Tác phẩm chủ yếu giải thích hào từ và hào vị, đồng thời kết hợp chặt chẽ với thuyết chọn nghĩa. Tiểu tượng truyện trong giải thích hào từ nổi bật hai thuyết chính là thuyết chọn nghĩa và thuyết hào vị; tư tưởng chủ yếu bàn về tu dưỡng, luân lý đạo đức và chính trị. Nội dung của Tiểu tượng truyện được trình bày thành 5 phần sau: triết lý của Kinh dịch, lý giải nghĩa của câu chữ, giải thích tính chất của hào, chú giải vị trí của hào, chú thích nghĩa của hào.
Thông qua phân tích về thời và đặc biệt dùng các cặp quẻ lộn ngược để trình bày các triết lý của Kinh dịch.
Tác phẩm đi sâu giải thích các câu chữ trong Kinh một cách linh hoạt.
Phân tích, giải thích tính chất của hào: Tiểu tượng truyện dùng một số khái niệm âm dương, cương nhu, thuận, tòng v.v…
Thông qua 6 vị trí của hào trong một quẻ, tác phẩm có rất nhiều cách lý giải khác nhau: đối với hào sơ (hào thứ nhất) gọi là thuỷ (ban đầu), hạ (dưới), ty (thấp hèn), cùng (cuối cùng); hào tam gọi là nghi; hào tứ gọi là phản phúc; thượng hào gọi là: thượng, cang, chung, doanh.
Về ý nghĩa của 6 hào: Tiểu tượng truyện ngoài giải thích từng vị trí hào còn giải thích mối quan hệ giữa các hào. Thông qua quan hệ giữa các hào để giải thích nghĩa của hào từ, sách dùng một số ngôn từ: ứng, thặng, thừa, chí hành, v.v…
Phân tích vị trí của hào để giải thích nghĩa của hào, Tiểu tượng truyện đưa ra thuyết “đắc trung” và thuyết “đương vị”.
Trường hợp cửu nhị là hào dương ở vị trí giữa của nội quái thì gọi là đắc trung. Đắc trung được dùng để giải thích “cát” của hào từ, đắc trung còn được gọi là đắc trung đạo. Ví dụ về quẻ Giải, sách viết: “quẻ Giải cửu nhị trinh cát đắc trung đạo dã”. Đắc trung đạo ở đây tức là vị trí giữa để giải thích nguyên do tại sao hào từ được gọi là trinh cát.
Trường hợp hào âm ở vị trí số chẵn, hào dương ở vi trí số lẻ thì gọi là đương vị. Ví dụ: quẻ Lâm “quẻ Lâm lục tứ, chí lâm vô cữu, vị đương dã”. Sở dĩ hào từ nói “vô cữu” tức là không sai lầm, là vì trong quẻ Lâm lục tứ là hào âm ở vị trí số chẵn. Ngược lại, hào âm ở vị trí số lẻ và hào dương ở vị trí số chẵn thì gọi là “mất ngôi vị” hay “vị không ổn”.
Tiểu tượng truyện lấy đắc trung, đương vị làm điều kiện tiên quyết của hào cát. Hào mà vừa đắc trung, vừa đương vị thì tất là cát lợi. Ví dụ: “quẻ Tụng cửu ngũ, nguyên cát, dĩ trung chính dã”. Trung chính nghĩa là không những ở giữa mà còn ở đúng chỗ, cửu ngũ là hào dương ở vị trí số lẻ đồng thời lại ở giữa ngoại quái, cho nên gọi là nguyên cát (rất cát tường).
Về nhân sinh quan, Tiểu tượng truyện thể hiện tư tưởng phong kiên “trung quân” và “trọng nam khinh nữ”, về mặt tu dưỡng đạo đức thì Tiểu tượng truyện đề xướng quan điểm “tu thân” và “tu tỉnh”.
(Theo Kinh Dịch ứng dụng trong y học cổ truyền)