Hỏa Không tắc phát và Kim Không tắc minh
Nguyên tác: Tử Vi đẩu số Mệnh lý học (bản năm 2019)
Tác giả: Lệnh Đông Lai
Dịch và bình chú: Hà Phong
Nửa tháng trước, tôi và mọi người ở trên mạng cùng giới thiệu một số trước tác của Trung Châu phái. Có một người bạn đánh giá tổng thể xong, thì liền nhận xét: Các sách này viết về 14 Chính-tinh thì rất kĩ càng, nhưng khi nói đến Lục-cát tinh, Lục-sát tinh, Tứ-hóa thì lại sơ lược quá.
Ngoài ra, trên Wechat của những hội viên của Lệnh Đông Lai, thường có câu hỏi sau đến từ những người sơ học: Hỏa Tinh Địa Không đại biểu cho cái gì? Chuyện “Hỏa Không tắc phát” là có lý hay không?
Hoặc lại có câu hỏi như này: Hỏa Tinh và Địa Không ở Mệnh, thì có phải là năng lượng của Hỏa Tinh bị Địa Không hấp thụ hay không? Điều này là tốt hay xấu vậy?
Lại còn có người hỏi như sau: Tôi năm 2017 mua được 1 căn nhà, có phải do cung Điền Trạch lưu niên của tôi có Tả Phụ hay không không?
Những vấn đề trên, tổng hợp lại có thể dùng một câu để mà trả lời: Đó là không biết phân nặng nhẹ, chẳng biết phân chủ yếu và thứ yếu vậy.
Then chốt để luận giải Mệnh bàn, là quan sát sự phối hợp trong các cung vị của Chính-tinh, Phụ-tinh, Tạp-tinh, Tứ-hóa,… Trong đó sức ảnh hưởng của Chính-tinh là lớn nhất. Nếu như không xem xét Chính-tinh, mà chỉ nghĩ đến “Hỏa Tinh Địa Không đồng cung sẽ thế nào”, thì kết luận rút ra từ đó thường thường sẽ có sai lầm.
Nếu như một cung nào đó là Không-cung (cung Vô chính diệu), có Hỏa Tinh, Địa Không tọa thủ, lúc này không chịu sự can thiệp/”quấy nhiễu” của Chính-tinh, tam phương lại có cát tinh, cát hóa củng tấu, đương nhiên có thể lấy “Hỏa Không tắc phát” để mà luận, đại đa số biểu thị mệnh chủ là người thông minh có tài, giàu có phát đạt.
Cũng cùng một cái lý đó, cung Mệnh là Không-cung, có Kình Dương, Địa Không tọa thủ, lúc này không có Chính-tinh “quấy nhiễu”, tam phương lại có cát tính cát hóa đến củng tấu, cũng có thể lấy “Kim Không tắc minh” mà luận, đại đa số biểu thị mệnh chủ là người thông minh có tài, giàu có nổi tiếng.
Hỏa Tinh Địa Không, Kình Dương Địa Không, Hỏa Tinh Kình Dương, Linh Tinh Đà La đều thuộc về kết cấu “hỗ trợ, khống chế” lẫn nhau của sát tinh, có cái sức mạnh bạo phát, nhưng trước khi bạo phát sẽ phải “chịu gian khổ”.
Tuy nhiên nếu như Mệnh có: Thiên Phủ, Kình Dương, Địa Không đồng cung; hoặc Tử Vi, Hỏa Tinh, Địa Không đồng cung; thì không chủ cát lợi, bởi vì Tử Vi, Thiên Phủ có năng lực giải ách hóa sát, lúc này sức mạnh của sát tinh sẽ bị suy yếu, và có thể dẫn đến “lực bạo phát của sát tinh bị kém” (煞星的爆发力下降 ). Ngoài điều đó ra, khi dụng sức mạnh của Tử Vi, Thiên PHủ là hóa giải sát tinh, thì cũng làm giảm cấp độ/mức độ của mệnh cục, khiến cho quí khí chịu tổn thất.
Trong phần “60 tinh hệ” của cuốn sách này, Lệnh Đông Lai tôi đề cập đến: Mệnh Vũ Khúc Thất Sát tại cung Mão, sát khí so với tại cung Dậu (Vũ Sát tại Dậu) lại càng lớn; nhưng nếu như gặp cát tinh cát hóa, thành tựu so với tại cung Dậu lại càng lớn hơn. Đạo lý này cũng tương tự như phần trên, đều là: sát khí không nhất định là xấu, chỉ cần “lợi dụng thỏa đáng”, ngược lại có thể đưa tới vinh hoa phú quí vậy.
“Tử Vi đẩu số toàn thư” cũng có câu: “Thất Sát tại cung Quan Lộc đắc địa, hóa họa thành cát tường”. Lệnh Đông Lai lý giải như sau: Thất Sát vốn đầy đủ sát khí, lúc nhập vào cung Quan Lộc, có thể hiểu là “Trên con đường sự nghiệp có sát khí”, đây là điều tốt, kiểu người này thường thường trong công việc sẽ tích cực nỗ lực, rồi từ đó mà có giành được quyền thế, khiến người nể sợ. (Tình hình cụ thể thế nào, vẫn cần phải xem xét kĩ Tham Lang ở cung Mệnh, bởi vì đoán mệnh đầu tiên là phải xem cung Mệnh, nếu như Tham Lang ở cung Mệnh quá “lười nhác”, thì Thất Sát ở cung Quan Lộc sẽ không thể rất tích cực được).
