Tật ách cung nhàn đàm
Nguồn: Trung Châu Tử Vi Đẩu Số – Tam Hợp phái
“Tam phương tứ chính” của cung tật ách là cung phụ mẫu, cung huynh đệ và cung điền trạch. Tổ hợp tinh hệ này là do trong chế độ gia đình, bệnh tật rất dễ lây nhiễm, thêm vào đó, ở xã hội phong kiến cổ đại, thành viên của gia tộc mà phạm tội thường thường có thể liên luỵ đến người thân, vì vậy tổ hợp tam phương tứ chính này có một ý nghĩa đặc thù.
Hoàn cảnh xã hội hiện tại tuy đã biến đổi, nhưng cung tật ách hợp với cung phụ mẫu dùng để xem bệnh di truyền, và hội hợp với cung điền trạch để xem trạng thái sức khoẻ của các thành viên trong gia đình. Thậm chí quan sát tinh hệ ở các cung hội hợp với cung huynh đệ để xem đời người có hung ách hay không, theo kinh nghiệm của Vương Đình Chi vẫn hữu hiệu.
Cung tật ách chủ về bệnh tật và tai ách, nhưng liên quan đến vấn đề có tai ách xảy ra hay không, cung tật ách thực ra chỉ có thể dùng để tham khảo. Bởi vì khi luận đoán tai ách thường thường phải phối hợp thêm tổ hợp của cung mệnh, hơn là dùng trực tiếp tinh hệ của cung tật ách, còn đối với việc luận đoán bệnh tật thì nên xem xét cả tinh hệ của cung mệnh lẫn tinh hệ của cung tật ách, hai cung đều quan trọng ngang nhau. Ví dụ “Liêm trinh, Thất Sát” thông thường chủ về bệnh đường hô hấp, nếu cung tật ách gặp nó, đương nhiên là có ý nghĩa này, nhưng nếu cung tật ách gặp sao ác, mà cung mệnh là “Liêm trinh, Thất Sát”, thì cũng chủ về bệnh đường hô hấp.
Có lúc thậm chí phải lấy tinh hệ của cung mệnh và tinh hệ của cung tật ách phối hợp lại để luận đoán một loại bệnh tật. Ví dụ như cung tật ách gặp “Liêm Trinh, Thất Sát”, có sát tinh hội chiếu, cung mệnh gặp Hồng Loan và Thiên Hỉ, theo Vương Đình Chi, có thể phát hen suyễn, hoặc tạm thời không phát tán, đến khi cung mệnh của đại hạn hoặc lưu niên gặp Hồng Loan, Thiên Hỉ, lại có thêm lưu sát tinh xung hội thì mới phát bệnh.
Từ ví dụ kể trên có thể biết, dựa vào các sao để luận đoán tật bệnh là rất khó. Tiết này trình bày một số kinh nghiệm bí truyền và nghiên cứu của Vương Đình Chi về tính chất các tinh hệ trong vấn đề bệnh tật và tai ách, nhưng bạn đọc vẫn nên vận dụng một cách linh hoạt, không được câu nệ. Có lúc phải mang các sao của cung mệnh và cung tật ách cùng với các sao hội hợp ở tam phương tứ chính ra đồng thời tham chiếu, thậm chí còn phải mang “lưu diệu” của đại hạn và lưu niên ra phối hợp để luận đoán, mới có thể chính xác.
Ví dụ trường hợp xem bệnh ung thư mũi họng, tinh hệ chủ yếu vẫn là “Liêm Trinh, Thất Sát”, hành vận đến cung hạn Thiên Đồng và Cự Môn đối nhau, nếu đại hạn có các sao sát tinh, kỵ cùng chiếu, mà còn gặp Long Trì đồng độ hoặc xung chiếu cung mệnh, còn “Liêm Trinh, Thất Sát” lại hội hợp với Hoả Tinh, Linh Tinh hoặc Thiên Hình, thì trong đại hạn này sẽ phát bệnh.
Lấy trường hợp trên làm ví dụ, bạn đọc có thể thấy được phần nào phép luận đoán tật bệnh.
Dùng Đẩu Số luận đoán tật bệnh, hoàn toàn lấy nguyên lý ngũ hành âm dương của Đông y làm căn cứ, cho nên rất khó luận đoán kết hợp với tên gọi các bệnh theo y học hiện đại. Dưới đây xin trình bày một số nghiên cứu đối chiếu của Vương Đình Chi.
Liên quan đến tri thức về nguyên lý ngũ hành sinh khắc và ngũ tạng lục phủ, xin giới thiệu như sau:
“Tâm” (tim) thuộc hoả, “tiểu trường” (ruột non) cũng thuộc hoả; hoả cũng là hệ tuần hoàn và hệ thần kinh; ở ngũ quan là lưỡi.
“Can” (gan) thuộc mộc, “đảm” (mật) cũng thuộc mộc; mộc cũng là hệ nội tiết; ở ngũ quan là mắt.
“Tì” (tuyến tuỵ, lá lách) thuộc thổ, “vị” (dạ dày) cũng thuộc thổ; thổ cũng là hệ tiêu hoá; ở ngũ quan là miệng.
“Phế” (phổi) thuộc kim, “đại trường” (ruột già) cũng thuộc kim; kim cũng là hệ hô hấp; ở ngũ quan là mũi.
“Thận” thuộc thuỷ, bàng quang cũng thuộc thuỷ; thuỷ cũng là hệ thống bài tiết và cơ quan sinh dục; ở ngũ quan là tai.
Căn cứ ngũ hành sở thuộc này, đương nhiên có thể biết bệnh ở đâu, như gặp Vũ Khúc ở cung tật ách, có sát tinh, vì Vũ Khúc thuộc âm kim, chủ về âm kim bị tổn thương, cho nên bệnh ở phế hoặc đại trường; nhưng vì cớ kim khắc mộc, nếu Vũ KHúc hội hợp với các sao quá mạnh, như Hoá Lộc, Hoá Quyền, Hoá Khoa và các sao cát, thì kim thịnh sẽ làm tổn thương mộc, có khả năng gan, mật, mắt sẽ mắc bệnh, do đó cũng có thể bị mắt vàng, viêm gan, v.v… Nếu cung mệnh gặp các sao sát, hình, kỵ thì có thể căn cứ vào đây mà suy ra để định.
