Giang Tây phái: Thuật Phong thủy có hai trường phái lớn. Phái Giang Tây do Dương Quân Tùng đời đường khởi xướng. Họ Dương về cuối đời sống ở Giang Tây, môn đệ của ông phần lớn là người Giang Tây, nên có tên như vậy. Thuyết này lấy hình thế làm chính, tìm nơi khởi đầu và kết thúc của sơn mạch, thủy lưu; lặn lội phát hiện hình mạo hướng bối của long hổ triều ứng, để định huyệt vị tọa hướng, chú trọng quan sát hình dạng sơn loan thủy đạo, nhấn mạnh sự phối hợp long, huyệt, sa, thủy. Còn gọi là phái Loan đầu. Thuyết này về sau hình thành nên lý luận Hình pháp. Phái Giang Tây với Dương Quân Tùng là tổ sư, lần lượt truyền cho Tăng Văn Thuyên, Lại Văn Tuấn, Ngô Cảnh Loan, Mục Vũ. Trước tác của phái này hiện còn rất nhiều, tiêu biểu là Hám long kinh, Nghi long kinh, Thập nhị trượng pháp của Dương Quân Tùng, Táng thư người đời Tống mượn danh Quách Phác, Thôi quan thiên của Lại Văn Tuấn. Lý luận của phái Giang Tây chú trọng quan sát giới tự nhiên, tiến hành tồng kết qui nạp rất nhiều hình thế sông núi, kết tinh nhiều kinh nghiệm hợp lí. Thuyết này lấy âm trạch làm chủ, dương trạch thường mượn dùng các thuyết của âm trạch, song vẫn chú trọng đến hình dáng của nhà ở và sự phối hợp về hình thức trong không gian. Phái Giang Tây từ đời Đường Tống trở đi, lưu truyền khá rộng, đời Minh, Thanh có sút giảm, nhưng vẫn được xã hội tiếp thu rộng rãi, có ảnh hưởng rất sâu rộng.
Phúc Kiến phái: là một trong 2 trường phái lớn của thuật Phong thủy. Thuyết này khởi đầu sớm nhất ở Mân Trung (Phúc Kiến), nên có tên gọi như vậy. Đến Vương Cấp thời Nam Tống thì rất thịnh hành Trường phái này chủ yếu căn cứ vào cái lý của âm dương ngũ hành, bát quái, cửu tinh, Hà Lạc mà tính toán. Nhấn mạnh âm sơn âm hướng, dương sơn dương hướng, để xác định quan hệ sinh khắc, phán đoán cát hung. Do phái này chú trọng tìm hiểu nguyên lý trạch pháp, dương trạch chia ra 24 lộ, phân biệt âm dương, xác định hưu cữu (cát hung); âm trạch cũng thường luận về cát hung của tọa hướng, chủ yếu sử dụng cách phán đoán trừu tượng là chính, chứ không quan tâm nhiều đến hình dáng cụ thể của nhà, đất, sông núi. Phái Phúc Kiến ít nhân tài, trước tác cũng không nhiều, có chăng thường là mượn tên của người đời trước, khó biết đích xác là của ai. Từ đời Minh Thanh trở đi, phái này suy dần, chỉ lưu truyền rộng rãi ở vùng Chiết Trung, ảnh hưởng kém hơn hẳn phái Giang Tây.
(St)