Hỏi đáp về phi tinh với bác VDTT

Xiuhac muốn hỏi về vấn đề giới tính thứ 3 trên lá số, làm sau để xác định vấn đề đó và nếu đương số đã chuyển giới luôn thì có thay đổi gì không ạ?

Tôi không tin đây là vấn đề đã được nghiên cứu đến nơi đến chốn. Riêng tôi, dùng lô gích “đời là một vở tuồng” tôi đề nghị xét xem người được xem số là dương (ứng nam) hoặc âm (ứng nữ).

  • Người nào rõ ứng thì rất dễ: Cứ dùng phái tính ứng mà xem. Như trường hợp bạn nói đã chuyển giới luôn thì quá dễ rồi, cứ theo đó mà định (miễn là đừng có kiểu ai cũng thấy mình là đàn bà, mình cũng cư xử rất đàn bà nhưng lại nằng nặc tự xưng là đàn ông, vậy là đóng lầm vai, không được).
  • Người nào không rõ ứng: Hỏi họ khi khiêu vũ họ thích vai nam hay vai nữ. Thích vai nào thì đóng vai đó.

Hy vọng đã giúp cho bạn xiuhac phần nào.

BIG4life: chú VDTT cho cháu hỏi phái phi tinh có dùng cung an Thân không? và dùng để xem cái gì, khác gì với tử vi việt ạ?

Mặc dù vài sách phi tinh có dạy an thân, thí dụ trang 72 sách “Tử Vi Tiến Giai”, Khuyến học trai chủ, Đài Bắc, Đài Loan, 1995, tôi chẳng hề thấy họ dùng cung thân luận cát hung thành bại. Dĩ nhiên tôi chưa đọc hết tất cả các sách phi tinh, nhưng xác xuất cao là phái phi tinh không coi cung thân là quan trọng.

Atmao75: Bác cho cháu hỏi thêm?

1. Thứ tự mạnh yếu của 18 phi tinh?

Chưa thấy sách nào coi đây là đề tài khảo sát. Thỉnh thoảng khi xét số thật đời thật thấy nói hai can Kỉ (Khúc) và Tân (Xương) hóa Kị uy lực không bằng các hóa Kị khác.

Theo tôi đây là vấn đề còn mới toanh chưa giải quyết, thậm chí hai can Kỉ và Tân hóa Kị thỉnh thoảng bị coi là yếu hơn các can khác tôi cũng xin hỏi lại “Có chắc không? Hay là gọt chân vừa giày?”

Có điều chắc chắn hợp lý là Kị bị ảnh hưởng lý tính của sao. Như can Tân hóa Kị dễ dính líu đến văn thư, giấy tờ hơn các can khác.

2. Nếu hai sao đồng cung một hóa lộc, một hóa kỵ thì xét cát hung như thế nào?

Các sách tôi đọc qua đều viết là một Lộc một Kị cùng cung coi như hai Kị, luận là xấu hơn một Kị. (Chú: Theo phép phi tinh, phải phân Kị nhập Kị xuất, Kị xuất mới xấu, nên không phải cứ có Kị cư là xấu. Nhưng đây giả sử là Kị xuất, tức là “Kị xấu”).

Tôi luôn luôn cố gắng dùng lô gích để suy luận những vấn đề mới. Theo tôi, tối thiểu phải chia làm 2 trường hợp.

Lộc Kị cùng gốc. Thí dụ: Cơ Âm cư Dần bị cùng một cung có can Ất ảnh hưởng thì Cơ hóa Lộc, Nguyệt hóa Kị. Trường hợp này rõ ràng là có mâu thuẫn nội bộ, coi là hai Kị chẳng có vấn đề gì.

Lộc Kị khác gốc. Thí dụ Cơ cư Sửu có Xương Khúc. Can Ất khiến Cơ hóa Lộc, can Kỷ khiến Khúc hóa Kị. Trường hợp này hai sao Lộc Kị khác gốc theo tôi nên tính riêng rẽ rồi phối hợp với nhau. Có xấu có tốt, chẳng nên tính là hai Kị rồi luận là “rất xấu”.

3. Một hóa lộc, một hóa kỵ Xung chiếu thì như thế nào?

Lộc Kỵ xung chiếu nghĩa là Lộc Kị cùng ở cung xung chiếu. Cách xem tiêu chuẩn là bị hai Kị xung chiếu, theo phép phi tinh gọi Kị xung chiếu giản dị là “xung”, xấu hơn là Kị cư trong cung.

Nhưng xin chú ý quan điểm riêng của tôi, đã trình bày trên, là phải phân hai trường hợp, cùng gốc thì bàn chung, khác gốc thì bàn riêng rẽ.

Cafe: Cơ hội tốt mà không biết hỏi ntn vì đã đọc phi tinh tí nào đâu?

Chưa đọc phi tinh chẳng sao đâu. Phi tinh không thêm sao nào mới.

Tóm lược, nó là một cách nhìn mới về vai trò của tứ hóa, đặc biệt hóa Kị.

1. Người mới học phi tinh thì nên đọc những sách gì? của tác giả nào?

Có một điểm lạ là hình như các sách phi tinh, tối thiểu tất cả các sách tôi có, đều giả sử người đọc đã biết sơ Tử Vi rồi.

Nên để trả lời câu hỏi của anh nếu chưa biết gì về Tử Vi mà muốn học phi tinh thì phải học lối xem tứ hóa trước, tức là học Tử Vi theo lối xem bình thường của Đài Cảng trước. Cũng có thể học Tử Vi Việt rồi học thêm cách xem tứ hóa của Đài Cảng trước khi xem sách phi tinh.

(Tuy nhiên, cần thêm vào dấu ngoặc ở đây. Ông Khuyến học trai chủ (KHTC), Đài Loan, một thày bói và là “chủ” của khuyến học trai dạy người ta Tử Vi phi tinh ra quyển “Tử Vi tiến giai” trước, có lẽ vì ông nhắm đến những độc giả đã biết Tử Vi rồi. Sau này ông có ra quyển “Tử Vi sơ giai”. Tôi có quyển “tiến giai”, không có quyền “sơ giai” nhưng đoán là ông KHTC quyết định đi từ bước đầu cho các độc giả chưa hề biết đến Tử Vi).

