Thời kỳ nhà Nguyên đề cao nho học và quy định khoa mục thi cử dùng Kinh dịch của Chu Hy và Trình Di, cho nên Kinh dịch trở thành kinh học của quan trường. Đên thời nhà Minh thì Kinh dịch đời Tống càng được trọng dụng và trở thành hình thái học thuật chiếm địa vị thống trị, đặc biệt là Kinh dịch của Chu Hy.
Thời kỳ này kế thừa đồ thư học đời Tống kết hợp việc phát huy Hà đồ, Lạc thư và dịch học tiên thiên của Thiệu Ung… các học giả đi sâu nghiên cứu các dạng đồ thức khác nhau và dùng tượng để lý giải Kinh dịch, từ đó hình thành phái dịch đồ học. Có học giả thì lại đề xuất có số trước rồi mới có tượng như Lôi Tư Tề (đời Nguyên), người đại biểu của phái toán học lý giải Kinh dịch.
Lai Tri Đức (1525-1604) đại biểu của phái dịch đồ học trong tác phẩm “Dịch kinh lai chú đồ giải” không những đề cao tượng mà còn đề cao đồ hình, ông viết: “Bất kỳ dịch lý trừu tượng nào đều có đồ hình: tam tài có đồ hình; Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư càng có đồ hình”. Theo ông, tam thánh (Phục Hy, Văn Vương, Chu Công) đều dựa vào quái và hào tượng để vạch rõ hoặc thuyết minh lý giải Kinh dịch; cho nên tách rời quái, hào tượng thì không đủ cơ sở để bàn luận về Kinh dịch. Trong “Chu dịch tập chú”, ông diễn giải ra nhiều loại quái tượng, đồng thời lấy vật tượng được chọn để giải thích quái tượng đó, qua đó nói rõ mối quan hệ giữa quái hào từ và quái hào tượng, thuyết minh Kinh dịch là một hệ thống lô-gích và hoàn chỉnh.
Học giả đời Minh, Phương Dĩ Trí (1611-1671) không những kế thừa truyền thống của tượng học mà còn tiếp thu quan điểm của phái số học để xây dựng hệ thông lý luận bản thể của trường phái tượng số học trong Kinh dịch. Trong tác phẩm “Chu dịch thời luận hợp biên”, ông luôn coi trọng tượng số và thảo luận tiên thiên với hậu thiên, Hà đồ với Lạc thư, thái cực với hữu cực, quan hệ của khí âm dương ngũ hành với vạn vật, v.v…
Cuối triều Minh, Vương Phu Chi đã kế thừa truyền thống trường phái khí học và tượng học trước đó, đính chính nghĩa lý học của Trình Di, Chu Hy tranh luận với tượng số học và tiên thiên học của Thiệu Ung; xây dựng khí bản luận trong Kinh dịch. Bên cạnh đó trường phái Kinh dịch đời Tống vẫn được sự ủng hộ của quan trường đương thời.
Dịch học thời nhà Thanh là thời kỳ phục hưng của các trường phái Kinh dịch đời nhà Hán, đại biểu như: Huệ Đống, Trương Huệ Ngôn, Tiêu Tuần nghiên cứu tỷ mỉ các nội đung lý giải. Kinh Dịch của đời Hán, chú trọng giải thích từ ngữ trong kinh và truyện. Tác phẩm giải thích Kinh Dịch thời kỳ này cực phong phú song không có học giả và tác phẩm nổi trội.
(Theo Kinh Dịch ứng dụng trong y học cổ truyền)