Toàn bộ Kinh Dịch thể hiện ở một chữ dịch (dịch có nghĩa là biến: biến động, biến hóa, chuyển biến); thể hiện vạn sự vạn vật đều ở trong mâu thuẫn, vận động và biến hóa không ngừng. Trịnh Huyền (học giả nhà Hán) trong Dịch vĩ càn tạc độ viết: “Dịch có một tên gọi mà có bốn nghĩa: giản dịch, bất dịch, giao dịch và biến dịch”.
– Giản dịch: là không phức tạp, là chỉ “dùng cái đơn giản mà bỏ cái rườm rà”. Nói khác hơn là nắm vững nguyên lý biến dịch bát quái, hào tượng, vạn vật vũ trụ có thể quay về gốc của nó, dù đạo lý vũ trụ có thiên biến vạn hóa cũng có thể nắm được.
– Bất dịch (không thay đổi): trong chân lý của trời đất cũng có bất dịch, sự biến hoá của vạn vật trong vũ trụ bao giờ cũng diễn biến theo một quy luật bất di, bất dịch. Quy luật đó gọi là quy luật “thường”: động tĩnh hữu thường và vạn vật trong vũ trụ đều rất động nhưng vì có quy luật thường nên dù có động cũng không bị rối loạn (cái đó nhất định là cái đó).
Ví dụ: trong Kinh dịch quẻ Càn là thiên, tượng trưng cho trời; quẻ Khôn là địa, tượng trưng cho đất.
– Giao dịch: là trao đổi cho nhau, dịch là đạo âm dương mà luật âm dương là tương giao; âm dương tương giao mới có vạn vật, vạn vật mới sinh trưởng biến hoá được. Trong vạn thể, bất dịch là nguyên thể, giao dịch là ứng dụng.
Ví dụ:
+ Quẻ Càn giao dịch với quẻ Khôn thành các quẻ dương như quẻ Chấn, quẻ Khảm, quẻ Cấn.
+ Quẻ Khôn giao địch với quẻ Càn thành các quẻ âm như quẻ Tốn, quẻ Ly, quẻ Đoài.
– Biến dịch (thay đổi): là kết quả bất dịch khi đã có sự giao dịch, có biến thì mới hóa mà thông được. Đạo của dịch là biến và biến động mãi, chỉ có biến đổi là thích hợp. Theo Dịch lý: “dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu, tức là dịch biến đến cùng tất có biến đổi, có biến đổi mới có thông suốt, có thông mới có lâu dài.
Như vậy chữ “dịch” bao gồm cả 4 nghĩa: giản dịch, bất dịch, giao dịch và biến dịch: trong đó biến dịch đóng vai trò quan trọng nhất, vì cốt yếu của “dịch” là sự biến đổi không ngừng của vạn vật.