Còn như trình độ của anh (vì đã khá rành cách xem tứ hóa của ông Tử Vân) tôi giới thiệu quyển viết theo bạch thoại “Đạo truyền phi tinh tử vi đẩu số nhập môn” của Trần Tuệ Minh, nxb Vũ Lăng, Đài Loan, Đài Bắc. Sách này dường như bán chạy vì ấn bản tháng 10 năm 1995 ghi là “ấn bản 2, in lần 3”.

Điểm mà tôi thích về sách này là nó mỏng (dưới 200 trang) và có đầy đủ chiêu thức, mặc dù hơi quá vắn tắt.

2. Mệnh, Thân, cung lưu Tuế tối quan trọng với phái Tử Vân, sang phái phi tinh khi tìm thành bại, cát hung thì vai trò “bao trùm” của Mệnh, Thân áp dụng chủ yếu như thế nào?

Mệnh và cung lưu Tuế vẫn hết sức quan trọng với phái phi tinh, nhưng mặc dù vài sách phi tinh có dạy an thân, tôi chẳng hề thấy họ dùng cung thân luận cát hung thành bại. Dĩ nhiên tôi chưa đọc hết tất cả các sách phi tinh, nhưng xác xuất cao là phái phi tinh không coi cung thân là quan trọng.

3. Vai trò, cường độ tác dụng của tứ hóa theo thời gian trong phái phi tinh lên tiên hậu thiên và lưu niên. So với phái Tử Vân thì có khác biệt gì cần lưu ý.

Như đã nói trên, phi tinh có một cái nhìn mới về tứ hóa, đặc biệt hóa Kị. Để giản dị, tôi xin đưa thí dụ là cách “nghịch thủy kị”, phần sau đây tôi dịch từ một quyển sách phi tinh cũ của Tử Vi cư sĩ, không đề năm xuất bản:

Nghịch thủy Kị

1) Mệnh tài quan hóa kị nhập cung đối, cung đối lại có niên kị (VDTT chú: Muốn thế gần như cung xuất phải là lai nhân cung, tức cung có cùng can với năm sinh).

Phải phát xuất từ mệnh tài quan. (VDTT chú: Không nhất thiết là mệnh tài quan nguyên thủy, đại hạn mệnh tài quan cũng ứng. Tôi xin nhấn mạnh là Thái Tuế cũng ứng).

2) Có nghịch thủy kị là số phát đạt giàu có. Có thể hành nghề sản xuất, mở công xưởng, mở cơ sở khuyến mãi v.v… (Chú: “Có” đây nghĩa là có trong cách nguyên thủy).

Ví niên Kị như cái máy nước, Kị ở cung xung đến nơi nó bơm ngược trở lại, khiến Kị này không thể theo di mà biến đi, nên mệnh gặp nghịch thủy kị thì phát đạt. Nhưng nếu niên Kị cùng cung với tự Kị thì thành một cung ba Kị, nhiều Kị quá va chạm lung tung, xấu hơn một Kị rất nhiều.

Thí dụ (giả tưởng, do tôi tự chọn): nam mệnh, Mậu Thân 1968, tháng 2 giờ Dần ngày 9.

Kim tứ cục, mệnh Ất Sửu. Hạn thứ 2 nhập Giáp Dần, hạn quan ở Mậu Ngọ thỏa điều kiện Nghịch thủy Kị, với đối tượng là Thiên Cơ hóa Kị ở cung Giáp Tí, từ 14 đến 23 tuổi được 10 năm rong chơi thỏa thích trong sân khấu cuộc đời.

4. Tại sao Kỵ thủ lại tốt (có vẻ khác với phái Tử Vân thì thường là xấu)?

Trước hết phải định rõ thế nào là “Kị thủ”. Kị thủ nghĩa là Kị cư các cung mệnh tài quan điền nguyên thủy. Trái lại cư các cung di phúc phối tử nguyên thủy (tức xung các cung mệnh tài quan điền nguyên thủy) là Kị xung.

Phi tinh gọi Kị thủ là “Kị nhập”, Kị xung là “Kị xuất”.

Kị nhập không coi là xấu. Kị xung thường xấu, ngoại lệ đã bàn trên, là khi Kị ở cung xung giúp Nghịch thủy Kị thành hình (thí dụ di có Kị nguyên thủy, mệnh lại khiến di hóa Kị, và thỏa điều kiện đòi hỏi, thì mệnh đắc cách “nghịch thủy Kị”, tha hồ hái ra tiền).

5. Nếu Kỵ thủ tốt thì giả như cung chức ấy gập 3 đời Kỵ theo phái Tử Vân thì làm thế nào? Chắc chắn Bác đã tính đến trường hợp này, có khi nào kết quả ra trái ngược nhau?

Thế nào cũng có trường hợp trái ngược nhau.

Thí dụ: Cung phối thỏa cách nghịch thủy Kị, hạn thứ 3 vào cung phối tất bị 2 đời Kị xung (vì Kị nguyên thủy và hạn Kị đều ở cung quan), Thái Tuế lại nhập đại hạn vậy là 3 đời Kị thành hình. Trường hợp này phái phi tinh xem là cực tốt, phái Tử Vân coi là cực xấu.

Rất may thí dụ như vậy rất khó xảy ra nên ít có trường hợp mâu thuẫn.

6. Phái phi tinh xem chủ đạo kết hợp cả 3 tầng tiên thiên, hậu thiên, lưu niên để tìm ra cung bị “kích động” kịch liệt nhất hay cần xem tầng nào thì lôi riêng tầng đó ra xem?

Cách xem vận của phi tinh có khác các cách cũ.

