1.4. Thuật Phong Thủy thời Tùy Đường.
Thuật Phong Thủy trong truyền thống văn hóa Trung Quốc tới thời Tùy Đường đã hoàn chỉnh hệ thống, nó thâu gồm nhiều môn loại lý luận và nội dung của các phép chiêm đoán đã có trước đó, từ đó lập nên một khuôn phép riêng cho mình. Điều ngày nay chúng ta gọi là Phong Thủy, đứng về mặt chỉnh thể có thể nói là nhờ vào thời kỳ này mà thành thục.
Ở thời đại Tùy Đường, người ta xem trọng và trùng tân lý luận Kham Dư đời Hán, trong cách chiêm đoán mồ mả và nhà ở (tức Âm trạch và Dương Trạch) không chỉ có thuật số phương vị, mà còn có lý luận Hình Pháp Tướng Địa; trong môn Dương Trạch có thuyết Âm Dương Ngũ Hành, trong Táng thuật cũng có thuyết Âm Dương Ngũ Hành. Đương thời thư tịch về lĩnh vực này xuất hiện khá nhiều, nhưng không thiên về một khuynh hướng nào như các thời đại trước, đây chính là đặc trưng của thuật Phong Thủy thời kỳ này.
Đời Đường có rất nhiều nhà sư biết thuật Phong Thủy, trong số đó Tư Mã Đầu Đà là người khá nổi tiếng, tương truyền ông vân du nhiều nơi, từng đi qua hơn 170 ngọn núi, về sau phát hiện ở Hồ Nam một ngọn núi kết long mạch, bèn xây chủa Đồng Khánh ở đó.
Triều đình nhà Đường lập ra Thiên Giám ty, các quan viên làm việc ở Thiên Giám ty đều tinh thông Phong Thủy. Dương Quân Tùng, một nhà Phong Thủy trứ danh được tôn làm tổ sư của Hình phái, cũng từng làm quan ở Thiên Giám ty, sau đó ông từ quan về Giang Tây mở trường dạy học, hình thành trường phái Phong Thủy Loan Đầu ở Giang Tây. Tương truyền ông tên là ích, tự là Thúc Mậu, Quân Tùng là hiệu. Ông được người đương thời tôn xưng là Cứu Bần tiên sinh (ông thầy cứu nghèo, vì những người được ông xem Phong Thủy đều phát đạt lên).
Từ đời Đường trở về sau, thuật Phong Thủy bắt đầu chia ra phái hệ rõ rệt. Một phái xem trọng hình thế, hình pháp, thế núi; hoạt động mạnh ở vùng Giang Tây. Một phái xem trọng lý khí, phương vị; hoạt động mạnh ở Phúc Kiến.
Thật ra về lý thuyết thì hai phái gần như không thể tách biệt nhau hẳn, Hình phái cũng bàn về phương vị, Lý phái cũng phối hợp hình thế, chỉ có điều điểm mà họ nhấn mạnh lại khác nhau. Có một số nhà Phong Thủy chủ trương dung hợp lý thuyết hai phái để ứng dụng. Tuy vậy, Hình phái lưu truyền rộng rãi trong dân gian hơn, vì dễ hiểu và ít có điều cấm kỵ. Còn phái Lý Khí càng lúc càng bí truyền, họ chủ trương chỉ truyền khẩu quyết trực tiếp cho một số đệ tử được chọn lọc mà thôi.