Muôn Thuở Đệ Nhất Phu Nhân Tống Mỹ Linh
Một thời đã hết trong lịch sử Trung Hoa
Đêm thứ năm 23 tháng 10 bà Tống Mỹ Linh, một trong những khuôn mặt chính trị sắc nét và sôi nổi nhất của Trung Hoa trong thế kỷ 20, lặng lẽ qua đời trong căn apartment chứa đầy vệ sĩ của bà ở New York. Lời chia buồn thương tiếc tràn đến từ khắp nơi trên thế giới; ngay cả từ Trung Hoa lục địa, mảnh đất đông dân nhất thế giới mà vợ chồng bà để mất vào tay cộng sản năm 1949. Nhân vật thứ tư của Trung Cộng nói bà “không phải kẻ tham quyền, mà chỉ muốn xây dựng một nước Trung Hoa thống nhất và thịnh vượng”. Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tiên đoán “Nhiều thế hệ dân chúng Hoa Kỳ sẽ mãi nhớ và kính phục trí tuệ cũng như ý chí mạnh mẽ của bà”.
Sinh ra cuối thế kỷ 19, đời của bà Mỹ Linh nối liền ba thế kỷ và có đầy ắp chất liệu của một vở kịch bi tráng. Từ nhỏ đã sống xa gia đình. Cuộc nhân duyên với tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch bị mẹ và chị (Tống Khánh Linh) phản đối kịch liệt. Một mình xông vào nơi nguy hiểm để cứu chồng từ tay Trương Học Lương năm 1936 trong vụ chính biến bây giờ gọi là “Tây An sự biến”. Đắc lực giúp chồng đưa nước Trung Hoa lên vị trí chính trị ngang hàng với các đại cường Anh Pháp Mỹ Nga sau đệ nhị thế chiến, nhưng chỉ được vài năm phù du đã phải cùng chồng bỏ chạy ra Đài Loan trong khi chị ruột Tống Khánh Linh ở lại ủng hộ chế độ cộng sản. Thất bại trong cuộc đấu tranh nội bộ với Tưởng Kinh Quốc sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975, phải lấy cớ chữa bịnh xuất ngoại sang Mỹ chờ thời. Lại trở về sau khi Tưởng Kinh Quốc qua đời năm 1988 chỉ để khám phá là thời của mình đã hết và phải ra đi lần nữa năm 1991, rồi sống lặng lẽ cho đến lúc ra đi.
Cái chết của bà Tống Mỹ Linh là đoạn kết của một thế kỷ chính trị đầy sóng gió của Trung Hoa, với biết bao nhân vật kiệt liệt: Tôn Dật Tiên, Tống Khánh Linh, Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh, Mao Trạch Đông, Giang Thanh, Đặng Tiểu Bình. Giới hâm mộ tử vi hẳn muốn biết lá số của những nhân vật này như thế nào mà cuộc đời họ lại đặc biệt như thế.
Bí ẩn về nơi sinh và ngày sinh
Cách hợp lý nhất là bắt đầu với Tống Mỹ Linh. Ngày sinh và ngay cả nơi sinh của bà vẫn còn trong vòng bàn cãi nhưng theo tài liệu chính thức (chính phủ Đài Loan, BBC, cáo phó của gia đình trên New York Times) thì bà sinh ngày 5 tháng 3, 1898. Theo chỗ nghiên cứu của người viết, dữ kiện này rất khả tín. Điểm đáng tiếc là không có tài liệu đáng tin cậy nào ghi lại giờ sinh của bà. Hai lá số mà người viết đã thấy ở Đài Loan thì một bản ghi bà sinh giờ Tý, một bản giờ Mùi. Vì năm sinh của hai lá số này rõ ràng sai (1889 và 1886), người viết cho rằng hai giờ sinh này chỉ là kết quả đoán mò khi an lá số mà thôi.