  • Một lúc để ý ba tầng thời gian. Thí dụ lá số nguyên thủy, đại hạn, và năm là 3 tầng. Đại hạn, năm, và tháng là 3 tầng. Năm, tháng, và ngày là 3 tầng. Tháng, ngày, và giờ là 3 tầng. Tầng cao nhất ứng “thiên”, tầng giữa “địa”, tầng ngắn nhất “nhân”. Như nguyên thủy, đại hạn, năm thì lá số nguyên thủy là thiên, đại hạn là địa, năm là nhân.
  • Sau khi phân định như vậy rồi thì đi vào kỹ thuật. Kỹ thuật quen thuộc nhất là “hướng thượng tầm tượng, hạ tầm ứng số” (đọc từ sách “Cửu thiên phi tinh”) như xét nguyên thủy, đại hạn, lưu niên thì lấy tứ hóa của đại hạn đặt vào lá số nguyên thủy để tìm tượng, rồi lấy tứ hóa của đại hạn mà xem ứng xấu tốt vào năm nào (Chú: Xem lưu niên xấu tốt năm nào bằng hóa của đại hạn, không phải bằng hóa của lưu niên).
  • Ít quen thuộc hơn là dùng tứ hóa của mệnh tài quan nguyên thủy xem tác dụng trên các đại hạn như thế nào (hạ tầm ứng số). Mặc dù không quen thuộc bằng kỹ thuật nói trong mục số 2 ở trên, đây là kỹ thuật đắc ý của ông Phương Ngoại Nhân, người phát minh ra cách xem gọi là “đồng bộ đoán quyết” (Ý nghĩa được diễn giải là “Tôi nghĩ ra bí quyết này. Thực ra nhiều cao nhân đã nghĩ ra trước tôi nhưng vì lý do nào đó không tiết lộ. Tôi chỉ khác họ là tôi tiết lộ”). Cách này được diễn giải khá chi tiết trong hai quyển “Khai quán nhân tử vi đẩu số” 1 và 2 (Vũ Lăng, Đài Bắc, Đài Loan, ấn bản 2, lần in 7, 8 năm 2017, 2016). Đây xin dài dòng một chút về cách xem “đồng bộ đoán quyết”. Cơ bản là tứ hóa của mệnh nguyên thủy, tài nguyên thủy, và quan nguyên thủy; nhưng chú trọng nhất vào hóa Kị. Đại hạn nào có cung phụ hoặc tật bị một trong 3 Kị (của mệnh, hoặc tài, hoặc quan nguyên thủy) trấn đóng, hạn đó đa phần xấu cho tài quan. Phát triển ra, đến hạn xấu cách xem này chỉ dựa vào một sao hóa Kị mà đoán được năm nào xấu chuyện gì.
  • Lại có một kỹ thuật –theo tôi- hết sức độc đáo và đặc thù của phi tinh là “thiên nhân hợp nhất”, tức là xem yếu tố năm ảnh hưởng trên lá số nguyên thủy như thế nào, từ đó suy ra xấu tốt. Cách này có nghĩa, có một số lá số với tín hiệu mạnh, cứ 12 năm lập lại. Các cách xem cũ chẳng thể nào chấp nhận hiện tượng này, nhưng từ kinh nghiệm xem số của cá nhân tôi quả có những người cứ mỗi 12 năm lập lại cùng hiện tượng.

7. Phi tinh có sử dụng lưu cung để xác định cung chức cho hậu thiên, lưu niên? Khi xem vấn đề cụ thể thuộc cung chức nào cần xem thì sử dụng cung chức tầng nào, vai trò, ảnh hưởng các cung chức của các tầng phụ thuộc yếu tố chính nào? Có cần quan tâm đến tính chi phối của hậu thiên lên lưu niên, tiên thiên lên hậu thiên….?

Đã trả lời ở số 6. Tôi hiểu “cung chức” nghĩa là cung phối có tính “phối”, cung bào có tính “anh em” v.v… Về việc phân loại này có thể nói phi tinh có tính chuyên môn hơn các cách xem khác. Thí dụ muốn xem hạn này có tiền vào không thì một cách là xem cung “khí số” của hạn tài, tức hạn quan, xem tứ hóa đi đâu.

8. Phi tình hình như chỉ xem tọa xung của cung chức cần xem, không xem tam hợp, giáp?

So với các cách xem cũ, phi tinh chỉ mới ở cách xem vận hạn, chẳng phải là có ý đụng đến cách cục nguyên thủy. Nhưng sau khi áp dụng phi tinh thì lại ra một số trường hợp mà chúng ta có thể gọi là cách cục, thí dụ “mệnh Kị nhập cung lục thân nào là ‘mắc nợ’ người ứng trong cung lục thân đó”. Như mệnh Kị nhập phối là ta “mắc nợ” vợ, nên sau khi lập gia đình thường có chuyện rắc rối, nhưng “bỏ thì thương vương thì tội” muốn bỏ nhau chẳng dễ; “mắc nợ” đại khái là như thế.

Nên khi xem cách cục nguyên thủy thì cứ việc dùng các phép cũ (rồi tùy trường hợp mà thêm vào cách mới do phi tinh sinh ra, thí dụ “mệnh Kị nhập phối nên mắc nợ vợ”).

Khi xem vận hạn thì đúng là không xem tam hợp, không xem giáp. Chỉ xem thủ xung/đối (tức mệnh di) và tứ chính (tức mệnh di tử điền).

9. Xin chào bác VTTD, qua chỗ nghiên cứu của Vô Thường mà nói: Thì nguyên lý của mọi phi tinh chính là: Lộc Khoa và Quyền Kỵ luôn song hành trên mọi thời điểm. Có Lộc sẽ luôn tồn tại Khoa. Có Quyền sẽ luôn tồn tại Kỵ. Tại cùng 1 thời điểm.

Liên hệ Lộc-Khoa, Quyền-Kị

Ông Khuyến Học trai chủ, một bậc thầy phi tinh Đài Loan, gọi Khoa là “hóa lộc nhỏ” (tiểu hóa Lộc) và Quyền là “hóa Kị nhỏ” (tiểu hóa Kị); rõ ràng nhìn nhận hai quan hệ Lộc-Khoa và Quyền-Ki. Đó là xét đặc tính của sao.

Liên hệ Lộc-Kị, Khoa-Quyền

Nhưng xét lý âm dương, tức là áp dụng lý “toàn không” thì Lộc-Kị phải là một cặp, cặp kia dĩ nhiên là Quyền-Khoa.

1) Lộc: bắt đầu thì Kị chấm dứt, Lộc duyên khởi thì Kị duyên diệt.

2) Quyền quá độ thì Khoa điều chỉnh, Quyền tạo vấn đề thì Khoa giải vấn đề.

