Luận về 14 chính tinh

Bài này dịch và chú bởi anh tuetvnb tại diễn đàn Lý số Việt Nam.

Trong Tử vi, 14 chính tinh chi phối rất mạnh mẽ trên toàn lá số. Nắm được bản chất và đặc tính của 14 chính tinh là mấu chốt của việc luận đoán. Xưa nay các sách đều viết rất nhiều, tuy nhiên cũng rất cần tham khảo thêm nhiều quan điểm. Tôi dịch phần “thập tứ chủ tinh tính chất” của nhà nghiên cứu nổi tiếng Vương Đình Chi để cùng tham khảo.

Vương Đình Chi là nhà nghiên cứu Lý Học nổi tiếng ở Hồng kông, nhưng sở trường nhất là Tử Vi, ông theo quan điểm của Trung Châu phái. Đọc Tử vi của Vương ĐÌnh Chi, về cơ bản cũng không ngoài nguyên lý chung của Tử vi, tuy nhiên cách nhìn nhận, lập luận và đánh giá có đôi chút khác biệt, vì thế tôi có thêm vào đôi lời bàn luận sau mỗi phần dịch để sáng tỏ thêm.

Vì kém về ngôn ngữ nên chắc sẽ có nhiều lỗi dịch thuật, mong được chỉ giáo.

Mười bốn chính tinh

Các đặc tính của tinh diệu dưới đây bao gồm các tình chất cơ bản của tất cả 14 chính tinh. Chỉ nêu những nét chính yếu, cần cái gì, kỵ cái gì. Bên trong cũng chỉ ra một ít cách cục đặc biệt như Nhật nguyệt phản bối, Mã đầu đới tiễn v.v.. Mặc dù không nhiều lắm nhưng nếu cẩn thận hiểu được thì cũng biết được đôi chút phép tắc cơ bản của Tử vi đẩu số.

TỬ VI

Tử vi thuộc Âm Thổ, là Chủ tinh Bắc đẩu, hóa là Đế Quân, thường là chủ tinh ắt sẽ cần “Quần thần củng chiếu”. Chính vì thế mà Tử vi nhất định phải được Quần thần củng chiếu mới là thượng cách, nếu không thế, chỉ là cách cục bình thường.

Quần thần ở đây là: Phủ Tướng, Phụ Bật, Xương Khúc, Khôi Việt. Nếu như hội hợp được Phủ Tướng ắt sẽ mạnh mẽ, có tài, có thế. Là tượng của Đề Hoàng nên cần sự trợ sức của Phụ Bật, nêu có trợ lực, lòng dạ cũng rộng rãi.

Nếu có Xương Khúc cùng hội hợp, thì có học thức, có trí tài, cũng có khả năng làm giảm nhẹ cái tính cao ngạo, chủ quan của Tử Vi. Khôi việt hội hợp thì cá nhân gặp nhiều cơ hôi, có khả năng gia tăng địa vị.

Nếu như Quần Thần xa lánh, trở thành Cô Quân, chủ quan quá sâu, tâm cao khí ngạo mà mừng giận thất thường, không khéo đối xử với người.

Nếu gặp Không vong, Hoa cái thường có tư tưởng độc tài. Gia Tứ Sát là vua vô đạo, thuộc hạ cách, nếu thêm Phúc cung không tốt thì là người hèn mọn dung tục.

Phụ Bật, Xương Khúc, Khôi Việt là bộ sao Lục cát, đối với Chủ tinh có sự trợ giúp rất lớn.

Chủ tinh ở đây là Tử Vi, Thiên Phủ, còn người sinh ban đêm là Thái Âm nhập miếu, sinh ban ngày là Thái Dương nhập miếu, nhưng phải được đối diện nhau, nếu chỉ thấy một thì không mạnh mẽ.

Nhất là Tả Hữu Khôi Việt, nếu như chỉ gặp một sao thì giống như không gặp.

Lời bàn: Vương tiên sinh cho rằng Tử vi tuy thân là Đế tinh, nhưng cái LỰC của Tử vốn là do Quần Thần mang lại, cho nên nếu được Quần thần củng chiếu thì mới là thượng cách, bằng không thì chỉ bình thường. Ngoài ra, Vương tiên sinh còn cho rằng một trong những tính xấu cảu Tử vi chính là Tâm tính cao ngạo, chủ quan. Nếu không có sự trợ giúp của Văn tinh, quý tinh mà lại gặp hung sát tinh ắt là sẽ thành kẻ thô lậu. Quan điểm của Vương tiên sinh về các sao đi từng cặp như Tả Hữu, Khôi Việt cho rằng phải đủ cả cặp mới có tác dụng, nếu đơn lẻ một mình thì tác dụng giảm sút, coi như không có.

Về phần phân định Âm Dương, Vương tiên sinh cũng có quan điểm hơi khác, vì như Tử vi, các sách đều cho là Dương Thổ, nhưng Vương tiên sinh lại cho rằng Tử vi thuộc Âm Thổ, ấy cũng là điều bất cập.

THIÊN CƠ

Thiên Cơ thuộc Âm Mộc, là sao thứ nhất của chòm Nam Đẩu, giống như Mưu thần, thích việc cơ biến, khi thiện, khi ác. Nếu được Xương Khúc, Long Trì Phượng Các, cùng Hóa Khoa thì thông minh tuyệt đỉnh, có khả năng dụng thành chính đạo. Nếu chẳng gặp được cát diệu, mà lại gặp Hóa Kỵ, Sát tinh cùng với các sao bất lương thì tính chất của Thiên Cơ trở thành Bất lương, gian trá. Có thể thấy rằng Thiên Cơ đối với các phụ tinh là sát tinh thì đặc biệt nhạy cảm.

Hóa Quyền có khả năng tăng cường tình ổn định của Thiên Cơ, cũng gia tăng khả năng đối kháng với sát tinh là Hóa đẹp nhất vậy. Hóa Khoa gia tăng khả năng thông minh tài trí của Thiên Cơ, cũng là sao Hóa rất tốt đối với Thiên Cơ. Hóa Lộc thì làm cho cái trí mưu của Thiên Cơ chỉ thích sử dụng trong kinh doanh, là kẻ chỉ thích kiếm tiền.