Căn cứ nguyên lý ngũ hành tương khắc, có thể biết một số quy luật cơ bản để xem về tật bệnh:
Hoả bị thuỷ khắc, thuỷ quá mạnh, chủ về các bệnh ở tim và ruột non, hệ tuần hoàn và hệ thần kinh, hoặc đầu lưỡi và khoang miệng.
Mộc bị kim khắc, kim quá mạnh, chủ về các bệnh ở gan mật, hệ nội tiết, hoặc mắt.
Thổ bị mộc khắc, mộc quá mạnh, chủ về các bệnh ở dạ dày, tuyếb tuỵ, hệ tiêu hoá, hoặc khoang miệng.
Kim bị hoả khắc, hoả quá mạnh, chủ về các bệnh ở phổi và ruột già, hệ hô hấp, hoặc xoang mũi, khí quản.
Thuỷ bị thổ khắc, thổ quá mạnh, chủ về các bệnh ở thận và bàng quang, hệ bài tiết, hoặc khoang tai trong, tai ngoài.
Ngoài ra còn có thuyết “Mẹ nuông chìu quá thì con hư” (mẫu từ diệt tử), như hoả quá thịnh, hoả tuy sinh thổ, nhưng sinh thái quá thì trái lại sẽ làm thổ bệnh. Vì vậy, căn cứ vào thuyết này lại có thể định ra một số nguyên tắc như sau:
Hoả được mộc sinh, sinh thái quá thì hoả bệnh, như bệnh tim.
Mộc được thuỷ sinh, sinh thái quá thì mộc bệnh, như bệnh gan.
Thổ được hoả sinh, sinh thái quá thì thổ bệnh, như bệnh dạ dày.
Kim được thổ sinh, sinh thái quá thì kim bệnh, như bệnh phổi.
Thuỷ được kim sinh, sinh thái quá thì thuỷ bệnh, như bệnh thận.
Do đó, có thể thấy, dựa vào các sao để luận đoán tật bệnh là rất khó khăn, đòi hỏi phải có một số kinh nghiệm. Nhưng có một nguyên tắc chung là, gặp các sao ở cung tật ách trước tiên phải xét về âm dương ngũ hành của nó, như kim yếu, thì trước tiên phải nghi là kim bị bệnh; nếu kim mạnh thì phải nghi hành nó khắc là mộc bị bệnh; nếu sao kim quá mạnh thì phải nghi thuỷ bị bệnh.
Dưới đây xin liệt kê một số chứng bệnh chủ yếu của các sao theo nguyên lý âm dương ngũ hành để bạn đọc tham khảo.
Tử Vi là âm thổ, chủ về bệnh tì vị (dạ dày, tuyến tuỵ), bệnh cơ quan tiêu hoá.
Thiên Cơ là âm mộc, chủ về bệnh gan mật (can, đảm), bệnh hệ nội tiết.
Thái Dương là dương hoả, chủ về bệnh tim (tâm), mắt, hệ tuần hoàn và hệ thần kinh.
Vũ Khúc là âm kim, chủ về bệnh phổi, khí quản, hệ hô hấp.
Thiên Đồng là dương thuỷ, chủ về bệnh bàng quang, hệ bài tiết.
Liêm trinh là âm hoả, chủ về bệnh tâm hoả, phụ khoa, hệ tuần hoàn.
Thiên Phủ là dương thổ, chủ về bệnh dạ dày, khoang miệng.
Thái Âm là âm thuỷ, chủ về bệnh âm hư, thận, hệ cơ quan sinh dục.
Tham Lang là dương mộc, chủ về gan mật, hệ nội tiết.
Cợ Môn là âm thổ, chủ về bệnh tuyến tuỵ (tì).
Thiên Tướng là dương thuỷ, chủ về bệnh ở mật, hoặc bệnh hệ bài tiết.
Thiên Lương là dương thổ, chủ về bệnh dạ dày, tuyến vú.
Thất Sát là âm kim, chủ về bệnh hệ hô hấp.
Phá Quân là âm thuỷ, chủ về bệnh âm hư và hê cơ quan sinh dục.
Tả Phụ là dương thổ, chủ về bệnh thống phong (gout).
Hữu Bật là âm thuỷ, chủ về bệnh thận yếu.
Văn Xương là dương kim, chủ về bệnh đại trường và tam tiêu.
Văn Khúc là âm thuỷ, chủ về bệnh ban đỏ, đường sinh dục.
Thiên Khôi là dương hoả, chủ về bệnh ở kinh dương minh.
Thiên Việt là âm hoả, chủ về bệnh viêm.
Lộc Tồn là âm thổ, chủ về bệnh tì vị.
Thiên Mã là dương hoả, chủ về bệnh dịch, huyết không nuôi được gân (cân), thấp hoả lưu ở gân (cân).
Kình Dương là dương kim, chủ về bệnh đại trường, bị côn trùng cắn, ngoại thương.
Đà La là âm kim, chủ về bệnh phổi, ngoại thương.
Hoả Tinh là dương hoả, chủ về bệnh thấp hoả, vết thương làm độc, u nhọt.
Linh Tinh là âm hoả, chủ về bệnh hư hoả bốc lên.
Địa Không là âm hoả, chủ về bệnh huyết hư, huyết áp thấp.
Địa Kiếp là dương hoả, chủ về đau dạ dày.
Hoá Lộc là âm thổ, chủ về bệnh tì vị.
Hoá Quyền là dương mộc, chủ về bệnh gan mật, hệ nội tiết.
Hoá Khoa là dương thuỷ, chủ về bệnh thận hư.
