Các trường phái dịch học thời Tống đi sâu nghiên cứu triết lý trong kinh và truyện làm cho thời kỳ này phát triển rực rỡ triết học của Kinh dịch cổ đại. Thời Bắc Tống đặc biệt tôn sùng Kinh dịch, họ kế thừa Kinh dịch của đời Đường và ra sức nghiên cứu Kinh dịch, coi Kinh dịch là sách giảng về triết lý. Kinh dịch là lý của vạn vật, giảng về quy luật biến hoá của vạn vật và nói về quy phạm của con người, chính vì thế mà Kinh dịch từng bước được hoàn thiện. Thời kỳ Bắc Tống có trên 60 học giả cũng như các nhà triết học, nhà tư tưởng nổi tiếng chú giải Kinh dịch như: Trần Đoàn, Hồ Viện, Chu Đôn Di, Thiệu Ung, Trương Tái, Trình Hạo, Trình Di, Âu Dương Tu, v.v…
Trần Đoàn (hiệu Hi Di) là người đầu tiên đề xuất tượng số học với nhiều đồ thuyết lý giải nguyên lý của Kinh dịch và sáng lập ra dịch học đồ thư. Sau đó kê thừa Trần Đoàn có Lưu Mục, người tôn sùng Hà đồ và Lạc thư; còn Lý Chi Tài thiên về thuyết quái biến. Tiếp đến Chu Đôn Di (Chu Liêm Khê) tập trung giảng giải tượng, xây dựng thuyết thái cực đồ, bàn luận về quá trình hình thành của vũ trụ.
Thiệu Ung (tức Thiệu Khang Tiết) (1011-1077) trong “Hoàng cực kinh thế’ đã chú trọng giảng số, dựa trên cơ sở số chẵn số lẻ mà giảng giải biến hoá của quái tượng. Ông chủ trương số sinh tượng, để xướng tiên thiên học và sáng lập ra phái toán học (tức phái số học) trong Kinh dịch. Ông dùng phép “nhất phân vi nhị” (tức là một phân thành hai) để giải thích quá trình hình thành của bát quái, 64 quái và vạn vật trong trời đất. Ông đặt diễn biến của hai số chẵn lẻ vào vị trí thứ nhất và áp dụng theo nguyên tắc toán học suy diễn ra bát quái, 64 quái trong phương viên đồ của Phục Hy và vạn vật trong trời đất; từ đó ông giải thích “Dịch hữu thái cực”. Theo ông tượng và số là những công cụ giúp cho ngôn ngữ biểu thị ý tưởng được rõ ràng mà dễ nắm được đạo lý, ông nói: “Có ý thì mới có lời, có lời thì tất có tượng, có tượng thì tất có số. Số và tượng làm cho lời và ý sáng tỏ”.
Tiếp đến Hồ Viện khởi xướng, sau đó là Trình Hạo (1032-1085) và Trình Di (1033-1107) với “Y xuyên dịch truyện” đã hình thành trường phái nghĩa lý học trong Kinh dịch. Trương Tái kế thừa thuyết khí luận của Khổng Dĩnh Đạt và tiếp thu ưu điểm của các trường phái khác, thông qua thảo luận về thái cực, lý khí, đạo khí vá các phạm trù khác đồng thời đề xuất học thuyết thực thể của hai khí âm dương hợp nhất là bản thể của vạn vật trong trời đất, từ đó xây dựng hình thành trường phái khí học trong Kinh dịch rồi cùng với phái toán học và phái nghĩa lý, tạo thế chân vạc trong triết lý thời Bắc Tống.
Thời kỳ Nam Tống: ba trường phái Kinh dịch là phái toán học (Thiệu Ung, 1011 – 1077), phái nghĩa lý học (Trình Di), phái khí học (Trương Tái) tiếp tục phát triển và quảng bá; nhất là trường phái họ Trình với tác phẩm nổi tiếng “Trình thị dịch truyện” được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Trình Di cơ bản kế thừa truyền thống dịch học của Vương Bật, đề cao thuyết chọn nghĩa; đồng thời bổ sung một số quan điểm mới, đề xuất thuyết quái biến làm nội dung cơ bản để giải thích quái hào từ. Dịch học của ông đã trở thành điển hình chú giải Kinh dịch của phái nghĩa lý học thời Tống Minh và có ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của Kinh dịch thời kỳ này.
Học giả nổi tiếng và tiêu biểu thời kỳ này còn Chu Hy (1130-1200), đứng trên lập trường của phái nghĩa lý học, ông đã dày công chú giải kinh, truyện trong Kinh dịch. Thông qua tổng kết quá trình phát triển của Kinh dịch từ thời Bắc Tống, ông chủ yếu thừa kế những nội dung chính trong Kinh dịch của Trình Di và tiếp thu các ưu điểm của các trường phái khác (như trường phái tượng số) xây dựng thành một tác phẩm Kinh dịch đồ sộ “Chu dịch bản nghĩa” tức là nghĩa gốc của Kinh dịch. Ông coi Kinh và Truyện là hai loại tác phẩm vừa khác biệt nhau vừa có quan hệ với nhau, hình thành trường phái bản thể luận lý học và có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển Kinh dịch của đời sau.
(Theo Kinh Dịch ứng dụng trong y học cổ truyền)