Hệ từ truyện là quyển thứ 4 trong toàn bộ Dịch truyện, bao gồm có hai quyển: quyển thượng và quyển hạ. Trong quá trình phân tích và luận giải ý nghĩa của các hào từ, quái từ và vị trí của quái tượng, hào tượng, sách đề xuất một số thuyết: thuyết chọn tượng, thuyết chọn nghĩa và thuyết hào vị. Hệ từ trình bày nhiều triết lý sâu sắc và đưa ra nhiều mệnh đề quan trọng của Kinh dịch như: “Một âm một dương gọi là đạo”, “Sinh sinh hóa hóa hoài gọi là dịch”, “Đạo dịch đến lúc cùng tất phải biến, đã biến thì thông, nhờ thông mà được lâu dài”.
Hệ từ truyện bàn luận chung về Kinh dịch, không bàn tới vị trí quẻ, cũng không bàn về quái tượng của từng quẻ. Vận dụng thuyết chọn tượng chỉ rõ tượng trưng sự vật của bát quái. Hệ từ truyện cho rằng Càn là thiên; Khôn là địa, Chấn có tượng của lôi (sấm); Tốn có tượng của phong (gió); Khảm có tượng của vũ (mưa), thuỷ, nguyệt (mặt trăng); Ly có tượng của hoả, nhật (mặt trời); Đoài có tượng là đầm, trạch; Cấn có tượng là sơn. Giải thích về hào tượng, sách có thuyết tam tài; trong mỗi quẻ kép có 6 hào được chia làm 3 nhóm gọi là tam tài (tam cực): hai nét hào trên cùng là thiên, hai nét hào ở giữa là nhân và hai nét hào dưới cùng là địa; tam tài (tam cực), tức là thiên, nhân, địa.
Sách cũng áp dụng thuyết chọn nghĩa và cho rằng: Càn là cương, kiện, dương; Khôn là nhu, thuận, âm; qua đó chỉ rõ tính chất của hai quẻ này và xây dựng thuyết cương nhu âm dương; cương là nét ngang liền (—), là dương; nhu là ngang đứt (- -). là âm; cương nhu bám vào nhau và âm dương xô đẩy nhau.
Thuyết hào vị (vị trí hào) trong Hệ từ truyện giới thiệu một số khái niệm vị trí trên, giữa, dưới, đương vị: sơ chỉ hào sơ là hào gốc (dưới); thượng (trên) hào thượng, hào cuối; trung (giữa) hào chỉ hào thứ 2 và thứ 5; hào nhu trung 1 chỉ hào thứ 2 (tức là vị trí âm, nhu và lại ở vị trí giữa của nội quái); đương vị tố là hào dương ở vị trí số lẻ và hào âm ở vị trí số chẵn; ngược lại là vô vị, thất vị (sai vị trí hay còn gọi bất đương vị).
Các nguyên lý cơ bản của Kinh dịch được trình bày trong Hệ từ truyện bao gồm ba quan điểm: thuyết một âm một dương, thuyết cương nhu và dịch với thiên địa (giải thích về trời đất).
Thuyết âm dương
Thuyết âm dương là tư tưởng tinh tuý trong Kinh dịch, xuất phát từ vạch liền (—) là dương và vạch đứt (- -) là âm. Khi giải thích quẻ Thái và quẻ Bĩ, Thoán truyện đã dùng thuyết âm dương để lý giải quái tượng và quái từ; giải thích quái hào từ của hai quẻ Càn, Khôn, Tiểu tượng truyện cũng đưa ra khái niệm âm dương; văn ngôn truyện thì đề xuất thuyết dương khí; đến Hệ từ truyện thì hoàn toàn dùng thuyết âm dương để giải thích quái tượng, hào tượng và khái quát các nguyên lý cơ bản của Kinh dịch. Hệ từ truyện lấy quẻ Càn là dương, quẻ Khôn là âm; đồng thời căn cứ vào số lượng hào âm, hào dương trong một quẻ để xác định quẻ âm, quẻ dương (quẻ dương nhiều hào âm, quẻ âm nhiều hào dương).