Hoá Kỵ là dương thuỷ, chủ về bệnh hệ cơ quan sinh dục, cũng chủ về chứng sưng tuyến tuỵ, chứng “khí phận bất hành”.
Thiên Thương là dương thuỷ, chủ về bệnh di tinh, bệnh lao.
Thiên Sứ là âm thuỷ, chủ về bệnh rối loạn nhịp tim, bệnh phụ khoa.
Thiên Hình là dương hoả, chủ về bệnh tim, còn chủ về bệnh dịch, ngoại thương.
Thiên Diêu là âm thuỷ, chủ về bệnh âm hư, bệnh bàng quang, bệnh hệ cơ quan sinh dục.
Thiên Khốc là dương kim, chủ về bệnh lao, ho dai dẳng.
Thiên Hư là âm thổ, chủ về bệnh hư tổn, phụ nữ âm hư.
Hồng Loan là âm thuỷ, chủ về bệnh thận hàn, thận hư, bệnh kín của phụ nữ.
Thiên Hỉ là dương thuỷ, chủ về bệnh thận, bệnh tử cung.
Tam Thai là dương thổ, chủ về bệnh rối loạn tiêu hoá, mụn trứng cá.
Bát Toạ là âm thổ, chủ về vì dinh dưỡng quá dư dẫn đến các bệnh béo phì, mỡ máu cao.
Long Trì là dương thuỷ, chủ về bệnh ở tai, tai điếc, tai ù.
Phượng Các là dương thổ, chủ về bệnh tàn nhang, bệnh béo phì.
Thiên Tài là âm mộc, chủ về bệnh nội tiết.
Thiên Thọ là dương thổ, chủ về bệnh cơ quan tiêu hoá.
Thiên Quan là dương thổ, chủ về bệnh ngoài da, bệnh thấp khí, rối loạn tiêu hoá.
Thiên Phúc là dương thổ, chủ về bệnh tì vị.
Ân Quang là dương hoả, chủ về bệnh kinh dương minh, hư hoả.
Thiên Quý là dương thổ, chủ về bệnh tì vị, rối loạn tiêu hoá.
Thai Phụ là dương thổ, chủ về bệnh tì vị.
Phong Cáo là âm thổ, chủ về bệnh đường ăn uống.
Cô Thần là dương hoả, chủ về bệnh nhiệt, huyết áp cao.
Quả Tú là âm hoả, chủ về chứng phong.
Dùng Đẩu Số để luận đoán bệnh tật, tai ách, không thể chỉ dùng cung tật ách của nguyên cục, mà phải tiến hành xem xét cung tật ách của từng đại hạn mới có thể suy ra để luận đoán các bệnh tật chủ yếu trong cuộc đời của mệnh tạo. Có lúc còn phải xem xét cung tật ách của lưu niên, mới có thể đoán được sự phát triển của bệnh tình. Muốn luận đoán Đẩu Số cần phải thoát ra khỏi giới hạn của 12 cung mới có cái nhìn toàn diện và chính xác, lúc luận đoán cung tật ách càng cần như vậy hơn. Nếu chỉ căn cứ cung tật ách của nguyên cục để luận đoán, tuy có thể suy ra một số đặc trưng cơ bản về thể chất, nhưng lại dễ bỏ sót ứng nghiệm tật ách ở đại vận và lưu niên.
Cho nên, muốn biết mệnh tạo có mắc bệnh gì nặng trong cuộc đời không, có bị phẫu thuật không, có bị chứng gì nguy hiểm không, thì cần phải quan sát tinh bàn một cách xuyên suốt, bao gồm cả các cung hạn. Bất luận cung tật ách của nguyên cục ở cung độ nào, chỉ cần tìm ra nhóm “sao bệnh” thì chú ý ngay. Sau đó xem nhóm “sao bệnh” này bị các sao sát, kỵ, hình, hao xung hội ở đại vận nào, hay lưu niên nào, mà còn rơi vào cung tật ách, cung mệnh, hay cung phúc đức của đại vận hoặc lưu niên, đều có thể xem đó là thời kỳ ứng nghiệm.
1. Tử Vi ở cung tật ách
Tử Vi thuộc thổ, chủ về âm phận, cho nên ở tạng phủ là chủ về tì (tuyến tuỵ). Cơ thể con người hấp thu dinh dưỡng là nhờ tỳ thổ làm việc, cho nên quan sát tình hình của Tử Vi ở cung tật ách có thể biết được tình trạnh hấp thu dinh dưỡng. Nếu Tử Vi là “tại dã cô quân” hay là “cô quân”, đều chủ về vì tì thổ yếu khiến cho huyết khí đều thiếu.
Tử Vi gặp các sao hư, hao, Văn Xương, Văn Khúc, thì bệnh do tì thổ gây ảnh hưởng đến trường vị (đường tiêu hoá), biểu trưng là ói mửa, tiêu chảy; nhẹ thì khí trướng, khó chịu trong ngực, gặp Địa Không, Địa Kiếp là lói tim và khó thở.
Nếu Tử Vi gặp các sao phụ, tá trùng trùng, thì cần đề phòng tì thổ khí quá mạnh, hấp thu quá nhiều dinh dưỡng, ảnh hưởng đến tâm và thận. Tâm thuộc hoả, hoả bị thổ mạnh làm tiết khí; thận thuộc thuỷ, thuỷ bị thổ mạnh khắc, khiến mất quân bình, dễ bị bệnh tâm thận bất hoà; bản thân tì thổ khí quá mạnh, cũng chủ về bệnh dạ dày.
Tử Vi có các sao đào hoa đồng độ, hoặc được các sao đào hoa triều củng, chủ về sắc dục, cũng chủ về bệnh kín của phụ nữ. Nếu trong tinh bàn có các sao mắc bệnh thận hội hợp, thì có thể đoán vì sắc dục mà gây nên hư tổn.