Cũng buộc lòng phải đoán mò, phương pháp của người viết là khởi từ năm tháng ngày sinh rồi dùng thêm dữ kiện và suy luận để tìm ra giờ sinh. Dựa vào những dữ kiện quan trọng đã biết về bà Mỹ Linh, người viết tin tưởng mạnh mẽ rằng số của bà phải ứng với thủy nhị cục. Sau khi dùng dữ kiện loại trừ ba giờ sinh Tý Sửu Tỵ cũng thuộc thủy nhị cục thì còn lại giờ Thìn. Đồng ý như vậy rồi, đổi sang âm lịch được ngày 13 tháng 2 năm Mậu Tuất, giờ Thìn.
Nhưng lá số này mệnh Liêm Tham cư Hợi, lại gặp thêm Tuyệt, theo cách xem truyền thống thì xấu lắm (Liêm Tham Tỵ Hợi hình ngục nan đào) vậy làm sao có thể ứng với một phụ nữ chính phái với nhiều thành quả phi thường như bà Tống Mỹ Linh” Xin thưa bí mật nằm ở trong lẽ “cùng tắc biến” của dịch. Một khám phá đắc ý của người viết là chính tinh cực xấu (chú ý: Phải cực xấu mới kể) mà được hóa Lộc hoặc hóa Quyền thì thành cảnh “cùng tắc biến”; nghịch biến trở thành hết sức tốt đẹp. Bà Tống Mỹ Linh tuổi Mậu nên được Tham Lang hóa Lộc. Thành ra nhờ lẽ cùng tắc biến mà Tham Lang ở đây thay vì hãm lại hóa thành miếu địa.
Thêm nữa, tuổi Mậu Tuất bản mệnh hành mộc, Tham Lang và hóa Lộc lại đều thuộc Mộc, nên bà Mỹ Linh được hưởng hai sao này một cách trọn vẹn. Mộc ứng với sự sống, nên yếu tố mộc phát triển tốt đẹp người ta dễ trường thọ, hết sức phù hợp với trường hợp của bà.
Một đời cho tình yêu!
Phải chăng vì mang nghiệp của một bậc anh thư mà bà Mỹ Linh rất cao số” Bà gặp Tưởng Giới Thạch lần đầu năm 1920 khi mới 23 tuổi ta. Tiếc thay gia đình bà theo đạo Tin Lành gốc, họ Tưởng lại theo đạo Phật. Trầm trọng hơn nữa, họ Tưởng đã có vợ rồi. Có thể hiểu tại sao từ mẹ đến chị ruột Tống Khánh Linh đều phản đối liên hệ giữa bà và họ Tưởng. Cuối cùng mẹ bà chịu cho hai người lấy nhau sau khi họ Tưởng đồng ý đưa bằng cớ đã ly dị vợ đầu, và hứa sẽ từ từ lìa bỏ đạo Phật để theo đạo Tin Lành. Khi lấy Tưởng Giới Thạch năm 1927 bà Mỹ Linh đã 30 tuổi ta, phải kể là quá trễ cho phụ nữ Trung Hoa thời ấy.
Xem lại lá số tử vi ta thấy cung mệnh của bà cư ở Hợi có Liêm Tham Lộc tự-Kỵ Thiên Không Thiếu Dương Cô Quả Kiếp Sát Tuyệt rõ ràng là cao số và cô độc. Thảo nào lấy nhau bao nhiêu năm mà bà không có với họ Tưởng một người con nào. Bà thành hôn năm 1927 rất ứng hợp vì đại hạn vào cung phu nguyên thủy, có Phủ Tướng Đào Hồng Thai Tọa Quang Quý, tiểu hạn có Sát Phá Liêm Tham Đào Hồng Hỷ.