Lý 1) dẫn đến cách xem “Lộc tùy Kị tẩu”. Câu “Lộc tùy Kị tẩu” có thể mang rất nhiều ý khác nhau. (Một thí dụ không phải của phái phi tinh là lý “duyên khởi duyên diệt” của phái Tử Vân).

Một ứng dụng của phi tinh, nhưng không mấy quen thuộc, là của ông Trịnh Mục Đức (TMĐ) thuộc phái Hoa Sơn (“Tử Vi khai quán đích đệ nhất bản thư”, nxb Vũ Hà, Đài Bắc 2002). Dùng lý “Lộc tùy Kị tẩu” ông phối hợp Lộc nguyên thủy và Kị nguyên thủy với nhau.

Một lá số thí dụ có Lộc ở hạn 3 (thê), Kị ở hạn 4 (tử), đại hạn đi nghịch. Ông TMĐ luận:

-Vì “Lộc tùy Kị tẩu” nên (xác xuất cao) kết hôn hạn thứ 4, là nơi có Kị.

-(Quan trọng) Giả như kết hôn hạn thứ 3 thì sẽ có người thứ 3, vì trong trường hợp này Kị ở hạn 4 (tử) ứng với đào hoa.

-Hạn 4 có con (hoặc đào hoa, như bàn trên).

Thí dụ ngược lại có Kị ở hạn 3 (thê), Lộc ở hạn 4 (tử), đại hạn đi nghịch. Ông TMĐ luận:

-Vì “Lộc tùy Kị tẩu” nên (xác xuất cao) kết hôn hạn thứ 3, là nơi có Kị.

-Kết hôn hạn thứ 3 (nhưng) đời sống vợ chồng có vấn đề (VDTT chú: Có lẽ vì Kị cư phối).

-Hạn thứ 3, Lộc tùy Kị tẩu, xác xuất cao vì có con mà kết hôn.

Thí dụ khác Lộc ở tài, Kị ở điền:

-Hiện tượng: Kiếm ra tiền thì mua nhà.

-Hạn: Nếu đi thuận đến hạn điền tất theo nghề phục vụ (vì hạn nô có Lộc), nếu đi nghịch đến hạn tài tất cực khổ kiếm tiền (vì hạn tật có Kị).

Ông TMĐ lại có một cách xem đặc thù không thấy trong các sách phi tinh khác là “tam tượng nhất vật”, luôn luôn phối hợp 3 hóa nguyên thủy để tìm hiện tượng. Phương pháp là tìm trong mệnh tài quan di nguyên thủy các sao tứ hóa nguyên thủy, rồi nếu thiếu thì tìm thêm sao để thành các tổ hợp theo thứ tự ưu tiên như sau:

Lộc Quyền Kị.

Lộc Khoa Kị.

LộcKị Quyền.

Quyền Khoa Kị (hoặc Quyền Khoa Lộc tùy theo Kị hoặc Lộc trong cường cung).

Quyền Kị Khoa.

-Khoa Kị Lộc

Sao thêm vào là sao định điểm, có ý nghĩa rõ rệt.

Thí dụ: Mệnh Kị, di Khoa, phụ Lộc.

Kị Khoa trong mệnh di nên đi làm cho người khác, đừng tự làm chủ. Lộc là sao thứ 3 nên là sao định điểm, nên làm các nghề dính líu đến văn thư, giảng dạy, tôn giáo v.v… vì các nghề này ứng với cung phụ mẫu.

Tóm lại Lộc-Kị một tổ, Khoa-Quyền một tổ.

Cháu xin phép hỏi chú VDTT về trường hợp hóa kị , hóa khoa xuất hiện dồn dập, tập trung ở một trục (điền, tử) trên lá số:

10. Trường hợp cung đại hạn (cung điền) hội cả 4 kị ( có cả kị, tự kị) , cái xấu không triệt tiêu được mà xấu thêm rất nhiều phải không ạ?

Không chắc. Phi tinh chia ra 2 trường hợp Kị nhập (Kị vào các cung mệnh tài quan điền nguyên thủy, gọi là “cung ta”) và Kị xuất (Kị xung các cung trên, tức là vào các “cung khác” hoặc “cung nó”). Kị nhập không xấu, Kị xuất xấu.

Điền là một trong những cung “ta” (1, 5, 9, 10 mệnh tài quan điền) nên có Kị có thể chẳng sao cả, vì đó là Kị của mình, ví như mình có súng đã lên đạn trong nhà. Có súng đã lên đạn trong nhà dĩ nhiên là một mối lo, nhưng nếu sinh họa thì ắt là do mình, tự mình; chẳng trách ai được cả.

11. Có phải cung đối của cung đại hạn (cung tử) sẽ bị ảnh hưởng xấu hơn?

Tiên quyết (đặc thù của phái phi tinh): Kị xung cung nào ta vô duyên với cung đó!

Kị xung tử có nghĩa mình vô duyên với con cái (không con, khó có con, có con thì con không hợp mình hoặc sinh ly tử biệt v.v…). Nhưng đó là bàn giản dị. Vào chi tiết có khi phức tạp lên nhiều.

12. Trường hợp thêm hóa khoa và tự hóa khoa nữa thì có tác dụng gia giảm nữa không, hai hóa khoa này có triệt tiêu mất nhau làm mất tác dụng tốt không ạ?

(ví dụ: cung đại hạn Cơ hóa kị, chiếu có hóa khoa; cung đại hạn có tự hóa kị tự hóa khoa; lưu niên thái tuế năm mậu lại khiến Cơ hóa kị nữa, hạn tháng cơ hóa kị).

Khoa có công dụng cứu giúp (quý nhân). Nhưng niên Khoa gặp tự Khoa là hai ông quan Khoa đụng độ, tối thiểu giảm hiệu năng cứu giúp.

Vẫn khó biết tốt xấu, nhiều khi chẳng sao cả. Đừng quên là khi xem năm nào xấu tốt thường chẳng lý đến can năm (trừ khi ứng lý “thiên nhân hợp nhất”). Tương tự khi xem tháng nào xấu tốt thường chẳng lý đến can tháng (trừ khi ứng lý “thiên nhân đồng nhất”).