Trong các tinh hệ Tử Vi, tổ hợp “Tử Vi, Tham Lang” là chủ về sắc dục; gặp các sao phụ, tá, cũng không giảm nhẹ đặc trưng này. Cho nên, nếu gặp sát tinh thì chủ về bệnh thận. Luận về ngũ hành, do Tham Lang thuộc dương mộc, còn thuộc thuỷ, mộc làm thuỷ bị tiết khí, mà Tử Vi thổ đến khắc thuỷ, bị khắc và tiết khí trùng trùng, vì vậy chủ về có bệnh.
“Tử Vi, Phá Quân” cũng có khuynh hướng mắc bệnh thận, Phá Quân thuộc thuỷ, đồng độ với Tử Vi, không bị thổ khắc. Nhưng khác với tính chất của “Tử Vi, Tham Lang”; do Tham Lang mộc, có thể gây ra chứng can dương thượng kháng, căn nguyên là vì sắc dục, chủ về bệnh thận hư tổn. “Tử Vi, Phá Quân” là thổ thuỷ tương khắc, vì vậy chủ về bệnh kín ở đường kinh thận, nhất là nữ mệnh chủ về bệnh kín phụ khoa.
Nếu “Tử Vi, Phá Quân” gặp sao đào hoa và sát tinh, đây là bệnh về tính dục, cũng chủ về sẹo ngoài da; không có sao đào hoa, là tì thổ bị thấp mà gây ra bệnh ngoài da.
Tổ hợp “Tử Vi, Thiên Phủ”, hai chủ tinh đều thuộc thổ đồng độ, vì vậy chủ về bệnh đường tiêu hoá (tì, vị, trường); được “trăm quan đứng chầu”, thì tì thổ quá nặng, gặp sao đào hoa, hư, hao, thì cũng chủ về sắc dục.
Nếu “Tử Vi, Thiên Phủ” đồng độ hoặc đối xung với Hoả Tinh, Linh Tinh; còn gặp Vũ Khúc Hoá Kị đến hội, đây là bệnh loét đường tiêu hoá, hay đường tiêu hoá có khối u; nếu gặp thêm các tạp diệu Thiên Nguyệt, Thiên Hư, Âm Sát, thì có khuynh hướng phát triển thành bệnh ung thư.
Tổ hợp “Tử Vi, Thiên Tướng”, do Thiên Tướng thuộc thuỷ, nên chủ về tiểu đường, sỏi thận, sỏi bàng quang, tức bệnh tật ở hệ thống “thuỷ đạo”. Gặp Địa Không, Địa Kiếp, có thể là bệnh tuyến tiền liệt. Gặp Hoả Tinh, Linh Tinh, đây là tì thổ bị thấp, phát triển thành dị ứng da, như nổi mề đay.
Nếu “Tử Vi, Thiên Tướng” hội Vũ Khúc Hoá Kỵ, đây là điềm tượng phải phẩu thuật, đặc biệt chủ về mỗ thận; nhưng có lúc lại là điềm tượng ung thư xương, cần phải xem xét kỹ các tạp diệu mà định. Hễ gặp các tạp diệu Thiên Đức, Âm Sát, Thiên Hình, Thiên Hư, Đại Hao, Thiên Nguyệt, Kiếp Sát, đều có thể là bệnh ung thư.
“Tử Vi, Thất Sát” chủ về tì thổ không nuôi dưỡng phế kim, cho nên chủ về việc thu nạp dinh dưỡng không tốt, ảnh hưởng đến phế tạng hoặc hệ hô hấp. Nhưng phế và đại trường có quan hệ biểu lý, cho nên cũng có thể phát triển thành bệnh đường ruột (đại trường).
“Tử Vi, Thất Sát” gặp Vũ Khúc Hoá Kỵ, nên đề phòng bị thương té ngã; gặp Liêm Trinh Hoá Kỵ, là huyết chứng, hoặc là sự cố bất trắc có chảy máu. Nếu sao đào hoa trùng trùng, mà Liêm Trinh Hoá Kỵ, đây là bệnh về tính dục, hoặc bệnh về máu mủ.
“Tử Vi, Thất Sát” gặp sát tinh, chủ về do vị thu nạp dinh dưỡng quá mạnh nên gây ra bệnh trường vị (bệnh đường tiêu hoá). “Tử Vi, Thất Sát” có Hoả Tinh, Linh Tinh đồng độ, thì đây là chứng loét.
Hễ tinh hệ Tử Vi có Kình Dương đồng độ, lại gặp Thiên Hình, đều chủ về phẫu thuật hoặc vật lý trị liệu. Tinh hệ Tử Vi đồng độ với Kình Dương, chủ về bao quy đầu quá dài; nữ mệnh chủ về bệnh kín âm lãnh.
2. Thiên Cơ ở cung tật ách
Thiên Cơ thuộc mộc, chủ về tạng can (gan), còn chủ về tứ chi, nhất là các ngón tay, ngón chân (đây là lấy nhánh, cành cây ví với tay chân). Cho nên Thiên Cơ lạc hãm, lại gặp sát tinh, thì chủ về tay chân bị thương. Nếu nhập miếu mà gặp sát tinh, thì phần nhiều chủ về bệnh gan.
Can mộc có thể khắc tì thổ, cho nên khi Thiên Cơ quá vượng (như Hoá Lộc, Hoá Quyền, Hoá Khoa), sẽ chủ về can dương thượng kháng, dẫn đến vị thu nạp dinh dưỡng không tốt.
Thiên Cơ thủ cung tật ách, cũng chủ về lúc bé bị bệnh kinh phong. Thiên Cơ gặp các sao sát, kỵ trùng trùng, sẽ chủ về lúc bé bệnh tật. Nếu Thiên Cơ lạc hãm, sẽ chủ về bị thương, nhất là tay chân.
Thiên Cơ nhập miếu gặp Tả Phụ, Hữu Bật, có lúc ứng là ngón đôi (bàn tay hay bàn chân có sáu ngón).