Cung phu của bà có đế tinh Thiên Phủ độc thủ, hội họp có Lưỡng Tướng (Thiên Tướng, Tướng Quân) Ấn Khôi Hỏa Khoa Đào Hồng Tả Hữu Thai Tọa Quang Quý ứng với việc chồng bà làm nên sự nghiệp phi thường bằng võ nghiệp. Chỉ đáng tiếc là Phủ ở vị trí Bệnh Phù thêm Địa Kiếp nên nhuốm màu bá đạo, hai Tướng và Quốc Ấn ở Sửu hội họp bị phụ Triệt là phá cách. Thế nên Tưởng Giới Thạch thành công trong việc thống nhất Hoa lục bằng vũ lực rồi cuối cùng cũng để mất vào tay Mao Trạch Đông.
Thai Tọa Quang Quý ở Phu cho nên hai vợ chồng yêu nhau lắm. Không chỉ là một bóng mờ bên cạnh người chồng kiệt liệt; bà Mỹ Linh đã đóng trọn vai một người bạn đời sát cánh của Tưởng Giới Thạch theo đủ nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Năm 1975, khi phải bỏ Đài Loan sang Mỹ sau khi thua cuộc đấu tranh nội bộ, bà không quên mang theo một tấm chân dung thật lớn của người chồng vừa khuất, treo ở nơi trang trọng nhất và lễ lạy mỗi ngày. Từ ngày lấy nhau cho đến khi lìa đời, bà chưa từng một lần nào tỏ ý bất đồng hoặc phê phán Tưởng Giới Thạch.
Triều đại nhà Tống!
Nhưng đã nói đến bà Mỹ Linh thì không thể không nói đến gia đình bà. Gia đình này được mệnh danh là “Nhà Tống” (the Soong Dynasty) vì có quá nhiều người nắm vận mệnh nước Trung Hoa trong tiền bán thế kỷ 20. Cha của bà và ông chồng họ Khổng của người chị cả (Tống Ái Linh) là hai người giàu có bậc nhất Trung Hoa và đều từng giữ chức tổng trưởng cho chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Bà chị thứ hai Tống Khánh Linh là vợ của “người cha già của dân tộc Trung Hoa” Tôn Dật Tiên, tức là hai chị em thay phiên nhau làm đệ nhất phu nhân (bà Khánh Linh ở lại Hoa lục sau 1949 và được phong các chức vụ phó chủ tịch và tổng thống danh dự của Hoa Lục). Ông anh Tống Tử Văn ngay trên bà Mỹ Linh cũng một thời là tổng trưởng kinh tế của Trung Hoa Dân Quốc. Là một tay hạm tham nhũng khổng lồ, khi bỏ Hoa Lục chạy sang Mỹ năm 1949 Tống Tử Văn là một trong những người giàu nhất thế giới.
Xem cung phụ mẫu và huynh đệ ta thấy hoàn toàn tương ứng. Phụ mẫu cư Tý có Cự Môn độc thủ được Triệt án ngữ chính là thượng cách của thạch trung ẩn ngọc, ví như viên ngọc ẩn trong đá được người tình cờ đập vỡ đá tìm ra, chiếu tỏa bốn phương rực rỡ. Huynh đệ cư Tuất thì có Nguyệt miếu hóa Quyền thêm Thái Tuế Đường Phù, cho nên anh chị em dễ thành công to và lưu danh thiên hạ. Nguyệt lại là đại tài tinh và ứng với phái nữ nên dễ dính líu đến tài chính và phái nữ có phần lấn phái nam; thật là quá đúng. Chỉ đáng tiếc là cung huynh đệ bị Thiên Hình trấn giữ lại bị hai Kỵ chiếu về, nếu anh chị em không gặp cảnh hình thương tất phải có chia rẽ. Trong trường hợp này là chia rẽ trầm trọng, mỗi người một con đường và trở thành đối thủ của nhau (riêng trường hợp Tống Tử Văn thì bị bà Tống Mỹ Linh từ hẳn, không xem là em nữa.)
Đằng Sơn, San Jose 31 tháng 10, 2003
(xem tiếp tuần tới)
*****
LTS: Bài này dựa theo lá số giờ Thìn, ngày 13 tháng 2 AL năm Mậu Tuất (5 tháng 3 năm 1898). Ngày đúng theo tài liệu lịch sử và của dòng họ Tống. Giờ do người viết suy ra dựa theo các dữ kiện quan trọng trong đời bà Tống Mỹ Linh.
