Thuật trạch cát không tách rời với thiên văn lịch pháp, mà dựa hẳn vào thiên văn lịch pháp. Lịch pháp dùng can chi để ghi năm, phương pháp này được gọi là can chi kí pháp. Can chi là hệ tuần hoàn có chu kì và sau này được dùng như các mã hiệu.
Dùng can chi để ghi năm, tháng, ngày, giờ khởi đầu ở các niên đại lại không thống nhất với nhau. Việc ghi tháng ghi ngày có từ rất sớm bắt đầu từ đời Hạ đời Thương. Còn việc dùng can chi để ghi năm bắt đầu từ đời Đông Hán năm thứ 30 vua Kiến Vũ (tức là năm 54 công nguyên). Việc dùng can chi để ghi giờ thì muộn hơn, phải đến đời Đường, Toán Mệnh tiên sinh mới dùng 10 can kết hợp với 12 chi để ghi giờ. Điều này hoàn toàn khớp với thời gian của hoàng lịch.
Thuật trạch cát theo lịch Thiên văn trước hết sử dụng lịch can chi làm cơ sở kết hợp với một các hệ thống lý thuyết đồ sộ khác để lựa chọn ra ngày tốt trong năm. Hệ thống lý thuyết cơ sở của nó bao gồm
1 – Lịch âm dương
2 – Hệ thống can chi
3 – Học thuyết âm dương, ngũ hành, kết hợp can chi và ngũ hành, ngũ hành và bốn mùa, phương vị, sự vượng tướng hưu tù của ngũ hành kí sinh ở 12 cung, chính ngũ hành…
4 – Hà đồ, Lạc Thư, Tiên thiên bát quái và Hậu thiên bát quái
5 – Mười hai trực tức là Kiến, Trừ, Mãn, Bình, Định, Chấp, Phá, Nguy, Thành, Thu, Khai, Bế.
6 – Hai mươi tám tinh tú (nhị thập bát tú)
7 – Hoàng đạo, hắc đạo
8 – Hệ thống thần sát theo năm tháng ngày giờ
Do đó có thể thấy: để hiểu và nắm vững thuật trạch cát thì không dễ tí nào.
Các thần sát của thuật trạch cát đến từ các hệ thống khác nhau cho nên không phải chỉ số lượng của chúng nhiều mà còn sự cát hung, thiện ác của mỗi thần sát cũng không giống nhau. Đến nay, đối với tuyệt đại đa số thần sát ta rất khó tìm được nguồn gốc của chúng. Chỉ có thể đựa vào chu kì vận động của chúng không giống nhau mà phân định làm 4 loại hệ thống thần sát lớn là năm, tháng ngày, giờ.
Loại thần sát năm quyết định trong một năm 4 phương 8 hướng cát hung, nghi kị, lấy Thái tuế cầm đầu, phân ra làm thiện ác hai phe lớn. Loại ác sát chủ yếu có: Tuế phá, Đại tướng quân, Hoàng phan, Cầu vĩ, Tuế sát, Tuế hình, Kim thần, Lực sĩ, Tàm quan, Tàm thất, Tàm mệnh, Tang môn, Điếu khách, Từ phù, Bệnh phù, Kiếp sát, Tai sát, Phi liêm, Bạch hổ, Đại hao, Phục binh, Đại hoạ… Loại cát thần chủ yếu có: Tuế đức, Tuế đức hợp, Tuế can hợp, Tuế chi đức, Bác sĩ, Tấu thư… Thái tuế bản thân không cát-hung, chồng cát tinh lên thì cát, chồng hung tinh lên thì hung. Vì Thái tuế là đầu của các thần sát, lực lớn, thế mạnh vì vậy hung tinh chồng lên Thái tuế thì họa lớn mà không thể giải cứu được, cát tinh chồng lên Thái tuế thì phúc thịnh mà được lâu dài. Cho nên “Thông thư” có nói: “Nếu cần phát quí thì tu chỉnh Thái tuế”.