Hệ từ truyện rất chú trọng hai quẻ Càn và Khôn, sách viết: “Càn Khôn là cánh cửa của Dịch. Càn, dương; Khôn, âm. Âm dương hợp đức thì cương nhu hợp thể, là sự lựa chọn của trời đất, là đức tính của ánh sáng thần thông”. Ở đây, Càn là quẻ thuần tuý do các hào dương tạo thành, Khôn là quẻ thuần tuý do các hào âm tạo thành; 62 quẻ còn lại đều do hào dương của quẻ Càn và hào âm của quẻ Khôn được sắp xếp theo một trình tự nhất định mà tạo thành. Càn, Khôn là hai quẻ đặc biệt, đồng thời cũng là đại biểu của hào âm, hào dương. Trong 64 quái có tổng cộng 384 hào, song cũng không nằm ngoài hào dương (—) và hào âm (- -); vì vậy nắm chắc âm dương thì nắm chắc Càn Khôn, cũng tức là nắm chắc 64 quái. Đây là nguyên tắc cơ bản của việc dùng âm dương để tạo thành 64 quái và đặc biệt tính âm dương quan trọng trong triết lý của Kinh dịch.
Nguyên lý cơ bản của Kinh dịch được khái quát thành một âm, một dương như Hệ từ truyện viết: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo”. Nếu như tách rời hào âm và hào dương, tách rời biến dịch của âm dương thì không có biến hoá của quái hào và quái tượng, không có 64 quẻ và cuối cùng không có phép biến dịch trong Kinh dịch.
Nội hàm khái niệm âm dương trong Hệ từ truyện bao hàm rất rộng như: trời làm dương, đất làm âm; nhật làm dương, nguyệt làm âm; nóng là dương, lạnh là âm; ngày là dương, đêm là âm; cương là dương, nhu là âm; ánh sáng là dương, bóng tối là âm; tiến là dương, thoái là âm; quý là dương, tiện (thấp hèn) là âm; nam là dương, nữ là âm; quân (vua) là dương, dân là âm; quân tử là dương, tiểu nhân là âm, v.v…
Tóm lại, từ hiện tượng tự nhiên đến đời sống xã hội đều tồn tại hai mặt đối lập “một âm, một dương” và mọi sự biến hoá khôn lường cũng không ngoài hai mặt đối lập này. Đây là một cống hiến to lớn của Hệ từ truyện đổi với quá trình nhận thức thế giới của con người.
Thuyết cương nhu
Thuyết cương nhu cho rằng đặc trưng của hào tượng là biến động, hào là dùng để biểu hiện và nói rõ quá trình vận động biến hoá của sự vật; còn biến hoá của quái tượng và hào tượng bắt nguồn từ sự chuyển dịch lẫn nhau của hai hào âm dương tức là cương nhu. Hai loại cương nhu của hào tượng chuyển dịch lẫn nhau, một tiến một lùi cũng là đạo của tam tài “thiên địa nhân”, là quy luật vận động biến hoá của sự vật hiện tượng trong tự nhiên. Đây là khái quát triết lý đối với chuyển dịch cương nhu.
Trong quá trình cương nhu chuyển dịch, giữa các mặt đối lập có tác động tương hỗ lần nhau. Quá trình vận động và biến đổi, Hệ từ truyện đề xuất ba giai đoạn: cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu.
Dịch với thiên địa
Hệ từ truyện đề xuất thuyết “quan vật thủ tượng” tức là thông qua quan sát sự vật để chọn biểu tượng, sách viết: “Cổ xưa Bao Hy làm vua thiên hạ, ngẩng lên nhìn trời, cúi người nhìn đất, quan sát muông thú, nhìn gần nhìn xa, cuối cùng họa bát quái, hội tụ đủ thần thông chi đức, vạn vật chi tình”. Tượng của bát quái vốn ở trong vạn vật của trời đất, thánh nhân căn cứ hình tượng của vạn vật trong thiên địa để sáng tạo ra bát quái. Biến hoá của quái tượng, hào tượng trong bát quái đều bắt nguồn từ trật tự và từ sự biến hoá của vạn vật trong trời đất; triết lý của dịch đều bắt nguồn từ thế giới tự nhiên, là sự mô phỏng theo hình tượng và đồng nhất vối phép tắc của trời đất.
(Theo Kinh Dịch ứng dụng trong y học cổ truyền)