Nữ mệnh Thiên Cơ thủ cung tật ách, có các sao đào hoa đồng độ, chủ về chứng âm hư, cũng chủ về chứng lệch tử cung, kinh nguyệt không điều hoà, có lúc vì vậy mà dẫn đến vô sinh.
Nam mệnh Thiên Cơ thủ cung tật ách, có các sao đào hoa đồng độ, đây là điềm tượng thật thuỷ và can mộc mất điều hoà, dẫn đến tâm thận bất giao, nói theo y học hiện đại, có thể coi là rối loạn nội tiết, do đó gây ra các chứng hư tổn.
Thiên Cơ còn chủ về lo toan nghĩ ngợi, cho nên, nếu Hoá Kỵ, hoặc có Thiên Đồng Hoá Kỵ vây chiếu hay hội hợp, sẽ chủ về suy nhược thần kinh, cũng chủ về can dương thượng kháng.
“Thiên Cơ, Thái Âm”, nếu Thái Âm lạc hãm, đây là điềm tượng thận thuỷ không đủ để dưỡng can mộc, cho nên dễ có biểu hiện bệnh hệ thần kinh, nữ mệnh còn chủ về rối loạn nội tiết.
Nếu Thiên Cơ gặp Thái Âm đồng độ hoặc vây chiếu, mà Thiên Cơ và Thái Âm đều lạc hãm, đây là điềm tượng “hư” không được “bổ”. Gặp sát tinh, đây là điềm tượng tiên thiên bất túc, âm phận và dương phận đều hư tổn, chủ về các chứng nhược, hoặc ám tật, bệnh kín.
“Thiên Cơ, Cự Môn” thủ cung tật ách, Cự Môn chủ về hệ tiêu hoá, bị can mộc khắc, thành can vị bất hoà, biểu hiện là đau bụng, khó chịu trong ngực, bụng trướng. Cự Môn Hoá Kỵ thì càng nặng; nếu sát tinh nặng, đây là thòng dạ dày (sa bao tử), đau thần kinh dạ dày. Có các sao sát, kị lẫn lộn, sẽ chủ về đau trường vị (đau bụng gió), kiết lỵ.
Tổ hợp “Thiên Cơ, Thiên Lương” gặp Kình Dương, Đà La, Thiên Hình, là điềm tượng viêm ruột thừa. gặp Hoả Tinh, Linh Tinh, mà Thiên Cơ Hoá Kỵ thì chủ về đau thần kinh dạ dày, hoặc loét dạ dày; nếu thêm các tạp diệu không cát tường, có thể phát triển thành ung thư dạ dày; nữ mệnh cũng chủ về ung thư vú. “Thiên Cơ, Thiên Lương” gặp các sao sát, kỵ, mà có các sao đào hoa, Văn Xương, Văn Khúc tụ tập, lại gặp thêm các tạp diệu hư, hao, hình, nguyệt, nữ mệnh là ung thư tử cung, nhẹ cũng chủ về bệnh tử cung.
Hễ Thiên Cơ thủ cung tật ách, đều không ưa Kình Dương, Thiên Hình đồng độ, chủ về phẫu thuật dạ dày hay đường ruột; nếu có Phỉ Liêm, Thiên Nguyệt đồng độ, thì đây là điềm tượng trùng sán, thường có khuynh hướng gan nhiễm ấu trùng (Clonorchiasis), lúc đồng độ với Thiên Lương càng dễ ứng nghiệm.
Tổ hợp “Thiên Cơ, Thiên Lương”, đối với nữ mệnh lại chủ về dễ sinh thiếu tháng, sinh khó; có Hoả Tinh, Thiên Mã đồng độ thì càng đúng.
Nếu “Thiên Cơ, Thiên Lương” hội hợp với Thái Âm Hoá Kỵ, Thiên Cơ ắt sẽ Hoá Lộc, Thiên Lương cũng sẽ đồng thời Hoá Quyền, những sao cát hoá này không đủ sức hoá giải bệnh tật. Do Thái Âm Hoá Kỵ, nên thường biểu hiện chứng âm hư dương kháng, ở tuổi vãn niên, biểu hiện là thị lực và thính giác đều suy thoái, còn dễ trúng phong, dẫn đến bại liệt tay chân.
3. Thái Dương ở cung tật ách
Thái Dương thuộc hoả, là kinh Dương Minh, cho nên lúc Thái Dương nhập miếu sẽ chủ về kinh Dương Minh hoả thịnh, dễ choáng ngất, đau đầu kinh niên, đây là chứng huyết áp cao.
Thái Dương là thuộc Ly hoả, cho nên còn chủ về mắt. Hễ Thái Dương thủ cung tật ách, ắt sẽ có bệnh tật ở mắt, như cận thị, loạn thị, loà mắt,v.v…Thái Dương thủ cung tật ách rất kỵ ở cung Ngọ, vì ánh sáng của thái dương quá thịnh; cũng không ưa ở cung Tuất, ngại mặt trời đã lặn về tây, đều chủ về bệnh tật ở mắt. Thái Dương thủ cung tật ách gặp sát tinh, thường chủ động phẫu thuật ở bộ phận mắt; gặp các sao sát, kỵ trùng trùng, lại còn có các sao Thiên Hình, Thiên Nguyệt, Địa Không, Địa Kiếp, Phục Binh, Phỉ Liêm hội hợp, thường chủ về mù loà; đặc biệt rất kỵ hội hợp với Văn Xương, Văn Khúc Hoá Kỵ.
Kinh Dương Minh hoả thịnh sẽ ảnh hưởng đến kinh phế và kinh đại trường, cho nên chủ về bệnh đường hô hấp, hoặc đại tiện táo kết (táo bón), từ đó có thể dẫn đến bệnh trĩ, đại tiện ra máu. Có Đà La đồng độ, phần nhiều chủ về bệnh ở kinh phế, có Kình Dương đồng độ thì chủ về bệnh ở đại trường. Theo lý luận của Đông y, phế và đại trường có quan hệ biểu lý, cho nên có liên quan đến hai cơ quan này, nhưng cũng có sự phân biệt.
