Đường Kỵ chuyển Kỵ trong Lương Phái
Đường Kỵ chuyển Kỵ cho biết sự kết nối các cung chức bằng mối quan hệ kiểu Kỵ. Thông thường mối quan hệ này thường được coi là xấu. Số lượng Kỵ xuyến liên (kết nối) các cung thể hiện mức độ xấu và bất ổn của mối quan hệ này. Trước hết chúng ta cần nắm vững nguyên tắc Kỵ chuyển Kỵ và nguyên tắc dừng Kỵ chuyển Kỵ. Kỵ chuyển Kỵ xảy ra khi năng lượng Kỵ tràn đầy. Năng lượng Kỵ đó của năm sinh, của mệnh cung, và của số đông (trường hợp Truy Kỵ).
Truy Kỵ là trường hợp có cung phi Hóa Kỵ đuổi theo và gặp nhóm cung ta đang xét. Ví dụ ta đang xét nhóm cung A B C trong đó cung A hóa Kỵ nhập cung B và cung B chuyển Kỵ nhập cung C, thì có một cung D nào đó hóa Kỵ nhập cung C. Khi đó là cung D Truy Kỵ tới cung C, và cung C có thể tiếp tục chuyển Kỵ sang một cung khác. Truy Kỵ chỉ cần đồng cung là cung C (cung vừa nhận chuyển Kỵ từ cung B). Nhưng Truy Lộc Truy Quyền từ cung D tới cung C cần cùng tinh diệu với tinh diệu vừa nhận chuyển Kỵ tại cung C thì mới có thể tiếp tục chuyển Kỵ.
Nguyên tắc Kỵ chuyển Kỵ như sau:
- Hóa Kỵ năm sinh đương nhiên chuyển Kỵ
- Hóa Kỵ cung mệnh đương nhiên chuyển Kỵ
- Truy Kỵ (không cần cùng tinh diệu) đương nhiên chuyển Kỵ
Hóa Kỵ năm sinh là quyền của thái tuế đương nhiên tiếp tục chuyển Kỵ. Ví dụ Hóa Kỵ năm sinh tọa cung A can Bính, như vậy Hóa Kỵ năm sinh tiếp tục chuyển Kỵ đến cung có sao Liêm Trinh (Bính hóa Kỵ tại Liêm Trinh). Tương tự như vậy mệnh Kỵ (hóa Kỵ xuất từ cung an mệnh) là quyền của Chủ quyền của Cực (tức cung Mệnh là lập cực của toàn lá số, cung Mệnh là lí do 11 cung chức còn lại tồn tại), cho nên mệnh Kỵ đương nhiên chuyển Kỵ. Truy Kỵ là trường hợp hai cung cùng hóa Kỵ vào một cung, cung đó nhận năng lượng Hóa Kỵ từ hai cung nên tràn đầy và sẽ tiếp tục chuyển Kỵ tới cung khác. Giống như hai cốc nước cùng đổ vào một cốc khác có cùng dung tích thì đương nhiên sẽ tràn nước ra ngoài.
Nguyên tắc dừng Kỵ chuyển Kỵ như sau:
- Cung vừa được chuyển Kỵ lại tự hóa Kỵ xuất
- Chuyển Kỵ tạo thành vòng lặp luẩn quẩn
- Không có cung Truy Kỵ
Chuyển Kỵ dừng lại khi không thể tiếp tục chuyển nữa. Cung tự Hóa Kỵ xuất là cung đó tự phi Kỵ vào chính nó đương nhiên đứng im tại chỗ. Chuyển Kỵ tạo thành vòng lặp luẩn quẩn ví dụ cung A chuyển Kỵ sang B, cung B lại chuyển Kỵ về A, có chuyển nữa cũng trong vòng lặp đó mãi mãi không ra khỏi. Không có cung Truy Kỵ là trường hợp dừng chuyển Kỵ khi hết năng lượng. Tại cung vừa được chuyển Kỵ tới không có năng lượng để đi tiếp thì đương nhiên dừng chuyển Kỵ.
(Phi tinh Lương Phái – Alex Alpha)