Lão Tử là một nhà tư tưởng kiệt xuất cuối thời Xuân Thu của Trung Quốc, là người khai sinh học phái Đạo gia. Ông họ Lý, tên Nhĩ, thường gọi là Lão Đam, là người lý Khúc Nhân, hương Lệ, huyện Khổ thuộc nước Sở (nay là huyện Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam), đã từng đảm nhận chức Thủ tàng sử thời Chu (chức quan giống như giám đốc thư viện quốc gia ngày nay), về sau, nhận thấy triều Chu suy vi, ông từ quan về ở ẩn.

Sau khi Đạo giáo chính thức xuất hiện, Lão được tôn làm giáo chủ. Đời nhà Đường, Đạo giáo được tôn làm quốc giáo, hoàng thất họ Lý nhận Lão Tử làm tổ tiên, Lão Tử được truy phong là “Huyền Nguyên hoàng đế”.

XUẤT THÂN THẦN KỲ

Theo kiến giải của kinh điển Đạo giáo, sự ra đời của Lão Tử là sự kiện hết sức thần bí. Kể rằng có một ngôi sao băng sa vào bụng mẫu thân ông, và bà mang thai suốt bảy mươi hai năm (có thuyết nói là tám mươi mốt năm). Ông sinh hạ từ nách trái của mẫu thân. Do thời gian Lão Tử sống quá lâu trong bụng mẹ, nên vừa mới sinh tóc của ông đã bạc trắng, cho nên người ta gọi là “Lão Tử”. Sau khi sinh, Lão Tử trông thấy bên cạnh có một cây mận (tiếng Trung gọi là Lý), bèn chỉ vào cây mận mà nói rằng: “Đây chính là họ của ta”. Thế là Lão Tử mang họ Lý.

Liên quan đến lai lịch của Lão Tử, thì cách kiến giải có sức mạnh nhất của Đạo giáo là: Lão Tử là bản nguyên của vạn vật, là tinh phách của trời đất, là bất sinh bất diệt. Ông căn cứ vào thế đạo khác nhau, biến thành những người khác nhau, đến với nhân gian, giáo hoá đại chúng, cứu vớt bách tính. Tương truyền, ông là Huyền Trung pháp sư thời Thượng Tam hoàng, là Kim Khuyết Đế Quân thời Hạ Tam hoàng, là Uất Hoa Tử thời Phục Hy, là Cửu Linh lão nhân thời Thần Nông, Quảng Thọ Tử thời Chúc Dung, là Quảng Thành Tử thời Hoàng Đế, là Xích Tinh Tử thời Chuyên Húc, là Lục Đồ Tử thời Đế Cốc, là Vụ Thành Tử thời Nghiêu, là Y Thọ Tử thời Thuấn, là Chân Hành Tử thời Hạ Vũ, là Thích Tắc Tử thời Thương Thang, là Văn Ấp tiên sinh thời Văn Vương…, Lão Tử bất sinh bất diệt, mãi mãi trường tồn, không ngừng bận rộn với việc cứu thế.

LƯỠI CÒN RĂNG MẤT

Lão Tử chủ trương sống không tranh chấp, lấy nhu thắng cương. Có một câu chuyện khá thú vị liên quan đến chủ trương này của ông. Theo thiên “Kính Thận” sách Thuyết Uyển, thầy của Lão Tử tên là Thường Túng. Thường Túng tuổi đã rất cao, có một lần, Thường Túng mắc bệnh nặng, Lão Tử trước sau thăm hỏi. Lão Tử thưa với thầy rằng: “Thầy mắc bệnh nặng, thầy có gì muốn nói với học trò không?”.

Thường Túng nói: “Khi đi qua cố hương của mình, nhất định phải xuống xe. Trò có biết vì sao không?” Lão Tử đáp: “Đi qua cố hương của mình nhất định phải xuống xe, chủ yếu là để nhắc nhớ nguồn cội của mình!”. Thường Túng nói với vẻ hài lòng: “Đúng thế, trò trả lời rất hợp ý ta”.