Tinh hệ “Thái Dương, Thái Âm” ở cung Mùi và cung Thìn, chủ về kinh Dương Minh hoả thịnh mà âm phận không đủ. Tinh hệ “Thái Dương, Thái Âm” ở cung Sửu và cung Tuất, phần nhiều chủ về chứng hư dương thượng kháng. Trường hợp trước là rối loạn nội tiết, trường hợp sau là đau đầu kinh niên hoặc thiên đầu thống. Rất kỵ Thái Dương Hoá Kỵ hoặc Thái Âm Hoá Kỵ, đều chủ về bệnh mắt, tật ở mắt, hoặc ở kinh can (gan) và đảm (mật).
Nếu “Thái Dương, Thái Âm” đồng cung với Địa Không, Địa Kiếp, gặp sát tinh chiếu, còn hội Thiên Hình, Thiên Thương, chủ về gù lưng, sát tinh nhẹ thì lưng khòm, cũng chủ về bệnh uốn ván.
Bốn sao Thái Dương, Thái Âm, Văn Xương, Văn Khúc giao hội, mà Văn Xương, Văn Khúc có một sao hoá làm sao kỵ, cũng chủ về bệnh tật ở mắt.
Nếu bốn sao Thái Dương, Thái Âm, Tả Phụ, Hữu Bật giao hội, mà “Thái Dương, Thái Âm” có một sao hoá làm sao kỵ, sẽ chủ về mắt to, mắt nhỏ, hoặc thị lực của hai mắt mất quân bình.
Sáu sao Thái Dương, Thái Âm, Văn Xương, Văn Khúc, Hoả Tinh, Linh Tinh giao hội, lại gặp thêm các sao sát, kỵ, hình, và Thiên Nguyệt, Âm Sát, Hoa Cái, đây là điềm tượng rối loạn nội tiết nghiêm trọng, trường hợp nặng thì bộ phận nào đó trên cơ thể bị biến dạng, hoặc có cơ quan sinh trưởng không bình thường, bị dị dạng (như hẹp van tim, v.v…), hoặc bán thân bất toại.
Tổ hợp sao “Thái Dương, Cự Môn”, không ưa Thái Dương lạc hãm, chủ về dương phận không đủ, biểu hiện là hạ đường huyết, huyết áp thấp, hoặc tay chân lạnh, và các chứng nhược.
Nếu Thái Dương nhập miếu, có sát tinh, là bệnh ở khoang miệng, thực quản; cũng dễ bị đau đầu kinh niên, huyết áp cao, đường huyết cao.
Nếu Cự Môn Hoá Kỵ, đây là hoả đốt kim bị thương, dễ mắc bệnh đường hô hấp; gặp Địa Không, Địa Kiếp đồng cung, đây là điềm tượng tràn khí phối (pulmonary emphysema).
“Thái Dương, Cự Môn” đồng cung với Đà La, Thiên Hình, Thiên Nguyệt, cũng dễ bị bán thân bất toại.
Tổ hợp “Thái Dương, Thiên Lương” rất dễ biến thành rối loạn nội tiết, như bướu cổ. Nếu có các sao sát, kỵ trùng trùng hội hợp; có Hoả Tinh, Linh Tinh đồng độ; gặp các sao Thiên Hư, Âm Sát, Thiên Nguyệt, Đại Hao, Thiên Đức, Thiên Hình, nữ mệnh chủ về bệnh viêm tuyến vú cấp tính, ung thư vú, đàn ông chủ về viêm dạ dày cấp tính, ung thư dạ dày.
“Thái Dương, Thiên Lương” cũng chủ về bệnh tim và bệnh ở não bộ, nhưng tính chất lại khác với tinh hệ “Thái Dương, Thái Âm”. Tinh hệ “Thái Dương, Thái Âm” là tâm thận bất giao, âm dương mất điều hoà, dẫn đến rối loạn nhịp tim, mất ngũ, gây ra bệnh tim (người xưa cho rằng bệnh ở não bộ cũng thuộc tạng tâm); còn tinh hệ “Thái Dương, Thiên Lương” thì bệnh do cơ quan gây ra, như tắt nghẽn mạch máu (vascular thrombosis) là một ví dụ.
“Thái Dương, Thiên Lương” có sát tinh, cũng chủ về ăn uống trúng độc, hoặc sử dụng ma tuý, trường hợp gặp các sao Hoả Tinh, Linh Tinh, Âm Sát, Thiên Nguyệt, Thiên Hư, Đại Hao là đúng.
4. Vũ Khúc ở cung tật ách
Vũ Khúc thuộc kim, chủ về bệnh đường hô hấp, kim có khí “tiêu sát”, cho nên chủ về tổn thương, nhất là tổ hợp “Vũ Khúc, Thất Sát”. Hễ Vũ Khúc thủ cung tật ách, có các sao Kình Dương, Đà La, Thiên Hình, đều có khuynh hướng bị phẫu thuật hoặc tổn thương. Vũ Khúc đồng độ với Hoả Tinh, Linh Tinh cũng chủ về bị thương do kim loại gây nên.
Vũ Khúc đồng cung với Hoả Tinh, Thiên Mã, Thiên Khốc, Thiên Hư, chủ về chảy máu mũi; gặp thêm Địa Không, Địa Kiếp thì chủ về các bệnh như viêm khí quản, bệnh lao; sát tinh nhẹ là chủ về chứng ho.
Vũ Khúc thủ cung tật ách, cũng chủ về lúc bé dễ bị ho gà (chincough), vãn niên thì dễ bị chứng phong đàm.
Nếu Vũ Khúc đồng độ với Kình Dương, Đà La, lại có Hoả Tinh, thì hoả làm kim bị tổn thương, chủ về bệnh đường hô hấp; nếu Vũ Khúc lại Hoá Kỵ, còn hội tạp diệu không cát tường, thì chủ về ung thư phổi, hoặc khí quản bị bệnh nghiêm trọng; có Thiên Mã đồng độ, đề phòng bệnh ung thư di căn.
