Đại minh đường, hay còn gọi là ngoại minh đường, hoặc đại minh đường ngoại dương, chỉ khu vực phía trước huyệt mộ, bên ngoài án sơn, nơi chúng thuỷ quần tụ về.
Mâu Hy Ung trong “Táng kinh dực” có viết rằng: “Thứ ba là ở khu vực ngoại dương có các dòng nước nhánh từ Thiếu Tổ tụ tập về phía bên ngoài Thanh Long Bạch Hổ, hoặc các dòng nước nhánh từ thiếu tổ chảy về ngoại đường, hoặc nếu không có hai thứ đó thì có dòng nước lớn chảy từ phía ngoài đến ngang qua phía trước trung minh đường, phía sau có vài dòng nước nhánh cùng chảy vào dòng nước lớn, hoặc có suối, khe phía xa chảy đến ôm vòng dòng nước lớn, đều được gọi là đại minh đường ngoại dương”.
Đại minh đường nằm ở nơi các dòng nước giao hội, nên tụ hội là tốt. Các dòng nước tụ hội, thì khí sinh vượng sẽ đều tụ hội về đó, gọi là linh chung tú tụ, là đất đại cát. Thuỷ khẩu cũng cần phải có bờ chắn, được bao bọc kín kẽ, nếu không tuy có khí đến cũng không tụ, khí đi thẳng mà không được thâu tóm, tựa như khói mây qua mắt, kết huyệt không thực. Liêu Vũ trong “Tiết thiên cơ – Minh đường nhập thức ca” có viết: “Thuỷ khẩu tại đại minh đường cần phải có bờ chắn, chân khí tụ tập ở trong”.
Từ Thiện Kế trong “Xem địa lý cần biết – Thuỷ pháp” có viết: “Ngoại minh đường hai bên phải rộng rãi, bốn phía có núi bao bọc, không có chỗ trống, lại thấy có dòng nước bên ngoài uốn khúc, từ xa chầu lại, đó là ngoại minh đường tốt đẹp”. Đại minh đường rộng rãi là tốt, minh đường rộng rãi, thì khí tượng lớn lao, tụ khí sâu dày. Như vậy là tượng quyền cao chức trọng, địa vị tôn quý, cháu con ắt sẽ có người xuất chúng, khí độ siêu phàm, có phong khí vương giả. Nếu như ngoại minh đường hẹp hòi, hình thế bức bách như ngồi giếng nhìn trời, là khí độ hẹp hòi, con cháu sẽ ngu độn thô bỉ, tham lam xấu xa, không có tượng hiển quý. Nhưng nếu rộng rãi cũng không được trống trải không che chắn, nếu không khí sinh vượng sẽ thất tán, đất tuy tốt cũng không có chân huyệt.
(st)