Hoa Hâm chạy loạn, cùng đi với một bọn sáu bảy người. Giữa đường gặp một người lại cũng chạy loạn, đến kêu nài, xin nhập bọn. Chúng lấy làm ái ngại, thuận cho. Một mình Hoa Hâm nói: “Không nên. Ðang bước nguy hiểm; sinh, tử, họa, phúc có nhau, ta đi bấy nhiêu người cũng như một người vậy. Bây giờ, vô cớ nhận một người lạ, lỡ khi xảy ra việc gì, thì có bỏ được người ta không?”
Chúng bất nhẫn, cố nói với Hoa Hâm cho người kia cùng đi. Hoa Hâm bằng lòng. Người kia đi được một quãng đường, chẳng may sa chân ngã xuống giếng. Cả bọn muốn bỏ mặc, để đi cho rảnh thân. Một mình Hoa Hâm nói: “Không nên. Người ta cùng đi với mình là người bọn mình. Người ta gặp sự chẳng may như vậy, mà mình bỏ người ta sao cho đành.”
Nói rồi, bảo bấy nhiêu người cùng ở lại vớt người kia lên. Sau cứu mãi không được, Hoa Hâm lại bảo phải ở lại mai táng chu tất rồi mới đi.
GIẢI NGHĨA
Hoa Hâm: Người cuối đời nhà Ðông Hán, học giỏi, làm quan đến chức Thượng thư lệnh.
Chúng: Nhiều, đây chỉ bọn người cùng đi với Hoa Hâm.
Bất nhẫn: Không nỡ, không đành để như thế.
LỜI BÀN
Vô cớ cho một người lạ nhập bọn, nghĩa cũng không nên, một là e xẩy ra sự gì hại đến thân mình, hai là sợ không được thủy chung với người ta – Ðã nhận người ta đi với mình một bọn, giữa đường người ta gặp sự chẳng may mà bỏ mặc người ta, nghĩa lại càng không nên lắm, vì như thế là bạc ác bất nhân, chỉ biết nhau trong lúc vô sự, đến khi nguy hiểm rồi lại bỏ nhau. Biết được cái đạo không nên nhận và cái đạo đã nhận như Hoa Hâm đây mới thực là người hiểu rõ chữ “Nghĩa” tức là hiểu việc nên làm thế nào mới là phải vậy.
(Theo Cổ Học Tinh Hoa)