Nhưng có thể khẳng định rằng cung xung (tử) chẳng thể tốt được.

13. Dùng tứ hóa phi tinh có thể biết được khi nào sự kiện diễn ra hay không?

Tất cả mọi phái đều có cách xem khi nào chuyện xảy ra. Nhưng từ kinh nghiệm của tôi tử vi VN, thậm chí thêm tứ hóa như Đài Cảng (chẳng hạn phái Tử Vân trước khi chuyển hướng) rất khó xem, tức là phải học rất lâu cái đã, rồi hẵng nói chuyện chính xác hay không.

Xét trên lý thuyết thì đây chính là ưu điểm của phái phi tinh so với các phái khác vì có cách xem ứng kỳ lớp lang hơn nên dễ học hơn (nhưng không có nghĩa chính xác hơn, chuyện này tôi chưa đủ tư cách xác quyết).

Chẳng hạn áp dụng lý thiên địa nhân vào lá số nguyên thủy, đại hạn, và năm rồi dùng lý “hướng thượng truy tượng, hạ tầm ứng số” để áp tứ hóa của đại hạn vào lá số nguyên thủy (thượng) và lá số năm (hạ) thì biết được năm nào chuyện xảy ra. Cứ thế đi xuống, thậm chí có thể dùng lý y hệt vào tháng, ngày, giờ để xem giờ nào chuyện xảy ra.

Dĩ nhiên từ lý thuyết đến thực hành là một khoảng cách rất xa.

14.Bác dùng Lộc hay Kỵ để định thời gian sự kiện xảy ra và kết thúc?

Phản ứng đầu tiên của ta là muốn dùng Lộc để bắt đầu, Kị để kết thúc. Luật chung vẫn là: Khi xem biến chuyển, đang xấu tìm Lộc, đang tốt sợ Kị.

Nhưng sự thật chẳng giản dị như thế.

-Thứ nhất, tôi đồng ý với ông Tử Vân (Đài Loan) rằng “có tín hiệu trên lá số không có nghĩa có tín hiệu ngoài đời”, nên khi dùng lá số đoán dữ kiện tương lai ta chỉ có thể nói “Có xác xuất cao là việc X sẽ xảy ra”.

-Sau khi chấp nhận quan điểm xác xuất, khi đoán việc xảy ra chúng ta phải tìm tín hiệu mạnh, tức là Lộc Kị. Nhưng vẫn còn tùy trường hợp. Chẳng hạn, người thường thì đang kiếm việc cần tìm việc phải xem có Lộc không, nhưng anh hùng áo vải đang muốn khuấy động thiên hạ có khi phải gặp Kị mới là đúng thời.

Từ đó có thể thấy Kị không nhất thiết là chấm dứt, mà thường là một biến chuyển từ chuyện A sang chuyện B. Như đang có việc, đổi sang làm việc khác có thể tín hiệu là Kị mà không phải Lộc, mặc dù việc đổi thay này chẳng có gì xấu.

View PostCaspianPrince, on 21/01/2019 – 08:57, said:

2.Can năm Thái Tuế và Can của tiểu hạn kích động phi tinh về mặt thể và dụng có gì khác nhau?

Thay vì nói “thể dụng” dễ gây hiểu lầm mất công, tôi xin vào thẳng vấn đề xem hạn năm. Hãy khoan nói chuyện tiểu hạn. Tạm chỉ bàn Thái Tuế.

Chủ trương quen thuộc nhất của các phái phi tinh là nếu năm là đơn vị nhỏ nhất của tam tài (thiên=cả đời, địa=đại hạn, nhân=năm) thì cần phân biệt can Thái Tuế và cung can của Thái Tuế. Như năm nay là năm Mậu Tuất thì can của Thái Tuế là Mậu. Giả sử người xem sinh năm Ất Mùi 1955 thì cung Tuất là Bính Tuất, do đó cung can của Thái Tuế là Bính.

-Chỉ đưa tứ hóa theo can của Thái Tuế, tức can Mậu, vào đại hạn để tìm “định số” (tức định tượng).

-Các trường hợp khác dùng cung can của Thái Tuế, kể cả trường hợp thiên nhân hợp nhất. Chú ý rằng ngoài phép “thiên nhân hợp nhất” ra, phái phi tinh không dùng lưu niên tứ hóa để xem hạn năm (chỉ dùng nó để xem hạn tháng, hạn ngày).

Trên đây chỉ nói đến Thái Tuế, và các sách phi tinh đại đa số chỉ xem Thái Tuế. Nhưng một tinh hoa của Tử Vi Việt là cung tiểu hạn, nên tôi chủ trương phối hợp Thái Tuế và tiểu hạn lại mà xem hạn năm.

-Thái Tuế là trời định.

-Tiểu hạn là ta định.

Xem tiểu hạn bằng phương pháp giống như xem Thái Tuế, rồi tùy theo Thái Tuế và tiểu hạn có đồng thuận hay không mà luận ra cách ứng xử hợp lý.

15. Đối với sự kiện diễn ra trong nhiều năm thì sao, ví dụ bệnh tật hoặc quan tụng?

Câu hỏi hay, chẳng hiểu sao bây giờ mới thấy.

Nếu chỉ dùng lý Lộc Kị thì đừng hòng xem sự kiện diễn ra trong nhiều năm.

Xin nhắc rằng phái Tử Vân, tức một cách xem Đài Cảng, có cách giải quyết vấn đề này bằng “cung trọng điểm”. Tiếc rằng cách này mặc dù có lý lại rất khó thực hành. Tôi đã hy vọng trong những sách mới ông Tử Vân đề nghị những cách xem mới, chẳng ngờ ông chuyển hướng thành một phái phi tinh mới, nên chưa biết cách xem “cung trọng điểm” của ông sẽ đi về đâu.

Nhưng tôi hiểu cái lý của cung trọng điểm, nên xin ghi ra đây. Trước hết phải có diễn biến thật xảy ra đã, hẵng xem. Kẻo thành võ đoán. Một khi đã có diễn biến thật xảy ra, ta xem lá số rồi định xem cung nào ứng với diễn biến đó, cách xem là chọn cung rõ nét, tức là nhiều cộng hưởng.

