1.5. Thuật Phong Thủy thời Tống Nguyên
Môn Phong Thủy từ đời Tống, đời Nguyên trở về sau cơ bản vẫn tuân thủ trạng thái cũ, về chiêm pháp không có sáng tạo mới. Nhưng đứng ở góc độ cục bộ mà nói, do ảnh hưởng một số triết gia phái Tượng Số học nên thuật Phong Thủy ở thời kỳ này có một số phép tắc cá biệt như các thuyết thứ tự của bát quái, phương vị của bát quái, Hà Đồ Lạc Thư và các thần sát v.v…
Ngoài ra còn hai điều đáng lưu ý: Một là, người ta rất chú trọng nhà ở và ít đề cập đến Âm trạch hơn thời kỳ trước; hai là, có một số ghi chép về thuật Phong Thủy lại do chính những nhà Nho nghiêm túc viết như Cao Tự Tôn, Hồng Mại, Viên Thái, v.v…
Danh sư Phong Thủy thời kỳ này phải kể đến Lại Văn Tuấn, tự là Thái Tố. Tiểu sử của ông mang nhiều huyền thoại rất khó khảo cứu. Tương truyền ông rất tinh thông thuật Tướng Địa, từng làm quan ở huyện Kiên Dương, tỉnh Phúc Kiến; sau đó từ quan rồi chu du khắp nơi, hành trang chỉ có một bầu rượu giắt lưng, tự cho mình có trọng trách tầm long điểm huyệt để cứu nhân độ thế. Ông thường tự xưng là Bố Y tử (kẻ áo vải), người đời tôn xưng ông là “Tiên Tri sơn nhân” hoặc gọi ông là Lại Bố Y tiên sinh .
1.6. Thuật Phong Thủy thời Minh Thanh.
Vào thời Minh Thanh, thuật Phong Thủy không những rất thịnh hành trong dân gian mà ngay cả giới Nho sỹ cũng ưa chuộng. Trong thời kỳ này có nhiều công trình ghi chép thực tế về Phong Thủy liên quan tới hoàn cảnh địa lý của đất nước Trung Quốc.
Trong số các đại sư Phong Thủy thời kỳ này, người ta phải kể tới Lưu Cơ. Ông tự là Bá Ôn, người Thanh Điền (nay thuộc tỉnh Triết Giang), đỗ tiến sỹ năm Nguyên Thống đời Nguyên, về sau Chu Nguyên Chương khởi binh, ông theo phò tá và được trọng dụng. Khi triều đại nhà Minh thành lập, ông là người tham dự mọi công việc chế định khoa cử, luật pháp và lễ nghi. Tuy “Minh Sử” không có ghi chép gì về thuật Phong Thủy của ông, nhưng trong dân gian truyền tụng rất nhiều giai thoại về việc ông liên quan tới thuật Phong Thủy. Trong giới Phong Thủy gia, Lưu Cơ được xem là bậc thầy, là một người để lại dâu ấn khá sâu đậm trong lịch sử môn Phong Thủy.
Càng về sau, môn Phong Thủy càng được ứng dụng phổ cập trong dân gian, nội dung chiêm đoán càng lúc càng dung tục. Trong cách chiêm đoán Âm trạch và Dương Trạch, các thuyết như Bát Quái, Cửu Tinh, và Chiêm Mệnh Ngũ Tinh đều được phối hợp thật phức tạp.
Đến cuối đời Thanh, bộ “Thẩm thị Huyền Không học” do Thẩm Trúc Nhưng trứ tác, được xem là tập đại thành và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ bí truyền của phái lý khí.