Hóa Kỵ làm cho Thiên Cơ trở thành mưu lợi, chỉ thích đi ngang về tắt.

Thiên cơ lâm Phúc đức cung mà gặp Sát tinh thì cũng không nặng lắm. Tâm chẳng được nhàn, nhiều dự định, toan tính. Nếu gia Hóa Kỵ thì tâm phiền mà thường nông cạn.

Thiên Cơ vốn được gọi là sao “Thiện Biến” cho nên tình cảm thường thay đổi mạnh, hoặc tư tưởng thay đổi mạnh. Thường là sao biến đổi mạnh thì ắt sẽ rất nhạy cảm với sát tinh, cho nên rất cần Hóa Quyền để tăng độ ổn định. Mà Thiên Cơ lại vốn có bản chất của mưu thần, bởi vậy khá thích hợp với vai trò phụ tá.

Lời bàn: Vương tiên sinh rất coi trọng Tứ Hóa, bởi vậy nên cho rằng Tứ Hóa có thể cải biến được tinh chất của các tinh diệu, cụ thể là Thiên Cơ. Quan điểm của Vương tiên sinh đánh giá Thiên Cơ là sao rất cơ biến, có khả năng thích nghi cao, có khi thiện, có khi ác, phụ thuộc vào hệ thống các sao phụ tinh hội hợp. Đặc biệt ông cho rằng nếu Thiên Cơ cư Phúc cung, có khẳ năng chế sát, hóa giải tác dụng xấu của một số sát tinh khi hội hợp vào Phúc Cung.

THÁI DƯƠNG

Thái Dương thuộc Dương Hỏa, là sao chủ tại trung thiên, là sao của quan lộc, chủ quý. Là chủ tinh của người sinh ban ngày, rất tốt nếu cư cung Quan Lộc.

Phán đoán sự cát hung của Thái Dương, trước hết phải xem các vị trí miếu vượng, cư các cung Dần Mão Thị Tỵ Ngọ Mùi là cung miếu vượng.

Thích hợp với người sinh ban ngày, người sinh ban ngày gặp Thái Dương miếu vượng thì rất đẹp, nếu lạc hãm thì giảm nhiều sự tốt đẹp. Người sinh ban đêm nếu có gặp Thái Dương miếu vượng cũng bình thường, mà nếu lạc hãm thì hung. Lại phải xem kỹ các Phụ tinh là Sát tinh hội hợp để luận đoán cát hung của Thái Dương.

Thái Dương chủ quý, Hóa Quyền, Hóa Khoa càng tăng thêm tính chất quý hiển của Thái Dương, nhưng cần lưu ý là tại xã hội hiện đại thì chuyện Tài Phú rất quan trọng, cho nên cái sự thanh quý của Thái Dương chưa hẳn đã toàn mỹ. Bởi thế Thái Dương rất cần Hóa Lộc, nếu có Hóa Lộc, Lộc Tồn hội hợp là chân mệnh của Phú Quý vậy.

Thái Dương chiếu khắp vạn vật, cho mà không nhận, cư tại Ngọ cung là cách Nhật Lệ Trung thiên, rực rỡ mà rất thịnh, có khả năng danh lớn hơn lợi, cũng chưa hẳn là kết cấu đẹp. Trong cái ánh sáng ấm áp của Thái Dương, người ta rất thoải mái. Cho nên cần xem xét kỹ tất cả các đặc tính của tinh diệu, được ở trong cái ánh sáng ấm áp của Thái Dương thì là đại phúc hậu vậy.

Thái dương ở trên trời vận hành không ngừng, chiếu sáng mặt đất, cho nên Thái Dương chủ về ĐỘNG, cho mà không nhận. Cho nên các lời bàn về Thái Dương xưa này đều giống nhau ở chỗ cho rằng Thái Dương quan trọng ở chỗ “Quý”, trước phải có “Quý” (danh tiếng) rồi sau mới giầu có. Chẳng qua, nếu không luận như thế thì Thái Dương cũng có một điểm là có bản chất cái Danh lớn hơn cái Lợi. Nhất là Thái Dương càng sáng thì càng rõ bản chất này.

Lời bàn: Đối với Thái Dương, Vương tiên sinh cho rằng chỉ thực sự Quý đối với người sinh ban ngày, ngoài việc xem xét các phụ tinh hội hợp thì việc đặt ra vấn đề đồi với người sinh ban ngày hay ban đêm cũng được Vương tiên sinh rất coi trọng. Bàn về chữ Quý của Thái Dương, Vương tiên sinh đã có ý kiến rất thực tế khi gắn với xã hội hiện đại, cổ nhân thì cho rằng Quan Quý là đứng đầu, nhưng Vương tiên sinh không đánh giá cao cái Quan Quý mà lại xa rời Thực Lộc của Thái Dương, cho rằng đó là điều không toàn mỹ lắm. Khác với cổ nhân, Vương tiên sinh cho rằng Thái Dương là người có tinh thần quảng bác “cho mà không nhận”, trong khi đó cổ nhân thì lại cho rắng Thái Dương có tính chuyên quyền. Riêng điểm này thì không mấy đồng tình với Vương tiên sinh, bởi lẽ Thái Dương vốn là Thuần Dương, dương cương đến cùng cực, thì cái việc lấn át, chuyên quyền không phải là không có.

VŨ KHÚC

Vũ Khúc thuộc Âm Kim, là sao thứ 6 của chòm Bắc đẩu, lấy hành động kiếm tiền làm chính, tính cách thì cương liệt, quyết đoán.Rất tốt nếu cư Quan lộc, Tài bạch cung, nếu lâm vào cung Mệnh và các cung Lục thân thì không tốt, ngại vì tính cương khắc thái quá.Người Vũ khúc tính cứng rắn, cho nên rất ngại Dương Đà cũng như Thiên Hình vì tính cô khắc càng tăng.

Sao Vũ Khúc đối với Tứ Hóa cũng đặc biệt nhạy cảm, gặp Hóa lộc thì rất tốt vì Vũ khúc là tài tinh, Hóa lộc cùng một tính, nên tài khí càng vượng, cũng có thể giảm nhẹ tính cương khắc của Vũ Khúc. Hóa quyền, Hóa kỵ gia tăng tính chất cương liệt của Vũ khúc cho nên đồi với Vũ khúc không được tốt lắm. Nếu gặp Hóa kỵ, cứng quá ắt gãy, vì thế Vũ Khúc – Hóa kỵ thường thường là Bại cục ở chỗ đó.