Tung hoành ngang dọc
Nhưng trong khi đời của những nhân vật khác trong gia đình họ Tống đều có phút huy hoàng hoặc -trong trường hợp bà Tống Khánh Linh- nhuốm màu bi thảm, công tâm phải nói đời của bà Mỹ Linh nhiều chìm nổi và bi tráng hơn cả. Có lẽ bởi vì vòng sao chính của bà là Sát Phá Liêm Tham. Mệnh Liêm Tham đã ghê gớm rồi, thân Tử Phá nên bà có tham vọng và ý chí to lớn ngay phái nam cũng hiếm người bì kịp. Nhất là trong trường hợp của bà Quan Phúc đều nằm cả ở quan lộc, không muốn dính vào chuyện thiên hạ cũng không được. Tiếc thay, trời đã sinh bà là phận liễu yếu đào tơ, nên muốn chuyển xoay thời cuộc tất phải trả giá bằng hạnh phúc cá nhân.
Bà được ba đại hạn đầu tiên tương đối thỏa chí toại lòng nhờ thượng cách tam hóa liên châu. Nhưng trừ đại hạn đầu sống trong sự bảo bọc của gia đình không kể; đại hạn thứ hai (12-21 tuổi) có Nguyệt Quyền Hình học hành suông sẻ ở Mỹ thì là cảnh cô độc xa nhà; đại hạn thứ ba (22-31 tuổi) có Phủ Khoa Tả Hữu nhưng bị lưỡng Tướng và Quốc Ấn ngộ Triệt hội họp nên phải bị gia đình chống báng trước rồi mới được cùng người yêu gá nghĩa. Tưởng Giới Thạch lại phải bỏ vợ mới lấy được bà, nên đây là cái hạnh phúc trên sự đau khổ của người đàn bà khác, không thể gọi là vẹn toàn.
Hai đại hạn sáng chói nhất của bà, tức thời gian 32-51 tuổi ứng với các năm 1929-1948, thì nhằm lúc Trung Nhật và quốc cộng chiến tranh. Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng này, bà tạo nhiều thành tích ngoại giao, được đời nể nang kính phục, danh vang bốn bể thật đấy, nhưng thật là mệt mỏi vô cùng.
Đại hạn 32-41 tuổi (ứng với các năm 1929-38) cung phu có Cơ lưỡng Kỵ (hóa Kỵ và tự Kỵ) Bạch Hổ hội Hình Riêu ứng với nhiều đổi thay xấu xa hung hãn nên đây chính là thời gian Tưởng Giới Thạch tứ bề thọ địch, nào là phải đương đầu với cộng sản, nào là bị Nhật xâm lăng, nào là bị cấp dưới phản bội.
Năm 1936 trong biến cố gọi là “Tây An sự biến” Tưởng Giới Thạch bị hàng tướng Trương Học Lương bắt cóc ở Tây An. Lúc này (39 tuổi) bà Mỹ Linh đã chịu ảnh hưởng liều lĩnh mà tốt đẹp của cung thân (Tử Phá Không Kiếp Khôi Việt Lộc Đào Hỉ). Đại hạn thì vô chính diệu có Mã Khốc Khách Tràng Sinh, tiểu hạn lại xung chiếu đại hạn có Đồng Lương Hình Riêu trợ lực. Phải chăng vì vậy mà bà bất chấp hiểm nguy, tự mình đi vào hang cọp thương thuyết và cứu được chồng ra khỏi nơi nguy hiểm” Nguyên ủy thế nào đi nữa thì quyết định gan lì này của đã khiến bà trở thành một tấm gương nữ kiệt, một huyền thoại ly kỳ của lịch sử Trung Hoa cận đại.
