Mạch núi có mạch chủ và chi mạch. Long mạch cũng được chia ra thành cán long (long mạch chính) và “chi long” (long mạch nhánh). Long mạch chính thường là mạch núi chính ở một khu vực nào đó.
Khoa học cổ đại của Trung Quốc cho rằng, dòng chảy của sông Hoàng Hà và sông Trường Giang đã chia lãnh thổ Trung Quốc ra thành 3 khu vực riêng biệt, mỗi khu vực ấy đều có một “long mạch chính”. “Long mạch chính” nằm kẹp giữa sông Hoàng Hà và sông Trường Giang được gọi là “trung long”, “long mạch chính” nằm ở phía bắc của sông Hoàng Hà được gọi là “bắc long”; “long mạch chính” nằm ở phía nam sông Trường Giang được gọi là “nam long”. Cả ba long mạch chính này đều bắt nguồn từ dãy núi Côn Lôn hùng vĩ. Tính từ điểm khởi đầu ở dãy núi Côn Lôn cho đến điểm kết thúc là đổ vào các biển, các “long mạch chính” này đều nương theo các “tổ sơn” và “thiếu tổ sơn” hoặc xa, hoặc gần, hoặc lớn, hoặc nhỏ.
Các nhà Phong thủy học cho rằng, sinh khí của đất mẹ được truyền lần lượt từ “tổ sơn” tới các “thiếu tổ sơn”. Những vùng càng gần nơi long mạch chính xuất phát thì sinh khí lại càng lâu đời, những vùng càng gần nơi long mạch chính đổ ra biển thì sinh khí lại càng tươi mới hơn. Vì vậy, muốn tìm được nơi đất tốt thì cần tìm tại các “thiếu tổ sơn”. Một điều đương nhiên là tại những nơi đất bằng cũng có long mạch. Tiêu chí để tìm long mạch tại những nơi đất bằng tuy không rõ ràng như tại vùng núi cao nhưng nhìn chung vẫn có thể tìm được. Đây cũng chính là đặc điểm để phân biệt giữa địa hình vùng núi và đường nước: “Cao hơn một thốn là núi, thấp hơn một thốn là nước”.
Chi long chính là chi mạch của long mạch chính và cũng chính là những long mạch nhỏ do long mạch lớn phân chia ra mà thành. Tác giả Từ Thiện Kế đã viết trong “Địa lý nhân tử tu tri – Long pháp” rằng: “Chi long chính là những long mạch nhỏ do long mạch lớn phân chia ra. Sự phát triển của long mạch cũng tương tự như sự phát triển của một cái cây vậy: Thân cây chính là long mạch lớn, từ đó đâm ra rất nhiều cành lá nhỏ khác”. Nhìn từ những đường nước lớn thì điểm khác biệt giữa long mạch nhánh (chi long) với long mạch chính (cán long) là: Long mạch chính thường có những dòng nước lớn đi kèm, long mạch nhánh chỉ có những khe suối hoặc rãnh nước nhỏ đi kèm mà thôi.
Các nhà Phong thủy học cho rằng, long huyệt lấy long mạch chính kết huyệt là tốt nhất. Vi vậy, khi tìm hướng của long mạch, thường lấy long mạch chính làm chủ. Trên các long mạch nhánh, tuy huyệt cũng có hình nhưng vì mọi tinh túy đã tập trung tại long mạch chính, hơn nữa, vì có rất nhiều long mạch nhánh khác nhau nên đa phần huyệt sẽ không phải là chính huyệt. Nếu tìm được chân long lớn và mạnh mẽ thì gia đình sẽ được nhiều phúc lộc phú quý. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu kết huyệt tại long mạch nhánh thì nhất thiết phải tìm được triều ứng với nhiềụ yếu tố ôm vòng, bảo vệ xung quanh.
Trong tác phẩm “Nghi Long Kinh”, tác giả Dương Quân Tùng đã viết: “Trên thân của chi long cũng có thể có huyệt nhưng nửa phần là giả, nửa phần là thật. Nếu là giả thì sẽ không có triều ứng. Nếu là huyệt thật thì cũng sẽ có các yếu tố bảo vệ xung quanh”. Nếu có thể tìm được long mạch chính trong chi long và lập huyệt trên long mạch chính thì đó chính là mảnh đất đại phú quý. Trên long mạch dài hàng ngàn dặm có rất nhiều huyệt mạch, các huyệt mạch này thường liên quan chặt chẽ với nhau, sinh khí cũng có sự tương thông với nhau. Vì vậy, lập được huyệt trên long mạch chính cũng đồng nghĩa với việc thu nhận được toàn bộ chân khí. Sách “Nghi long kinh” cũng có đoạn viết: “Lập được huyệt trên long mạch chính thì sẽ sinh vương hầu, nếu lấy chi long làm long mạch chính thì cũng sẽ chỉ là phên giậu mà thôi”. Ngược lại, nếu đã lập huyệt ở long mạch chính thì khí của chi long thường sẽ không mạnh mẽ. Cành nhánh không thể mạnh hơn được thân cây chủ, chi long không thể thắng được long mạch chính nên hoàn toàn không nên lập huyệt tại những chi long này.