Như kiếm được việc, muốn xem làm được lâu dài hay không thì:

1-Tìm xem cung nào ứng với việc làm ấy. Phải chọn một trong ba cung quan nguyên thủy, hạn quan, lưu quan. Cung nào có cộng hưởng mạnh nhất, bất luận xấu tốt, chọn cung ấy.

2-Sau khi đã chọn cung rồi thì coi cung ấy là cung “công việc” (tương tự cung quan lộc), rồi tùy cách xem mà định những diễn biến tốt xấu theo thời gian ra sao. Cơ bản vẫn là xem ảnh hưởng của đại hạn, của tiểu hạn, của Thái Tuế. Một lý quan trọng ở đây là phải chú ý đến Lộc Kị theo lý “Lộc tùy Kị tẩu” (ông Tử Vân gọi là ”duyên khởi duyên diệt”). Như công việc của ta có vẻ ứng với Tham hóa Lộc; vì Mậu Tham Nguyệt Hữu Cơ. Phải xem Cơ ở đâu, coi chừng khi đến đại hạn hoặc năm có Cơ là lúc công việc có thể chấm dứt.

Cách xem bệnh tật cũng thế. Phải xem cung nào ứng bệnh của mình, rồi xem có gì cứu giải hay không, khi nào. Hoặc không có gì cứu giải thì khi nào có thể ra đi.

Có thể thấy rằng muốn xem diễn biến lâu dài thì phải giỏi xem tượng sao. Đây chính là ưu điểm của Tử Vi Việt.

16. Mùa sinh/hạn và trật tự/vị trí của sao hóa có ảnh hưởng ra sao đối với hóa tinh và phi tinh? Nói cách khác, có phải sinh mùa Thu hoặc vận tháng vào mùa thu thì (phi) hóa Quyền vào cung Thân, Dậu, Tuất có biểu hiện đặc biệt?

Đây là một đề tài tranh luận mãi vẫn chưa ngã ngũ.

Tương đối mới với phi tinh, tôi quen thuộc hơn với những cuộc tranh luận trong các phái không dùng phi tinh, nên về quan điểm phi tinh tôi chỉ là một lý thuyết gia, chưa có thực chứng về vấn đề này. Nhưng dù sao tôi cũng xin trình bày quan điểm của mình, trong chủ trương Tử Vi hoàn toàn khoa học.

Nhìn nhận, tôi chưa từng thử xem bỏ mùa sinh vào có chính xác hay không, nhưng đây chính là một cách mà nhiều Tử Vi gia Đài Loan, trong đó có ông Phương Vô Kị, đã xử dụng và truyền bá mấy mươi năm trước. Sự thật là cách này đã bị thời gian đào thải. Sau ông Phương Vô Kị chẳng thấy danh gia nào nhắc tới nữa.

Ý kiến của tôi: Một lý lớn của khoa học là dao cạo Occam, phải cắt hết tất cả những gì mà lý thuyết không đòi hỏi phải có. Trong trường hợp Tử Vi chúng ta có một thực thể hết sức đặc thù là cung mệnh, từ cách hình thành có thể nói cung mệnh là “tháng tương đương” do bài toán Tử Vi tính ra (theo tháng thuận giờ nghịch). Nên sinh mùa thu không có nghĩa phải dùng lý của mùa thu, mà sinh bất cứ mùa nào cũng đều dùng lý của mùa ứng với cung mệnh. Nhưng dùng lý của mùa ứng với cung mệnh là việc mà mọi phái Tử Vi xưa nay đã làm, chẳng hạn như “Tham Lang cư Tí như lãng lý hành thuyền”. Thành thử theo tôi khi bỏ mùa sinh vào bài toán Tử Vi là đã vẽ rắn thêm chân rồi.

Câu hỏi là “Thế thì làm sao luận cường nhược?” Thú thật tôi chưa từng coi cường nhược là yếu tố quan trọng; nhưng đó là ngày xưa khi tôi không để ý đến phép phi tinh. Biết đâu tôi sai?

Vì thế tôi xin ghi lại cách xem cường nhược của ông Khuyến Học trai chủ (KHTC), có ghi trong sách “Tử Vi tiến giai”, nxb Tuyền Nguyên, Đài Bắc 1994.

Trước hết phân cung thành âm dương, đếm theo chiều nghịch:

-Từ 1 (mệnh) đến 5 (tài) cứ lẻ dương chẵn âm.

-Từ 6 (tật) đến 12 (phụ mẫu), trừ 5 rồi lẻ dương chẵn âm, kết quả là tật dương, di âm, nô dương, quan âm, điền dương, phúc âm, phụ mẫu dương.

Chú ý rằng 5 cặp xung chiếu đều có 1 âm 1 dương (mệnh dương di âm, bào âm nô dương, phối dương quan âm, tử âm điền dương, tài dương phúc âm) chỉ riêng phụ tật hai cung dương cả.

Sau đó dùng luật hóa của cung A nhập vào cung B, như sau:

1-Dương nhập dương: Cộng hưởng yếu nhì.

2-Âm nhập âm: Cộng hưởng yếu nhất

3-Dương nhập âm: Cộng hưởng rất mạnh.

4-Âm nhập dương: Cộng hưởng khá mạnh, nhưng kém trường hợp 3.

Ông KHTC còn ghi rằng nếu xét tam phương mệnh tài quan thì cung mệnh có thể dương có thể âm (trong khi đó tài dương quan âm), nếu chỉ so sánh mệnh di thì mệnh âm (bất động) di dương (động). Thành thử cách chia âm dương này còn vài điểm chưa rõ ràng.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể xem cường nhược bằng cách áp dụng hai vòng tràng sinh có sẵn trong khoa Tử Vi truyền thống, thí dụ xem sách Vân Đằng Thái Thứ Lang ắt thấy:

– Tứ hóa nguyên thủy cường nhược thế nào? Yếu tố năm tức tài thiên đã có vòng trường sinh dựa theo nạp âm của năm sinh. Vòng này áp dụng được vì năm sinh là một yếu tố hết sức quan trọng trong bài toán Tử Vi, và 12 cung địa bàn quả ứng với chu kỳ 12 năm.