Tham Lang cư mệnh là sao của giao thiệp, được cát hóa nên bà Mỹ Linh phát về ngoại giao. Đại hạn (42-51 tuổi) vào cung tài cũng chính là cung thân, lại nhờ Tử Phá Không Kiếp Khôi Việt Binh Tướng mà bà giúp chồng đạt những thành quả ngoại giao khét tiếng.
Trong năm 1943, bà lại làm lịch sử khi trở thành người phụ nữ ngoại quốc đầu tiên thuyết trình trước quốc hội Hoa Kỳ. Bài thuyết trình “War and Peace” (chiến tranh và hòa bình) của bà gây chấn động cực mạnh, khiến toàn thể quốc hội vỗ tay hoan hô không dứt. Báo Times phải ghi nhận những thành tích của bà khi đưa bà lên bìa báo (lần thứ hai) với tít lớn “The Dragon Lady”! Cùng năm, trong hội nghị thượng đỉnh phe đồng minh ở Cairo, lấy cớ chồng không biết tiếng Anh nên bà phải nói thay; bà thành công trong việc yêu cầu các quốc gia tây phương, nhất là Hoa Kỳ, hủy bỏ các hiệp ước bất bình đẳng với Trung Hoa cũng như các luật lệ bài Hoa. Nhìn lại lá số, năm 1943 đại tiểu hạn trùng phùng; bà thành công vĩ đại thật là đúng quá!
Vai trò quá quan trọng của bà Mỹ Linh trong chính phủ Tưởng Giới Thạch đã khiến tướng Hoa Kỳ phụ trách mặt trận Trung Hoa Joseph Stilwell có lần đề nghị nửa đùa nửa thật rằng nên để bà giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Các sử gia đều đồng ý rằng tài ngoại giao của bà Mỹ Linh là lý do tại sao Tưởng Giới Thạch -mặc dầu thành tích chẳng ra gì trong đệ nhị thế chiến- được liệt vào một trong “đồng minh tứ kiệt”, ngang hàng với Roosevelt của Hoa Kỳ, Stalin của Nga, và Churchill của Anh.
Ảnh hưởng to lớn của bà Mỹ Linh trên chính trường quốc tế cũng được tin là lý do khiến Trung Hoa Dân Quốc có vị trí trong Liên Hiệp Quốc như một siêu cường sáng lập và là một trong năm quốc gia nắm quyền phủ quyết vĩnh viễn trong hội đồng bảo an liên hiệp quốc. Cần phải nhấn mạnh lần nữa rằng Trung Hoa chẳng có thành tích gì trong đệ nhị thế chiến; như vậy ta mới thấy rõ cái công lao vô cùng to lớn của bà Tống Mỹ Linh đối với tiền đồ của nước Trung Hoa. Trung Cộng (đã giành ghế đại diện Trung Hoa trong Liên Hiệp Quốc từ tay Đài Loan từ năm 1971) được thừa hưởng công lao này của bà, nên thay vì mạt sát lại ca tụng và thương tiếc bà khi bà mất; kể ra cũng có lý thôi.
Chung cuộc cô đơn
Nhưng bài toán số mạng có những biến chuyển rất đột ngột. Nếu nhìn lại đại hạn 42-53 (tức các năm 1939-48) ta sẽ thấy cung di cư ở Sửu rất xấu (có Thiên Tướng Tướng Quân Quốc Ấn ngộ Triệt). Vì lẽ bù trừ, cái xấu này phải lộ ra ở đâu đó trong đại hạn; và vì trong đại hạn này đời bà Mỹ Linh gắn liền với đất nước Trung Hoa, nên đoạn đầu của đại hạn đã có quá nhiều tốt đẹp, tất đoạn cuối phải có chuyện bất toàn. Quả nhiên từ năm 1946 là khi tiểu hạn của bà vào cung thìn có Thái Dương ngộ Tuần, vận thế của phe chồng bà bắt đầu xuống dốc. Năm 1947 tiểu hạn vào Mão có Vũ Sát nhưng gặp Quan Phúc là khó tốt đẹp rồi, năm 1948 vào Dần có Đồng Lương miếu bị Hình Riêu vẫn là kém thế; quả nhiên hai năm này phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bị cộng quân đánh thua tơi tả.
