Long mạch là từ chỉ dạng địa mạch uốn lượn vòng vèo, khi ẩn khi hiện như hình dạng của một con rồng. Địa mạch lấy tiêu chí là hướng của sông núi trong vùng còn long mạch mà Phong thủy thường hay nói tới lại là khí mạch dựa theo hướng của núi sông. Sách “Âm dương nhị trạch toàn thư – Long thuyết” có đoạn viết: “Địa mạch quanh co, lên xuống, ẩn hiện thì được gọi là long”.
Sách “Hám long kinh” cũng có đoạn viết: “Đa số hành long đều tự di chuyển và rất chân thực, những tinh đỉnh (đỉnh núi) nhấp nhô chính là thân long. Từ hai chữ Long thần đi tìm long mạch, thần là tinh thần, long là bản chất”. Long hành phiêu diêu tức là thần long chỉ nhìn thấy phần đầu mà không nhìn thấy phần đuôi. Mạch núi thường nhấp nhô lên xuống và cũng có lúc tiềm tàng. Quách Phác trong “Táng thư” có đoạn viếít: “Long mạch khi vòng vèo hướng Đông Tây, khi lại chạy sang hướng Nam Bắc” cũng chính là ý này.
Muốn biện giải về long mạch, trước hết cần nhận định rõ về chi long và cán long. Nếu tìm được cán long rồi mới điểm huyệt ở trên chi thì sẽ không tốt lành. Sách “Kham dư mạn hưng” có đoạn viết: “Việc tìm long mạch và chi cán của long mạch phải rõ ràng, rành mạch. Đồng thời, giữa chi và cán của long mạch, không được coi trọng hoặc coi nhẹ bất cứ yếu tố nào” cũng chính là ý này.
Sau khi đã xác định được chi cán, việc tiếp theo là phải phân biệt giữa chân long và các núi khác có tác dụng hộ vệ, làm hộ vệ cho long mạch. Tất cả chân long đều có rất nhiều núi hộ vệ như vậy và chân long nào càng có nhiều núi hộ vệ thì càng nhiều phúc lộc, phú quý, có nhiều quý nhân bảo trợ. Tuy nhiên, nếu hạ huyệt ở núi hộ vệ thì không có được khí của chân long. Đây là điều không tốt và tuyệt đối không nên thực hiện. Việc cần làm sau khi xác định được chân long là quan sát thủy khẩu, triều án, minh đường, long hổ để xác định vị trí chính xác có thể kết huyệt.
Thế của long mạch thường lấy sự mạnh mẽ, uốn lượn mà có khí thế làm quý. Những long mạch mạnh mẽ, nhấp nhô, uốn khúc thành nhiều đoạn, khi thì đi sang phía Đông khi lại vòng về về phía Tây, đường đi như cá bơi rồng uốn được gọi là sinh long. Táng tại những nơi có long mạch như vậy thì sẽ rất tốt đẹp, cát tường. Nếu long mạch thô và xấu, hoàn toàn chìm lấp, hình dạng như cây khô như cá chết thì gọi là tử long (long mạch chết). Táng tại những nơi tử long thì như vậy thì sẽ gặp nhiều tai họa.
Các nhà phong thủy học có rất nhiều từ khác nhau để gọi và miêu tả long mạch: cường long; nhược long; phì long ; sấu long; thuận long; nghịch long; tiến long; thoái long; bệnh long; kiếp long; sát long; chân long; giả long; quý long; tiện long. Nhìn chung, long mạch chỉ được đánh giá là tốt khi có nhiều núi hộ vệ để làm chỗ giựa men theo, các núi hộ vệ này cũng phải đảm bảo là hữu tình và có hình thế đẹp, không nghiêng lệch, không thô kệch xấu xí. Nếu chủ và khách không phân định rõ, can long và chi long đều mơ hồ khó xác định, hoặc núi hộ vệ quá cheo leo hiểm trở, có hình thù kỳ quái thì đều cho là hình dạng xấu, khi táng sẽ gặp nhiều kiếp nạn khó lường.