Người Vũ khúc tính cô khắc, cho nên cần Văn Xương, Văn Khúc cùng hội hợp để trung hòa, cũng giống thế – rất cần Thiên Phủ đồng cung. Thiên Phủ là tài khố (kho tiền), hai tài tinh gặp nhau là một sự kết hợp rất tốt, nếu lại có Hóa Lộc, Lộc Tồn thì càng đẹp.Tương đối mà nói, Vũ Phá với Vũ Tướng là hai tổ hợp khó hoàn mỹ, chủ yếu là do Phá Quân gia tăng tình ĐỘNG, lúc này việc gặp Lộc tinh mới tỏ ra rất quan trọng. Trong Tứ Sát, Vũ khúc sợ nhất Hỏa Linh, bất luận là tính chất nào của Vũ Khúc cũng đều không tốt khi gặp hai sao Hỏa Linh. Vũ khúc ngoại trừ sợ Hỏa Linh ra, đôi khi cũng không tốt nếu gặp Xương Khúc, nhất là gặp một mình Văn Khúc (đương nhiên Văn Khúc – Hóa kỵ thì càng tệ) “song khúc hội” nhất định sẽ có khuyết điểm. Cần lưu ý trong Đẩu số có một cách là Linh Xương Đà Vũ là bại cục.Vũ khúc là tài tinh, nhưng có khá nhiều khuyết hãm, vì thế không nên cừa nhìn thấy Tài đã cho là tốt.Nhưng Vũ khúc lại có hành động tương đối cao thượng, cho nên rất tốt nếu gặp được Khôi Việt cùng với Thiên Cơ hội hợp.

Lời bàn: Vương tiên sinh thật chí lý khi luận rằng “Vũ khúc tuy là tài tinh nhưng có quá nhiều khuyết điểm, vì thế chớ thấy TÀI mà cho là tốt”, chẳng thế mà cái cách Linh Xương Đà Vũ vốn dĩ xưa này là Bại cách, tối hung. Vương tiên sinh cho rằng Vũ Khúc có một đặc tính cố hữu là Cô Khắc, nhưng bản chất của cái việc Cô Khắc này là do tính cương cường mà ra, từ đó có thể suy ra rằng nếu Vũ Khúc được các phụ tinh là văn tinh, quý tinh trợ giúp thì có thể chế ngự được cái tính cô khắc cương cường của Vũ Khúc. Luận Tử vi như thế, xưa nay quả là hiếm có. Qua lời luận của Vương tiên sinh, cũng có thể thấy rằng cái sự phối hợp với nhau mới là quan trọng, một tinh tú đơn lẽ không làm nên được điều gì, mà cái sự cát hung phần nhiều làm nên ở các phụ tinh, tá tinh vậy.

THIÊN ĐỒNG

Thiên Đồng thuộc Dương Thủy, là sao thứ tư trong chòm Nam Đẩu, ví như Phúc tinh, chủ hưởng thụ và ý chí.

Nếu có Hóa Lộc cũng với cát tinh hội hợp thì tốt, nhưng cũng ngại vì tham hưởng thụ mà thành mềm yếu. Nguyên do lúc này gặp được hoàn cảnh tốt một số ít sát tinh cũng đủ kích động, gặp sự kích động này Thiên Đồng dễ thành tựu lớn nên người ta cũng thêm khó khăn vất vả. Chỉ thấy sát mà không thấy lộc, thì là không tốt đối với Thiên Đồng. Thiên Đồng cũng rất ưa Hóa Quyền, vì có thể tăng cường ý chí, bằng như hội đủ Lộc Quyền Khoa Kỵ, mà sát diệu không nặng nề thì cũng chủ phú quý song toàn. Ngại nhất là Thiên Đồng Hóa Kỵ là cách cục xấu.Thiên Đồng tuy là Phúc tinh, nhưng cái Phúc ấy cũng có khuyết điểm, hơn thế nữa phải đắc Lộc mới thực sự là Phúc. Tuy nhiên, khi đắc Lộc trừ phi có cách cục đặc biệt tốt, không thì vẫn phải trải qua một đoạn gian khổ, có lúc rất vất vả, cũng không phải là tốt. Nếu không phải như đã luận thì trừ phi có cách cục rất khác lạ. Thông thường Thiên Đồng đều có một điểm là “vãn vận” (vận muộn), cho dù Thiên Đồng được đánh giá là Phúc, cũng có lúc nhầm lẫn.

Lời bàn: Xem ra quan điểm của Vương tiên sinh chú trọng nhiều vào vấn đề tài lộc, chính vì thế mà rất đề cao các Lộc tinh, tuy nhiên đối với Thiên Đồng thì ngoài cái đặc tính cố hữu, còn cần phải xem xét thêm cái vị trí miếu vượng của nó. Ở đây, một đặc tính quan trọng của Thiên Đồng mà Vương tiên sinh chỉ nhắc đến một cách mơ hồ, đó là tính canh cải thất thường. Vương tiên sinh cho rằng Hóa Quyền có thể giải trừ được cái tính canh cái hay thay đổi của Thiên Đồng. Phần phân tích về việc Thiên ĐỒng hội Lộc tinh, lập luận của Vương tiên sinh rất sắc bén, cho rằng không phải là điều tốt, hé lộ quan điểm về việc kích động hoàn cảnh của sát tinh. Tuy nhiên, so với quan điểm của cổ nhân thì có lẽ tình chất cảu Thiên Đồng chưa được Vương tiên sinh nêu rõ ràng lắm.

LIÊM TRINH

Liêm trinh thuộc Âm Hỏa, là sao thứ 5 của chòm Bắc Đẩu, hóa khí là Tù tinh, chủ về tình cảm và lý trí, lại có tên là Thứ Đào Hoa. Liêm trinh gặp thiện thì thành thiện, gặp ác sẽ thành ác.Liêm trinh là một sao có sự biến hóa tốt xấu khá lớn, nhất định phải chú ý cẩn thận.