Năm 1949 là năm đầu của đại hạn 52-61, vào ngọ có Cơ ứng với đổi thay, không may Cơ lại sinh lưỡng Kỵ (hóa Kỵ và tự Kỵ), tiểu hạn thì vào đúng ngay cung sửu đại phá cách đã nói trên. Thảo nào đây chính là năm bà phải theo chồng bỏ sự nghiệp, sang đảo Đài Loan nhỏ bé làm lại từ đầu.
Có độc giả sẽ thắc mắc. Đại hạn 52-61 ở vị trí Bạch Hổ là trúng vòng Thái Tuế. Theo Thiên Lương tiên sinh trúng vòng Thái Tuế phải có sự đắc ý; vậy tại sao trong hạn này bà Mỹ Linh lại phải bỏ lục địa mà đi nhục nhã như thế” Xin trả lời rằng cái lý của vòng Thái Tuế mà Thiên Lương tiên sinh đề ra không sai, nhưng vòng Thái Tuế không phải là tất cả. Nhìn từ một góc cạnh khác, hai vợ chồng bà Mỹ Linh chạy ra hòn đảo Đài Loan nhỏ xíu mà không bị cộng quân đuổi theo tuyệt diệt, sau lại dương danh đưa Đài Loan lên địa vị một cường quốc là hay quá rồi.
Sau 1949 bà Mỹ Linh vẫn liên tục đóng góp rất nhiều cho sự thành công của Đài Loan, nhưng vị trí nhỏ bé của Đài Loan khiến vai trò của bà cũng trở thành nhỏ bé. Sau khi Tưởng Giới Thạch chết năm 1975, bà đấu tranh quyền lực với phe Tưởng Kinh Quốc nhưng thất bại phải tự lưu vong sang Mỹ. Xem lá số ta thấy rõ lý do, vì đây nằm trong đại hạn 72-81 tuổi có Thái Dương miếu ngộ chính Tuần, trong khi đối cung (là hoàn cảnh bà phải đương đầu trong cảnh đấu tranh) lại là Thái Âm miếu Hóa Quyền, tất nhiên bà thất thế.
Năm 1988 khi Tưởng Kinh Quốc chết, bà đã 91 tuổi ta sao không an hưởng tuổi già còn về Đài Loan toan dành quyền bính” Chỉ có thể giải thích được là vì đại hạn này ở Mão có cả Quan lẫn Phúc, lại là cung quan lộc nguyên thủy, khiến bà khó thoát khỏi nợ công danh. Nhưng có cả hai sao Quan Phúc cư ngay trong đại hạn thì mưu sự khó thành công lắm.
Tháng 6 năm 1988, tình hình ngã ngũ là Lý Đăng Huy thắng thế. Bà nán lại Đài Loan rồi cũng phải về Mỹ năm 1991. Thời gian này bà đã vào hạn 92-101 tuổi. Đại hạn này lại vào trúng vòng Thái Tuế, quả nhiên có phút huy hoàng an ủi là lưỡng viện Hoa Kỳ vinh danh bà năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 50 năm đệ nhị thế chiến chấm dứt.
Năm 1999 bắt đầu đại hạn 102-111 tuổi. Như biết trước ngày tại thế của mình chẳng còn được bao lâu, năm 2001 bà rút về một căn apartment đầy vệ sĩ sống âm thầm. Một người già trên trăm tuổi không con cháu nối nghiệp, ở một mình chờ ngày chết quả là một cảnh cô độc. Chính xác làm sao, cảnh cô độc này chính là số phận mà lá số tử vi đã an bài cho bà Mỹ Linh qua các sao Cô Quả Kiếp Sát Thiên Không Thiếu Dương Đào Hồng Hỉ hội họp ở cung mệnh.
