Ngũ hành tương sinh:
Học thuyết của âm dương ngũ hành gia. Một hình thức chuyển hóa lẫn nhau giữa năm chất mộc, hỏa, kim, thủy, thổ. Mộc ở phương đông, chủ về mùa xuân, khí dương dần thịnh, vạn vật sinh trưởng. Mộc sinh hỏa, hỏa ở phương nam, chủ về mùa hạ, khí dương cực thịnh, vạn vật tốt tươi. Hỏa sinh thổ, thổ là trung tâm, chủ về trưởng hạ, âm dương điều hòa, vạn vật chín muồi. Thổ sinh kim, kim ở phương tây, chủ về mùa thu, khí âm dần thịnh, vạn vật tiêu điều. Kim sinh thủy, thủy ở phương bắc, chủ về mùa đông khí âm cực thịnh, vạn vật héo tàn. Thủy lại sinh mộc, bắt đầu vòng tuần hoàn mới, Trong phái âm dương gia có người cho rằng lịch sử loài người cũng xoay vần theo qui luật thay đổi của ngũ hành tương sinh. Đời sau dựa vào đó mà dự đoán quan hệ vận mạng giữa người với người, như cát hung của ma chay cưới hỏi.
Ngũ hành tương khắc:
Còn gọi là ngũ hành tương thắng, học thuyết của âm dương ngũ hành gia. Một hình thức chuyển hóa lẫn nhau giữa năm chất mộc, hỏa, kim, thủy, thổ. Thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, cứ thế mà xoay vòng. Trong phái âm dương gia có người cho rằng sự phát triển của lịch sử loài người và sự thay đổi triều đại cũng xoay vần theo quy luật thay đổi của ngũ hành tương khắc. Người có đức thủy sẽ diệt được vương triều có đức hỏa. Người đức hỏa sẽ diệt được vương triều có đức kim. Người có đức kim sẽ diệt được vương triều có đức mộc. Người có đức mộc sẽ diệt được vương triều có đức thổ. Người có đức thổ sẽ diệt được vương triều có đức thủy. Đời sau dựa vào đó mà dự đoán vận mạng, cát hung của con người.
Ngũ hành phản vũ:
Học thuyết của âm dương ngũ hành gia. Chỉ hiện tượng khắc ngược trong quan hệ ngũ hành. Ngũ hành khắc thuận là thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thủy. Nhưng nếu cái bị khắc quá vượng thì sẽ khắc ngược trở lại hành khắc mình. Tức là thổ vượng mộc suy, thì mộc bị thổ khắc; thủy vượng thổ suy, thì thổ bị thủy khắc; hỏa vượng thủy suy, thì thủy bị hỏa khắc; kim vượng hỏa suy, thì hỏa bị kim khắc; mộc vượng kim suy, thì kim bị mộc khắc.
Ngũ hành phục cừu:
Học thuyết của âm dương ngũ hành gia. Chỉ quan hệ con phục thù cho mẹ trong ngũ hành sinh khắc. Tức là mộc khắc thổ, con của thổ là kim sẽ khắc mộc; kim khắc mộc, con của mộc là hỏa sẽ khắc kim; hỏa khắc kim, con của kim là thủy sẽ khắc hỏa; thủy khắc hỏa, con của hỏa là thổ sẽ khắc thủy; thổ khắc thủy, con của thủy là mộc sẽ khắc thổ.
Ngũ hành thuận nghịch :
Sự vận hành của khí ngũ hành mộc, kim, thủy, hỏa, thổ đều có đạo có thời của nó, đắc đạo thuận thời ắt là thuận; khí ngũ hành thuận, thì mộc, kim, thủy, hỏa, thổ đều có được tính của nó, nên sẽ xuất hiện điềm báo tốt lành. Mộc có được tính của nó (đắc tính), thì mưa thuận; kim đắc tính thì nắng thuận; hỏa đắc tính thì nóng thuận; thủy đắc tính thì lạnh thuận; thổ đắc tính thì gió thuận, ở chính sự thì có ngũ hưu là tiêu, nghệ, triết, mưu, thánh. Ở nhân sự thì có ngũ phúc là hiếu đức, khang ninh, thọ, phú, khảo chung mệnh. Thất đạo nghịch thời ắt là nghịch, khí ngũ hành nghịch, thì mộc, kim, thủy, hỏa, thổ đều mất đi tính của nó, nên sẽ xuất hiện điềm báo không tốt lành. Mộc mất tính thì mưa mãi; kim mất tính thì nắng mãi; hỏa mất tính thì nóng mãi; thủy mất tính thì lạnh mãi; thổ mất tính thì gió mãi. Ở chính sự thì có ngũ cứu là cuồng, tiếm, thư, cấp, mông, cùng các hiện tượng quái dị như lục cực, ngũ yêu, ngũ nghiệt, ngũ kha.