Trong bộ phim “Bạch ngân đế quốc” ( Empire of Silver) nhân vật Khang lão gia (Trương Thiết Lâm thủ vai) đối với Khang gia tam thiếu gia (Quách Phú Thành thủ vai) nhiều lần nói: “Mặt ngươi mang sát khí, có thể là kẻ sẽ nắm được thế cục” (你面带杀气, 是可以掌局之人). Lời thoại này rất có đạo lý, nếu như một người quá mức ôn hòa, thiếu đi sát khí, thì rất khó trở thành thủ lãnh của một tập thể nào đó.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta lúc nào cũng có thể gặp được những tri thức có liên quan đến mệnh lý, chỉ là có rất nhiều người thiếu đi sự cảm ngộ đối với đời sống. Giống như trong “Hệ từ” có câu: “Mọi người ngày nào cũng gần với Đạo mà không tự biết, cho nên đạo của người quân tử mới hiếm đến vậy” (百姓日用而不自知, 故君子之道鲜矣). Trong bộ phim “Bạch ngân đế quốc” chúng ta nhất định có thể xem ra được sự biến động của Tứ Hóa trong năm Giáp “Liêm Phá Vũ Dương”, nếu như mọi người có thời gian, thì hãy tự mình phân tích một chút.
———————
Quay lại chủ đề chính, lúc luận về “Hỏa Không tắc phát” và “Kim Không tắc minh”, nhất định phải xem sát khí của sát tinh bị hay không bị “quấy nhiễu” (bởi Chính-tinh), sát khí không thể quá nặng, cũng không thể quá nhẹ, bởi vì “thái quá cũng giống như là bất cập vậy” (过犹不及). Nói tới đây, mọi người đều đã có thể tự mình nghiên cứu các vấn đề sau được rồi:
1. Hỏa Tinh và Địa Không đồng cung, lúc nào là “sát khí quá nặng”, lúc nào là “sát khí quá nhẹ”?
2. Lệnh Đông Lai chỉ nói tới Tử Vi, Thiên Phủ có sự can thiệp/”quấy nhiễu” tới Hỏa Tinh Địa Không, Kình Dương Địa Không, ngoài ra còn 12 Chính-tinh nữa sẽ tạo ra ảnh hưởng gì đến Hỏa Không, Kim Không đây?
Tóm lại mà nói, hi vọng mọi người sẽ nhớ: Ngàn vạn lần không được bỏ qua Chính-tinh khi luận đoán Phụ-tinh, Tạp-tinh. Dưới đây lại gửi tới mọi người một câu chuyện:
Có một cậu bé 7 tuổi, dùng đá rạch hỏng sơn của một chiếc siêu xe, số tiền bồi thường lên đến cả vạn tệ (1 vạn tệ thì ước chừng là 35 triệu tiền Việt). Lúc này, chúng ta cần xem mấy điều: Ai là người giám hộ cậu bé này? Cha mẹ cậu bé có sẵn lòng bồi thường không? Cha mẹ của cậu có khả năng về tài chính để mà bồi thường hay không?
Trong câu chuyện này: “Người giám hộ” chính là 14 Chính-tinh, là thứ có sức ảnh hưởng quyết định nhất. “Cậu bé 7 tuổi” chính là Phụ-tinh, Tạp-tinh; nếu cậu bé có muốn bồi thường thì tự mình cũng không thể có tiền; nếu cậu bé không muốn bồi thường, cũng không quan trọng – chỉ cần người giám hộ của cậu có thể bồi thường, là đủ rồi.
Lúc đầu tôi còn đề cập đến một câu hỏi: Lưu niên Điền Trạch có Tả Phụ, Văn Xương, Thiên Khôi, thì có thể mua được nhà hay không? Tất nhiên không thể nào luận đoán đơn giản như vậy, Tả Phụ, Văn Xương, Thiên Khôi đều là Phụ-tinh, sức ảnh hưởng không thể so sánh được với 14 Chính-tinh.
Muốn xem mua được nhà hay không, vẫn lấy Chính-tinh làm chủ, bởi vì Phụ-tinh là dùng để phối hợp với Chính-tinh vậy, không thể đánh giá quá mức sức mạnh của Phụ-tinh. Tuy rằng trong một số ít trường hợp ảnh hưởng của Phụ-tinh, Tạp-tinh là rất lớn, nhưng không phải tình huống thông thường. Mong người sơ học ghi nhớ kĩ: Chính-tinh mới là then chốt của việc đoán mệnh, “Hỏa Không tắc phát, Kim Không tắc minh” là cần có điều kiện cần thiết mới có thể hình thành, không thể lạm dụng (đoán bừa bãi)!