– Chính tinh và cung hóa, hạn hóa cường nhược thế nào? Tất cả các yếu tố này đều ứng tài nhân, đã có vòng trường sinh dựa theo nạp âm của cung an mệnh. Vòng này áp dụng được vì cung an mệnh quan trọng thế nào chúng ta đã biết, và 12 cung địa bàn quả ứng với 12 tháng của năm sinh.

17. Sự kiện (phi hóa theo vận) có thay đổi được mệnh cách (tứ hóa và phi hóa theo năm sinh/can của cung nguyên bàn)? Nói một cách khác, con người thay đổi theo thời gian hay chỉ là thời gian dần dần lột trần bộ mặt thật của con người?

Dựa trên sự kiện là cùng lá số đời sống có thể rất khác nhau, tôi cùng quan điểm với ông Khuyến Học Trai Chủ (phi tinh Đài Loan) rằng con người thay đổi theo thời gian, mà không phải là thời gian dần dần lột trần bộ mặt của con người.

Thử nghĩ, một cuộc ẩu đả giữa hai thanh niên vì chẳng ai chịu thua ai trong một chuyện nào đó, kết quả cả hai cùng bị còng tay vào tù. Giả như một bên chịu thua thì có chuyện gì xảy ra không?

Thành thử khi xem Tử Vi cho người khác, ông thầy nên đóng vai trò như bác sĩ, khuyên bệnh nhân phải làm gì cho ứng hợp hoàn cảnh và giảm xác xuất nguy hiểm, tăng xác xuất an toàn, thay vì phán như đinh đóng cột.

18. Kết hôn, sinh con, bố mẹ mất, thêm bạn, mua nhà v.v. những thay đổi trong các cung chức có dẫn động được phi hóa hay không hay chỉ là hệ quả của tương tác phi hóa với tinh đẩu? Hiểu một cách khác, hành động do ta định đoạt và sự kiện do người khác chủ động có mối quan hệ như thế nào với phi hóa? Cháu hỏi câu này vì từng đọc qua bài viết của cụ Hà Uyên nói về việc Nguyễn Đức Kiên đã phá bỏ sự bảo vệ của Quang Quý khi làm cho nhân tình có thai rồi phá thai (hành động >< tinh đẩu).

Trở lại vấn đề cơ bản của bài toán Tử Vi, tức là xác xuất. Phi hóa chỉ là một bài toán giúp ta tìm ra những dữ kiện có xác xuất cao có thể xảy ra.

Tôi chưa đọc bài này của cụ Hà Uyên, nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm mà cụ muốn đưa ra. Rằng hành động của ta có thể tăng độ tốt xấu của lá số, thậm chí thay đổi cái “mệnh” của ta.

Lời giải thích là luật nhân quả và lý của khoa xác xuất.

19. Quan hệ phi hóa giữa các cung lúc nào thì dừng lại. Nói rõ hơn

A phi Lộc, Quyền, Khoa, Kỵ sang B; B lại phi Lộc, Quyền, Khoa, Kỵ sang A, C, D, E. Cứ như vậy biết lúc nào thì nên dừng?

Không phi loạn xạ. Chỉ phi sau khi rõ việc mình muốn xem, thành thử không có vấn đề này.

Như muốn xem tài bạch thế nào thì:

-Hỏi: Cung nào làm lợi cho tài bạch? Đáp: Cung khiến chính tinh trong tài hóa Lộc.

-Hỏi: Cung nào có thể gây hại cho tài bạch? Đáp: Cung khiến chính tinh trong phúc (xung tài) hóa Kị.

-Tứ hóa trong tài có ảnh hưởng gì? Đáp: Xem Kị của tài đi đâu, Lộc của tài đi đâu, rồi nếu ứng hợp thì dùng thêm lý “Lộc tùy Kị tẩu” mà luận; nhưng lưu ý rằng trong đa số trường hợp Kị là tín hiệu quan trọng nhất và trong nhiều trường hợp Lộc chẳng có ý nghĩa gì đáng kể (Quyền, Khoa còn yếu hơn nữa, trừ trường hợp xem tật ách hoặc hôn nhân, thường chỉ dùng để luận thêm chi tiết khi đã rõ diễn biến là gì rồi). Thí dụ tài Kị nhập di xung mệnh, vậy là mình “vô duyên” với tiền bạc.

VDTT thêm: Cơ bản tử vi là xác xuất, cứ mỗi lần hóa là một lần tín hiệu yếu đi, nên A hóa nhập B mạnh, B hóa nhập C đã hơi yếu đi rồi, C hóa nhập D thì còn yếu hơn nữa. Thành thử đa số trường hợp chỉ hóa một lần, hóa hai lần là vì có thể tạo thành “cách” (sẽ trình bày), hóa 3 lần là gượng lắm rồi. Hóa 4 lần trở lên -theo ý tôi- chẳng có ý nghĩa gì cả trừ trường hợp vì lý do nào đó tạo thành những tín hiệu cực kỳ đặc biệt, dĩ nhiên trường hợp này cực hiếm.

Tóm lại, thông thường hóa 1 lần, họa hoằn hóa 2 lần, hiếm khi hóa 3 lần.

Vài cách do hóa 2 lần mà ra, ghi lại từ sách “Tử Vi đẩu số tứ hóa phi tinh mệnh phổ” của ông Tử Vi cư sĩ

Tuần hoàn Kị

Kị của cung A nhập cung B, cùng lúc kị của cung B nhập cung A.

Như mệnh Kị nhập nô, nô Kị nhập mệnh: Đối xử tốt với thuộc cấp thì thuộc cấp hết công ra sức, bằng không thì hai bên chẳng quan tâm đến nhau.

Thị phi Kị

Phàm cung lục thân có Lộc đến Kị đi hoặc Lộc đi Kị đến đều gọi là Thị phi Kị.

Như mệnh Lộc nhập nô, nhưng nô Kị nhập mệnh, ý là ta bị bạn bè mượn tiền, hoặc bị người ta lấy mất tiền; tức là người ta “thiếu nợ” ta.

Xung Hỗ Kị (chú: Sách TV cư sĩ dùng tên “Củ Triền Kị” tiếng Việt hơi khó nghe nên đề nghị không dùng)

Giả như nô Kị nhập tài, mệnh Kị nhập phúc, tài phúc thành cảnh hai Kị xung nhau. Giữa ta và bạn bè có chuyện rắc rối tài chánh.

