La thành hay còn gọi là viên cục, tức long mạch khi từ núi cao hạ dần xuống bình dương (đất bằng), những chi nhánh còn lại sẽ vòng quanh bao bọc như thành quách, bọc lấy chân long, không cho khí sinh vượng thoát ra ngoài.
Gọi là la thành, ý nói được bao bọc kín kẽ tựa như la võng. Gọi là viên cục, vì quan sát cục thế, tựa như ba chòm sao (tam viên) Thái Vi, Tử Vi, Thiên Thị chầu về Đế Toạ. Trong “Hám long kinh” có viết: “(Long mạch) từ đỉnh núi cao dốc xuống bình dương, sẽ bác hoán thành nhiều đoạn… Long này thường từ lưng chừng núi hạ xuống, có các chân nhánh chạy vòng làm thành quách… La thành thế tựa như tường thành, long ở trong thành tụ chân khí, la tinh nếu ở bên trong thành, thì được gọi là núi thuỷ khẩu”. Đoạn này có nghĩa là khi long mạch đi xuống đồng bằng (bình dương), tông tích không hiển hiện, chỉ cần tìm nơi bốn bề núi sông bao bọc yểm hộ như thành quách, chính là nơi long khí ngưng tụ. Có câu “phàm đến đất bằng không tông tích, xem nơi bao bọc ấy chân long”, bao bọc tức chỉ la thành.
Chuyên gia phong thuỷ nhận định rằng, tại nơi kết huyệt, nếu có la thành để chặn lấy khí của long mạch, sẽ kết huyệt đại quý. Bốc Tắc Nguy trong “Tuyết tâm phú” viết rằng: “Lâu đài cổ giác bày la thành”, chú rằng: “núi trập trùng cao mà tròn, gọi là núi lâu đài. Núi trập trùng nhọn mà đẹp, gọi là núi cổ giác. Bày thành la thành, sẽ kết huyệt lớn.
Có một điều cần phải chú ý rằng, viên cục cần rộng rãi, có nhiều môi giao hội là tốt. Không nên quá chật hẹp, vì có quý khí cũng không hậu, có cách cũng không được lâu dài. Ngoài ra, các núi sông bao bọc cần phải bao quanh và triều bái về minh đường, không được phản nghịch, khuyết hở, nếu không sinh khí sẽ tản mát, lại thành đất trống trải bần tiện.
(st)