Nếu gặp Hóa Lộc thì tốt, chủ về tình cảm hòa hợp, ngại gặp Hóa Kỵ, chủ về tình cảm tan vỡ, hoặc gặp tai ương về máu huyết. Cùng với Sát Phá Tham hội hợp, tất sẽ rất cần Lộc tinh cùng hội mà sát tinh không được cường mạnh, thì cũng có thể gọi là tốt. Nếu không gặp cát tinh mà lại gặp hung tinh thì hình thương khó tránh. Được Thiên phủ cùng hội hợp, lại thêm Xương Khúc (văn xương, văn khúc) và Lộc tinh, có khả năng phát huy cái mặt tốt lành của Liêm trinh, đó là cách cục đẹp nhất của Liêm trinh. Cùng với Thiên tướng hội hợp, mà Thiên tướng vốn tốt lành, cũng là cách đẹp. Hội hợp với Tử Vi, Thiên Phủ không gặp ác tinh thì rất đẹp. Các tổ hợp trên đây gọi là “Gặp thiện thì theo thiện”. Liêm trinh chủ về tâm tư tình cảm, nếu tốt thì tình cảm phong phú, là người cao nhã vui tính, Xấu thì tự tư tự lợi, thậm chí không thể khống chế được tình cảm của chính mình, Liêm Trinh là sự phản ảnh sâu sắc tinh thần, khi suy đoán cần phải hết sức cân nhắc, đặc biệt là khi Liêm Trinh mang nặng tính đào hoa và tình cảm.

Lời bàn: Đoạn này không thấy Vương tiên sinh nhắc đến sự tương tác của Liêm trinh với Hóa Quyền, Hóa Kỵ, bởi một trong những đặc tính quan trọng của Liêm trinh là Tù tinh, vì thế mà khi gặp Quyền Kỵ tính chất sẽ thay đổi rất mạnh mẽ. Vương tiên sinh có lẽ đã quá chú trọng vào đặc tính Đào Hoa của Liêm, cho rằng đấy là sự ảnh hưởng mạnh mẽ, quan điểm này cũng cần phải suy ngẫm thêm.

THIÊN PHỦ

Thiên Phủ thuộc Dương Thổ, là chủ tinh của chòm Nam Đẩu, giống như kho tiền. Nguyên nhân là do quan hệ của Chủ tinh, cho nên cũng cần “quần thần đồng hội”, so sanh với tử vi thì tính cách bảo thủ hơn, sức khai sáng không bằng, cũng không có cái mạnh mẽ quyết liệt chủ quan của Tử vi. Dễ đối xử với người hơn Tử vi. Nếu được quần thần đồng hội, lại thêm gặp được Lộc tinh, chủ về khả năng vừa công vừa thủ, quyết đoán lớn lao. Nếu chẳng gặp được Hóa lộc hoặc Lộc tồn, thì là người hành sự cẩn trọng, lợi cho việc giữ gìn cơ nghiệp. Nếu không có Lộc tinh mà lại gặp được các cát tinh khác, giống như rời xa quần thần, mà biểu hiện của Thiên phủ là tiến thoái khó khăn, nếu gặp sát tinh thì chỉ nên nấn ná đợi thời cầu tài. Đóng ở Tài Bach, Quan lộc cung thì hoàn hảo, bởi vì xã hội ngày nay người người cầu tài theo mệnh, miễn là Mệnh cung, Phúc Đức cung không kém, chỉ là mánh khóe cầu tài quá khích mà thôi. Nhưng nếu đóng ở Mệnh cung thì dễ phát triển thành gian trá, phù thịnh.Thiên Phủ là Nam Đẩu, Tử vi là Bắc đẩu. Tử vi chủ lãnh dạo, chủ phát tán, chủ quý. Thiên Phủ chủ cất giấu, chủ phú, chủ giữ gìn cơ nghiệp, nói một cách tương đối là đầy đặn. Trừ phi là Thiên phủ gặp cách xấu đặc biệt (gặp sát tinh chẳng gặp Lục Cát, lại chẳng gặp Khoa Lộc, gặp toàn sao tạp bất lương) còn không dù có gặp “gian” cũng chẳng lộ ra là “gian”.

Lời bàn: Tính của Phủ vốn ôn lương hòa hoãn, tuy sức khai sáng không bằng Tử vi, nhưng cũng là chủ tinh. Cho nên lập luận rằng rất cần Quần thần hội hợp là rất sắc bén. Qua quan điểm của Vương tiên sinh thì thấy rằng vai trò của Phụ tinh vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trong đoạn này, cái lập luận về tính “gian” của Phủ là hoàn toàn mới mẻ. Bởi cổ nhân xưa nay vẫn cho rằng Thiên Phủ ôn lương, do vậy nếu nói rằng “nhược cư vu mệnh cung, tắc khả năng phát triển vi gian trá, xu viêm phụ thế” thì có vẻ như hơi khiên cưỡng. Đành rằng Thiên Phủ “phù thịnh bất phù suy” nhưng chưa hẳn đã đến nỗi phát triển thành gian trá. Điều này nên xem xét cẩn trọng.

THÁI ÂM

Thái Âm thuộc Âm Thủy, là sao ở trung thiên, chủ tinh của người sinh ban đêm. Miếu vượng tại Dậu Tuất Hợi Tý Sửu, hợp với người sinh ban đêm, nếu người sinh ban ngày mà lại có Thái âm lạc hãm, thì tức là không hợp.