Ngoài ra, thỉnh thoảng đọc sách phi tinh ta thấy “Lộc chuyển Kị” tức là sau khi Lộc vào một cung lại xem thêm hóa Kị của cung ấy đi đâu, hoặc “Kị chuyển Lộc” tức là sau khi Kị vào một cung lại xem thêm hóa Lộc của cung ấy đi đâu. Chỉ xem theo lối này khi nào không có thêm chi tiết thì dữ kiện thiếu ý nghĩa, tức là không xem thêm không được.

Thí dụ (trích sách “Tử Vi đẩu số tứ hóa phi tinh mệnh phổ” của Tử Vi cư sĩ): VDTT dịch nghĩa:

“Nếu quan hóa Lộc nhập huynh đệ-nô bộc, tất muốn làm ăn chung với người khác. Có kiếm tiền được không, tất dùng cung huynh đệ “Lộc chuyển Kị” mà xem. Nếu Kị chuyển (Chú: tức Kị của huynh đệ trong trường hợp này) xung mệnh, tất chẳng thể làm ăn chung với người khác.” (Chú: Vì Kị xung là xấu, là “vô duyên”)

Nhưng tại sao “Lộc chuyển Kị” mà không “Lộc chuyển Lộc”? VDTT đáp: Vì bắt đầu bằng Lộc là có triển vọng, có triển vọng thì phải xem có vấn đề hay không, thành thử chuyển Kị. “Kị chuyển Lộc” lý ngược lại. (Xem thêm tuần hoàn Kị, thị phi Kị, hỗ xung Kị ở trên).

Hóa 3 lần thì có công thức “Lộc Kị Lộc” và “Kị Lộc Kị”, ông KHTC trong sách Tử Vi tiến giai (Tuyền Nguyên, Đài Bắc, 1994) đưa ra lý lẽ như sau:

Là kết quả cuối cùng của quan lộc hoặc Kị. Một nhập Lộc, hai chuyển Kị, ba chuyển Lộc. Hoặc một nhập Kị, hai chuyển Lộc, ba chuyển Kị. Hóa đầu là tượng, tức là chuyện thế này phải phát sinh. Hóa hai là cát hung, tức quá trình biến hóa. Hóa ba là kết quả, tức đáp án.

Như đã nói trên, gần như chẳng khi nào có lý do để cho hóa 4 lần.

20. Một tượng nào đó không có ý nghĩa cát hoặc hung. Vậy câu hỏi là: Khi nào thì đoán cát (nhiều lộc quyền khoa, ít kỵ) hoặc phải xem theo thứ tự lớp lang (sao lớn, nhỏ, khí lớn, nhỏ, tượng lớn, nhỏ, nguyên thủy, đại, tiểu, thời…)

Đúng là không phải chỉ một vài mà đa số “tượng” tự chúng không có nghĩa cát hung. Nhưng chúng có ý nghĩa cát hung sau khi thêm Lộc hoặc Kị có hiệu lực. Đây là một đột phá sâu sắc của Tử Vi Đài Cảng, và dĩ nhiên của phái phi tinh.

Cách xem không phải là đếm số sao Hóa mà là định mỗi một sao Hóa có tác dụng gì, mạnh hay yếu; có bị sao hóa khác phá hoặc hóa giải hay không.

21. Dạ thưa bác, cháu xin phép có câu hỏi. Trường hợp mà ứng kỳ của Tham Lang-khởi đầu, nó lại diễn ra sau ứng kỳ của Thiên Cơ-kết thúc, thì bác có thấy mâu thuẫn với lý duyên khởi duyên diệt hay không? Vì trên nguyên tắc duyên khởi thì phải trước duyên diệt?

Tử Vi không “sợ” vấn đề này vì lá số Tử Vi có tính tuần hoàn. Hết Thiên Cơ lần này thì nhắm đến Thiên Cơ lần sau.

Ngoài ra còn một lý khác: “Kết thúc” xảy ra trước “khởi đầu” thì vừa khởi đầu đã kết thúc rồi. Tức là diễn biến không thể kéo dài được. Như vừa được mướn vào vài tuần sau đã bị đuổi, hoặc quyết định nghỉ vì được việc khác.

22. Qua những gì đọc ở TVLS tôi hiểu là thuyết Lộc Kỵ như quan hệ nhân quả và tứ hoá như quan hệ quân bình âm dương. Giữa 2 thuyết này có mâu thuẩn không vì quan hệ nhân quả là quan hệ 1 chiều (Kỵ là quả của nhân Lộc) trong khi quan hệ quân bình âm dương là quan hệ qua lại lẩn nhau ? Anh VDTT có ý kiến gì hay tôi hiểu sai thuyết nhân quả Lộc Kỵ hay mấy ông Tàu dùng chữ nhân quả chế theo ý mấy ổng ?

“Nhân quả” và “quân bình âm dương” có thể cùng được thể hiện nếu quân bình âm dương đòi hỏi thời gian. Thiết nghĩ thí dụ rõ ràng nhất là luật nhân quả của nhà Phật; đây là là một loại luật quân bình âm dương đòi hỏi thời gian.

Nhưng xét lý thì không thể nói Kị hoàn toàn là quả của nhân Lộc, chỉ có thể nói Kị là “một phần quả” của nhân Lộc. Tại sao thế, vì phải lá số X thì nhân đó mới ra quả đó, lá số Y cũng nhân đó lại ra quả hơi khác hoặc khác nhiều.

Xin ghi chú thêm: Đa số những phát kiến về Tử Vi gần đây là của người Đài Loan. Nếu một người ngoại quốc hỏi người Đài Loan “ông có phải người Tàu không?” rất có thể họ sẽ mau mắn trả lời “phải!” Nhưng nhờ sống lâu ở Đài Loan tôi biết trong tâm đa số người Đài Loan chẳng coi mình là người Tàu và chẳng thích bị người ta gọi là người Tàu, mặc dù họ sẵn sàng đóng vở kịch “người Tàu” với người ngoại quốc.

(Chép lại các câu hỏi phi tinh với bác VDTT từ diễn đàn TVLS)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.