Kim la bàn của tử vi nghiệm lý
Bài viết của cụ Thiên Lương
Tử vi nghiệm lý ra đời được là nhờ công của quí vị độc giả KHHB cố thúc đẩy khuyến khích, muốn có một cuốn sách tập trung tất cả những nguyên tắc căn bản để phân tách luận định.
Chẳng may gặp buổi gạo châu củi quế, sách đành phải thu hẹp, cho gọn như những nguyên tắc vắn tắt cho dễ nhớ.
Cây kim la bàn của Tử vi nghiệm lý là phân tích lý lẽ âm dương và sinh khắc chế hóa của Ngũ hành.
Biết rằng tất cả các ngành học huyền bí Á Đông (Tướng pháp, Địa lý, Bói dịch…) đều lấy âm dương làm căn bản, rồi Ngũ hành biến dịch sinh khắc chế hóa để tìm kết quả, thì Tử vi cũng phải lấy phần phân tích âm dương làm phần quan trọng.
Âm Dương của chính tinh
Như 14 chính tinh đầu não phải sắp xếp đâu là âm dương tức là thế lưỡng nghi của Tử vi. Cũng biết rằng trong cái dương đã có sẵn cái mầm của Âm (Thiếu âm) và trong cái Âm có cái mầm của Dương (Thiếu Dương) như đôi mắt của thế nhân có hai cái trong ở trong, tức là mầm phát khởi ra tứ tượng, cứ thế sinh chia đến bất tuyệt để xét từ cái nguyên lý lần xuống cái tương đối đến mức độ cùng tột.
Vậy thì Tử vi, Thiên Phủ, Vũ khúc, Thiên Tướng, Thất sát, Phá quân, Liêm Trinh, Tham Lang, chỉ là cái thế Dương (thực hành) và Thiên Cơ, Thái Âm, Thiên Đồng, Thiên Lương, Cự Môn, Thái Dương là thế Âm (lý thuyết) của lưỡng nghi Tử vi.
Chi ra tứ tượng tức là bộ Tử, Phủ, Vũ, Tướng, Sát, Phá, Liêm, Tham, Cơ Nguyệt Đồng Lương và Cự Nhật là đã biết sự chế trộn phân hóa đến mức độ điều hòa, thăng trầm nào rồi, còn chia ra nữa như từng cặp Phủ Tướng, Nhật Nguyệt, Cự Cơ, Liêm Phá…xuống đến một sao cốt cán của Mệnh ảnh hưởng ra sao, và đối với vận hành của cuộc đời từ phía Dương gặp phía âm hay trái lại từ phía Âm gặp vận phía dương phải tính ra sao?
Vì như người Sát Phá Liêm Tham gặp vận Tử Phủ Vũ Tướng hẳn là sự khác biệt không bao nhiêu vì Tử Phủ Vũ Tướng cùng trong phe phái lưỡng nghi, nếu gặp Cự Nhật hay Cơ Nguyệt Đồng Lương, tức là khác biệt hẳn dĩ nhiên là kết quả phải đáng kể.
Nguyên tắc Đại vận
Vậy có thể đặt nguyệt tắc căn bản (để đoán Đại vận):
a- Người Sát Phá Liêm Tham gặp vận Cơ Nguyệt Đồng Lương là có sự kém cỏi hẳn.
b- Người Sát Phá Liêm Tham gặp vận Cự Nhật có sự thay đổi kém với mức độ quá bán.
c- Người Sát Phá Liêm Tham gặp vận Tử Phủ Vũ Tướng có sự thay đổi tương đối.
d- Người Sát Phá Liêm Tham gặp vận Sát Phá Liêm Tham nguyên mức độ.
Trái lại:
a- Người Cơ Nguyệt Đồng Lương gặp vận Cơ Nguyệt Đồng Lương ở nguyên mức độ.
b- Người Cơ Nguyệt Đồng Lương gặp vận Cự Nhật đã thấy khởi sắc.
c- Người Cơ Nguyệt Đồng Lương gặp vận Tử Phủ Vũ Tướng tiến bộ.
d- Người Cơ Nguyệt Đồng Lương gặp vận Sát Phá Liêm Tham, phải coi chừng càng cao danh vọng càng dày gian nan.