Thái dương chủ phát tán, chủ quý, còn Thái âm thì chủ thu giấu, chủ phú, cho nên Thái Âm cũng bao gồm ý tứ của Tài tinh, nhưng cái Tài tinh này so với Vũ Khúc có điểm khác nhau. Vũ khúc lá hành động cầu tài, mà Thái âm thì thuộc kế hoạch, mang tính chất phụ tá. Có lúc lại có khả năng nắm giữ quyền lực tiền tài, giống như Thái Dương, cần sự trung hòa.Cho nên khi Thái âm cư ở cung hãm, mà được Tả Hữu Khúc Xương Lộc Quyền tương hội thì vẫn là đẹp, Thái Âm miếu vượng mà hội được cát tinh thì Hóa Kỵ không hại được.Nhưng tổ hợp của Thái Âm không ổn định, nếu lại gặp Xương Khúc thì trại lại, lại bị tình cảm lãnh đạo. Nếu lại gặp Sát tinh thì có thể trở thành trò đùa của quyền lực.So với Thái Dương, Thái Dương chủ Động, chủ phát xạ, chủ truyền bá, chủ quý. Còn Thái Âm chủ Tĩnh, chủ thu nhận, chủ Phú. Nhưng nếu như thu nhận quá thịnh, thì sẽ là người nhiều tâm kế, lòng dạ thâm sâu, rất khác biệt so với Thái Dương. Chính là do Thái Dương tự mình tỏa sáng, tỏa nhiệt, Nhưng Thái Âm thì ngược lại, được diếu sáng bởi Thái Dương, nếu không có Thái Dương chiếu đến, thì Thái âm tối đen như mực.Dùng cách ví von mà nói, thì có một sự khác biệt giữa Thiên phủ “thâm trầm”, khác với Thái Âm là “Âm Sâm” (Âm Sâm có nghĩa là ảm đạm).

Lời bàn: Trong đoạn này Vương tiên sinh đã căn cứ vào tính chất Âm-Dương của 2 sao Thái Âm – Thái Dương để lập luận. Thái Âm vốn dĩ xưa nay vẫn được coi là Tài tinh, theo Vương tiên sinh thì tính Tài của Thái Âm chính là do đặc tính “Thu liễm” mà ra, bởi vậy về mặt tư tưởng, Thái Âm tham lam hơn, không quảng bác như Thái Dương. Đặc biệt, trong đoạn này Vương tiên sinh đã thể hiện hai quan điểm. Thứ nhất, Vương cho rằng Thái Âm cần phải có ảnh sáng của Thái Dương mới huy hoàng được, bởi vậy nếu được đắc cách Nhật Nguyệt thì mới thự sự hoàn mỹ. Thứ hai, Vương cho rằng “Thái Âm miếu vượng thì Hóa Kỵ không làm gì được”, đây chính là điểm khác biệt của Trung Châu Phái khi an Hóa Kỵ cùng với Thái Âm cho tuổi Canh. Điều này xưa nay vẫn tranh cãi, tuy nhiên ta có thể rút ra một điều rằng, cho dù An Hóa Kỵ với Thái Âm, hay Hóa Khoa với Thái Âm, thì tuổi canh gặp cách này vẫn là đẹp.

THAM LANG

Tham lang thuộc Dương Mộc, khí thuộc thủy, ví như Tình Dục và Vật Dục, còn gọi là Chính Đào Hoa, nếu được chế hóa thì vẫn có thể tốt. Nếu được chế hóa, tình dục vật dục đặt được cân bằng, mà lại được cát tinh hội hợp thì là cao cách vậy. Nếu không được chế hóa mà lại gặp sát tinh hội hợp, không cần biết là thiên về tình dục hay vật dục, nhưng đều có khuyết điểm.

Hóa Lộc gia tăng vật dục còn Hóa kỵ thì giảm bớt dục vọng. Tử Tham mà được Tả Hữu Xương Khúc là được chế hóa, Vũ Tham mà được Hỏa Linh là được chế hóa, nếu lại hội được Cát Tinh, Cát Hóa, có thể làm đại tướng, uy chấn biên cương.Liêm Tham ngộ Không, Thiên hình, Hóa kỵ là được chế hóa, có khả năng tình dục mạnh, thơ rượu phong lưu mà biến thành văn nghệ, nghệ thuật.Nếu không được chế hóa mà lại gặp Kình Dương, Đà La thì vì sắc mà rước họa.

Tham lang cũng là chủ biến, nhưng cái biến của nó là “đổi thang mà không đổi thuốc” (chỉ thay đổi cái vỏ bề ngoài mà bản chất thì không đổi), mượn màu son phấn để che giấu toan tính.Tham Lang cũng là một tay giao tiếp đối đáp thiện nghệ, nhưng cái ứng đối của nó phần nhiều là ở tửu sắc phong lưu. Cũng đôi khi thích các sự vật thần bí, thuộc loại quỷ quỷ quái quái, nhưng cái sở thích của nó là loại đông tây thần bí, mà tịnh không phải là nghiên cứu chuyên sâu.Cũng dựa trên tính chất tương đối của Tham Lang, nếu gặp được Xương Khúc, ngộ Không, cũng với Thiên Hình có thể phát huy tiềm năng nghệ thuật của Tham Lang.

Lời bàn: Vương tiên sinh có đưa ra quan điểm về các cách chế hóa đối với sao Tham Lang trong từng trường hợp. Tuy nhiên dường như Vương tiên sinh không coi trọng các tính chất về tài khí của Tham Lang, ngay cả khi gặp Hỏa linh, điều này có khác so với các quan điểm xưa nay. Có một điều mới ở đây là Vương tiên sinh cho rằng Thiên Hình có thể chế giải được tính dâm của Tham Lang, cũng cần phải xem xét.

CỰ MÔN

Thuộc Âm Thổ, khí thuộc Âm Kim, là sao thứ hai trong chòm Bắc Đẩu.

Trong đẩu số, Cự môn là ám tinh, nhất định phải có Thái Dương miếu vượng hội chiếu, hoặc Lộc Quyền hội hợp mới có thể giải được tính ám của Cự Môn. Nếu không có Thái Dương hội chiếu hoặc Lộc Quyền cứu giải, Cự Môn sẽ đem lại thị phi, nghi kỵ.

Cự môn còn được ví như tài ăn nói, nếu cát thì nói hay, giỏi biện, nếu hung thì ăn nói giảo hoạt. Nếu hội Thái Dương hãm, Hình Kỵ thì dễ rước cái họa khẩu thiệt, thậm chí kiện cáo. Năng lực đối kháng sát tinh của Cự môn rất yếu, cho nên tuyệt không nên gặp sát tinh, rất cần cát tinh cùng với Hóa Lộc, Hóa Quyền, cải hóa được Cự Môn, không chỉ ăn nói tuyệt vời mà thậm chí còn có thể trở thành nghề nghiệp, có thể làm luật sư, diễn thuyết gia, thuộc hàng có đẳng cấp, lại có khả năng truyền bá, tiếp thị tài ba. Nếu được cách cục thích hợp phối hợp thì phú quý không thiếu.