Đại hạn 102-111 tuổi vào đúng ngay cung sửu có Thiên Tướng Tướng Quân Quốc Ấn ngộ Triệt hội Hỏa Linh, tiểu hạn thì gặp Tử Phá Không Kiếp Vũ Sát Liêm Tham Cô Quả Đào Hỉ Quan Phúc, người năm mươi sáu mươi tuổi đã dễ ra đi, nói gì đến một người đã có 106 năm tuổi thọ! Thế nhưng nhờ hội họp có Hồng Tả Hữu Thai Tọa Quang Quý mà sự ra đi của bà được nhiều người thương tiếc.
Muôn thuở đệ nhất phu nhân
Nhiều người Á đông tin rằng, vì vận mệnh của các nhân vật lớn của lịch sử phải gắn liền với lịch sử, sự ra đi của họ bao giờ cũng có hiện tượng tương ứng. Từ đầu năm đến giờ những biến cố liên quan đến hỏa chiếm đầy trang nhất của các báo (nổ phi thuyền, hỏa hoạn, chiến tranh). Thay vì nhìn theo chiều mộc sinh hỏa, ta có thể nhìn ngược lại là hỏa sinh mộc kiệt. Nhưng năm nay là Quý Mùi nạp âm mộc, thì mộc làm sao kiệt được” Cho nên theo luật bù trừ thì một nhân vật trọng yếu mệnh mộc phải ra đi. Bà Mỹ Linh dĩ nhiên mệnh nạp âm mộc. Gần như cùng lúc với sự ra đi của bà, miền Nam Cali có vụ hỏa hoạn lớn nhất lịch sử. Phải chăng vụ hỏa hoạn này là hiện tượng tương ứng với sự ra đi của bà Tống Mỹ Linh” Đây chỉ là một câu hỏi trà dư tửu hậu cho vui.
Nhưng có thêm một dữ kiện khác khá ly kỳ. Theo Trung Quốc Thời Báo (tiếng Hoa) số ra ngày 26 tháng 10 thì sáng ngày 24 tháng 10 khi linh cữu của bà Mỹ Linh được chuyển ra khỏi căn apartment nơi bà qua đời, mặc dù tang gia -với sự trợ lực của cảnh sát New York- đã nghiêm ngặt thi hành luật cấm chụp hình, rất nhiều ký giả và dân chơi hình tài tử lén dùng máy chụp hình điện tử (digital) dấu kín để chụp di thể của bà, nhưng đều thất bại. Tờ Đại Kỷ Nguyên Thời Báo (tiếng Hoa) ấn bản Bắc Cali số ngày 28 tháng 10 tường thuật thêm rằng sau khi linh cữu đã đi xa hiện trường rồi “…người ta phát hiện là không ai chụp được hình di thể. Tối đa chỉ chụp được lưng của những người khác. Các ký giả Hoa Kỳ, Đài Loan, và Nhật Bản tại hiện trường người nào người nấy bất giác rợn da gà; nghi rằng Tưởng phu nhân không thích họ chụp hình di thể của bà…” (dịch nguyên văn).
Người viết không ở tại hiện trường nên không thể nào biết chuyện ly kỳ này có thật hay không. Tuy vậy, nó là một dấu hiệu cho thấy huyền thoại Tống Mỹ Linh sẽ không chết theo sự ra đi của bà mà sẽ sống động lâu dài trong tâm tư của nhiều thế hệ. Mà cũng hợp lý thôi. Vì dễ gì có một thời thế tương tự để một đệ nhất phu nhân khác ở bất cứ nơi nào trên thế giới làm những chuyện kinh thiên động địa như bà.
Cho nên, để chấm dứt bài này, xin ghi lại lời tiên đoán ngắn gọn của một nhân vật người Đài Loan “Bà Tống Mỹ Linh sẽ muôn thuở là đệ nhất phu nhân.”
San Jose 7 tháng 11, 2003
Đằng Sơn