Thường Túng lại hỏi: “Khi qua một gốc cây cao lớn, nhất định phải bước nhẹ nhanh với sự tôn kính, trò có biết tại sao không?”. Lão Tử đáp: “Khi qua một gốc cây cao lớn nhất định phải bước nhẹ nhanh, chính là đế bày tỏ sự kính lão!”. Thường Túng lại tỏ ra hài lòng trước lời kiến giải của học trò.

Lúc này, Thường Túng mở miệng, hỏi Lão Tử: Trò xem xem lưỡi của ta có còn chăng?”

Lão Tử đáp: “Vẫn con”. Thường Túng hỏi tiếp: “Răng của ta có còn chăng?”. Lão Tử quan sát kỹ một lượt rồi đáp: “Chẳng còn cái nào”. Thường Túng hỏi: “Trò có biết tại sao lại thế không?” Lão Tử đáp: “Lưỡi tồn tại, phải chăng vì nó mềm? Còn răng lại mất, phải chăng vì nó quá cứng?”. Thường Túng hết sức hài lòng với chàng học trò thông tuệ của mình, nói: “Trò đáp hay lắm! Ta đã đem tất cả đạo lý của thiên hạ giảng cho trò rồi, chẳng còn gì phải nói thêm nữa”.

SỰ RA ĐỜI CỦA “ĐẠO ĐỨC CHÂN KINH”

“Đạo Đức chân kinh” vốn có tên là “Lão Tử”, là một trước tác triết học do Lão Tử viết. Bởi sách “Lão Tử chia làm hai thiên “Đạo”, “Đức”, cho nên đến đời Đường, được gọi là “Đạo Đức chân kinh”. Từ khi Đạo giáo chính thức xuất hiện, “Đạo Đức chân kinh” đã trở thành kinh điển của các môn đồ Đạo giáo. Còn việc soạn bộ kinh thư này, thì hoàn toàn không xuất phát từ sự tự nguyện của Lão Tử.

Căn cứ vào các sách “Sử Ký” cũng như ‘Thần Tiên truyện”, ngay khi Lão Tử tây xuất ra khỏi cửa Hàm Cốc, dự định mai danh ẩn tích, đã gặp Doãn Hỷ, viên quan canh cửa thành. Doãn Hỷ cũng là một người có đạo hạnh, ông dựng lầu cỏ để quan trắc tinh tượng, vân khí ở quê nhà.

Một hôm, ông trông thấy một làn mây tím từ đằng đông kéo đến, Cát tinh di chuyển về Tây, biết rằng sẽ có chân nhân đi qua đây, nên ông chú ý quan sát, cuối cùng đã gặp được Lão Tử. Khi nghe Lão Tử có ý ở ẩn, ông bèn khẩn cầu Lão Tử viết một điều gì đó cho mình, xem như là để lại chút tài sản tinh thần cho người đời. Lão Tử cảm động lòng thành của Doãn Hỷ, đã viết ra “Đạo Đức chân kinh” để tặng cho Doãn Hỷ. Bộ sách này rất ngắn, chỉ khoảng năm nghìn chữ. Tuy chỉ năm nghìn chữ ngắn ngủi, nhưng đối với chính trị, quân sự, kinh tế, văn học, tôn giáo của Trung Quốc đã có một tầm ảnh hưởng rất lớn. Đến ngày nay, bộ sách vẫn là bộ sách kinh điển được mọi người học tập, nghiên cứu. Nó còn được truyền sang nước ngoài, chiếm một địa vị quan trọng trong nền văn hoá thế giới.

Về sau, người ta đã dựng lầu cỏ ở quê cũ của Doãn Hỷ để làm kỷ niệm. Hiện nay, ở đây vân còn lưu giữ các di tích như đài thuyết kinh, cột buộc trâu, mộ Lão Tử.

(Trích từ sách “100 câu chuyện về Đạo Giáo”)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.