Khái niệm Minh Đường vốn dùng để chỉ nơi thiên tử thiết triều, trăm quan chầu bái, cử hành tế tự, điển lễ, tuyển lựa người hiền. Khái niệm Minh Đường trong phong thuỷ chỉ khu vực phía trước huyệt mộ, nơi núi gò bao bọc, sông nước chầu về, sinh khí tụ hội. Mậu Hy Ung trong “Táng kinh dực” có viết: “Minh đường, là nơi thuỷ tụ trước huyệt”.
Minh đường có thể phân chia làm tiểu minh đường, trung minh đường và đại minh đường, cũng có thể chia làm nội minh đường và ngoại minh đường. Phàm những đất đại phú quý, sẽ có đầy đủ cả nội minh đường và ngoại minh đường. Minh đường cần nhất là phải tàng phong tụ khí, các dòng nước phải chầu về, cho dù không có thế triều tụ, thì thuỷ khẩu cũng phải được chặn toả trùng trùng. Liêu Vũ trong “Tiết thiên cơ – Minh đường nhập thức ca” có viết rằng: “Minh đường tốt nhất phải tụ khí. Khí tán thì không tốt”. Lưu Cơ trong “Kham dư mạn hứng” cũng viết: “Minh đường thực ấp cần rộng rãi; Chúng thuỷ chầu về ắt giàu sang; Lại ưa uốn lượn và ngay ngắn; Còn mong toả kết với phẳng bằng.”
Minh đường rộng hay hẹp có liên quan đến thế của long mạch. Thế của long xa mà lớn, thì minh đường nên rộng lớn; Thế của long gần thì minh đường nên nhỏ, như vậy mới hợp với hình thế. Ở trong khe núi, Minh Đường rộng là tốt, nếu hẹp, thì chân khí khó mà khởi phát. Rộng nhưng không nên trống trải thiếu che chắn. Nếu như ít được che chắn bao bọc, tuy có cũng như không. Tại đồng bằng, minh đường hẹp là tốt, nếu rộng sinh khí dễ tản mát. Hẹp nhưng cũng không nên quá chật chội bức bách, quá chật chội khác nào ếch ngồi đáy giếng, con cháu khó được mở mày mở mặt.
Minh đường nên bằng phẳng vuông vắn, kỵ dài hẹp nghiêng dốc, cũng kỵ có gò đống đá tảng, nhiều cây gai. Dương Quân Tùng trong “Hám long kinh” có viết rằng: “Minh đường chắc chắn không được nghiêng dốc, cần có án sơn nằm ngang tầng tầng lớp lớp như vái lạy, như nhảy múa…. Trước hết cần rộng lớn bằng phăng mới là sang, nếu dốc nghiêng hoặc xiên chéo như đâm vào mình, có thế chảy xiết chạy đi là không cát lợi”. Lưu Cơ trong “Kham dư mạn hứng” có viết: “Minh đường tối kỵ là hình thế dài hẹp… Có dòng nước đi như rèm cuộn là tiền tài tự tiêu tán, có thế đáy giếng nhìn trời thì cháu con khó phấn phát”.
(st)