Các tổ hợp sao có khuynh hướng mắc bệnh ung thư, có khối u, loét, là “Vũ Khúc, Thất Sát” và “Vũ Khúc, Phá Quân”. Kỵ nhất là đồng cung với Hoả Tinh, Thiên Mã; Vũ Khúc Hoá Kỵ; hoặc gặp các tạp diệu Thiên Đức, Thiên Thương, Thiên Hình, Thiên Hư, Đại Hao, Âm Sát, Kiếp Sát.
“Vũ Khúc, Thất Sát” còn chủ về chứng sốt bại liệt ở trẻ em, chứng chó dại. “Vũ Khúc, Phá Quân” thì chủ về bệnh răng, nhất là nha chu.
Lưu niên mà gặp cung hạn tật ách do tổ hợp “Vũ Khúc, Thất Sát” giữ cung, thì nên đề phòng tai nạn bất trắc gây tổn thương, như cây đè, sét đánh (ở thời hiện đại có thể là điện giật), còn chủ về vì bị trộm cướp mà bị thương.
Tổ hợp “Vũ Khúc, Thiên Phủ” gặp sao kỵ và sát tinh, là chủ về nạn sông nước, nhưng cũng chủ về bệnh hen suyễn, kéo đàm, tràn khí phổi (pulmonary emphysema).
Hai tổ hợp sao “Vũ Khúc, Thiên Tướng” và “Vũ Khúc, Phá Quân” nếu gặp sát tinh, còn chủ về bị phá tướng, đề phòng tai nạn té ngã bất trắc và bị nhiễm trùng, nhất là ở bộ phận mặt.
“Vũ Khúc, Thiên Tướng” còn chủ về bị thương có sẹo, bị phẫu thuật, hoặc đau ruột non (tiểu trường).
“Vũ Khúc, Thiên Tướng” đồng độ, chủ về bị phá tướng ở hàm dưới, chân tóc hoặc đầu lưỡi.
“Vũ Khúc, Thiên Tướng” cũng chủ về ám tật, bệnh kín, nhất là nữ mệnh nên đề phòng bệnh tử cung và đường sinh dục.
Vũ Khúc Hoá Kỵ, gặp Thiên Tướng đồng độ hoặc vây chiếu, lại gặp thêm Hoả Tinh, Linh Tinh, Thiên Mã, Địa Không, Địa Kiếp, đây là điềm tượng ruột có khối u, có thể dẫn đến bệnh ung thư, nhẹ thì viêm đại tràng.
Những trường hợp tổ hợp “Vũ Khúc, Thiên Tướng” đối nhau với Phá Quân, hoặc tổ hợp “Vũ Khúc, Phá Quân” đối nhau với Thiên Tướng, nếu gặp các sao sát, kỵ, hình, hao và sao ác trùng trùng, có lúc có thể phát triển thành bệnh xương tuỷ, hoặc thậm chí là ung thư máu.
5. Thiên Đồng ở cung tật ách:
Thiên Đồng thuộc thuỷ, cho nên chủ về bệnh bàng quang, bao gồm các bệnh ở hệ bài tiết, như thoái vị bẹn, sa đì, sưng hòn dái, bệnh lậu, viêm niệu đạo, bệnh thận.
Do thuỷ làm kim tiết khí, nên lúc Thiên Đồng đồng cung với Đà La thì chủ về bệnh khí quản, ống phế quản (bronchia, phân nhánh của khí quản).
Thiên Đồng chủ về hưởng thụ, nếu Hoá Kỵ, sẽ chủ về tiêu chảy. Nếu Thiên Đồng hội hợp với Thái Âm thì chủ về âm hư, biểu hiện là tiêu chảy thuộc hư chứng, kiết lị; có các sao đào hoa đồng độ thì chủ về mộng tinh, di tinh, hoặc tiểu đêm; thảy đều chủ về thận khí bất túc.
Thiên Đồng đồng độ với Hoả Tinh, Linh Tinh, nếu Thiên Đồng lạc hãm, lại gặp Địa Không, Địa Kiếp, đây là điềm tượng bàng quang, niệu đạo bị viêm, hoặc bệnh tuyến tiền liệt; gặp Thiên Nguyệt thì thận khí tiên thiên bất túc, dễ bị nước tiểu đục (albuminuria, anbumin niệu bất thường).
Thiên Đồng đồng cung với Thiên Mã, chủ về khí hư, nếu lại gặp sát tinh, đây là điềm tượng khí suy, hư tổn, dễ bị các chứng nhược.
Tổ hợp sao “Thiên Đồng, Thái Âm” chủ về thấp khí, có thể phát triển thành thuỷ thũng, bụng trướng, có Hoả Tinh, Linh Tinh đồng độ chủ về bệnh do thấp hoả gây ra, dẫn đến tứ chi đau nhức.
Nếu Thái Âm Hoá Kỵ, đây là chứng âm hư hoặc thuỷ tràn làm mộc trôi, dẫn đến viêm gan cổ trướng, phép điều trị là phải củng cố gan thận.
Tính chất cơ bản của “Thiên Đồng, Cự Môn” là “đường, ống, dây” cho nên chủ về bệnh phổi, khí quản, thực quản; cũng chủ về đau thần kinh (vì thần kinh là “đường, ống, dây” vi tế nhất trong cơ thể). Nếu có các sao sát, kỵ, hình, hao tụ tập, có thể phát triển thành bệnh xương tuỷ hoặc bệnh tăng bạch cầu.
Trong các tình hình thông thường, “Thiên Đồng, Cự Môn” gặp sát tinh, hoặc đồng cung với Địa Không, Địa Kiếp, đều chủ về xương cốt biến dạng, thoái hoá, hoặc tăng sinh, dẫn đến chèn ép dây thần kinh, làm đau nhức, có Hoả Tinh, Linh Tinh đồng độ thì càng nặng. Nếu có Thiên Hình, Thiên Nguyệt đồng độ, thì có thể là bệnh tật suốt đời, như bệnh về xương tuỷ bẩm sinh.