Cự môn còn biểu trưng của chướng ngại lớn, che lấp tất cả mọi thứ. Trong đời người có thể có một giai đoạn gian khổ đối với lịch trình, hoặc một giai đoạn thương tâm đối với chuyện cũ. Hoặc biểu trưng cho người thích nói, dùng ngôn từ che giấu người khác, biểu hiện là người thao thao bất tuyệt, thích tranh luận. Nếu như cách cục tốt (Như đắc Hóa Quyền lại gặp Xương Khúc), có học thức lại có sức biểu đạt tốt, như vậy đương nhiên tuyệt không phải là phường nói hão.Kỳ thực, tại hiện đại, Cự môn được đánh giá cao hơn so với cổ đại nhiều lắm, bởi vì hiện thời là cần phải bao quát, tiếp thị xã hội. Từ việc cạnh tranh tổng thống của nước Mỹ đến một nhân viên tiếp thị, đều cần đến việc ăn nói linh hoạt (bất kể là nói thật hay không thật). Tóm lại là những người ăn nói rất tốt, tuyệt không thể thiếu Cự môn.

Lời bàn: Vương tiên sinh đánh giá rất cao khả năng ăn nói của Cự Môn vì nó hợp với xã hội hiện đại, tuy nhiên cần phải nhớ rằng chỉ thực sự tốt khi Cự Môn đắc cách hội Quyền Lộc, Xương Khúc. Đoạn Vương tiên sinh luận rằng “Trong đời người có thể có một giai đoạn gian khổ đối với lịch trình, hoặc một giai đoạn thương tâm đối với chuyện cũ” thật là sắc bén. Duy chỉ có điều, chưa thấy Vương tiên sinh phân tích về tính Tài khí của Cự Môn.

THIÊN TƯỚNG

Thuộc dương thủy, là ngôi thứ hai trong chòm Nam đẩu, hóa khí lá Ấn tinh, được ví như cái ấn đeo của Hoàng Đế, cho nên nếu ở trong tay Hoàng đế anh minh thì là cứu tinh của nê dân, mà trong tay Hôn quân bạo chúa thì tàn hại bách tính – giúp cho phường hung bạo. Bởi vậy, bản chất của Thiên tướng là gặp Cát thì Thiện, gặp Hung thì Ác. Thiên tướng hoàn toàn chịu hoàn cảnh của bên ngoài mà biến hóa, khi luận đoán phải hết sức cẩn thận.

Trong Tứ Sát, Thiên tướng sợ nhất Hỏa Linh, cho nên có thuyết nói rằng “Thiên tướng Hỏa linh trùng Phá, tàn chướng” – (Thiên tướng Hỏa linh mà gặp Phá, tàn tật), có khả năng có cố tật, hoặc thân thể yếu đuối nhiều bệnh tật.

Đoán sự cát hung của Thiên tướng tất phải xem xét Lân cung (hai cung bên cạnh bản cung), như Cự Môn Hóa Kỵ giáp bên sẽ thành cách “Hình Kỵ giáp Ấn” (do Thiên Lương là Hình) – không tốt. Như Cự Môn Hóa Lộc, là cách “Tài Ấm giáp Tướng” (Thiên Lương là Ấm), là một kết cấu đẹp của Thiên Tướng. Đương nhiên vẫn chủ yếu là xem sự phân bố của Lục Cát, Lục sát mà đoán định.

Một đặc trưng lớn nhất của Thiên Tướng là “không có tính cách” (đây là một thuật ngữ dùng trong luận đoán, không có nghĩa là người có Thiên tướng thủ mệnh không có tính cách).

Cho nên trong mưới bốn chính tinh chỉ có Thiên tướng là rất coi trọng Lân cung, bị ảnh hưởng rất mạnh từ hai cung bên cạnh bất luận là Hình Kỵ giáp, Tài Ấm giáp, hay Dương Đà giáp.

Giáp Hỏa Linh, giáp Khoa Quyền, cũng như giáp Khôi Việt … đều có ảnh hưởng mạnh đến Thiên Tướng. Tại lá số mà Thiên tướng gặp cách giáp cung, đôi khi lại biểu hiện tính cách không thể làm chủ bản thân, như vẫn nói là “hình thể giống người mạnh” (thành ngữ – ý nói về cái hình thì trông giống người mạnh, mà không phải là mạnh).

Thiên Tướng cũng có tính chất tương tự như Thiên Cơ. Đều dựa phần nhiều vào phụ tá.

Lời bàn: đoạn luận về Thiên tướng này của Vương tiên sinh chưa thật sắc xảo lắm. Có lẽ Vương tiên sinh quá coi trọng cái sự ảnh hưởng của Lân cung đến Thiên Tướng. Gần như các quan điểm của Vương tiên sinh đều trái ngược với những nhận xét của cổ nhân về Thiên tướng. Theo “đẩu số toàn thư” thì bản chất của Thiên Tướng vốn là Ấn tinh (ấn là con dấu, con triện), biểu thị cho uy quyền, tài lộc hơn thế nữa với nhận xét về tính tình của Thiên Tướng “kiến nhân nan hữu trắc ẩn chi tâm, kiến nhân ác hữu bất bình chi khí” (gặp người khó thì động lòng trắc ẩn, gặp kẻ ác thì nổi sự bất bình), thì càng không thể nhận xét rằng “thiên tướng là sao không có tính cách”. Tính cách “gặp thiện theo thiện, gặp ác theo ác” của Thiên tướng không thể hiện rõ ràng lắm. Với các nhận xét về cách cục của Thiên tướng như ở trên chưa được thuyết phục lắm, ví như cách Hình Kỵ giáp Ấn mà bảo rằng Thiên Lương là Hình thì thật là chưa chính xác vậy, hơn thế nữa, bản chất của Hình Kỵ khi giáp Ấn không phải do Ấn tinh tạo nên, mà bất cứ sao nào khi gặp các cách GIÁP như Giáp hình kỵ, Giáp Dương Đà, Giáp Không Kiếp cũng đều xấu vậy, không hẳn chỉ có Thiên tướng. Dịch đoạn này cảm thấy nghi ngờ, không chắc có phải là quan điểm của Vương tiên sinh hay chỉ là do người sau thêm thắt vào? Người đọc cũng cần tham khảo và chắt lọc thêm vậy. Ngoài ra, một đặc tính về Tài của Thiên tướng chưa thấy được nhắc đến, vì Tướng và Phủ luôn trong tam hợp cho nên mới có câu “Phủ Tướng triều viên, nãi vi y lộc chi thần”, là thần của y lộc. Có lẽ đây cũng là một thiếu sót chăng?