Ngũ vị:
1) Định vị năm phương là đông, nam, tây, bắc, trung tâm. Phối hợp với ngũ hành, mộc sinh ở đông, hỏa sinh ở nam, kim sinh ở tây, thủy sinh ở bắc, thổ sinh ở trung tâm. Chúng đều có thuộc tính, sản vật, phong tục của mình. Tố vấn, Thiên nguyên kỷ đại luận viết: “Trời có ngũ hành cư ở ngũ vị, để sinh hàn, thử, táo, thấp, phong”.
2) Phò tá trời cao, thần cai quản năm phương, tức Thái Hạo ở phương đông, Viên Đế ở phương nam, Thiếu Hạo ở phương tây, Húc Tu ở phương bắc, Hoàng Đế ở trung tâm.
Ngũ phương :
Tức đông, nam, tây, bắc, trung tâm. Theo thuyết ngũ hành, khí âm dương của năm phương không giống nhau, nên khí hậu, màu sắc, phong tục dân gian đều khác nhau. Phương đông là nơi khí dương bắt đầu động mà mạnh dần, sinh mộc, màu xanh, thần Thái Hạo của phương đông cai quản mùa xuân. Phương nam là nơi khí dương cực thịnh, sinh hỏa, màu đỏ, thần Viêm Đế của phương nam cai quản mùa hạ. Phương tây là nơi khí âm bắt đầu động mà mạnh dần, sinh kim, màu trắng, thần Thiếu Hạo của phương tây cai quản mùa thu. Phương bắc là nơi khí âm cực thịnh, sinh thủy, màu đen, thần Húc Tu của phương bắc cai quản mùa đông. Trung tâm là thổ, màu vàng, thần Hoàng Đế của trung tâm thống lĩnh thiên hạ.
Ngũ sắc:
Màu của ngũ hành. Mộc màu xanh, hỏa màu đỏ, kim màu trắng, thủy màu đen, thổ màu vàng. Thời cổ lấy ngũ sắc làm màu chính. Thượng thư, Ích tắc viết: “Căn cứ 5 màu mà dùng vải may quần áo trang phục, ngươi nên nhớ cho rõ”.
Ngũ vị :
Năm vị tương ứng với ngũ hành. Lễ ký. Nguyệt lệnh viết: “Thứ mũi ngửi thấy là mùi, miệng nếm được là vị”. Mộc tính cong thẳng, cong thẳng tạo toan, nên
có vị chua. Hỏa tính bốc lên, bốc lên tạo khổ, nên có vị đắng. Thổ tính trồng trọt, trồng trọt tạo cam, nên có vị ngọt. Kim tính theo đổi, theo đổi tạo tân, nên có vị cay. Thủy tính tươi nhuận, tươi nhuận tạo hàm, nên có vị mặn. Chua, đắng, ngọt, cay, mặn đều có thuộc tính của nó, trong ngũ hành quí nhất là thổ, trong ngũ vị quí nhất là ngọt.
Ngũ khứu:
Năm loại mùi tương ứng với ngũ hành. Lễ ký, Nguyệt lệnh viết: “Thứ mũi ngửi thấy là mùi, miệng nếm được là vị”. Vật lấy mộc để hóa nó, mùi của nó là gây; lấy hỏa để hóa nó, mùi của nó là khét; lấy thổ để hóa nó, mùi của nó là thơm; lấy kim để hóa nó, mùi của nó là tanh; lấy thủy để hóa nó, mùi của nó là thối. Gây, khét, thơm, tanh, thối đếu có thuộc tính riêng của mình.
Ngũ số:
Số trời và số đất của ngũ hành. Ngũ hành thành tượng ở trời, thành hình ở đất, mỗi cái có số của nó. Trời là dương, số là lẻ, tức 1, 3, 5, 7, 9. Đất là âm, số là chẵn, tức 2, 4, 6, 8, 10. Trời 1 đất 6 là thủy, trời 7 đất 2 là hỏa, trời 3 đất 8 là mộc, trời 9 đất 4 là kim, trời 5 đất 10 là thổ.
(Theo Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa)