu Thái Dương hóa Kị, nếu như 3 sao này đồng độ, chủ tai họa bệnh tật, quan phi, thất bại, hình khắc. Ứng vào tính chất nào, cần xem thật kĩ tinh diệu ở các cung để quyết định. Ví dụ như cung Quan Lộc không cát, thì chủ sự nghiệp khuynh bại.
Nếu như Kình Dương Đà La cùng chiếu Thái Dương hóa Kị, thì chủ tật bệnh, rất dễ là tật bệnh của hệ thống thần kinh. Người nghiên cứu thuật số nước ta (lời Vương Đình Chi) cũng xem tật bệnh đó ở hệ thống thần kinh, hoặc cũng có thể là tật ở huyết quản và tâm tạng, đồng thời chủ cho hệ nội tiết mất điều hòa.
Mệnh Thái Dương, có một cách cục rất trọng yếu, gọi là “Nhật xuất lôi môn”. Tức là Mệnh Thái Dương tại Mão. Do vì Thái Dương tại cung Mão xem như là mặt trời bắt đầu mọc từ phương Đông, ánh sáng chiếu khắp vạn trượng, nên xem là cát. Gọi là “lôi môn” là vì cung Mão thuộc quẻ Chấn, Chấn vi Lôi, cho nên trong thuật số gọi cung Mão là “lôi môn” vậy.
Thái Dương tại Mão tất đồng cung với Thiên Lương. Tốt nhất là được Thái Âm hóa Lộc đắc Xương Khúc tại Hợi hội hợp, tức là thành cách cục “Dương Lương Xương Lộc”, cổ nhân cho rằng có lợi cho thi cử, có câu “Dương Lương Xương Lộc, (sẽ) được xướng danh là kẻ đỗ đầu” (阳梁昌禄, 胪传第一名), ở thời nay, được coi là tinh hệ của nghiên cứu học thuật. Cũng chủ có lợi cho việc cạnh tranh, giống như là cây cột nổi trội trên một khoảng đất vậy.
Duy (nhất) không thích Thiên Lương hóa Lộc, cho dù thành cách “Dương Lương Xương Lộc” cũng chỉ chủ là người có chuyên môn (không quá cao), nhưng không thể có thành tựu cao trong học thuật. Ví dụ như có thể trở thành bác sỹ, những không thể (không nên) làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu y dược (nghiên cứu sâu), cách cục bị giới hạn tương đối lớn.
“Thái Dương Cự Môn” đồng độ, cũng là một tổ hợp trọng yếu, gọi là “Cự Nhật đồng lâm cách”. Phàm cách cục này thì sẽ thành lập trên 2 cung Dần/Thân. Cổ ca có câu: “Cự Môn bất tương phạm”, chủ yếu là chỉ Cự Nhật tại Dần, nếu tại Thân, do vì Thái Dương mất đi ánh sáng, cho nên nam mệnh lục thân sẽ có khuyết điểm, càng rõ hơn nếu là nữ mệnh, không nên kết hôn sớm. (Hà Phong: câu “Cự Môn bất tương phạm” là ý nói tuy Cự Nhật đồng cung, nhưng nếu là tại Dần thì Thái Dương sáng, nên tính thị phi của Cự Môn không làm hại đến quí khí của Thái Dương).
Cự Nhật đồng cung có một đặc điểm lớn đó là có khẩu tài. Ở thời nay, chủ về thiên tài ngôn ngữ, có thể học tập nhiều phương ngôn và ngoại ngữ. Riêng về phương diện khẩu tài chủ về có thể phát huy năng lực thuyết phục.
Có thêm một ý nghĩa nữa của Cự Nhật, là chủ về người nơi khác hoặc người không cùng chủng tộc. Cho nên lúc Thái Dương hóa Quyền, Cự Môn hóa Lộc, thường được người nơi khác hoặc người khác chủng tộc (hoặc người nước ngoài) đề bạt, tán thưởng.
Thái Dương hóa Kị, hoặc Cự Môn hóa Kị, dễ dính mắc thị phi, cho nên nên làm việc mà vốn sẵn có tính chất của thị phi yêu ghét, như là luật sư, ngoại giao… Nếu không thì cũng chủ tốn nước bọt để kiếm tiền (费唇舌以求财), như là người môi giới vậy.