Loại Thần sát tháng quyết định trong một tháng sự cát hung, nghi kị của các phương, lấy Nguyệt kiến làm đầu, cũng phân làm thiện ác hai phe lớn. Thiện thần lấy Thiên đức đứng đầu, dưới nó có Nguyệt đức, Thiên đức hợp, Nguyệt đức hợp, Thiên xá, Thiên nguyện, Nguyệt ân, Nguyệt không, Yếu an, Ngọc vũ, Kim đường, Kính an, Phổ hộ, Phúc sinh, Thánh tâm, Ích hậu, Tục thế, Âm đức, Dương đức, Thiên mã, Ngũ phú, Dịch mã… Ác thần thì có Nguyệt phá, Nguyệt sát, Nguyệt hình, Nguyệt hại, Nguyệt yếm, Đại thời, Thổ phù, Đại sát, Du hoạ, Thiên lại, Cửu không, Địa nang, Cửu khảm, Cửu tiên, Thiên quan phù, Địa quan phù, Phi đại sát, Nguyệt du hoả, Âm phù Thái tuế, Nguyệt khắc sơn gia… Nguyệt kiến với Thái tuế cùng một dạng, không tuyệt đối cát hung, chồng cát thần lên thì cát, chồng hung thân lên thì hung,
Loại thần sát ngày quyết định cát hung, nghi kị trong một ngày, cũng phân làm thiện ác hai loại lớn. Thiện thần có: Thiên ân, Ngũ hợp, Tam hợp, Bảo nhật, Nghĩa nhật, Ô phệ nhật, Ô phệ đối nhật, Vương nhật, Tương nhật, Thủ nhật, Dân nhật, Thiên vu, Thiên y, Phúc đức, Tứ tương, Dương đức, Thời dương, Sinh khí, Lục nghi, Thời âm, Lâm nhật, Bất tương, Phúc sinh, Mẫu thương, Thiên hỉ, Cát kì… Ác thần có: Tứ kị, Tứ cùng, Tứ phế, Tứ tuyệt, Chí tử, Bát phong, Xúc thủy long, Tứ kích, Hà khôi, Ngũ hư, Ngũ li, Yếm đối, Chiêu dao, Huyết kị, Qui kị, Huyết chi, Thiên cương, Tử thần, Cô thần, Vãng vong, Đại bại, Hàm trì, Hành ngận; Liễu lệ, Phản chi….
Loại thần sát giờ chí làm chủ cát hung nghi kị của một giờ nào đó trong ngày. Chủ yếu có: Nhật lộc, Nhật mã, Nhật phá, Nhật hại, Nhật hình, Thiên ất quí nhân, Ngũ bất ngộ, Triệt lộ không vong, Nhật kiến, Nhật hợp, Thanh long, Minh đường, Thiên hình, Chu tước, Kim quĩ, Bảo quang, Bạch hổ, Ngọc đường, Thiên lao, Huyền vũ, Tư mệnh, Câu trần, Tứ đại cát thời, Quí đăng thiên môn thời…
Các thần sát lực lượng lớn nhỏ và mạnh yếu không giống nhau, mà chỗ thiện ác, cát hung của chúng, nói chung, mỗi thần sát có chỗ làm chủ riêng chứ không bao trùm tất cả. Chẳng hạn: Bát phong, Xúc Thủy long rất kị việc đi thuyền bè vượt sông nước; ngày Phạt, ngày Chuyên thì không nên xuất quân đi chinh phạt; ngày Phản chi thì không nên tâu sớ; ngày Tứ li, Tứ tuyệt thì không nên xuất quân đi xa; ngày Thượng sóc không nên cưới vợ gả chồng, liên quan; ngày Qui kị không nên từ xa trở về, ngày Huyết kị không nên châm cứu,… Mỗi thần sát đều nắm quyền điều khiển từng chỗ nhất định tuỳ theo tính chất của nó, Vượt ra khỏi phạm vi chức trách của chúng thì làm gì chúng cũng không quản. Bởi thế không chỉ cần nắm chắc qui luật vận hành dừng, khởi của các thần sát mà còn cần phải hiểu rõ chỗ nghi, chỗ kị của chúng để quyết định nên theo hay bỏ, nên làm hay không.
Đã nắm được qui luật vận hành của các thần sát, cùng chỗ nghi, chỗ kị của chúng thì việc lựa chọn phương cát, ngày cát thực không có gì huyền bí cả. Nguyên tắc cơ bản của nó chính là 8 chữ: “lấy việc làm cương, lấy thần làm mục” hoặc “Lấy việc làm kinh, lấy thần làm vĩ”. Ý tứ của 2 câu đó đều là: khi lựa chọn ngày cát cho một việc ta phải căn cứ vào tính chất của sự việc đó mà tìm khả năng tối đa của các hỉ thần đem lại đại cát, đại lợi, đồng thời làm rõ khả năng mà các hung thần, ác sát đem lại trở ngại, tai hoạ lớn nhất. Sau đó tính toán xem cát thần trực ở ngày nào, đóng ở phương vị nào, đó là chỗ cần thiết của “Hoàng đạo cát nhật” và cát sơn, cát phương, đồng thời phải suy tính xem hung thần, ác sát trực ở ngày nào, đóng ở phương nào, đó là chỗ cần tránh, kiêng kị của “Hắc đạo hung nhật và hung phương”.
Bởi thế bước đầu tiên của trạch cát đâu phải chỉ là chọn lọc một số thần cát của thuật trạch cát, tìm quĩ đạo, tính chất thiện ác của chúng, đo lường lực lượng lớn nhỏ, mạnh yếu của chúng, mà phải căn cứ vào sự việc cần giải quyết để tìm những cát thần thích hợp nhất với sự việc đó, cùng với các ác sát cần kiêng kị hơn cả, từ đó mà theo cát tránh hung. Theo nguyên tắc nói trên, mỗi trường hợp cần giải quyết đều có sự nhất trí nếu tìm được các cát thần thích hợp nhất và biết được các hung sát cần phải tránh hơn cả. Xem xét sự việc cho chính xác, hiểu chỗ nghi chỗ kị của thần sát cho tường tận rồi sau đó dựa vào chỗ thần sát khởi, dừng mà chọn thì có thể tìm được ngày cát, phương cát cho việc cần làm.