THIÊN LƯƠNG

Thuộc Dương Thổ, là ngôi thứ 3 trong chòm Nam đẩu, hóa khí là ẤM TINH, nhưng cũng lại hóa vì HÌNH TINH. Nguyên nhân Thiên Lương hóa khí là Hình tinh là do nó lại có tính chất “cương khắc cô kỵ”, nếu như lúc này mà lại gặp Thiên Hình cung Kình Dương thì tình cương khắc sẽ mạnh lên, cho nên cách này là không tốt.

Nhưng Thiên Lương cũng có tính chất của cái bóng che chở, tức là ẤM (hán việt: Ấm tức là cái bóng che chở của cha mẹ, bề trên, bởi Lương là biểu trưng của Phụ Mẫu). Ấm (tính chất) tức là tiêu tai đặc trưng lớn nhất là “tiên phá hậu lập” (trước phá đi rồi sau mới lập thành), trước đắng mà sau mới có vị ngọt. Nhưng mà trước phải có tai vạ thì sau mới phát huy được tính chất của Thiên Lương. Tuy nhiên, cuối cùng thì cái Hung cũng sẽ tiêu tán hết, nhưng độ biến hóa họa phúc của đời người quá lớn, cũng không phải là điều tốt.

Thiên Lương rất tốt nếu gặp Hóa Lộc, nhưng cũng tốt nếu là Hóa Khoa, lúc ấy sẽ cái mặt tốt đẹp lương thiện của Thiên Lương sẽ biểu hiện mạnh mẽ nhất. Nếu được Phụ Bật Xương Khúc cùng hội hợp thì lại càng có khả năng phát huy cái tình chất “ẤM” của Thiên Lương, càng về sau càng mạnh. Thiên Lương có khả năng tiêu tai giải khó, sở dĩ Thiên Lương cũng hay làm nên cái sự “tiêu tai” là bởi Thiên Lương chủ quý, nên có thể hóa khí thành khoa tinh.

Trong cách cục Thiên Lương – Hình Kỵ: Cái ánh sáng màu sắc của Thiên Lương Hình Kỵ thì ít, mà cái sự âm u của Thiên Lương Hình KỴ thì nhiều. Tại sao lại chiếu sáng?

Đại khái là nếu được Thái Dương miếu vượng chiếu rọi thì tỏa sáng, hoặc đắc khoa quyền hội lợp mà tỏa sáng (đương nhiên nếu lại được thêm Thái dương miếu vượng hòa cùng Khoa Quyền chiếu sáng nữa thì cực tốt). Thứ nhì là nếu gặp được Thái Âm thì cũng tốt nhưng trường hợp này Thiên Lương trở nên thâm trầm, nội liễm (thâu nhận vào bên trong). Nếu như những điều ở trên hoàn toàn không có, Thiên Lương trở nên lén lén lút lút, soi mói bắt bẻ, không hợp với người khác. Lúc này sẽ phát huy đầy đủ cái tính Hình của Thiên Lương.

Lời bàn: Dịch đến đây, mới thấy được Vương tiên sinh giải thích vì sao Thiên Lương lại hóa khí là Hình Tinh. Cũng là một ý kiến mới, khi ông cho rằng Thiên Lương có thêm tính chất Cương-Khắc-Cô-Kỵ. Nhưng trên thực tế, và theo các tài liệu, quan điểm khác thì dường như tính chất này không rõ ràng lắm, có phần mờ nhạt. Nhưng ở đây, Vương tiên sinh rất coi trọng cái cách Thiên Lương gặp Hình Kỵ, có lẽ đây là quan điểm riêng của ông, cũng là một điều cần chiêm nghiệm. Tất nhiên, là tính chất của Thiên Lương cũng như bất kể một sao nào, đều phụ thuộc vào cái sự miếu hãm của nó, chứ không hẳn chỉ có đắc cách như Vương tiên sinh nhận xét. Cái điều Vương tiên sinh luận rằng “tiên phá hậu lập” rất xuất sắc, bởi vì Lương là Ấm tinh, vốn là thừa hưởng của tiền nhân để lại, ở đời mấy ai giữ được, nếu không phải là nội lực tự cường. Việc Lương gây nên sự biến đổi họa phúc lớn của đời người, chưa hắn chỉ có thế, có lẽ cần xem xét thêm các điều kiện khác nữa chăng.

THẤT SÁT

Thuộc âm kim, là ngôi thứ 5 của chòm Nam đẩu, là chiến tướng trên trời.Là kẻ xung phong hãm trận, giết giặc trên chiến trường, vì thế Thất sát mang theo tính chất cương khắc.

Thất sát không nên gặp Hình Kỵ vì sợ rằng quá cô khắc, nếu mà lại hội thêm sát tinh nữa, thì đời người càng thêm gian khổ.

Chế được cái tính cương khắc của Thất Sát, chỉ có Lộc tinh ở Tỵ (1), hội Hóa Lộc hay Lộc tồn đều tốt, có thể làm cho cái tính cương khắc của Thất sát hóa thành chuyên nghiệp, hoặc công nghệ, trong cái sự phân công rất tinh tế của xã hội hiện đại, người chuyên nghiệp cũng tương đương với khái niệm giầu có.

Ngoại trừ Lộc tinh ra, để chế hóa cái tính ác của Thất sátTử vi, gọi là “hóa sát vi quyền” (biết SÁT thành QUYỀN). Khi Thất sátTử vi cùng gặp nhau hoặc đối cung với nhau mà được quần thần cùng hội vào, lại tránh được sát tinh phá phách thì mới là hợp cách. Giống như Đại tướng nhận lệnh của Để tọa, khí khái phi phàm, nếu lại hội thêm được Lộc tinh thì phú quý khỏi phải bàn. Nếu có sát tinh trùng phá, thì khả năng là sẽ trở thành mệnh của một nhà công nghiệp.