Ngoài ra còn phải thêm bớt do bộ sao ở chỗ đắc địa hay hãm, bộ trung tinh đắc cách phò trợ, bộ sát tinh tùy thuộc lộng hành.
Nhìn vào vị trí an sao trên bản số địa bàn (hình số 2) cứ sắp xếp lấy sao ở cung dương để một bên, sao ở cung âm để một bên sẽ thấy (hình 3) thế âm dương luôn riêng biệt, không bao giờ sao của dương đứng chung với sao bên âm như hình số 1 đã trình bày theo thế lưỡng nghi, tứ tượng.
Thấy Tử Phủ Vũ Tướng và Sát Phá Liêm Tham vẫn là một phía của lưỡng nghi (D) đối với Cự Nhật, Cơ Nguyệt Đồng Lương là phía âm của lưỡng nghi.
Sinh khắc, ngũ hành
Như trên đã trình bày, cái lý quan hệ của âm dương áp dụng cho Tử vi. Dưới đây xin trình về sinh khắc của Ngũ hành mà căn bản là thế tam hợp tuổi, từ chỗ an Mệnh Thân đến vận hành chuyển đến các cung Đại vận để biết sự thuận lợi hay nghịch cảnh có 4 tam hợp là:
- THÂN Tí Thìn: Thủy
- DẦN Ngọ Tuất: Hỏa
- TỴ Dậu Sửu: Kim
- HỢI Mão Mùi: Mộc
Người tuổi Thân Tí Thìn cần phải đóng ở Thân Tí Thìn mới là trúng cách đồng hành (vòng Thái Tuế) nếu đóng ở Dần Ngọ Tuất là hành khắc (xuất hay nhập) là cuộc đời có sự bất mãn, khó khăn. Nếu ở Tỵ Dậu Sửu hay Hợi Mão Mùi là gặp hành sinh (nhập hay xuất) là cuộc đời luôn luôn có sự hạn chế, như sinh nhập thì gặp Thiên Không còn như sinh xuất, là bị thiệt thòi.
Nhị hợp
Nhị hợp là thế tương trợ của Mệnh, Thân luôn luôn chỉ có sinh (xuất hay nhập) liên hệ nội cảnh của Mệnh, Thân như:
Mệnh đóng ở Tí (Thân Tí Thìn Thủy) được nhị hợp là phụ ở Sửu (Tỵ Dậu Sửu: Kim) sinh nhập cho Mệnh là Mệnh được hưởng cái gì từ tinh thần vật chất của cha mẹ. Nếu Mệnh ở Sửu thì Mệnh phải sinh xuất cho Bào ở Tí, tức là Mệnh ở thế thường trực trợ đỡ cho anh chị em. Với các vị trí nhị hợp khác cũng vậy, cứ Mệnh sinh xuất là Mệnh phải lo toan mà sinh nhập là Mệnh được nâng đỡ đối với nhị hợp (Phụ, Bào, Tử, Nô, Ách, Điền).
Đặc biệt là không khi nào Mệnh sinh xuất cho Phụ, chỉ có phụ sinh nhập cho Mệnh có ý nghĩa là Mệnh là truyền thống dòng dõi của nhà mình, mình là nhân quả tốt xấu. Chỉ có Thân sinh xuất cho Phụ, tức là cái Ta phải có bổn phận hiếu thảo với đấng sinh thành.
Điều hệ trọng trường hợp nhị hợp với Ách, đương số phải thận trọng trong việc đối sử nhân thế. Dầu Mệnh hay Thân sinh xuất cho Ách là chính mình kiếp này dễ gây nghiệp quả (tốt xấu). Còn như Ách sinh nhập cho Mệnh Thân là kiếp này thọ lãnh nhân quả, nên tự an ủi.
Cung xung chiếu
Xung chiếu là thế đứng luôn luôn chỉ có khắc (xuất hay nhập) với Mệnh là mình phải tranh đấu. Nếu khắc xuất là mình được hưởng những gì Mệnh có, nếu được thọ hưởng cũng phải chật vật vì phải quỵ lụy triều cống kẻ trên tay.
Tóm lại tam hợp, xung chiếu cho biết là vị trí của Mệnh có thuận tiện cho đương số kinh doanh với đời, dầu ít hay nhiều là phần quan trọng quyết định từ tư cách đến sự nghiệp của số…
KHHB số 74H1