Đối với tinh hệ “Thiên Đồng, Thiên Lương” cổ nhân cho rằng chủ về bệnh ở phần dưới (hạ tiêu), tức hệ bài tiết và bệnh đường sinh dục, trường hợp Thiên Đồng Hoá Kỵ thấy ứng nghiệm nhiều. Nếu gặp sát tinh, nhất là gặp Hoả Tinh, Linh Tinh sẽ chủ về đau tức vùng gan hoặc lói tim và khó thở. Nếu gặp các sao hình, sát, kỵ tụ tập, lại có thêm các sao Thiên Nguyệt, Thiên Đức, Thiên Mã thì chủ về tắc nghẽn cơ tim. Đồng cung với Địa Không, Địa Kiếp cũng chủ về thoái vị bẹn, sa đì, sưng hòn dái.
6. Liêm Trinh ở cung tật ách:
Liêm Trinh thuộc âm hoả nên chủ về huyết, các bệnh liên quan đến máu.
Cổ nhân cho rằng “nam trọng tinh, nữ trọng huyết”, cho nên Liêm Trinh cũng chủ về tinh dịch. Xem có bị vô sinh không, người xưa đều xem Liêm Trinh, bất kể ở cung độ nào. Liêm Trinh ở hãm địa mà gặp Hoả Tinh, Linh Tinh, Địa Không, Địa Kiếp, nếu trùng hợp gặp ở cung tử của đại hạn, cung tật ách của đại hạn, hay cung mệnh của đại hạn, đều đoán là vô sinh.
Từ “huyết” loại suy thành “tinh” thì chủ về mộng tinh, di tinh, thủ dâm, tinh loãng.
Cho nên Liêm Trinh Hoá Kỵ là bệnh về máu huyết, như lạc huyết (xuất huyết ở miệng từ đường hô hấp hoặc dạ dày mà không ho, không ói), cũng chủ về gặp sự cố bất trắc có liên quan đến chảy máu, do đó có thể mở rộng thành bệnh phong cùi, giang mai, bệnh lậu. Ứng nghiệm ôn hoà nhất là mụn. Nếu gặp các sao hung sát nặng mà còn gặp Vũ Khúc Hoá Kỵ thì chủ về ung thư máu.
Đối với nữ mệnh lúc Liêm Trinh Hoá Kỵ có thể luận đoán là kinh nguyệt khô ít, huyết trắng, kinh nguyệt không điều hoà.
Liêm Trinh Hoá Kỵ rất kỵ bị Vũ Khúc Hoá Kỵ xung hội chủ về gặp nạn tai chảy máu. Muốn biết tai ách có nghiêm trọng nhay không cần phải xem kèm cung mệnh và cung phúc mà định.
Lý luận về bệnh tật của cổ nhân, chia làm âm, dương, biểu, lý. “Huyết” thuộc âm là thuộc “lý”, đối nhau với “khí”. “Khí” thuộc dương là thuộc “biểu”. “Biểu””lý” dựa vào nhau vì vậy Liêm Trinh cũng có thể coi là bệnh về “khí”. Cho nên Liêm Trinh cũng chủ về bệnh phổi, cảm mạo, ho, gặp Hoả Tinh, Đà La thì bệnh nặng.
Trong các tinh hệ, tinh hệ “Liêm Trinh, Thất Sát” phần nhiều chủ là chủ về bệnh đường hô hấp, thường gặp nhất là trường hợp có sát tinh đồng độ, chủ về mũi dị ứng, viêm mũi, nếu sát tinh nặng thì chủ về bệnh viêm phổi, có Thiên Nguyệt đồng độ thì chủ về bệnh lao, ho gà.
Tổ hợp “Liêm Trinh, Thiên Tướng” gặp các sao sát, kỵ là chủ về bệnh tiểu đường, sỏi bàng quang, sỏi mật, sỏi thận. Nếu đồng độ Hoả Tinh, Linh Tinh hoặc đồng cung Địa Không, Địa Kiếp thì chủ về da bị dị ứng, nấm ngoài da, nghiêm trọng thì chủ về bệnh lupus ban đỏ. Nếu “Liêm Trinh, Thiên Tướng” bị “Hình Kỵ giáp Ấn” thì chủ về tắt nghẽn đường ống, cần chú ý các cơ quan đường ống và tuyến nội tiết, có lúc bệnh lại ở xương tuỷ.
Nếu “Liêm Trinh, Phá Quân” có sát tinh đồng độ, còn chủ về kết sỏi, nếu có Hoả Tinh đồng độ thì chủ về tai nạn bất trắc làm bị thương, có Văn Khúc Hoá Kỵ đồng độ sẽ chủ về tai nạn sông nước.
Hễ “Liêm Trinh, Phá Quân” mà chủ về gặp bất trắc đều bị thương ở phần đầu mặt; “Liêm Trinh, Thất Sát” thì đề phòng gãy xương.
Tổ hợp sao “Liêm Trinh, Tham Lang” có các sao sát, kỵ thì chủ về bệnh ở cơ quan sinh dục, cũng chủ về bệnh thận. Nếu Liêm Trinh Hoá Kỵ và Tham Lang Hoá Kỵ đồng độ hoặc vây chiếu thì chủ về bệnh thận và bệnh máu huyết ảnh hưởng lẫu nhau, dễ xảy ra các bệnh biến khác, tình huống xấu nhất là suy thận, nhẹ thì bị chứng tăng urê-huyết.
Liêm Trinh rất mẫn cảm đối với tứ hoá và sát tinh, cần chú ý tình huống đại hạn và lưu niên xung hội. Đại khái là rất ngại gặp Vũ Khúc Hoá Kỵ, cũng rất sợ có Kình Dương, Đà La cùng bay đến.