Thất sát là tướng quân, trực tiếp nhận mệnh của hoàng đế xuất ngoại đánh trận, nhưng phía sau có quân quyền, hoàn toàn phụ thuộc vào chuyện quân lương mà thành sự, vì thế mà Thất sát rất cần gặp Lộc (rất tốt nếu gặp cả song Lộc). Mà Thất sát vốn là đại tướng nên ưa độc đoán độc hành, vì thế mà Tả Hữu Xương Khúc đối với Thất Sát cũng không quan trọng lắm. Cũng giống như Vũ Khúc, Khôi Việt tương đối quan trọng đối với Thất sát.

Thất sát cũng giống như Tham Lang, đều là chủ BIẾN, nhưng phúc độ của Sát lớn hơn Tham Lang vậy.

(1) Câu này hơi tối nghĩa, nguyên văn viết là “ Hóa Thất Sát đích cương khắc, duy Lộc tinh tỵ” – Chữ TỴ trong văn bản này là Chi Tỵ trong 12 địa chi, nhưng như thế không có nghĩa, ngờ rằng là nhầm với chứ TỴ nghĩa là TRÁNH ĐƯỢC.

Lời bàn: Đối với Thất Sát, điểm quan trọng là cái tính CƯƠNG KHẮC, Vương tiên sinh đã phân tích rằng “không nên gặp Hình Kỵ vì sợ quá cô khắc, nếu gặp thêm sát tinh thì đời người là càng thêm gian khổ”, lý luận của Vương tiên sinh rất sắc bén, cổ nhân đã có câu “Thất Sát – Thiên Hình, cương táo nhi cô”, trở nên cứng rắn, khô khan mà lại cô độc. Đương nhiên là cuộc đời sẽ vì thế mà kinh lịch gian tân. Tuy nhiên, cái sự lập luận ấy cần phải dựa trên tính lý của Sát mà luận, chứ chỉ căn cứ vào cái chuyện ví von Sát là chiến tướng mà phân tích, thì e rằng sẽ rơi vào chuyện suy diễn thường tình. Và cũng cần phải xem xét thêm luận điểm cho rằng Lộc tinh có thể giải trừ được cái tính cương khắc của Sát, điều này chưa hẳn đúng lắm, bởi Lộc tinh tuy có thể biến cái sự sát phạt của Thất sát thành tài phú, nhưng cái tính cương cường thì khó lòng vì thế mà mất đi được. Có thể trong xã hội hiện đại tiền bạc có thể đánh bóng con người, nhưng cái tính cương khắc của tinh diệu thì khó lòng cải biến được, cũng là điều cần suy ngẫm.

PHÁ QUÂN

Phá quân thuộc dương Thủy, là sao thứ 7 trong chòm Bắc đầu. Tính chất “chiến tướng” tương tự như Thất sát nhưng khác làở chỗ: Thất sát là tướng mà Phá quân là tiên phong, do vậy Phá quân hóa khí là Hao.

Bởi Phá quân “năng công bất năng thủ”– hợp với thế tiến công hơn phòng thủ, nên Phá quân tọa mệnh so với Thất sát có tính “động” nhiều hơi. Dù cho hội được tử vi thì cũng không thể vì thế mà “hóa phá vi quyền”– Tử vi dụng Phá quân thành quyền tinh được, ngược lại tính động của Phá quân còn làm ảnh hưởng đến tính ổn định của Tử vi.

Phá quân gặp sát tinh mà không có cát tinh phù trợ, có thể bị hình thương trên thân thể.

Phá quân tốt nhất bản thân Hóa lộc, tốt nhì là hội được Lộc. Khi đó sẽ cải thiện bản tính động. Với Hóa quyền cũng có thể tương tự như trên nhưng không tốt bằng Hóa lộc.

Nếu được phụ tá tinh và cát tinh hội chiếu, tránh được sát tinh thì là tổ hợp tốt nhất cho Phá quân, khi đó Phá Quân có thể vừa “công”, vừa “thủ”, gặp vận đích thực là chiến tướng, cách cục này không phải nhỏ.

Phá Quân cũng là chiến tướng, nhưng so với Thất Sát thì kém một bậc, sở dĩ Thất Sát có thể thụ mệnh Hoàng Đế một cách đường đường chính chính, nhưng Phá Quân mà trực tiếp thụ mệnh Hoàng Đế liền có điểm không hợp, vì thế tổ hợp Tử Vi Phá Quân tốt đẹp khi tính chất ổn định của Tử Vi được duy trì.

Không có Lộc thì Phá quân như chiến tướng bị hao tổn, không có hậu phương, chung cuộc cũng bại hoặc bị hạ thấp. Chính thế nên muốn phòng trừ cái việc “chiến tướng bị hao tổn” thì quan trọng phải tậm trung tâm lực vào chỉ một việc. Phá Quân thủ mệnh không thể là người nhàn nhã, lắm ý niệm.

Lời bàn: Về Phá Quân thì cũng có nhiều quan điểm trái chiều nhau. Ở đây, có lẽ Vương tiên sinh quá coi trọng hình ảnh “chiến tướng” khi đem so sáng với Thất sát, nhưng có lẽ về bản chất thì Phá Quân khổng hẳn thê. Sở dĩ Tử vi không làm cho Phá hóa Quyền được là chính vì cái tính phản nghịch của nó. Khác với Thất Sát chỉ là “thừa hành chính lệnh”. Trong quan điểm của Vương tiên sinh thì cho rằng Phá Quân cần hội nhiều cát tinh mới quý, tuy nhiên cần phải xem xét trong trường hợp Văn tinh, vì Phú nói “Phá quân hội văn tinh nhất sinh bần sĩ”. Phá quân vốn là “nghi loạn bất nghi trị” hợp với thời loạn hơn là lúc yên ổn, có lẽ vì thế mà một số quan điểm cho rằng phải được sát tinh đắc cách phò trợ mới tốt, như Phá đắc Không Kiếp vậy. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số nghiên cức thì thấy rằng, Phá đắc sát tinh, tuy có thể phấn phát nhất thời nhưng chắc chắn sẽ phải trả giá, cũng không phải là điều tốt. Như thế, có nghĩa là Phá thể hiện tính cô độc cực cao, chẳng hợp với nhóm nào. Cũng nên chiêm nghiệm.

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.